dinsdag 24 maart 2015

Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc đang hồi hấp hối?


Trung QuốcChâu ÁChính trịđảng Cộng sảnĐiểm báo

Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc đang hồi hấp hối?


mediaBảo đảm an ninh cho Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. ngày 05/11/2012.REUTERS/China Daily
Chủ đề thời sự thế giới trên các báo Pháp hôm nay 23/03/2015 khá đa dạng với nhiều bài viết liên quan đến Châu Á, nhất là tình hình chính trị tại Trung Quốc. Cách đây không lâu, nhật báo của Mỹ Wall Street Journal, có đăng một bài xã luận của ông David Shambaugh, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc nổi tiếng tại Hoa Kỳ, dự báo ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Về chủ đề này, thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, Patrick Saint-Paul có bài giải mã khá dài đề tựa "Liệu Trung Quốc có cứu lấy được chủ nghĩa Cộng sản hay không ?".
Đầu tiên, tác giả dẫn lại định đề gây chấn động của ông David Shambaugh cho rằng, " Bất chấp vẻ bề ngoài, hệ thống chính trị của Trung Quốc đã bị tàn phá nghiêm trọng và không ai hiểu rõ điều đó bằng chính bản thân đảng Cộng sản TRung Quốc. Ông Tập Cận Bình, người đầy quyền lực nhất, hy vọng rằng các cuộc trấn áp các nhà đối lập và chống tham nhũng sẽ củng cố sự ngự trị của đảng. Ông ta kiên quyết không muốn trở thành một Gorbachov của Trung Quốc. Nhưng thay vì là phản đề của Gorbachov, Tập rất có thể đi đến cùng một kết quả. Chủ nghĩa chuyên chế gây áp lực nặng nề lên hệ thống chính trị Trung Quốc cũng như xã hội, khi đưa cả hai hệ thống này tiến gần đến sự rạn nứt ". Cuối cùng ông dự báo rằng "hồi kết đang được khởi động " qua các dấu hiệu đáng báo động như nạn tham nhũng hoành hành, tình trạng rò rỉ chất xám ra nước ngoài, kinh tế trì trệ...
Đương nhiên, giới truyền thông Trung Quốc đã có những phản ứng gay gắt, lên án một "sự bất tài" và "những kết luận không cơ sở" của vị chuyên gia Mỹ. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Pháp về Trung Quốc học, ông Jean-Pierre Cabestan, thuộc đại học Hồng Kông, nếu xem kinh tế trì trệ như là một tín hiệu báo động cũng chưa hẳn là chính xác. Bắc Kinh vẫn còn rất nhiều nhân tài để thực hiện công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế thông qua các chính sách cải cách như thuế khóa, ngân hàng.... Điều đó có thể giúp cho Trung Quốc tránh được những cú sốc và các ràng buộc về kinh tế.
Một quan điểm cũng được ông Hu Xingdu, giáo sư kinh tế Viện Công nghệ Bắc Kinh đồng chia sẻ. Theo khẳng định của giáo sư "sẽ không có khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc, đó chỉ là tăng trưởng chậm lại". Đối với Bắc Kinh, bất bình đẳng đáng báo động, thiếu các chính sách an sinh xã hội hiệu quả, sự ngán ngẩm của người dân về nạn ô nhiễm và tham nhũng lan tràn cũng như cảm giác bất an mới là những thách thức nghiêm trọng.
Cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách có củng cố được chế độ?
Theo nhận định của tác giả, việc gia tăng các cuộc điều tra nhắm vào thượng tầng lãnh đạo cho tới cựu lãnh đạo ngành an ninh quốc gia Chu Vĩnh Khang và nhiều tướng lĩnh trong quân đội như cựu phó chủ tịch cơ quan quyền lực Quân ủy Trung ương gây căng thẳng và bế tắc trong nội bộ đảng.
Cũng vì cho rằng chính tham nhũng đã làm sụp đổ chế độ Xô Viết, ông Tập Cận Bình đã xem tệ nạn này là mối họa chính mà đảng phải đối mặt. Chiến dịch "Bàn tay sạch" của ông trở nên nổi tiếng nhưng nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả thật thụ và tác động khách quan lên người dân. Do bởi bản chất của chiến dịch ngày càng lộ rõ nét đó cũng là một vũ khí để loại bỏ các đối thủ của ông Tập Cận Bình.
Một cảm giác nghi ngờ tương tự cho các chính sách cải cách của ông Tập. Nhất là lời hứa "cải tiến chính phủ theo pháp luật". Sự mất niềm tin đó được khẳng định rõ qua việc tăng cường trấn áp các nhà đối lập, các luật gia, những người viết blog, nhà báo, các tổ chức phi chính phủ, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích còn lưu ý là hình ảnh của Tập Cận Bình hầu như hiện diện khắp nơi trên hệ thống truyền thông, mọi ngả nẻo đường, thậm chí trong các hàng quán cũng có ảnh chân dung của nhà lãnh đạo. Điều các chuyên gia, hiện tượng tôn sùng cá nhân là một chiếc áo choàng nhằm làm quên đi sự thiếu vắng ý thức hệ của Đảng.
Sự trống vắng một hệ tư tưởng còn lộ rõ qua việc tuyên chiến với các giá trị phương Tây, các giá trị nhân quyền, tự do hay nền dân chủ mà Trung Quốc xem như đó là những mối họa cho sự ngự trị của đảng. Theo nhận định của chuyên gia người Pháp Jean-Pierre Cabestan, "việc cấm đoán quả là nực cười. Đảng cộng sản đang chơi trò may rủi bởi vì người dân Trung Quốc rất hiếu kỳ với những tư tưởng và kinh nghiệm của phương Tây".
Làm thế nào bảo tồn chủ nghĩa xã hội theo đặc trưng Trung Quốc?
Tác giả bài viết cho rằng hiện ông Tập đang cố cải tiến ý thức hệ của Đảng bằng cách tổng hợp giữa ý tưởng của Mao với Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của công cuộc cải cách và bằng cách sửa những điểm không phù hợp. Lý thuyết về "tứ toàn" nhắm đến việc xây dựng một xã hội " tương đối phồn thịnh ", củng cố cải cách, nhà nước theo pháp quyền và kỷ luật trong đảng.
Thế nhưng, theo đánh gia của một số chuyên gia việc phủ bóng Mac-xít bằng chủ nghĩa dân tộc có thể có những nguy hiểm tiềm tàng do vì có thể dẫn đến việc mất khả năng kiểm soát và làm vuột mất các giá trị khổng giáo.
Cuối cùng, tác giả bài viết nhận định hiện bên cạnh Trung Quốc giờ chỉ còn có Cuba, chế độ có thể tồn tại được nhờ vào việc đối đầu với Hoa Kỳ. Trung Quốc buộc phải giữ Bắc Triều Tiên cho đến cùng vì không muốn thấy chế độ cộng sản nào khác sụp đổ dẫn đến hiệu ứng domino. Nhưng cũng không ai có thể liều lĩnh cá cược về trường tồn của đảng, một chế độ có thể kéo dài thêm nhiều thập niên nữa hay bất ngờ bị vấp ngã dưới tác động của một tính toán sai lầm.
Đi tù do đấu tranh cho nữ quyền
Cũng tại Trung Quốc, nhưng trên lãnh vực xã hội, nhật báo Le Monde cho hay "Nhiều nhà đấu tranh vì nữ quyền quá đòi hỏi bị gởi đi tù". 10 nhà đấu tranh nữ vì muốn phản đối chống lại nạn bạo hành tình dục trong các phương tiên công cộng đã bị bắt giam từ hôm 06/03/2015.
Không chỉ đấu tranh chống lại nạn bạo hành trên các phương tiện công cộng, những người đấu tranh trẻ tuổi này còn chống lại nạn phân biệt đối xử trong nhiều lãnh vực khác như nạn thiếu điểm vệ sinh công cộng cho nữ giới, bạo hành trong gia đình, nhất là lên án việc kiểm tra trinh tiết trong việc tuyển công chức nữ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150323-chu-nghia-cong-san-tq/


đảng Cộng sảnTập Cận BìnhTrung QuốcTranh chấpChâu ÁPhân tích

Tập Cận Bình lấn lướt Đảng Cộng sản Trung Quốc


mediaTranh hoạt hình ca ngợi chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận BìnhDR
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm tiêu tan hình ảnh một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, khi áp đặt lên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một chiến dịch chống tham nhũng quy mô mang tính thanh trừng. Bên cạnh đó, ông ta ngày càng tập trung thêm nhiều quyền hành, nuôi dưỡng chế độ sùng bái cá nhân lãnh tụ. Các nhà phân tích cảnh báo, tình trạng này có nguy cơ gây bất mãn trong bộ máy Đảng.
Khi lên giữ chức Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư cách đây hai năm vào tháng 3/2013, Tập Cập Bình được coi là một ứng viên dung hòa giữa hai phe phái đối địch, được cả hai người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào ủng hộ.
Nhưng tầm cỡ của chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập tung ra, đánh vào nơi này nơi kia trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, đã đi ngược lại với thái độ thận trọng trước đây.
« Nếu các cán bộ Đảng hoài nghi về những gì sẽ diễn ra trong tương lai, chắc chắn họ sẽ không chọn lựa Tập Cận Bình. Nay ông ta lộ ra bộ mặt ngược hẳn với những gì người ta hình dung trước đây : Tập Cận Bình là hiện thân hoàn hảo của một kẻ phá đám ». Ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Claremont McKenne College ở Hoa Kỳ, nói thẳng như trên.
Theo chuyên gia trên, từ sau cái chết của Mao Trạch Đông, người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1976, ĐCSTQ tỏ ra « vô cùng bảo thủ về mặt chính trị » để tránh những lệch lạc. Với nguyên tắc ngầm là các nhà lãnh đạo phải quyết định theo đồng thuận, không đe dọa sự toàn vẹn của khối cán bộ chóp bu, không chấp nhận một lãnh tụ nắm toàn bộ quyền lực, không áp đặt sùng bái cá nhân.
Bùi Mẫn Hân giải thích : « Giang Trạch Dân cũng như Hồ Cẩm Đào đều hành động trong khuôn khổ này ». Ngoài Tập Cận Bình ra, cả sáu ủy viên thường trực khác của Bộ Chính trị « đều không thực sự là loại người có thể đảo lộn tình hình ».
Đem lại sức sống cho một hệ thống èo uột ?
Tất nhiên là các chuyên gia nghi ngờ về tính hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng trong Đảng do Tập Cận Bình tung ra, trong khi không có những cải cách thực sự về bề sâu.
Nhưng tháng này sang tháng khác, các thông báo về điều tra và cách chức không ngừng nở rộ. Từ các lãnh đạo tập đoàn nhà nước đến cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, hay các tướng lãnh cao cấp, trong đó có cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ Từ Tài Hậu…dường như không ai có thể được yên thân.
Cùng lúc đó, khuôn mặt có vẻ hiền từ của Tập Cận Bình xuất hiện dày đặc trên tất cả các phương tiện truyền thông, và thậm chí trên mọi ngả đường. Các nhà hàng đều có treo ảnh chân dung ông Tập, những bài hát, bài viết ca ngợi Tập Cận Bình đầy dẫy trên internet. Ông ta là Chủ tịch được Nhân dân Nhật báo nêu tên nhiều nhất trong 18 tháng đầu nắm quyền, kể từ thời kỳ Mao Trạch Đông đến nay.
Báo chí nhà nước mới đây còn dành vô số bài báo để ca ngợi những « đóng góp về lý luận » của Tập Cận Bình, tuy ông ta chỉ nhai lại các công thức cổ lỗ sỉ của Đảng.
Đối với Barry Naughton thuộc trường đại học California, các tham vọng của Tập Cận Bình được biểu hiện qua « nỗ lực tạo sự năng động trên mọi phương diện để trở thành một lãnh tụ quyền năng (đứng trên mọi lãnh tụ khác), và gợi lại sinh khí cho toàn hệ thống » - một chiến lược có thể gây nguy hiểm.
« Luôn có thêm nhiều chiếc đầu phải rơi rụng »
Ông Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), thuộc City University of Hongkong nhấn mạnh, trên thực tế, cuộc săn lùng bất tận các quan chức tham nhũng « khiến các cán bộ Đảng phải rất chú ý », lo ngại cho sự nghiệp của mình. Chuyên gia này nhận xét: « Hiện đang có xu hướng không muốn lao vào các dự án lớn hay đưa ra các sáng kiến quan trọng. Tình trạng này rốt cuộc sẽ ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và không khí trong nội bộ Đảng ».
Đối với Trịnh Vũ Thạc, nỗi ám ảnh của Tập Cận Bình là thoát khỏi mô hình phản xô-viết khi Gorbatchev « phá hủy Đảng nhân danh cải cách kinh tế ». Thế nên mệnh lệnh của ông Tập là « tăng cường ý thức hệ và loại trừ các tư tưởng phương Tây ».
Bên cạnh đó, các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ tố cáo chiến dịch đàn áp thô bạo : các blogger bình thường, những người tranh đấu cho nữ quyền, thậm chí các thành viên xã hội dân sự đấu tranh chống tham nhũng bị bắt bớ.
Chuyên gia Tăng Nhuệ Sanh (Steve Tsang), trường đại học Nottingham cảnh báo : Chiến dịch của Tập Cận Bình chống lại các quan tham « gây nhiều bực tức và bối rối trong số các đồng chí của ông ta ». Và từ nay « còn nhiều chiếc đầu khác sẽ phải rơi rụng » để duy trì áp lực, nếu không, tâm trạng bất mãn trong nội bộ Đảng sẽ biến thành đương đầu.

http://vi.rfi.fr/20150313-tap-can-binh//

Trung Quốcđảng Cộng sảnTham nhũngChâu ÁĐiểm báo

Tập Cận Bình thanh trừng kiểu Staline để nắm toàn quyền

mediaChiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình giống như "thanh trừng" thời Staline hầu đảm bảo quyền lực tuyệt đối - REUTERS /Jason Reed
Cuộc thanh trừng tại Trung Quốc theo kiểu Stakine là đề tài được tuần báo Courrier International quan tâm. Tờ báo trích dịch bài viết trên trang mạng Cn.nytimes.com đề tựa: “Trung Quốc: thanh trừng kiểu Staline”. Bài viết nêu lên quan điểm của tác giả Murong Xuecun, đồng thời là nhà văn, về chiến lược chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo tác giả, mục tiêu của chiến dịch này là làm suy yếu các phe cánh đối lập và đảm bảo quyền lực tuyệt đối.
Theo tác giả bài viết, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập được báo chí trong nước không ngớt lời ca ngợi, nhưng cùng lúc ấy lại dấy lên nhiều tiếng nói chỉ trích một cuộc chiến “có chọn lọc”. Đối với tác giả, chiến dịch này giống một cuộc thanh trừng theo kiểu Staline trong nội bộ Đảng Cộng sản hơn là tìm kiếm sự minh bạch. Nó dựa vào điều lệ của Đảng hơn là dựa vào pháp luật.
Những người chịu trách nhiệm thi hành đa số là đảng viên Đảng Cộng sản, tương đương với nhân viên tình báo của KGB, chứ không phải là cảnh sát. Thường thì nhà báo bị cấm xen vào các vụ này. Do đó, truyền thông cũng không được lên tiếng khi các vụ việc chưa được đưa ra công chúng. Hơn nữa, tất cả phải viết cùng một ý. Quan trọng hơn nữa là cho tới giờ phút này, trong phe cánh thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình chưa có ai bị sờ gáy.
Theo nhiều nhà phân tích, các đồng minh chính trị quan trọng nhất của ông Tập là những người được gọi là “thế hệ đỏ thứ hai” tức con cháu của các cựu đảng viên. Trong cỗ máy quyền lực khá đặc biệt của Trung Quốc cộng sản, thành phần này có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn người khác và một khả năng làm giàu không thể tưởng.
Tuy nhiên, cho đến lúc này thì chưa ai bị diệt cả, trừ Bạc Hy Lai (cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh) bị kết án tù chung thân năm 2013. Sự thất sủng của ông Bạc được xem như kết quả của sự thua cuộc trong cuộc chiến quyền lực, chứ không phải là hệ quả của hành vi nhận hối lộ.
Theo tác giả, tuy thất thế, nhưng Bạc Hy Lai (Bo Xilai) vẫn được đãi ngộ khá tốt hơn so với nhiều nhân vật khác xuất thân từ gia đình bình dân như Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) bị cáo buộc tham nhũng và tiết lộ bí mật quốc gia. Cả gia đình, tay chân thân cận và lãnh địa của ông Chu cũng bị kéo vào vòng xoáy.
Tác giả giải thích, tại Trung Quốc, các quan chức cao cấp có quyền lực vô hạn tại khu vực mà họ lãnh đạo: họ có thể thăng tiến cho người thân và nhận hối lộ mà không chút hổ thẹn.
Tại các thành trì của ông Tập Cận Bình như tỉnh Phúc Kiến (Fujian) và Chiết Giang (Zhejiang), theo những gì tác giả biết, chưa một quan chức cao cấp nào cỡ phó chủ tịch tỉnh bị hạ bệ.
Ông Tập Cận Bình sẽ không kéo dài chiến dịch này, vì, nếu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông (nếu ông tái đắc cử), một số đông công chức khả nghi tiếp tục bị trừng phạt thì điều đó chứng tỏ ông bất lực trước tệ nạn này. Khi ông Tập loại bỏ được hết đối lập thì các quan chức và người thân vẫn tiếp tục ngựa quen đường cũ (tham nhũng).
Tại Trung Quốc, một số ảo tưởng rằng hành động trên của ông Tập nhằm đưa đất nước Trung Hoa tiến dần theo hướng dân chủ, nhưng theo tác giả, đó là một nhà độc tài đang tìm cách tập trung quyền lực vào tay mình. Ngoài ra, tác giả còn tố cáo quyền được bào chữa của phạm nhân không được tôn trọng, vì họ không được gặp luật sư trong lúc chờ xét xử.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150131-tap-can-binh-thanh-trung-kieu-staline-de-nam-toan-quyen/

Châu ÁQuốc tếTrung QuốcĐiểm báo

Trung Quốc: Tập Cận Bình, hoàng đế đỏ cai trị bằng chủ nghĩa mác-xít

mediaẢnh caahn dung Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông được bày bán tại sạp sách trên hè phố tỉnh Sơn Đông ngày 30/01/2015REUTERS/Stringer
Theo nhận định của thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc đang đề cao ý thức hệ mác-xít để nắm trọn quyền lực và bịt miệng những người có tư tưởng tự do.
Vị tân hoàng đế đỏ cai trị Trung Quốc với bàn tay sắt, với nụ cười bề ngoài dễ mến. Theo người đồng nhiệm và là địch thủ Mỹ, ông Barack Obama, không có nguyên thủ nào trước đó lại tập trung nhiều quyền lực một cách nhanh chóng đến thế kể từ nhiều thập kỷ qua. Phương pháp của Tập Cận Bình đơn giản thấy rõ : Ông ta dựa vào chủ nghĩa mao-ít cổ lỗ, đề cao ý thức hệ mác-xít thuần túy cứng rắn, và không hề phải đối phó với phong trào phản kháng nào vì tất cả đều đã bị dập tắt không thương tiếc.
Xã hội dân sự non trẻ bị đè bẹp
Tổng thống Mỹ mới đây nhấn mạnh : « Điều này hàm chứa sự nguy hiểm, nhất là về vấn đề nhân quyền và đàn áp đối lập ». Trên thực tế, dưới thời Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh tăng cường chiến dịch dập tắt tiếng nói của tất cả những ai công khai chỉ trích chế độ. Nạn nhân bị đàn áp chủ yếu là các nhà đấu tranh cho quyền lợi các dân tộc thiểu số và quyền dân sinh, luật sư, nhà báo, giảng viên đại học. Họ bị giam ở đâu, là bí mật hoàn toàn.
Theo Ủy ban bảo vệ các nhà báo có trụ sở tại New York, Trung Quốc đứng đầu về đàn áp báo chí, trên cả Iran, với 44 phóng viên đang phải ngồi tù. Cơ quan an ninh chính trị chưa bao giờ hung hăng như thế từ nhiều thập kỷ. Năm 2013, Trung Quốc đã đưa ra tòa gần 1.400 người vì lý do chính trị, hầu hết bằng những phiên tòa qua loa – theo Quỹ Đối Thoại Trung-Mỹ (Dui Hua) đặt tại Hoa Kỳ. Các sự kiện ở Hồng Kông đóng vai trò ngòi nổ giúp chính quyền trấn áp những người ủng hộ phong trào đòi dân chủ tại Hoa lục.
Số 1.384 người này bị kết tội « gây nguy hiểm cho an ninh Nhà nước », một tội danh mơ hồ, nhờ đó chính quyền cộng sản có thể đàn áp các nhà ly khai, nhất là các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ ở Tây Cương và người Tây Tạng.
Luật sư đấu tranh nhân quyền Đằng Bưu (Teng Biao) cho biết : « Các nhà hoạt động nhân quyền, người thiểu số, tổ chức phi chính phủ, cư dân mạng, giáo hội không chính thức, giáo sư đại học, nhà báo, nhà văn thường bị kiểm soát chặt chẽ và bị đàn áp ». Chính quyền nâng chính sách « duy trì ổn định » lên một bậc, để diệt trừ toàn bộ « xã hội dân sự mới được khai sinh từ mười năm qua ».
Chủ nghĩa mác-xít để chống lại « thế lực thù địch »
Trong khi thế giới đặt câu hỏi về sự nguy hiểm của tình trạng tăng trưởng Trung Quốc đang chậm lại, Tập Cận Bình đã đảo ngược cơ chế của chính sách mở cửa kinh tế do Đặng Tiểu Bình đưa ra vào cuối thập niên 70. Ý thức hệ được nêu bật trở lại trên cơ sở thực dụng, vốn đã mở đường cho tự do hóa kinh tế và sự xuất hiện của tự do ngôn luận tương đối trên mạng.
Ông Tập đã chọn lựa việc dựa vào lực lượng cánh tả bảo thủ nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để củng cố quyền lực, bịt miệng những người có tư tưởng tự do. Ông ta cũng tuyên chiến với « các giá trị phương Tây », mà theo Tập Cận Bình là làm hại cho « Giấc mơ Trung Hoa » vĩ đại. Và đề cao sự cần thiết áp đặt các giá trị xã hội chủ nghĩa ở mọi nơi.
Vào giữa tháng Giêng, 25 ủy viên Bộ Chính trị cho rằng tình hình đang « nguy ngập », đã thông qua một chỉ thị với mục đích « bảo vệ đất nước khỏi các mối nguy từ bên trong và bên ngoài ». Tân Hoa Xã cho biết : « Sự phát triển quốc tế hiện nay đầy xáo động, đất nước chúng ta đang trải qua những thay đổi kinh tế xã hội sâu sắc. Các xung đột xã hội thường xuyên diễn ra, va chạm lẫn nhau, nguy cơ về an ninh cao chưa từng thấy ».
Các nhà đối lập ý thức hệ bị do là mối nguy lớn nhất của Đảng. Tuân lệnh Tập Cận Bình, nhiều lời kêu gọi được đưa ra nhằm « đối phó với ảnh hưởng tai hại của các thế lực thù địch » - như tờ Cầu Thị (Qiushi), tờ báo đầy uy lực của ĐCSTQ mới đây đã hô hào.
Thay vì khuyến khích các trường đại học trở thành đầu tàu sáng tạo để tạo đà mới cho tăng trưởng, Tập Cận Bình và Đảng lại tiến hành cuộc chiến để tái lập việc kiểm soát tư tưởng. Tân Hoa Xã nhấn mạnh : « Giáo dục đại học ở tuyến đầu trên mặt trận ý thức hệ, cần phải hỗ trợ nhiệm vụ mấu chốt là nghiên cứu và xúc tiến chủ nghĩa mác-xít nhằm phát triển các giá trị xã hội chủ nghĩa ».
Kết quả là các giảng viên đại học bị thu hút bởi tư tưởng tự do và các giá trị dân chủ bị truy lùng. Lên án một giáo sư luật của trường đại học Bắc Kinh nổi tiếng là Hạ Vệ Phương (He Weifang), tờ Cầu Thị nghiêm khắc kết tội các giáo sư đã « sử dụng vị trí của mình để làm mất uy tín Trung Quốc ». Còn Nhân dân Nhật báo kêu gọi « kỷ luật chính trị » trong các trường đại học.
Hạ Vệ Phương phản đối: « Liệu vài giáo sư đại học và tiểu blog có thể thực sự làm mất uy tín Trung Quốc ? Chính các bài diễn văn và thái độ hung hăng mới làm tổn hại cho tên tuổi đất nước ! »
Vũ Hán : Phải học thuộc lòng các giá trị xã hội chủ nghĩa
Cũng theo Le Figaro, co rúm lại trước chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ của Tập Cận Bình, các cán bộ đảng ra sức đóng góp vào việc « củng cố ý thức hệ » tại Trung Quốc. Tại thành phố Vũ Hán kể từ giữa tháng Giêng, chính quyền yêu cầu dân chúng phải học thuộc lòng cẩm nang về « các giá trị chủ yếu của chủ nghĩa xã hội », với các buổi trả bài bắt buộc.
Đô thị 8 triệu dân này đã đạt được danh hiệu « thành phố văn minh cấp quốc gia » trong cuộc thi giữa 95 thành phố do ĐCSTQ đưa ra, có tính đến « môi trường đạo đức ».
Ý tưởng này không phải là không nguy hiểm đối với các lãnh đạo đảng địa phương. Wang Li, một lãnh đạo cấp ủy ở Vũ Hán đã hết sức lúng túng khi xuất hiện trong một chương trình truyền hình nổi tiếng, bị đề nghị nêu ra « 12 giá trị xã hội chủ nghĩa căn bản ». Ông ta chỉ kể ra được 6 giá trị rồi tịt ngòi, sau đó mới lắp bắp nêu tiếp như « phú cường », « ái quốc », « hài hòa », « dân chủ », « tự do », « pháp quyền ».
Một sinh viên sư phạm ở Vũ Hán cho biết : « Tất cả các sinh viên trường tôi đều phải nhớ thuộc lòng các giá trị xã hội chủ nghĩa căn bản, các ý nghĩa đa dạng của Giấc mơ Trung Hoa, tinh thần Hội nghị trung ương IV, tên các nhân vật và câu chuyện 8 anh hùng thời đại ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150205-trung-quoc-tap-can-binh-hoang-de-do-cai-tri-bang-chu-nghia-mac-xit/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten