zondag 1 maart 2015

Tuần hành tưởng nhớ Nemtsov ở Moscow

Tuần hành tưởng nhớ Nemtsov ở Moscow

  • 1 tháng 3 2015

Hiện chưa có kết luận về thủ phạm ám sát ông Nemtsov

Hàng ngàn người đã đem hoa và nến đến tưởng nhớ ông Boris Nemtsov, chính khách đối lập hàng đầu tại Nga, tại nơi mà ông đã bị bắn chết ở thủ đô Moscow.
Một cuộc tuần hành của phe đối lập do ông Nemtsov dự định sẽ tổ chức ở Moscow vào hôm nay Chủ nhật ngày 1/3 đã trở thành một cuộc tập hợp tưởng nhớ ông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án vụ ám sát ông Nemtsov hôm 27/2 và cam kết sẽ truy lùng hung thủ.
Tuy nhiên các đồng minh của ông Nemtsov cho rằng đây là vụ ám sát có động cơ chính trị mà nguyên nhân là sự chống đối ông Putin và cuộc chiến ở Ukraine.

Lên án Putin

Khi màn đêm buông xuống, hoa tưởng niệm chồng lên cao đến hai mét trên cầu Moskvoretsky.
Ông Alexander Badiyev, một trong những người tham gia tuần hành, nói: “Không nghi ngờ gì nữa, vụ ám sát này là mệnh lệnh của ông Putin. Nó cho chúng ta thấy số phận của những người chống đối sẽ như thế nào.”

Ông Mark Galperin, một nhà hoạt động đối lập, nói: “Mọi người rất e ngại không dám ủng hộ phong trào của chúng tôi. Các nhà hoạt động đối lập nhận được những lời đe dọa hàng ngày và ông Boris cũng không là ngoại lệ. Nhưng tất cả đều không làm chúng tôi chùn bước.”
Ông Grigory Yavlinsky, cựu lãnh đạo Đảng Yabloko, nói: “Trách nhiệm chính trị trong vụ ám sát này thuộc về chính quyền và cá nhân Tổng thống Putin.”
Từ hiện trường cuộc tập hợp tưởng nhớ ở Moscow, phóng viên Sarah Rainsford của BBC tường thuật:
“Một núi hoa tại đúng nơi mà Boris Nemtsov bị bắn nằm ngay cạnh Điện Kremlin.
Người ta đã buộc các bó hoa vào thành cầu và các cột điện. Họ cũng đem đến những bức ảnh, những biểu ngữ và những câu thơ viết tay. Trong đó có ‘Je Suis Boris’, ‘Boris, bọn chúng phải sợ anh. Một người đàn ông đứng riêng với khẩu hiệu: “Bốn viên đạn bắn vào anh cũng là bốn viên đạn ghim vào lòng tôi.
Nhiều người ở đây tin rằng Boris Nemtsov bị sát hại vì lập trường chính trị của ông. Họ buộc tội Tổng thống Putin đã thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc đến chỗ nguy hiểm đến mức những nhà bất đồng chính kiến được xem là những kẻ phản quốc – tức những kẻ nội thù.”

Bôi nhọ nước Nga?


Ông Nemtsov là người chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của ông Putin
Trong khi đó, một số đại sứ các nước châu Âu đã đến đặt vòng hoa.
Cựu Đại sứ Anh Tony Brenton nói với BBC rằng ‘ở Nga đã có một bầu không khí phấn khích chính trị’.
“Và chính không khí đó đã tạo điều kiện cho những nhóm cựu quân nhân cánh hữu trỗi dậy. Rất có thể một nhóm trong số đó đứng sau vụ ám sát ông Boris,” ông Brenton nói thêm.
Ủy ban Điều tra Nga cho biết họ đang xem xét một số động cơ có khả năng, trong đó có việc ông Nemtsov phản đối cuộc chiến ở Ukraine, cuộc sống riêng và hoạt động chính trị của ông, các nhóm Hồi giáo cực đoan hay âm mưu gây bất ổn cho nước Nga.
Một số những nhân vật ủng hộ chính phủ nhận định rằng ông Nemtsov đã bị đưa ra làm con chốt thí để cho thấy tình hình nước Nga rất tồi tệ.
Ông Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Chechnya được Putin hậu thuẫn, cáo buộc: “Các lực lượng đặc biệt của phương Tây đang tìm mọi cách để tạo ra một cuộc xung đột nội bộ trong lòng nước Nga.”

Các nhà ngoại giao các nước đến đặt hoa tại nơi ông Nemtsov ngã xuống
Một số người khác thì cho rằng nguyên nhân có thể là sự thù hằn cá nhân với cuộc sống và hoạt động làm ăn của ông Nemtsov.
Ông Nemtsov được cho là đang chuẩn bị hồ sơ phúc trình về sự can dự của quân đội Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

‘Ông ta sẽ giết con’

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói: “Ông Boris đã tuyên bố rằng ông sẽ cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự tham gia của lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine. Một số người đã lo ngại điều này nên họ đã giết ông ấy.”
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án vụ việc này là ‘sát hại dã man’.

Chính phủ Nga phải tiến hành ‘điều tra không thiên vị và minh bạch ngay lập tức’, ông Obama kêu gọi.
Trong một điện tín gửi đến mẹ của ông Nemtsov được trang web của Điện Kremlin đăng tải, ông Putin đã cam kết sẽ đưa hung thủ ra trước công lý. Ông cũng ca ngợi sự cởi mở và trung thực của ông Nemtsov.
Nemtsov từng là phó thủ tướng thứ nhất dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin vào những năm 1990 nhưng sau đó đã thất sủng dưới thời ông Putin và trở thành một nhân vật đối lập mạnh mẽ.
Mới đây ông đã nói trên tờ tuần báo Sobesednik rằng mẹ ông rất lo lắng cho ông.
“Mẹ tôi lo lắng về Putin hơn là về Ukraine. Hễ mỗi lần tôi gọi cho mẹ, bà ấy đều nói: “Khi nào con mới dừng chọc tức Putin? Ông ta sẽ giết con mất.”

Tin liên quan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/03/150301_nemtsov_memorial_rally

Boris Nemtsov bị sát hại: Chính quyền Nga dần trấn áp đối lập?
Vụ lãnh đạo đối lập Nga bị sát hại là thời sự nóng bỏng nhất, ngự trị trên hầu hết các trang nhất báo Pháp. “Hàng ngàn người biểu tình tại Matxcơva sau vụ ám sát Boris Nemtsov” là hàng tít trên trang nhất của Le Figaro. Đồng thanh tương ứng, La Croix cũng chạy tít lớn: “Matxcơva, đường phố tưởng niệm nhà đối lập bị sát hại”. Tương tự, Libération đưa tít nhận định: “Vụ ám sát Boris Nemtsov: Matxcơva đứng dậy”. Hay như Les Echos: “Tại Matxcơva, đối lập đưa ra thách thức với Putin”.
Hầu hết các báo đều có chung nhận định, tuy không chỉ đích danh Tổng thống Vladimir Putin, nhưng người dân Nga không ngần ngại chỉ trích chính quyền có liên can đến vụ ám sát lãnh đạo đối lập. Nhật báo Libération cho rằng: “Cho dù ông Vladimir Putin không phải là người ra lệnh cho vụ ám sát, nhưng ông cũng phải gánh lấy trách nhiệm vì đã kích động chủ nghĩa dân tộc biến các nhà đối lập thành mục tiêu tấn công ". Theo phân tích của nhật báo, “ngày qua ngày, bộ máy tuyên truyền của chính quyền công kích đối thủ của phe ly khai thân Nga tại vùng Donbass như là những kẻ phản bội và tay chân cho nước ngoài, những kẻ thù cần được loại bỏ. Bầu không khí cho phép hạ sát đó giải thích phần nào hành vi của những kẻ thích khách”.
Về phần mình, Le Figaro qua vụ việc này nhận thấy là “Chính quyền đang dần khóa mõm các kẻ thù của Nga”.
Bài viết nhắc lại những nhà tổ chức các vụ biểu tình chống Putin mùa đông 2011 và mùa xuân 2012 lần lượt bị truy tố về tội “tổ chức gây rối loạn trật tự công”. Các tổ chức ONG có tài trợ từ quốc tế buộc phải đăng ký như là “các tác nhân nước ngoài” để rồi sau đó bị trừng phạt, bị cấm tổ chức biểu tình. Cuối cùng gần đây nhất là xiết chặt các tòa soạn báo độc lập.
Theo tờ báo, hầu hết các gương mặt đối lập tiêu biểu hầu như đã bị đặt ra khỏi tình trạng có khả năng “gây phiền toái”. Số bị kết án tù (như Serguei Oudaltsov, Alexei Navalny), số khác phải tỵ nạn chính trị như cựu vô địch cờ vua Garry Kasparov hay Mikhail Khodorkovski…
Tuy nhiên, Le Figaro cũng thấy là án mạng nhà đối lập Nemtsov ít có khả năng làm thay đổi tình hình chính trị trong một đất nước mà ông Vladimir Putin nhận được tới 85% ý kiến ủng hộ. Nhiều ý kiến phê phán đường lối hoạt động của ông Boris Nemtsov cho rằng ông không tạo được đối trọng nặng ký với chính phủ. Cũng chính vì lý do đó, theo các chuyên gia, ông Putin cũng chẳng thu được lợi lộc gì từ vụ ám sát này. Một khi làn sóng xúc động trôi qua, để xoa dịu quốc tế cũng như người dân trong nước, giống như vụ ám sát nữ ký giả Anna Politkovskaia, vụ án này có thể sẽ được làm sáng tỏ đôi chút mà không tiết lộ được danh tánh thật sự kẻ chủ mưu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150302-nghe-thuat-cung-la-nan-nhan-cua-to-chuc-nha-nuoc-hoi-giao/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten