Thứ hai, 20/4/2015 | 15:06 GMT+7
Cuộc chiến trong lòng đất ở Campuchia
2,7 triệu tấn bom đã được quân đội Mỹ rải xuống đất Campuchia trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Hơn 40 năm, những trái bom chưa nổ vẫn là nỗi ám ảnh của những con người nơi đây.
Những người Việt Nam di chuyển bằng đường bộ sang Phnom Penh chắc chắn sẽ biết đến phà Neak Leoung, nơi những đoàn xe khách phải chen chúc chờ hàng chục phút, thậm chí xếp hàng cả tiếng để lên phà. Nhưng hẳn ít người biết rằng tại sao mãi chính phủ Campuchia không xây ở tuyến đường quan trọng này một cây cầu: dưới lòng sông qua thị trấn Neak Leoung, đầy những trái bom chưa nổ.
Nỗi ám ảnh bom mìn
Ngày 6/8/1973, 30 tấn bom đã được thả từ B52 xuống vùng dân cư này, trong một hoạt động mà người Mỹ gọi là “ném bom nhầm”. Có một thời, bom rơi trên đất Campuchia dễ dàng như thế. Sự kiện tiêu biểu đến mức đã đi vào phim ảnh, được mô tả trong bộ phim “Cánh đồng chết” đoạt 3 giải Oscar năm 1985.
Ở Campuchia, có một dạng bản đồ phân chia vùng miền đặc biệt: bản đồ bom và mìn. Nó được chia làm hai phần Tây và Đông. Phía Tây là dày đặc những bãi mìn mà quân Pol Pot đã chôn trong nỗ lực phản kháng sau năm 1979. Phía Đông, là hàng triệu tấn bom mà quân đội Mỹ đã trút xuống trong giai đoạn từ 1965 đến 1973, trong đó nhiều quả chưa nổ. Xếp hai vùng ấy cạnh nhau, đất nước không còn một khoảng trống.
Từ năm 1979 đến 2013, 64 nghìn người Campuchia thiệt mạng hoặc chịu thương vong nặng vì bom mìn.
Bản đồ của 113.716 khu vực (màu đỏ) mà Mỹ đã thả bom xuống Campuchia.
|
Tận 42 năm sau khi quân đội Mỹ ngừng ném bom ở Campuchia, số người chết vì bom mìn vẫn tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển. Tỉnh Kapong Cham phát triển hơn, nên năm ngoái chết đến 37 người. Tỉnh Svay Rieng nghèo nhất vùng, người chết ít hơn. Quỹ đất mở rộng đến đâu thì hiểm nguy tới đến đó. Những con số lạnh lùng nói rằng đất nước này vẫn còn đang trong một cuộc chiến.
Ký sự truyền hình "Phía tây biên giới - 40 năm sau" được khởi chiếu lúc 21h15 trên kênh Truyền hình Quốc phòng.
|
Campuchia là nơi bạn có thể gặp một người nông dân mù chữ, nhưng lại phát âm được một cái tên bằng tiếng Anh: CMAC – tên của cơ quan giải quyết bom mìn Campuchia. “Xi-mác” đi phía trước, nông dân đi theo sau, lấy lại quỹ đất từ bóng ma bom mìn cho người Campuchia. Lực lượng này đã di chuyển suốt 20 năm qua, bắt đầu từ những bãi mìn ở phía Tây – nơi có nguy cơ sát thương cho con người cao hơn – cho đến những bãi bom ở miền Đông đất nước.
Những biển báo thế này có ở khắp nơi tại Campuchia.
|
Những người lính không quân hàm
Từ tháng 4 này, những người đi từ TP.HCM đến Phnom Penh sẽ không còn phải chờ phà nữa: cầu Neak Leoung, cây cầu dài nhất Campuchia, đã được xây dựng nối liền mạch quốc lộ 1A với Việt Nam. Và điều đó được thực hiện sau rất nhiều nỗ lực rà phá bom dưới lòng sông của CMAC.
“Chính phủ các bạn có tiền, nên quân đội đi giải quyết bom mìn” - ông Som Viraek, lãnh đạo đội 5 của CMAC ở tỉnh Kampong Cham cười nói. “Campuchia nghèo lắm, nên phải lập nên tổ chức dân sự, để xin tài trợ của nước ngoài”.
Trên bàn làm việc của ông là lá cờ Campuchia đặt cạnh cờ Mỹ. Chính nước Mỹ, bây giờ là nhà tài trợ lớn nhất của Campuchia trong việc giải quyết những quả bom “made in USA” còn đang nằm lại trên đất nước này.
Một nhân viên CMAC đang làm nhiệm vụ.
|
Nếu muốn đến thăm các thành viên CMAC đang làm nhiệm vụ, bạn sẽ phải điền vào một quyển số “Liên hệ công tác” đặc biệt. Ở đó, như mọi cuốn sổ “liên hệ công tác” khác ở nước ta, có tên, nơi làm việc, mục đích đến làm việc... Chỉ khác ở một mục có thể khiến bạn lạnh người: bên cạnh tên, bạn sẽ phải viết vào đó nhóm máu của mình. Rồi sau đó, bước qua một lằn ranh màu vàng căng trên mặt đất, qua một tấm biển màu đỏ rực in đầu lâu xương chéo ghi rõ “Có mìn”, đi qua một con đường mòn nơi họ đang làm việc và hy vọng rằng thông tin về nhóm máu của mình không bao giờ phải dùng đến.
Không phải là lính, chỉ một số ít trong những thành viên tác chiến hiện trường của CMAC được đào tạo quân sự. Còn lại, họ là những nhân viên dân sự bình thường, hưởng mức lương trên dưới 250 USD một tháng để “lang thang” trong những bãi bom với thiết bị dò tìm trên tay.
Hầu hết họ đều bỏ lại gia đình ở quê hương, như những người lính thời chiến. “Chúng tôi vẫn còn một cuộc chiến đấy chứ, và hy sinh là lẽ thường thôi” - ông Som Vireak đã xa vợ con suốt 20 năm, thỉnh thoảng mới qua nhà được một lần. Quê ông ở miền Tây, nơi CMAC bắt đầu sự nghiệp với những bãi mìn của Pol Pot, và ông cứ thế mải miết đi dọc Campuchia suốt hơn 20 năm qua.
Có những người đã bỏ mình lại trong cuộc hành trình dài ấy. Mới tháng 3 vừa qua, ông Som Vireak còn phải tới dự đám tang của một đồng nghiệp. Ông Pen Sisivannak, một người đã gắn bó với CMAC 17 năm, đã chết trong một vụ nổ trên bãi bom khi làm nhiệm vụ ở tỉnh Pailin.
Hỏi một thành viên khác, ông Pok Po Ranny, người đang làm nhiệm vụ trên bãi mìn, rằng đi xa như thế, có nhớ con cái không. Ông bảo rằng có, nhớ chứ. Thế con cái có nhớ bố không? Không, chúng quen rồi, lâu quá rồi, chẳng nhớ bố nữa. Rồi ngẫm nghĩ một lúc, chen vào một câu tiếng Việt mà ông còn nhớ: “Tiếng Việt gọi là bình thường”.
Ông Pok Po Ranny: "Đi lâu quá, con cái cũng quên rồi".
|
Những nhân viên CMAC, tay cầm thiết bị dò tìm, đi trên vùng có bom dưới cái nắng gần 40 độ C. Nhưng hỏi xin một ngụm nước thì họ không có: phải đi bộ cả cây số ra ngoài vùng tìm kiếm, mới có bình nước lớn trên xe. Chúng tôi hiểu rằng ngay cả nước đóng chai cho những người này, có thể cũng là một vấn đề về kinh phí.
“Tiếng Việt gọi là bình thường”, nên mọi thành viên của CMAC đều tỏ ra thanh thản và hay cười. Nhưng trong thâm tâm, họ cũng như bất kỳ người dân Campuchia nào, mong rằng công việc của mình sẽ đến ngày hoàn toàn kết thúc. “Nếu ngày mai mọi thứ kết thúc, tôi muốn mở một trang trại nhỏ, để trồng xoài” - ông Som Vireak, đã gần tuổi 60, tâm sự về mong ước của mình.
Đức Hoàng
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-chien-trong-long-dat-o-campuchia-3203414.html
Thứ bảy, 18/4/2015 | 16:09 GMT+7
'Chiến dịch thực đơn' của Tổng thống Nixon
Một trong những chiến dịch có cái tên mỉa mai nhất của chiến tranh Việt Nam là "Chiến dịch thực đơn" với một chuỗi cuộc ném bom hủy diệt, được đặt tên theo những bữa ăn.
Sáng ngày 18/3/1969, tại Lầu Năm Góc, trong khi dùng bữa sáng, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ nghĩ ra một ý tưởng. Đến đầu giờ chiều, nó trở thành một quyết định.
"Ngày lịch sử. Chiến dịch bữa sáng của K. đã được thông qua lúc 2 giờ chiều. K. rất phấn khích. P. cũng thế", chánh văn phòng Nhà trắng Haldeman viết trong nhật ký của mình. K. là Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, còn P. là President, Tổng thống Nixon. Họ đặt tên cho chiến dịch của mình là "Operation Breakfast" ("Bữa sáng") để nói về thời điểm nó được đưa ra.
Bữa sáng của Nixon
Trong đêm hôm đó, B52 được lệnh xuất kích từ Guam. Những phi công tin rằng mình sẽ ném bom một số địa điểm tại miền nam Việt Nam. Họ không biết rằng mình đang thực hiện một chiến dịch bí mật: một cuộc ném bom rải thảm lên đất Campuchia, nhằm ngăn chặn "ảnh hưởng của Bắc Việt". Nixon ý thức rất rõ sự nghiêm trọng của việc ném bom rải thảm một đất nước không tham chiến, và "Bữa sáng" của ông được thực hiện hoàn toàn trong bóng tối. Quốc hội và người dân Mỹ không hề hay biết.
Làng sát biên Prey Kdei là nơi những quả bom B52 đầu tiên rơi xuống đất Campuchia.
"To lắm", ai cũng nói, rồi dang hết tầm tay để mô tả những quả bom đã rơi xuống ngôi làng này. Họ không thể nhìn thấy máy bay ở độ cao 10 km đang rải thảm xuống làng, nhưng họ biết tên chúng. Đó là "bê năm hai". Họ gọi chúng bằng một cái tên tiếng Việt. Những chữ "bê năm hai" cứ pha trong những câu tiếng Khmer như là một bóng ma của cuộc chiến. "Thỉnh thoảng nằm mơ vẫn thấy tiếng máy bay", ông Mann Ran kể. Cha mẹ ông đã mất trong những trận bom ấy. Người em gái Mann Ran mất một cánh tay, được quân y Bắc Việt cứu sống.
Khắp làng Prey Kdei là những hố bom khổng lồ.
|
"Bữa sáng" bí mật của Nixon được tiếp nối bằng một loạt các chiến dịch ném bom rải thảm vùng phía đông Campuchia. Chúng cũng được đặt tên theo các bữa ăn: Lunch (Bữa trưa), Dinner (Bữa tối), Dessert (Tráng miệng), Supper (Bữa lót dạ),... tụ lại thành một "Chiến dịch thực đơn" khổng lồ.
Trong vòng 4 năm từ 1969 đến 1973, Mỹ đã thả lên đất Campuchia 2,7 triệu tấn bom, nhiều hơn cả khối lượng bom mà toàn bộ phe Đồng Minh đã thả trong Thế chiến thứ hai, tính cả hai quả bom nguyên tử rơi xuống nước Nhật.
Nixon muốn bí mật sử dụng "Pháo đài bay" để tạo ra lợi thế trên bàn đàm phán Paris và thúc đẩy quá trình Việt Nam hóa chiến tranh. Và như hầu hết những cuộc ném bom rải thảm trong cuộc chiến, nó trở thành những cuộc tàn sát dân thường.
Quyết định sai lầm
"Bữa sáng" năm 1969 có thể coi là một quyết định sai lầm trong sự nghiệp chính trị của Nixon. Sau khi việc ném bom Campuchia bị lộ, tâm lý phản chiến lên cao hơn từ cả người dân và quốc hội. Cũng trong giai đoạn đó, vì lo sợ chiến dịch này bị lộ, Nixon đã tiến hành nghe trộm điện thoại của nhà báo, khởi đầu cho một chuỗi hành động phi pháp nhân danh an ninh quốc gia mà sau này khiến ông trở thành tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử phải rời ghế giữa nhiệm kỳ.
Nước mắt và tình yêu
46 năm sau, nhiều người vẫn chưa quên nỗi kinh hoàng những ngày ấy. Chỉ nghe đến chữ "bom", bà vợ ông trưởng làng Hin Soun, dù không thực sự hiểu những vị khách đang muốn tìm hiểu gì, chỉ tay ra vườn. Ở đó có một cái ao nước đọng. Đó là một hố bom B52. Họ đã sống bên những cái ao như thế suốt mấy mươi năm qua.
Hơn 40 năm, nước mắt vẫn rơi trên mảnh đất Prey Kdei cằn cỗi này, khi nhớ về những chiếc "bê năm hai" ngày ấy. Nước mắt cứ trào ra trên mắt ông Chan Mith khi người ta hỏi về cha mẹ ông. 5 tuổi, ông mất cả cha lẫn mẹ, một mảnh thi hài để chôn cũng chẳng tìm thấy. Chẳng ai biết Chan Mith, và bao nhiêu đứa trẻ của vùng biên giới với Việt Nam này, đã làm thế nào để qua được những ngày tháng côi cút ấy mà tồn tại. Ông nói rằng đến bây giờ mình vẫn chưa kể hết cho con cái về những cái chết ngày ấy.
Ông Chan Mith không cầm được nước mắt khi nhớ về cha mẹ.
|
Làng Prey Kdei hôm nay vẫn nghèo, chỉ có cát trắng mịt mù và nắng gắt. Không có cả điện, nhà nào "giàu" nhất thì có tấm pin mặt trời để thắp sáng. Một trong những lý do khiến cho cả vùng giáp biên này nghèo là bởi đất đai của họ đầy những quả bom, không làm nông được. Chính phủ Campuchia cũng không đủ ngân sách để giải phóng số lượng bom khổng lồ mà người Mỹ đã ném xuống.
Chính bữa sáng đẫm máu của Nixon, chứ không phải biện pháp tuyên truyền nào, khiến cho những người nông dân chất phác ở phía tây biên giới này chọn phải hành động.
"Một phần vì Quốc vương Sihanouk kêu gọi, một phần vì khổ lắm, ăn bát cơm không ngon, nước mắt nước mũi cứ chảy ra, nghĩ đến bom sắp rơi xuống chẳng biết lúc nào", ông Hin Soun kể về lý do ông tham gia Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia. Hỏi Hin Soun rằng cầm súng chiến đấu như thế, bây giờ có được đãi ngộ gì không, ông bảo, "không được gì, được mạng sống là cái quý nhất rồi".
Nhưng trong những cơn mưa bom ngày ấy, có cả tình yêu. Ông Chan Mith và bà Mann Phol, hai người đều mất cả cha lẫn mẹ trong những trận bom ấy, đã trở thành vợ chồng. Chàng trai và cô gái mồ côi đều rất nghèo. 20 năm cưới nhau, họ mới dựng được một túp nhà tranh, bây giờ cũng đã xiêu vẹo nhiều. Bà Mann Phal hơn ông Chan Mith đến 10 tuổi, lại mất một cánh tay vì bom, nhưng có lẽ sự đồng cảm về số phận đã đưa họ đến với nhau.
Bà Mann Phol (trái), vợ ông Chan Mith, cũng mồ côi vì bom đạn.
|
Làng Prey Kdei nghèo, nhưng không đói. Họ trồng sắn, như một ẩn dụ, bởi đó là loài cây của những mảnh đất cằn. Trưởng làng Hin Soun kể mỗi năm ông trồng sắn cũng được chừng 10 triệu riel (50 triệu đồng tiền Việt). Thế là đủ sống. Ở góc sân nhà Chan Mith, ông cũng đã đúc được chục cái cọc bê tông. Ông bảo, kiểu gì cũng có cái nhà sàn kiên cố để lại cho con.
"Bom đạn nhiều thế, sao không bỏ làng mà đi?", chúng tôi hỏi Hin Soun khi ngồi cạnh ông trong một hố bom cạnh ruộng sắn. "Vì yêu quê. Ở làng với nhau, có bom thì cùng chạy, hết bom lại quay về xây làng, gắn bó với nhau rồi", ông bảo. Bây giờ thanh niên trong làng cũng có nhiều người đi làm xa, sang cả Việt Nam, Thái Lan, "nhưng rồi chúng nó cũng quay về thôi, ở đây còn nhiều đất đai, nuôi được hết mọi người", ông nói chắc nịch, như một lời khẳng định chứ không phải ước mơ.
Đức Hoàng
- Các loại pháo Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (26/4)
- Sê Pon - mảnh đất Lào mang đầy vết sẹo bom Mỹ (25/4)
- Các loại súng Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam (24/4)
- Số phận nghiệt ngã của đứa con nuôi Babylift (24/4)
- Đằng sau bức ảnh biểu tượng 'Sài Gòn thất thủ' (23/4)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/chien-dich-thuc-don-cua-tong-thong-nixon-3202746.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten