Vũ Khanh, tiếng hát hào hoa và sâu lắng
Giọng hát ngọt ngào, trầm ấm và làn hơi khỏe khoắn của ca sĩ Vũ Khanh đã khiến tên tuổi anh nổi bật trong số những nam ca sĩ hải ngoại hàng đầu. Nhưng là một ca sĩ kín tiếng, Vũ Khanh khá kén chọn nơi trình diễn, ít muốn nói về mình và cũng không thích quảng cáo ồn ào.
Những nhạc phẩm tiền chiến là thế mạnh của Vũ Khanh. « Dư âm » của Nguyễn Văn Tý, chẳng hạn, qua tiếng hát Vũ Khanh, đó là một chàng trai hào hoa « đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ » bỗng « muốn thành mây, nương nhờ làn gió » để được đưa tới một « cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng ».
Cách nhả chữ điêu luyện, rõ ràng của anh đã làm bật lên nét đẹp của những nhạc phẩm được Vũ Khanh trình bày, cho dù bài hát đó thuộc dòng nhạc nào đi nữa. Là một người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, mỗi khi cất tiếng hát, anh đắm chìm vào lời ca tiếng nhạc, thổi sức sống cho từng bài hát, làm nên nét truyền cảm rất riêng của Vũ Khanh. Khi trình bày tác phẩm « Cô đơn », dường như con người hào hoa ấy lại đang đơn côi hơn bao giờ hết.
« Tôi là chim bói cá. Em là bóng trăng ngà. Chỉ cách một mặt hồ. Mà muôn trùng chia xa… » Tiếng hát Vũ Khanh cũng không kém phần thiết tha trong « Khúc thụy du ».
RFI: Thưa ca sĩ Vũ Khanh, có phải bắt đầu từ khi cộng tác với trung tâm Diễm Xưa, mà anh đã chọn con đường hát « nhạc sang » - những nhạc phẩm trau chuốt, mà giá trị đã được khẳng định với thời gian ?
Vũ Khanh: Lúc bắt đầu đi hát, tôi đã đóng góp cho rất nhiều trung tâm. Nhưng cũng như đã nói với Thụy My, khi bắt đầu vào trung tâm băng nhạc Diễm Xưa, thì nơi đây đề nghị tôi những con đường đi, chọn lựa những bài bản, mà mình không nghĩ là có thể hát được những bản nhạc đó. Ví dụ như Đôi mắt người Sơn Tây chẳng hạn, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình hát được bản đó. Nhưng không ngờ nó phù hợp với tiếng hát của mình, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ và có sự chọn lựa dòng nhạc đó.
Riêng bản thân anh thì anh thích hát những bài nào nhất?
Nếu gọi là thích hát, thì khó có thể nói trong lúc này. Vì qua những giai đoạn hát tất cả những bài hát của đàn anh đàn chị đã thành danh, đến lúc gần đây để đáp ứng nhu cầu của khán giả, thì bắt đầu mình nhảy vào những dòng nhạc mới hơn. Vì tôi có quan niệm những món ăn tinh thần, món ăn văn nghệ, cần phải có những gì mới. Trào lưu văn nghệ bắt đầu đòi hỏi những món ăn mới mẻ hơn, thì những dòng nhạc mới mình cần phải giới thiệu với khán giả.
Mong rằng giữa mới và cũ sẽ làm cho hình ảnh của âm nhạc giàu có hơn, và cũng mong rằng khán giả đón nhận tiếng hát của Vũ Khanh với những dòng nhạc mới. Hy vọng thay !
Một trong những nhạc phẩm mới mà Vũ Khanh muốn giới thiệu là Hiến chương yêu, do một nhạc sĩ nghiệp dư là bác sĩ ở Mỹ, phổ thơ Du Tử Lê.
Thưa anh Vũ Khanh, dường như những bài hát còn được ưa chuộng đến bây giờ vẫn là những giá trị kinh điển còn lại với thời gian, những bản nhạc trẻ bây giờ có lẽ ít có tác phẩm nào gây được ấn tượng, lưu lại lâu trong lòng khán giả
Điều vừa rồi Thụy My nói tôi rất là đồng ý. Tôi có đóng góp thêm những dòng nhạc mới để tô điểm thêm, nhưng thật sự những buổi trình diễn ít khi Vũ Khanh có thể bỏ quên những dòng nhạc chính của mình. Ví dụ chẳng bao giờ Vũ Khanh quên được bản Cô láng giềng, Cô hàng nước, Nỗi lòng người đi. Dòng nhạc xưa chắc chắn phải đi đôi với tiếng hát của Vũ Khanh rồi. Thế nhưng đôi khi mình phải đóng góp một chút.
Cũng như những bản nhạc của nhạc sĩ Lê Minh Bằng chẳng hạn. Tôi còn nhớ kỷ niệm về lần đầu tiên tôi hát Nỗi lòng người đi, được phát trên đài VOA trong những năm 1977 cho đến 1979 chẳng hạn, luôn luôn gắn liền với tiếng hát của mình. Chắc chắn là Vũ Khanh không bao giờ quên được những nhạc phẩm đó. Nhất là những bản nhạc tiền chiến, đó là những bản nhạc bất hủ, tồn tại với thời gian qua bao nhiêu giai đoạn của âm nhạc.
Chỉ tiếc một điều, những bạn trẻ về sau này, chắc là họ còn trẻ quá, nên họ chỉ đi một con đường với những dòng nhạc mới để cho phù hợp với giới trẻ thôi, chứ thật sự những dòng nhạc xưa vẫn còn giá trị muôn thuở. Những người nhạc sĩ về sau này có lối viết hòa âm mới hơn. Nhạc sĩ trẻ bây giờ họ rất là giỏi. Cũng là bản nhạc đó, thí dụ như bản Áo lụa Hà Đông chẳng hạn, thì họ đổi thành những hòa âm đánh theo kiểu Tây phương gọi là bossa nova, làm cho bản nhạc được thăng hoa, được mở rộng hơn. Đó là một điều rất hay.
Những bài hát như Áo lụa Hà Đông hay Cô hàng nước tuy đã rất xưa nhưng vẫn còn sống được đến bây giờ, có phải không anh…
Câu trả lời, đó là tiếng vỗ tay của khán giả, khi một bản nhạc mình hát lên, gặt hái được nhiều tiếng vỗ tay. Cũng rất là dễ hiểu. Một bản nhạc khi hát lên, mình không được khán giả vỗ tay, không được sự khen thưởng của khán giả, thì chắc chắn không thể sống mãi với mình, bắt đầu mình phải cẩn thận chọn lựa những bản nhạc khác.
Những nhạc phẩm mới hơn, như « Giọt lệ cho ngàn sau » của nhạc sĩ Từ Công Phụng chẳng hạn ?
Bản này cũng trôi nổi qua nhiều giai đoạn, từ trong nước ra đến hải ngoại. Hầu như mỗi lần người ca sĩ nào hát bản nhạc này thì đã có những kỷ niệm trải dài trong đời sống âm nhạc của họ đều phải lắng đọng, và nghe từng lời thấm thía trong tâm tư của mỗi người. Những dòng nhạc ngày xưa có tác động rất mạnh đối với người nghe. Còn nếu một bản nhạc chạy theo một trào lưu, hiện tượng thì khó mà kéo dài. Nhạc ngày xưa là giá trị muôn thủa.
Hình như lúc sau này anh còn hát cả thánh ca nữa ?
Câu hỏi này cho phép tôi trả lời một cách chân tình nhất. Đôi khi trong một không gian, thời gian nào đó, mình ngưng đọng trở lại, tìm về được một đời sống tâm linh. Tôi có phát hành một vài cuốn nhạc thánh ca, bởi vì những bản nhạc này trong thời gian qua đã làm cho tâm hồn của tôi được bình an.
Âm nhạc Việt Nam mình có lúc nhìn lại, đôi khi một bản nhạc quá đau khổ, một bản nhạc rất bi thảm – tôi muốn nói là một đôi khi – mình nghe, cũng không giúp mình thăng hoa. Mà trong đời sống đầy khó khăn như thế này, nếu nghe một bản nhạc thánh ca, thì lòng mình thật là bình an.
Nhạc phẩm ở Việt Nam - đã qua nhiều giai đoạn chiến tranh, đổ vỡ, đau thương - thường có những bản nhạc bi thảm lắm. Nếu trong thời gian đang có những tâm tư thật buồn, thật chán nản, mình nghe một bản nhạc buồn, thì ít giúp mình có được những hình ảnh, màu sắc. Nhưng nếu nghe một bản thánh ca, có lẽ tâm hồn của mình được lắng đọng, có cơ hội nhìn lại bản thân mình để làm những việc tốt đẹp.
Cuộn băng nhạc thánh ca đã được sự thành công, có được sự đáp ứng của đám đông, đó là bản Xin tạ ơn Chúa. Cũng như một sự cám ơn Thượng đế đã ban cho tôi được những phước lộc, của những năm tháng trong nghề, mà không phải ai cũng có được. Thánh ca đã giúp cho tôi được thăng hoa trong đời sống tinh thần.
Như vậy không chỉ định mệnh đau thương của dân tộc trong cuộc chiến vừa qua, mà trong cuộc sống riêng anh cũng có những nỗi buồn riêng?
Tự nhiên tôi bị vấp váp ở câu này…Chỉ biết rằng là trong tận đáy lòng mình, đôi khi trong đời sống mình phải cần nhìn lại con người mình qua tôn giáo. Bởi vì chỉ có tôn giáo mới giúp mình được đứng vững, nhất là trong giai đoạn này - tôi xin phép dùng chữ thời đại của sự « mạt pháp » này. Nếu không có được tôn giáo trong lòng mình, thì tôi sợ là mình không đứng vững được trong đời sống, thế thôi. Đây là một cảm nghĩ cá nhân thoáng qua…
Xin cảm ơn ca sĩ Vũ Khanh, qua tiếng hát của mình diễn tả được những nét đẹp của cuộc sống cũng như những nỗi đau của thân phận con người. Hẹn gặp lại anh ở nước Pháp trong chương trình đại nhạc hội từ thiện giúp trẻ em mồ côi ở làng Madagoui, Đà Lạt vào ngày 28/2 tới tại Bussy Saint George, ngoại ô Paris và ngày 1/3 tại Nice.
DR
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150211-vu-khanh-tieng-hat-hao-hoa-va-sau-lang/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten