zondag 22 maart 2015

Chiếc áo dài 40 năm trên đất Mỹ

Chiếc áo dài 40 năm trên đất Mỹ

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-03-22
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Ảnh minh họa, áo dài Việt Nam
Ảnh minh họa, áo dài Việt Nam
RFA
Chiếc áo dài duyên dáng bấy lâu nay giúp tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trên khắp thế giới. Trong tạp chí phụ nữ tuần này, Hải Ninh trình bày đôi nét về hành trình của chiếc áo dài Việt trên đất nước Mỹ; nhất là sau 40 năm người Việt Nam đặt chân lên quốc gia này.

Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu

Dù ở đâu … Paris, London hay ở những miền xa

Thoáng thấy áo dài, bay trên đường phố

Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi…

Đó là lời trong nhạc phẩm ‘Một thoáng quê hương’ của nhạc sì Từ Huy viết để vinh danh tà áo dài Việt Nam. Quả đúng như vậy, khi thấy những tà áo dài bay phấp phới trên đường phố ở bất kỳ nơi đâu, dường như nơi đó mang một chút hồn quê hương Việt Nam.

Chiếc áo dài di tản
Chiếc áo dài quý báu này vì thế đã theo chân vô số người phụ nữ Việt Nam khi họ rời khỏi quốc gia di tản sau cuộc chiến vào năm 1975. Trong số những phụ nữ này có bà Trần Thị Lai Hồng. Trong chiếc túi hành trang nhỏ ngày 29/4/1945, khi rời Việt Nam, ngoài nắm đất bốc từ bến Bạch Đằng và một số đồ cá nhân khác, bà Lai Hồng mang theo hai chiếc áo dài truyền thống. Bà kể lại:

G.S. Lai Hồng: Hồi di tản ngày 29/4/1975 là có 2 cái áo dài thôi. Cái thứ 3 là khi tới Mỹ thì một bác cho tôi. Vì thích áo dài và nghĩ khi mình di tản nên nhét vào túi nhỏ những thứ cần dùng thôi là 2 áo dài, và nói với những người cùng đi là nếu có chuyện thì thì có cái áo  mà mặc. Mang hai cái theo thì một cái áo là thêu ngàn mai gió cuốn lấy ý từ thơ bà Đoàn Thị Điểm, một cái vừa thuê vừa vẽ hoa đào năm ngoái, tôi rất thích hoa đào. Đến bây giờ bộ tủ của tôi mấy bộ cũng là hoa đào năm ngoái. Rồi áo xưa thứ ba thì của một bà cho đó là áo không cổ của thập niên 60. Bây giờ (tôi) vẫn giữ ba áo đó.

Bà Lai Hồng, năm nay đã gần 80 tuổi, cho biết những ngày đầu tiên lên đất Mỹ, bà được một nhà thờ bảo trợ. Lần đầu tiên bà mặc chiếc áo dài trên mảnh đất mới này, bà gây ngạc nhiên cho tất cả những người chứng kiến. Hôm đó, bà được nhà thờ mời tới dự một sự kiện. Bà kể lại:
Vào năm 1992, bà được viện bảo tàng Wing Luke Museum ở thành phố Seattle, bang Washington, mời tổ chức một triển lãm về chiếc áo dài Việt trong ba tháng. Đây cũng là lần đầu tiên loại y phục này của Việt Nam được trưng bày ở một bảo tàng nước ngoài
G.S. Lai Hồng: Họ ngạc nhiên, tôi mặc áo hoa đào năm ngoái. Mấy bà nói mấy bà thấy cảnh chạy loạn họ tưởng tôi là một trong những đàn bà buôn thúng bán thung mà gánh con chạy đó. Khi cả công ty họp lại và mời mình tới thì mình mặc áo dài đàng hoàng và mình nói tiếng Anh. áo dài vừa cho thấy thân hình dáng đàn bà vóc dáng như thế nào, nó kín đào chứ không hở hang, mấy bà cho tôi quay tới quay lui, này nó không có chỗ nào hở hang. Khi tôi chủ trương may áo là tôi không có may hở lườn đâu, cái chỗ áo đó phải đụng lưng quần. Thành ra khi mình vén vạt thì nó hở một tí, khi mình buông thẳng tay thì không hở đâu. Mấy bà nói như vậy là quá tuyệt. Họ thấy áo dài này họ ngạc nhiên bắt tôi quay tới quay lui.

Vốn say mê với ngành dệt may và chiếc áo dài từ khi còn rất nhỏ, bà Lai Hồng trở thành chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, ý nghĩa của chiếc áo dài Việt Nam. Vào năm 1992, bà được viện bảo tàng Wing Luke Museum ở thành phố Seattle, bang Washington, mời tổ chức một triển lãm về chiếc áo dài Việt trong ba tháng. Đây cũng là lần đầu tiên loại y phục này của Việt Nam được trưng bày ở một bảo tàng nước ngoài.

Triển lãm có tất cả 20 bộ y phục nữ, được may theo kích cỡ của các nữ sinh viên Mỹ tại các nhà may ở Seattle, Mỹ. 12 nữ sinh viên của trường đại học University of Washington đã tham gia trình diễn những trang phục này.

Bà Lai Hồng chia sẻ kể từ đó tới nay bà cũng tổ chức tới 30 các cuộc triển lãm áo dài ở khắp nước Mỹ, Đức, hay Canada. Bà kể lại:

G.S. Lai Hồng: Có lần trình diễn gây quỹ cho y khoa của viện đại học University of Washington rất là ít người Việt. Rất vui là người mẫu có rất nhiều người da màu, Nhật, Trung Quốc, kể cả Mỹ da đen. Sinh viên Mỹ không có ngại ngần. Nó trình diễn y phục của nước nào đó là vui rồi, những mấy cô người mẫu của mình là kén chọn, muốn mặc áo này, áo nọ. Nên nhớ tôi có khoảng 200 bộ áo nhìn người chứ người không thể nhìn áo được.  tại vì tôi phải biết kích cỡ của người đó, kích cỡ có hợp với người đó không, hầu hết những áo của tôi là may theo kích cỡ của tôi với size 6 lớn hơn một tí. Buổi trình diễn hôn đó Mỹ da đen cũng trình diễn nên nhìn hay lắm.

Áo dài ngày nay
Trải qua 40 năm, chiếc áo dài Việt Nam vẫn còn duy trì được sự hiện diện trên đất Mỹ, một phần là do những người Việt nhập cư và một bộ phận nữa là của các sinh viên du học. Những người góp phần gìn giữ áo dài Việt trên đất Mỹ gồm có các thợ may, nhiều người mở tiệm kinh doanh, nhưng cũng có những người chỉ may tại nhà cho người quen.

Trải qua 40 năm, chiếc áo dài Việt Nam vẫn còn duy trì được sự hiện diện trên đất Mỹ, một phần là do những người Việt nhập cư và một bộ phận nữa là của các sinh viên du học
Chị Oanh Nguyễn, chủ nhà may áo dài Oanh Nga tại thành phố Westminster, bang California, cho biết nhu cầu may áo dài ở bang này vẫn còn rất nhiều. Cao điểm là vào những dịp như mùa cưới hay mùa lễ hội. Chị Oanh cho biết:

Oanh Nguyễn: Khách hàng của mình thường là cô dâu, mẹ, chị, em cô dâu tất là những người trong đám cưới, hoặc là những người làm xui, hay những người trong hội đoàn, hội Gia Long, hội Trương Vương, rồi nhà thờ, rồi chùa. Bên California tập trung những người Việt Nam vẫn còn giữ truyền thống bên Việt Nam, rồi tết Việt Nam có những buổi  trình diễn áo dài hày cuộc thi hoa hậu áo dài. Cô dâu thường thì may theo truyền thống, còn những người di chơi thì may hơi kiểu một chút.

Chị Oanh Nguyễn cho biết giá của một chiếc áo dài dao động trong khoảng từ 80 tới 90 đôla một chiếc. Chị cho biết khách hàng của chị đa phần thích những chiếc áo dài truyền thống, tức là cao cổ và vạt áo dài. Những người thích kiểu mặc cách tân thường là những phụ nữ trong giới giải trí.

Tiệm Oanh Nga của gia đình chị Oanh có truyền thống may áo dài từ khi còn ở Sài Gòn, Việt Nam. Chị cũng mở cửa tiệm may áo dài ở California tới nay cũng được 20 năm. Bản thân của chị cũng sở hữu tới 300 chiếc áo dài.

Ngoài khách hàng Việt Nam, tiệm của chị cũng có người Mỹ ghé thăm. Chị kể:

Oanh Nguyễn: Ví dụ dâu của người ta là Việt Nam. Con trai người ta là người Mỹ, con dâu là người Việt Nam thì người đàn ông Mỹ cũng may áo dài, mẹ của chú rể Mỹ cũng may áo dài, rồi bà xui mua vải rồi may cho bà xui Mỹ đó. Người Mỹ vẫn mặc, hoặc mấy cô giáo người Mỹ. Lâu lâu cô giáo Việt Nam cũng tặng áo dài cho cô giáo Mỹ.

Trong những năm gần đây, lượng sinh viên Việt Nam du học sang Mỹ cũng tăng lên đáng kể. Trong niên khoá 2012-2014, có khoảng 16.000 sinh viên Việt theo học tại các trường đại học ở Mỹ. Cùng với sự hiện diện của họ là chiếc áo dài truyền thống. Bất cứ một nữ du học sinh nào khi đến Mỹ cũng được dặn dò mang theo một chiếc áo dài để giao lưu với bạn bè quốc tế.
Mình thấy mình duyên dáng hẳn hơn, đi dàng dịu dàng uyển chuyển hơn, ngoài ra còn tự hào nữa, vì đó là áo dài là nét đẹp của truyền thống Việt Nam mà
Chị Thi Hồ
Chị Thi Hồ, đang làm việc tại trường đại học Missouri, ở miền Trung Tây nước Mỹ mang tới hai chiếc áo dài trước khi nhập học 5 năm trước đây. Chị cho biết cảm nghĩ khi mặc chiếc áo truyền thống:

Thi Hồ: Mình thấy mình duyên dáng hẳn hơn, đi dàng dịu dàng uyển chuyển hơn, ngoài ra còn tự hào nữa, vì đó là áo dài là nét đẹp của truyền thống Việt Nam mà.  

Tại các trường đại học, mỗi năm mới đến, nhà trường đều tổ chức một đêm hội gọi là International Night khi mà sinh viên các nước khác nhau giới thiệu văn hoá của nước mình tới chúng bạn. Trường Missouri cũng vậy vì thế, hội sinh viên Việt Nam tại trường cũng nhân dịp này giới thiệu cho các bạn nét văn hoá của đất nước mình và cả chiếc áo dài truyền thống nữa. Chị Thi cho biết, chị từng dàn dựng một màn múa cho đêm hội này và các bạn gái trình diễn đều mặc áo dài. Chị nói:
Thi Hồ: Áo dài là truyền thống, khi mình dựng tiết mục để các bạn mặc áo dài để giới thiệu tới các bạn quốc tế. thứ hai là muốn nói nên văn hóa của mình trong những dịp lễ, hay phải những dịp phải trình bày, trình diễn. Áo dài nhiều màu sắc lắm nên khi mình mặc lên mỗi người một kiểu trông rất sinh động.
Trải qua 40 năm, chiếc áo dài Việt vẫn giúp làm tôn vẻ đẹp đằm thắm của người con gái Việt Nam dù ở xa đất nước cả nửa vòng trái đất.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị đã quan tâm. Mọi ý kiến đóng góp về bài vở cho trang tạp chí, xin mời quý vị gửi email về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc gửi tới trang Facebook của Hải Ninh tại  <http://www.facebook.com/haininhrfa> www.facebook.com/haininhrfa. Còn bây giờ, Hải Ninh xin kính chào quý vị và xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần sau.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten