maandag 2 februari 2015

Trung Quốc nay cũng muốn tham gia TPP (Trans-Pacific Partnership)

Trung Quốc nay cũng muốn tham gia TPP
Saturday, January 31, 2015 4:53:38 PM






HOA KỲ (Washington Post) - Trong khi thúc đẩy đi đến một hiệp ước mậu dịch quan trọng với Á Châu, chính quyền Obama bỗng có hai bạn đồng sàng không ngờ: Giới chức Trung Quốc tỏ lộ ý muốn tham gia, và sự ủng hộ của những người Cộng Hòa ở Quốc Hội. Theo bản phân tích của ký giả David Ignatius trên tờ Washington Post.




Người Nhật Bản biểu tình chống TPP, Tokyo, Tháng Tư, 2014. (Hình: AP Photo/Shizuo Kambayashi)

Bài báo cho biết, Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, hay TPP (Trans-Pacific Partnership) đang trong giai đoạn thương lượng cuối cùng. Tuần này các phái đoàn thương thuyết của 12 quốc gia sẽ họp tại Washington để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, từ hơn 2,000 nay đã rút lại chỉ còn một số nhỏ.
Nhưng điều trớ trêu là các chuyện gai góc nhất lại ở hai nước đồng minh thân tín nhất: tranh chấp về nông sản phẩm với Nhật Bản và bất đồng ý kiến về nông súc cùng gà vịt với Canada.
Các nhà thương thuyết Mỹ hy vọng rằng họ có thể kết thúc thỏa thuận TPP vào mùa Hè và chuyển qua Quốc Hội chấp thuận. Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner và Thủ Lãnh Thượng Viện Mitch McConnell đều đã hứa hẹn các đồng viện Cộng Hòa sẽ biểu quyết đồng ý.
Vẫn theo bài báo, những người Cộng Hòa mong muốn mậu dịch nhiều hơn là ghét Obama, vì đó là dự luật tạo ra việc làm mà không phải tốn đồng bạc nào. Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson (The Peterson Istitute for International Economics) ước lượng rằng với những điều khoản mở cửa thị trường của TPP, xuất cảng của Mỹ sẽ gia tăng khoảng $123 tỷ mỗi năm tới 2025 và thêm được 600,000 công việc.
Cái hấp dẫn ở đây là Trung Quốc dường như vào mắc cơn sốt TPP trong khi các cuộc thương lượng tăng tốc. Bốn năm trước khi khởi đầu đàm phán TPP, Bắc Kinh thoái thác. Các lãnh đạo Trung Quốc lập luận rằng “cuộc Đại Suy Thoái” chứng tỏ Hoa Kỳ không đủ khả năng lãnh đạo kinh tế toàn cầu, và TPP chỉ là một mưu đồ khác để bao vây và kiềm chế tăng trưởng nhanh của kinh tế Trung Quốc.
Bây giờ người ta không còn nghe thấy lời lẽ càm ràm như thế nữa. Thủ Tướng Lý Khắc Cường tuần trước tỏ bày sự ủng hộ tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ông nói, “Cần phải hành động phù hợp với trào lưu của thời đại chúng ta, kiên quyết tiến tới tự do mậu dịch, dứt khoát vứt bỏ chính sách bảo hộ (mậu dịch) và tích cực mở rộng hợp tác kinh tế khu vực.”
Các giới chức Trung Quốc còn đi xa hơn trong những trao đổi riêng ở Washington và Bắc Kinh. Họ cho biết Trung Quốc muốn thương thuyết để làm thành viên TPP và, thực vậy, muốn tham gia vào quá trình định đoạt những quy luật.
Trong khi nói chuyện với các giới chức mậu dịch Mỹ, Trung Quốc thận trọng hơn và chỉ đặt câu hỏi về hiệu quả của tiến trình như thế nào. Nhưng tín hiệu là rõ ràng. Trung Quốc nhìn thấy đoàn tàu đang rời ga và muốn cuối cùng có họ trên tàu.
Người ta nói rằng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ Michael Froman đã cảnh giác Trung Quốc là còn phải một thời gian để kinh tế của họ đủ khai phóng hợp với đòi hỏi của TPP. Trong khi chờ đợi Mỹ và Trung Quốc đang thương lượng một hiệp định đầu tư song phương để đẩy lên trước một số vấn đề khó khăn nhất của TPP. Cá nhân Chủ Tịch Tập Cận Bình năm ngoái đã quyết định tán thành hiệp định đầu tư. Bây giờ hai bên đang mặc cả về một “danh mục phải từ chối” những công nghệ hay sản phẩm bị loại ra ngoài, tất cả những cái khác được đưa vào hiệp định - đây là một bước nhảy dài cho Bắc Kinh.
Người Trung Quốc dường như nhận thức được rằng họ phải sống cùng thế giới TPP. Các quốc gia khác đứng bên ngoài vòng này, như Nam Hàn và Philippines, đã ra dấu hiệu muốn tham gia. Là một nước mậu dịch, Trung Quốc hoặc phải tham gia cùng các nước lân bang hoặc chấp nhận nguy cơ mất thị phần trong thị trường toàn cầu đang bành trướng.
Theo lời Đô Đốc hồi hưu Dennis Blair, cựu giám đốc tình báo quốc gia và hiện nay là chủ tịch tổ chức Seakawa Peace Foundation USA: “Trung Quốc hiện nay trong tình thế không thể chống đỡ được.” Ông cho rằng trừ khi Trung Quốc hòa cùng với sự đồng lòng của TPP do Mỹ-Nhật dẫn dắt, chấp nhận những luật lệ hạn chế đánh cắp tài sản trí tuệ, quan hệ mậu dịch của họ sẽ rớt lùi trở lại lối trao đổi căn bản cổ điển không có một cái khung toàn bộ.
Tác động của TPP cũng không thiếu ở Âu Châu. Sau khi lúng túng trong gần hết một năm ngoái về một thỏa thuận tương tự theo thuật ngữ mậu dịch là Transatlantic Trade and Investment Partnership, hay TTIP, các quốc gia Âu Châu đã có 3 cuộc họp thương lượng từ tháng 11 và sẽ khỏi sự một vòng đàm phán mới trong tuần tới.
Với một Âu Châu ngổn ngang đang quay trở về suy thoái, hiệp định mậu dịch đem đến tiềm năng gia tăng xuất cảng, đặc biệt là khi đồng euro đang mất giá so với đồng dollar khiến cho hàng hóa xuất cảng của Âu Châu trở thành rẻ hơn trên thị trướng thế giới. Sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương thể hiện qua TTIP cũng được chào đón hơn vào lúc này khi Âu Châu và Mỹ đang nhìn về những hành vi khinh xuất táo tợn của Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Thời điểm mà Âu Châu có vẻ sẵn sàng rời xa TTIP vì bực bội với vụ do thám của NSA xem như đã qua từ lâu rồi.
Điều gì đưa đến những sự điều chỉnh trở lại về chính trị-kinh tế này? Đơn giản là kinh tế Hoa Kỳ đã mạnh hơn là các nhà phân tích đã dự đoán một năm trước, kinh tế Trung Quốc và Âu Châu suy kém đi và kinh tế Nga càng yếu kém nhiều hơn nữa. Ngay cả những người Cộng Hòa ở Quốc Hội cũng tỏ ra sẵn sàng để cho Tổng Thống Obama hái quả. (C.H.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=202375&zoneid=5#.VM9dr-k5C70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten