Chủ nhật, 29/3/2015 | 08:05 GMT+7
Đối tác ngoại quyết mua Cảng Hải Phòng
Quỹ dự trữ Quốc gia quốc vương Oman (SGRF) sẵn sàng mua toàn bộ phần vốn Nhà nước muốn thoái tại Cảng Hải Phòng, nếu con số này vượt mức 29,68% theo kế hoạch.
Nhà đầu tư đến từ Oman vừa gửi đề nghị Thủ tướng phê duyệt việc trở thành đối tác chiến lược của Cảng Hải Phòng. Trước đó, một công ty liên danh giữa quỹ này và Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có tên là VOI đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tham gia mua lại gần 30% cổ phần Nhà nước tại cảng mà Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) đang nắm giữ.
Cuối năm 2014, khi tham gia ý kiến về thương vụ này, các Bộ Kế hoạch đầu tư, Tài chính cũng đã cơ bản đồng thuận. Đề xuất của Vinalines và Bộ Giao thông vận tải trước đó cho biết việc chuyển nhượng này nên theo hướng thỏa thuận trực tiếp để đảm bảo nguyện vọng các bên.
Tuy nhiên, theo thẩm quyền, phương thức chuyển nhượng nói trên phải do Thủ tướng quyết định. Vì vậy, trong văn bản vừa gửi lên người đứng đầu Chính phủ, Tổng giám đốc SGRF mong muốn được Thủ tướng “ủng hộ và phê chuẩn” để Vinalines được chuyển nhượng 29,68% cổ phần cho VOI.
Cảng Hải Phòng đang được nhà đầu tư ngoại lẫn nội tranh mua.
|
Ngoài ra, SGRF con đề nghị được mua toàn bộ cổ phần Nhà nước muốn thoái khỏi Cảng Hải Phòng nếu con số đó vượt mức 29,68% như kế hoạch trước đây. “Nếu mức thoái vốn tiếp theo vượt quá tỷ lệ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu theo các quy định của pháp luật Việt Nam, chúng tôi sẵn lòng hợp tác với các công ty trong nước được Chính phủ giới thiệu hoặc chỉ định để thiết lập tổ hợp nhà đầu tư”, SGRF cho biết.
Theo một chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư Oman từng đề xuất nguyện vọng được mua nhiều hơn mức 29,69% cổ phần Nhà nước tại cảng lớn nhất hiện Bắc. Nhưng sở dĩ đối tác Oman bất ngờ kiến nghị lên Thủ tướng bởi lo ngại thương vụ này sẽ rơi vào tay một nhà đầu tư trong nước. “Trong hai tuần qua, thông tin trên các phương tiện đại chúng cho biết các công ty tư nhân Việt Nam đề xuất mua cổ phần chi phối lên đến 80% của Cảng Hải phòng”, văn bản trình bày.
Tại đề xuất mua lại Cảng Hải Phòng gần một tháng trước, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã bày tỏ muốn sở hữu 80% cổ phần Nhà nước tại đây với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng.
Cảng biển lớn nhất miền Bắc có vốn điều lệ 3.270 tỷ đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi IPO hồi năm ngoái. Hiện phần vốn Nhà nước tại đây vẫn chiếm gần 95%, do Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nắm giữ.
Tại hội nghị giao ban tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước hỗi giữa tuần, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng tiếp tục kiến nghị Thủ tướng sớm cho ý kiến về chủ trương bán "trọn lô" Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn cho tư nhân.
Ông Thăng cho biết việc bán trọn lô thay vì chia nhỏ sẽ hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn bỏ vốn vào bởi chỉ khi được nắm quyền quyết định thì họ mới mặn mà. Người đứng đầu ngành Giao thông cũng nói từng nghe ý kiến lo ngại việc bán phần lớn hai cảng biển này cho tư nhân.
“Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là đất nước và TP. Hải Phòng cần có những cảng mạnh chứ không nhất thiết phải là cảng của doanh nghiệp Nhà nước", Bộ trưởng bày tỏ.
Chí Hiếu
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/doi-tac-ngoai-quyet-mua-cang-hai-phong-3174446.html
Thứ sáu, 6/3/2015 | 10:13 GMT+7
Vingroup muốn mua hai cảng biển lớn nhất nước
Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức bày tỏ nguyện vọng được mua lại cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng.
Thông tin này đã được lãnh đạo cấp cao của Bộ Giao thông Vận tải xác nhận với VnExpress chiều qua. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là thương vụ chuyển nhượng lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển từ trước đến nay ở Việt Nam.
Với cảng Sài Gòn, Vingroup đề xuất mua 80% cổ phần trước khi nhà nước thoái vốn với mức không thấp hơn giá IPO dự kiến diễn ra nửa đầu năm nay. Doanh nghiệp này cũng kiến nghị tham gia vào quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa của cảng Sài Gòn.
Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp mới được Bộ chủ quản thông qua, tại thời điểm đầu năm 2014, Cảng Sài Gòn có giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Riêng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.160 tỷ đồng.
Với cảng Hải Phòng, Vingroup đề nghị mua lại 80% phần vốn nhà nước với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng. Cảng biển lớn nhất miền Bắc có vốn điều lệ 3.270 tỷ đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi IPO hồi năm ngoái. Hiện phần vốn Nhà nước tại đây vẫn chiếm gần 95%, do Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nắm giữ.
Theo quyết định của Thủ tướng giữa năm ngoái, doanh nghiệp trong lĩnh quản lý, khai thác vực hạ tầng cảng biển, sân bay thì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa không dưới 75%.
Cảng Sài Gòn liệu có về tay Vingroup
|
Khi phê duyệt quyết định cổ phần hóa Vinalines, tỷ lệ này tại cảng Hải Phòng và Sài Gòn cũng được Bộ giao thông ấn định ở 75%. Nhưng sau một mùa IPO ế ẩm, Chính phủ đã đồng ý giảm tỷ lệ này xuống còn 51% theo đề nghị của Bộ chủ quản và Vinalines.
Thế nên, với đề nghị mua vượt khung, lên đến 80% mà Vingroup đưa ra, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho hay đều phải báo cáo Thủ tướng quyết định.
Với Cảng Sài Gòn, dù chưa phải cạnh tranh với đối tác tiềm năng nào, song trở ngại với Vingroup tại đây là tiêu chí để được chọn làm nhà đầu tư chiến lược.
Khi phê duyệt tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược, Vinalines đặt ra cho các ứng viên phải là doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính trong ngành vận tải hàng hóa. Nếu không cũng phải là doanh nghiệp về dịch vụ logistics hay quản lý và khai thác cảng biển. Kinh nghiệm tối thiểu tham gia trong những lĩnh vực này phải là 5 năm.
Vingroup không phải là cái tên quá xa lạ với lĩnh vực cảng biển hay với chính Vinalines. Doanh nghiệp này tiếp quản cảng Nha Trang từ tay Vinalines khi chuyển giao về cho địa phương theo yêu cầu của Chính phủ. Thế nhưng cuộc đổi chủ này chỉ mới diễn ra từ nửa sau năm 2014.
Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI), một thành viên thuộc Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman đã không ít lần bày tỏ nguyện vọng trở thành nhà đối tác chiến lược của cảng Hải Phòng. Quỹ đầu tư ngoại từng gửi văn bản lên nhà chức trách xin được chuyển nhượng gần 30% vốn điều lệ của cảng này theo phương thức thỏa thuận giá. Đề xuất của đối tác nước ngoài đã không ít lần được các Bộ ngành cho ý kiến và cơ bản đồng thuận.
Dù vậy, lãnh đạo Tập đoàn cho rằng, một khi đề xuất mua lại hai cảng lớn nêu trên được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trong quản lý và vận hành để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.
Chí Hiếu
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/vingroup-muon-mua-hai-cang-bien-lon-nhat-nuoc-3153869.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten