dinsdag 10 maart 2015

Hong Kong nói không với 'Osin' ngoại xin định cư

Hong Kong nói không với 'Osin' ngoại

Cập nhật: 12:50 GMT - thứ tư, 28 tháng 3, 2012
Hong Kong hiện có tới 300 nghìn Osin là nữ từ Đông Nam Á
Chính quyền Hong Kong đã thắng kiện không cho người giúp việc nhà từ nước ngoài đến đặc khu hành chính được quyền xin định cư, làm bùng nổ trở lại cuộc tranh luận về người nhập cư.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Tòa Thượng thẩm Hong Kong đã ra phán quyết cho phép nhiều phụ nữ làm nghề giúp việc nhà được nộp đơn xin định cư sau bảy năm làm việc liên tục tại đây.
Vụ xử liên quan đến đơn kiện của một phụ nữ làm nghề giúp việc nhà từ Philippines, bà Evangeline Banao Vallejos.
Tòa Thượng thẩm Hong Kong năm ngoái đã cho rằng quyền xin định cư sau bảy năm làm việc dành cho mọi công dân nước ngoài đến Hong Kong không thể loại trừ nhóm người làm nghề giúp việc nhà.
Nhưng sau đó, chính quyền Hong Kong đã kiện phúc thẩm lên tòa cấp trên nữa.
Nay Tòa Phúc Thẩm cho rằng chính quyền có thẩm quyền quyết định về "thời hạn áp dụng với công dân nước ngoài trong lĩnh vực di trú".
'Thật là thất vọng'
Vụ xử án có tác động tới số phận của chừng 300 nghìn 'Osin' người nước ngoài, chủ yếu là công dân Philippines hoặc Indonesia đang làm việc tại Hong Kong.
"Tòa về cùng bên với Chính phủ để tiếp tục phân biệt đối xử với người lao động ngoại quốc"
Nói với BBC Indonesia, cô Enni Lestari, phát ngôn viên cho Tổ chức mang tên 'Cơ quan Điều phối Di dân châu Á - AMCB bày tỏ sự thất vọng:
"Chúng tôi thật là thất vọng với quyết định của Tòa Thượng thẩm hôm nay vì đã từng mong Tòa sẽ bảo vệ chúng tôi, chống lại nạn phân biệt đối xử với người làm công nước ngoài,"
"Nay thì đúng là Tòa về cùng bên với Chính phủ để tiếp tục phân biệt đối xử với người lao động ngoại quốc."
Biểu tình hồi tháng 8/2011 ủng hộ người làm công nữ từ Philippines tại Hong Kong
Cô Lestari, bản thân là người Indonesia, nói tổ chức của cô không chấp nhận chuyện phân biệt đối xử như vậy và sẽ đưa chủ đề này lên Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO.
Còn ông Mark Daly, luật sư đại diện cho bà Vallejos nói có nhiều khả năng thân chủ của ông sẽ tiếp tục kiện lên Tòa Phúc thẩm chung cuộc, một cấp cao hơn tòa vừa ra phán quyết.
Ông nói với BBC News rằng, "Bà Vallejos thuộc nhóm người Hong Kong cần phải tự hào đón nhận".
Sang Hong Kong từ năm 1986, bà Vallejos chỉ làm việc cho một gia đình bản địa mà thôi.
Theo chính quyền Hong Kong, có tới 125 nghìn người đủ tiêu chuẩn nộp đơn xin định cư và nếu họ là phụ nữ có một chồng, hai con thì con số này lên tới nửa triệu.
Đa số người dân trong tổng dân số 7 triệu ở Hong Kong hoan nghênh phán quyết của Tòa Thượng thẩm.
Tại Hong Kong hiện có cuộc tranh luận gay gắt về chủ đề này và có những người bản địa gọi lao động nhập cư là "sâu bọ", tỏ ý miệt thị.
Mặt khác, đây cũng là chuyện về cạnh tranh không gian sống, theo BBC News.
Hong Kong nổi tiếng là nơi đất chật người đông
Lý do là Hong Kong vốn nhỏ hẹp và đông dân nên đường phố chật chội và cuộc cạnh tranh giành các dịch vụ công là rất căng thẳng.
Ngay cả người từ Trung Quốc lục địa sang làm ăn tại Hong Kong cũng bị kỳ thị dù không khác biệt về văn hóa và chủng tộc với người Hong Kong.
Có từ miệt thị trong ngôn ngữ của dân Hong Kong gọi người Hoa lục là "châu chấu" vì nhiều người muốn sống ở Hong Kong.
Các nước Đông Nam Á là những xứ sở 'xuất khẩu lao động', đa số là nữ, thuộc loại nhiều nhất thế giới.
Tin hôm nay cũng cho hay Malaysia chuẩn bị ký hợp đồng đón người giúp việc nhà từ Miến Điện sang, thay cho người Indonesia và Philippines.
Indonesia đã ngưng gửi phụ nữ sang Malaysia làm nghề giúp việc nhà vì các vụ bạo hành.
Số phận của lao động nữ từ Việt Nam sang Trung Đông hoặc các nước châu Á khác cũng trở thành chủ đề được nói đến nhiều.

Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten