Các điểm chính

  • Sinh ngày 18/4/1953
  • Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
  • Trưởng Ban Nội chính Trung ương
  • Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng
  • Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (2003-2013)
  • Chủ tịch UBND Đà Nẵng (1997-2003)

Nhắn tin trực tiếp

BREAKING 14:05 tin mới nhất

Nguồn tin riêng của BBC cho biết ông Thanh đã qua đời vào khoảng 13 giờ trưa thứ Sáu 13/2 ở Đà Nẵng, thọ 62 tuổi.
"Ông Thanh đã được đưa về nhà riêng", người này nói, đồng thời cho biết các lãnh đạo thành ủy và UBND thành phố đã có mặt tại bệnh viện vào sáng cùng ngày.
Các báo điện tử Thanh Niên, Dân Trí và VnExpress trong ngày 13/2 cũng dẫn nguồn tin riêng xác nhận thông tin trên.
Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, trước đó cho biết ông Thanh đã lâm vào tình trạng hôn mê từ hôm 10/2 và nói chỉ có "phép lạ mới giúp ông cầm cự được thêm".

14:07

Báo trong nước cho hay hàng trăm người dân Đà Nẵng đã tới trước cửa nhà ông Thanh sau khi ông được đưa về nhà vào trưa thứ Năm.

14:08


Ông Nguyễn Bá Thanh từng được dân đặt nhiều kỳ vọng như một người 'dám nghĩ dám làm'.

14:23


Nhà báo Nguyễn Công Khế nói "ông Nguyễn Bá Thanh là một người giỏi và có tài, người đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố Đà Nẵng".
Ông Khế, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, nói ông là bạn và là người biết ông Nguyễn Bá Thanh từ lâu.
Ông cho biết lẽ đương nhiên là người làm chính trị thì sẽ có người thương người ghét nhưng cá nhân ông thì ông cho rằng ông Nguyễn Bá Thanh "là một người giỏi và có tài, người đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố" Đà Nẵng vốn là một đô thị nhỏ.
"Hồi trước từ nội thành ra quận Ba, ở Đà Nẵng trước chỉ có đúng một cây cầu", ông nói về thời trước khi ông Bá Thanh lên lãnh đạo thành phố.
Từng sống ở Đà Nẵng, ông Khế nói khi đó 'nhỏ bé', và bắt đầu phát triển khi tách ra thành thành phố trực thuộc trung ương và được Thủ tướng Võ Văn Kiệt khuyến khích phát triển.
Được biết lời khuyên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Đà Nẵng muốn phát triển, lãnh đạo "cần nhìn ra người dân, không nhìn xuống chân ghế mình ngồi".
Nay thì "Đà Nẵng có sáu bảy cây cầu, như người Pháp bắc qua sông Seine vậy", ông Khế khen ngợi ông Bá Thanh.
Nhắc lại một thời biển Đà Nẵng từng rất bẩn, ông Khế nói:
"Nay Đà Nẵng là một thành phố giáp biển hiện đại, biển đẹp và sạch, phát triển du lịch."
"Người Đà Nẵng ghi công ông ấy," ông Nguyễn Công Khế đánh giá.

14:23

Nick Bá Duy viết trên Facebook: Nhiều lúc tôi không đủ kiên nhẫn để ngồi xem hết một tập phim 45 phút, hoặc ngồi nghe một bài diễn văn, phát biểu tổng kết, khai mạc hội nghị 20 phút.
Nhưng tôi có thể ngồi cả ngày để nghe ông - Nguyễn Bá Thanh nói chuyện. Những lời nói, tâm tư hết sức gần gũi mà đầy thực tiễn, bình dị nhưng lại rất sâu sắc và hoàn toàn không có những lý luận sách vở xa lạ, giáo điều.
Tôi thích những câu nói của ông, tôi thích những việc làm của ông, tôi thích cách ông hành sự. Ông - một nhà lãnh đạo dám làm dám chịu, đầy bản lĩnh.
Ông ra đi khi trên vai vẫn còn mang một gánh nặng mà nhân dân cả nước đặt trọn niềm tin vào ông. Ông ra đi khi đất nước đang cần đến ông hơn bao giờ hết..!

14:37

Các hình ảnh được báo điện tử Dân Trí đăng tải cho thấy đông đảo người dân tụ tập trước nhà riêng của ông Nguyễn Bá Thanh tại Đà Nẵng. Nhiều người tỏ ra xúc động và không cầm được nước mắt.

14:41


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC trong một cuộc thảo luận bàn tròn:
"Tôi phải nói thế này, những điều mà nói về ông Nguyễn Bá Thanh, rồi những cảnh người dân Đà Nẵng đội sương đi đón ông Nguyễn Bá Thanh ở sân bay Đà Nẵng cho thấy là ông Thanh được rất nhiều người, đặc biệt là người dân Đà Nẵng mến mộ.
"Những lãnh đạo được mến mộ như thế cũng hiếm đấy. Và thứ hai thực sự ra theo tôi hiểu là qua việc người dân bày tỏ tình cảm với ông Thanh, cũng thể hiện một thái độ gì đó. Ví dụ ít nhất người ta phàn nàn cho sự bất công đối với ông Thanh."

14:49

Ông Nguyễn Bá Thanh từng có các phát biểu được lòng dân về những vấn đề nóng của đất nước.
Đây là lời ông nói về nạn tham nhũng tại một kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng, mời quý vị bấm vào link để xem.

15:30


Những phát biểu đáng nhớ của ông Nguyễn Bá Thanh
“Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều”, “không ít cán bộ vừa ăn vừa phá, phá tàn canh nền kinh tế” – Phát biểu về tham nhũng trong đầu tư xây dựng tại trụ sở UBND TP Đà Nẵng ngày 10/1/2013.
“Cái được lớn nhất là lòng dân” – Phát biểu về những thành quả đã được được của TP. Đà Nẵng ngày 24/2/2012
“Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng” – Phát biểu trong buổi đối thoại với công chức TP Đà Nẵng.
“Yếu thì đừng cho ra gió” – Nói về việc các nhà đầu tư thiếu vốn nhưng được cho phép đấu thầu.
“Làm thì phải có lửa, ai mệt quá giơ tay xin nghỉ” – Phát biểu yêu cầu cán bộ nhận thức tầm quan trọng của quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo và “vào cuộc quyết liệt”
“Không để tiền lấn át nhân cách … Nếu muốn làm giàu thì nên đi làm kinh doanh, đừng vào ngành này mà kiếm chác, cắt xén thì mất nhân tâm lắm” – Nói tại buổi làm việc với cán bộ Sở Lao Động Thương binh – Xã hội TP Đà Nẵng ngày 14/1/2013.
“Tôi muốn xách rượu xuống ngồi uống với mấy ông xe thồ” – Nói về vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó phê phán lực lượng dân quân tự vệ ‘ngồi ì ra tại trụ sở’ và tuyên dương các tổ lái xe ôm tay không bắt cướp.
“Mấy ông thèm bạo lực gia đình chết với tui. Tui quay cho mà chóng mặt thì thôi, hết đưa ra kiểm điểm ở tổ dân phố, tui đưa tiếp lên phường, xã” – Phát biểu trong buổi nói chuyện với các cá nhân từng bạo hành trong gia đình.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/02/150213_nguyenbathanh_dies

Ông Thanh: Được lòng Dân, mất lòng Đảng?

  • 16 tháng 2 2015
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo cao cấp đã tới viếng ông Nguyễn Bá Thanh
Trong một quốc gia – độc đảng, thiếu dân chủ, tự do báo chí, ít minh bạch, thực hư lẫn lộn – như Việt Nam, nhận định, đánh giá chính xác, đầy đủ một sự kiện chính trị hay một quan chức nào đó quả thực không dễ.
Nhưng qua phản ứng chung của công luận trong những ngày qua, có thể nói ông Nguyễn Bá Thanh – nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Trưởng ban Nội chính Trung ương – là một quan chức rất được lòng dân.
Tuy vậy, nếu dựa vào một số biểu hiện, vụ việc khác xem ra không phải ai trong Đảng Cộng sản cũng ưa thích ông.

Người dân quý mến

Kể từ mấy ngày qua, các tờ báo, trạng mạng lớn ở Việt Nam – như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, VnExpress – có rất nhiều bài viết, phỏng vấn về ông Nguyễn Bá Thanh, về công việc, di sản của ông hay cho đăng lại những phát ngôn ấn tượng của ông.
Qua những việc ông làm – như đi ‘đòi đất cho dân từ quan tham’ – hay những gì ông nói – như ‘Bớt xén của người bất hạnh là không thể tha thứ được’ – có thể thấy ông Thanh là một lãnh đạo rất quan tâm đến dân, lo cho dân, đặc biệt là những người dân nghèo, yếu thế.
Năm 2005, khi Nhà nước chưa có kế hoạch xây dựng một bệnh viện chuyên điều trị bệnh ung thư ở miền Trung, với ý tưởng và quyết tâm của ông, lãnh đạo Đà Nẵng đã vận động tài trợ xây dựng một bệnh viện như thế ở thành phố để ‘nhằm giảm bớt những đau thương mất mát’ mà căn bệnh quái ác này gây nên cho người dân miền Trung.
Đây là một việc làm nữa – trong số nhiều công việc khác của ông đã được dư luận biết đến trước đây hay những ‘chuyện chưa kể’ về ông được một số người kể lại mấy ngày qua – chứng tỏ ông Thanh không chỉ là một cán bộ có tâm, mà còn là một chính trị gia có tầm, dám nghĩ, dám làm, không nhụt bước trước những cơ chế, nguyên tắc cố hữu.
Nhiều người dẫn đã tới nói lời vĩnh biệt ông Nguyễn Bá Thanh
Việc ông đề xuất cho bầu cử trực tiếp chính quyền địa phương hay cho truyền hình trực tiếp những kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng cũng cho thấy ông có nhiều ý tưởng mới lạ, mạnh bạo.
Một điểm đặc biệt khác nơi ông là tính bộc trực, không sợ mất lòng, đã nói là làm.
Và nếu đọc lại những câu nói đáng chú ý của ông, có thể thấy một điểm nổi bật nữa và đáng quý nơi ông đó là ông rất mạnh tay với cán bộ (dưới quyền) yếu kém, tham nhũng và công khai chỉ trích những bất cập, sai trái nơi hệ thống công quyền nhưng không coi thường, lên tiếng dạy dân như một vài lãnh đạo Việt Nam thường làm.
Vì vậy, dù biết rằng ông cũng có những khiếm khuyết và đâu đó cũng có người chỉ trích ông về một vài vụ việc, người dân Đà Nẵng nói riêng và nhiều người Việt Nam nói chung yêu mến, kính trọng, thương tiếc ông khi hay tin ông qua đời.
Nhưng xem ra những điểm làm ông được lòng dân lại là những điều làm một số lãnh đạo, quan chức trong Đảng khó chịu.

‘Đồng chí’ không ưa?

Khi đến viếng và tỏ lòng ‘thương tiếc vĩnh biệt đồng chí’ của mình, các quan chức và lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp của ông Nguyễn Bá Thanh, trong đó ‘có công lớn trong xây dựng, phát triển Thành phố Đà Nẵng’.
Nhưng có thể nói khi còn sống – đặc biệt kể từ khi ông Thanh lên làm Trưởng ban Nội chính Trung ương năm 2013 – không phải mọi quyết định, việc làm, tuyên bố của ông đều mọi người trong Đảng ủng hộ, đón nhận.
Ít nhất có hai vụ việc chứng minh điều đó.
Sau khi ông được chọn vào chức Trưởng ban Nội chính, Thanh tra Chính phủ đã bất ngờ công khai những sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng, gây thiệt hại cho ngân sách nhiều nghìn tỷ đồng, trong giai đoạn 2003-2011, khi ông Thanh làm Bí thư Thành phố.
Dù các chi tiết thanh tra không hề nhắc tên ông Nguyễn Bá Thanh, giới quan sát cho rằng quyết định công khai công bố kết quả thanh tra, được đóng dấu ‘Mật’, vào một thời điểm như vậy – và đặc biệt chỉ vài ngày sau khi ông tuyên bố ‘cho hốt liền’ các vụ tham nhũng – là nhắm hạ uy tín của ông.
Việc ông không được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị 7 của Ban chấp hành Trung Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2013, dù ông đã được giao lãnh đạo một Ban quan trọng trong Ban chấp hành Trung ương mấy tháng trước đó, cũng là một ví dụ nữa cho thấy ông không được các đồng chí của ông hoàn toàn tín nhiệm.
Nếu để cho dân bầu, thay vì để ‘đồng chí’ của ông bầu – hay nếu sống trong một quốc gia dân chủ, tự do – có thể ông sẽ được bầu nắm giữ một trong những vị trí lãnh đạo cao nhất.
Thất bại này của ông cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ không thể ‘hốt hết, hốt liền’ được những vụ tham nhũng lớn vì làm sao ông có thể tiến hành cho điều tra, phanh phui, xét xử những đại án ‘đầy dây mơ, rễ má’ khi ông không có mặt trong nhóm lãnh đạo chóp bu của Đảng.
Đúng vậy, thất bại ấy cùng với bệnh tình hiểm nghèo của ông đã chấm dứt mọi ước muốn, dự định của ông trong cương vị lãnh đạo Ban phòng chống tham nhũng.
Không biết trong những ngày cuối đời, có lúc nào đó ông cay đắng nhận ra rằng trong một thể chế như Việt Nam có tâm huyết, cương quyết thôi chưa đủ để ông dẹp trừ tham nhũng?
Hay có một giây phút nào đó ông phải thừa nhận rằng một lãnh đạo ‘dù làm chưa ngon lắm nhưng có quan hệ tốt’ vẫn có thể được ‘phiếu tín nhiệm cao’ và ‘phiếu tín nhiệm’ là chiếc ‘đũa thần’ giúp một người như thế tiếp tục tại vị, nắm quyền?

Ra đi an lòng?

Nhưng dù sao đi nữa, nếu biết được tình cảm của người dân dành cho ông trong những ngày ông lâm trọng bệnh hay hiểu được bao quý mến, thương tiếc mà họ dành cho ông trong những ngày qua, có thể ông đã an lòng ra đi.
Dù ra đi với tuổi đời con khá trẻ, khi ông còn có thể cống hiến nhiều cho dân và khi dân đang cần những lãnh đạo như ông, có thể ông sẽ toại nguyện nếu biết rằng có nhiều người lãnh đạo lâu hơn, nắm giữ những chức vụ quan trọng hơn ông, nhưng họ không làm được những việc có ích cho dân, cho nước như ông.
Liệu tấm gương của ông Thanh có thể thức tỉnh được các nhà lãnh đạo khác?
Ông ra đi nhưng nhiều người – và có thể nhiều thế hệ sau – vẫn còn nhớ đến ông, biết ơn ông vì họ biết trong một giai đoạn, bối cảnh xã hội như Việt Nam hiện tại, hiếm có một lãnh đạo nào có tâm, có tài và nhiều nhiệt huyết, hết lòng vì dân như ông.
Hơn nữa, có thể khi chứng kiến tình cảm của người dân đối với ông trong những ngày qua, ai đó trong giới công quyền ở Việt Nam hiện tại nhận ra rằng chức quyền, tiền bạc không phải là tất cả.
Nếu biết lo cho dân, biết tìm cách an dân – như ông Thanh đã làm – họ sẽ được người dân coi trọng. Trái lại, nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, người thân và phe nhóm của mình, người dân sẽ coi thường họ. Và nếu vậy, ông còn làm được một việc khác có ích hơn, đó là đánh thức, thức tỉnh lương tri các ‘đồng chí’ của ông, đặc biệt những quan tham, giúp họ biết nghĩ đến dân và lo cho dân hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, đang sống ở Birmingham, Anh.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/02/150216_nguyen_ba_thanh_example

Ông Bá Thanh và lá phiếu lòng dân

  • 13 tháng 2 2015
Tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời không làm dư luận ngạc nhiên vì từ nhiều tháng qua câu chuyện về ông chủ yếu xoay quanh căn bệnh hiểm nghèo và thời gian ông sống được bao lâu.
Nhưng hiện tượng Nguyễn Bá Thanh và tinh thần chống tham nhũng của ông thì vẫn tiếp tục sống trong sự ngưỡng mộ của không ít người dân Việt Nam.
Về cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh, các thành tích, những điều ông đã làm được hay chưa sẽ còn là chủ đề người Việt Nam trong và ngoài nước bình luận.
Nhưng vì ông qua đời trong bối cảnh đầy kịch tính nên hình ảnh riêng này lại có thể sống tiếp, thậm chí trở thành huyền thoại mà không nhất thiết phải có liên quan gì đến con người thật vì một số lý do sau:
Đầu tiên là sự nuối tiếc về các phát biểu hừng hực sức mạnh của ông và sự lụi tàn của phong trào chống tham nhũng.
Đây là tâm lý rất phổ biến khi dư luận cho rằng có một bộ máy nào đó cản trở một gương mặt mới muốn làm những điều vượt lên bình thường.
Tình cảm này càng trở nên sâu đậm khi nhân vật đó chết hoặc bị loại khỏi trung tâm quyền lực.
Ta còn nhớ Sergei Kirov, nhà lãnh đạo năng nổ ở Leningrad được tín nhiệm hơn cả Stalin, chết ở tuổi 48 để lại nhiều nỗi niềm cho người dân Liên Xô khi đó.
Ông Anwar Ibrahim, lãnh tụ thanh niên và phó thủ tướng Malaysia cũng bị ‘phái già’ trong đảng UMNO loại khỏi chính trường và nay bị tù vì các cáo trạng ông luôn bác bỏ.
Ở Trung Quốc có ông Bạc Hy Lai, ngôi sao đang lên của Thành Đô cũng ngã đài trong cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ, khiến dân Tứ Xuyên đến nay vẫn nhớ tiếc.
Thứ nữa, sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Bá Thanh dù có vẻ hơi nghịch lý lại phản ánh một tâm lý ở Việt Nam tin rằng bộ máy Đảng Cộng sản vẫn có khả năng tự chống tham nhũng.
Sergei Kirov bị bắn ở tuổi 48 năm 1934 để lại nhiều thương tiếc cho người Leningrad
Các phát biểu kiểu ‘Tiểu Bá Thanh’ đã, đang và sẽ còn lan ra báo chí, với độ thực thà khác nhau nhưng có mục tiêu giống nhau là thu hút dư luận.
Đây cũng là vấn đề của Việt Nam hiện nay vì bộ máy lớn tiếng chống tham nhũng quá yếu so với bộ máy âm thầm và mạnh mẽ tham nhũng.
Ở Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, một cựu Phó Thủ tướng lão luyện về kinh tế, sau khi nắm hết các đường đi nước bước của bộ máy kinh doanh trong và ngoài nước mới sang nắm Ban Kỷ luật Trung ương Đảng.
Tới nay, ông đã cho bắt hoặc xử lý hàng vạn cán bộ tham nhũng từ cấp thượng tướng, bí thư tỉnh, chủ tịch thành phố lớn trở xuống trong niềm tin rằng Đảng Cộng sản có thể chống được tham nhũng.
Cũng ở Trung Quốc, hệ thống ‘song quy’ cho Đảng Cộng sản lập ra nhà tù riêng, có các thẩm tra viên khét tiếng đã từng dìm chết cả quan chức khi điều tra.
Còn ở Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thanh và Ban Nội chính Trung ương không nắm trong tay cơ quan chấp pháp và muốn làm gì cũng vẫn phải thông qua bộ máy tư pháp, hành pháp và công an.
Vì thế, phạm vi hoạt động của ông về sau hẹp đi nhiều và ông cũng xoay ra các chiêu mang tính vận động dư luận để dồn các đối tượng chống tham nhũng vào một thế yếu nào đó rồi may ra thì xử lý được.
Nhưng trên thực tế, sau khi ông không vào được Bộ Chính trị, dư luận Việt Nam vốn rất nhạy bén với chuyện ai có thực lực, cũng bắt đầu qua ‘cơn sốt Bá Thanh’.
Trang www.facebook.com/FanNguyenBaThanh từng kêu gọi lấy 1 triệu chữ ký ủng hộ ông đã chỉ có khoảng 30 nghìn sau khi ngưng hoạt động hẳn giữa năm 2013.

Chính trị Hà Nội

Ông Vương Kỳ Sơn không có con cái gì và đang chỉ đạo chống tham nhũng quyết liệt tại Trung Quốc
Nhưng muốn hiểu hết hiện tượng Nguyễn Bá Thanh và sự thất bại của ông, ta cần nhìn vào góc độ văn hóa chính trị của Việt Nam qua chiều dài lịch sử.
Trên thực tế, sau khi Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt, hai trung tâm quyền lực Nam và Bắc chỉ còn lại một thì chính trị Việt Nam chủ yếu là chính trị Hà Nội.
Ta cũng không nên dễ dàng đi theo cáo buộc thường thấy trên báo chí nước ngoài rằng cứ ai từ Trung hay Nam ra thì đều là cải cách, tự do, còn miền Bắc hay Hà Nội là bảo thủ.
Cứ nhìn vụ báo Người Cao Tuổi và cách ứng phó của báo này với chính bộ máy sẽ thấy cuộc đấu tranh tại chính Hà Thành tinh tế hơn thế rất nhiều và không nhất thiết phải nằm ở cán cân quyền lực ai nắm bộ nào, có bao nhiêu tiền, được nước nào hỗ trợ.
Từ Đà Nẵng ra và hô to những khẩu hiệu đánh vào thành trì các nhóm lợi ích cả Nam và Bắc, ông Nguyễn Bá Thanh đã gặp số phận giống như nhiều nhân vật chính trị địa phương trong quá khứ, ngã ngựa trước một trong mấy cửa ô của Bắc Thành.
Không phải ngẫu nhiên mà từ thời Bắc Thuộc, khu vực Đại La đã chi phối toàn bộ Giao Châu và kể từ các triều đại độc lập Ngô, Lý, Trần, Lê về sau đây là nơi có nền chính trị tinh vi nhất Việt Nam.
Đó là thứ chính trị cần chiều sâu và tầm nhìn, cảm quan văn hóa.
Nguyễn Huệ giỏi chiến trận như vậy và đã làm rể đất Thăng Long mà triều đại Quang Toản cũng nhanh chóng tan rã.
Chúa Nguyễn Ánh, nhân vật kỳ tài lập được các bang giao với Phương Tây, với Xiêm La để phục quốc mà sau khi thu lãnh thổ về một mối vẫn e ngại, coi ‘Bắc Hà là nước cũ của nhà Lê’ và rất thận trọng lúc bổ nhiệm quan chức ra Bắc.
Nói như vậy không phải để so sánh người thời nay với thời xưa vì tầm vóc quá khác nhau, mà để thấy chính trị Hà Nội và vùng phụ cận có những tiêu chuẩn, những đường đi nước bước của riêng nó.
Đây là truyền thống có bề dày ít nhất từ thế kỷ 7 khi thiền sư Vô Thông Ngôn nói 'Đất này Tây Thiên' hàm ý tự chủ đã đến trong ý thức văn hóa, mở đường cho độc lập dân tộc thoát khỏi Hán sau đó.
Hồ Gươm không có sóng to, nhìn qua chỉ thấy xanh xanh mờ mờ nhưng là trái tim theo nhịp đập của dòng sông Hồng lúc bồi lúc lở và đã nghìn năm cuộn cuồn chảy ra biển.
Các chính trị gia từ địa phương cần rất nhiều thời gian để nắm bắt được sự thâm sâu này.
Một khi nắm được thì động lực văn hóa mới phát huy và tạo năng lượng cho cải tổ, cải cách hay cách mạng.
Chưa nắm được nguồn lực này thì dù mạnh đến đâu, chính trị gia nào có hành vi quá nổ, quá trớn, trong vận động chính trị cũng như trong làm ăn riêng tư, đều gây phản cảm cho dân Bắc Hà và ngay lập tức bị mất điểm.
Trong cuộc chạy đua quyền lực từ nay tới năm 2016, một lần nữa Hà Nội sẽ lại là sân khấu cho nhiều nhân vật khác nhau thi thố khả năng.
Các tác động quốc tế đang đến thẳng trung tâm Hà Nội
Chính trị Hà Nội cũng thay đổi và các tác động vùng miền và quốc tế sẽ còn buộc nó phải chuyển động nhanh hơn, bất kể quá khứ hào hùng là gì.
Ước vọng vào một nhà lãnh đạo hay một một phép màu giúp quốc gia vượt lên tình trạng hiện nay, giúp chính thể thoát thân khỏi cơ chế hiện nay vẫn còn nguyên.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã có công gợi ra ước vọng đó.
Không chỉ người Đà Nẵng đang thương tiếc ông mà người Hà Nội, Sài Gòn cả cả nước cũng nên cảm ơn ông đã giúp chúng ta nhận ra thêm một chiều kích của tâm lý xã hội là chiều cảm xúc với chính trị Việt Nam.
Trong một xã hội nhiều chuyện 'vô cảm' thì đây là một cảm xúc đáng trân quý.
Ta cũng qua đây mà để ra một phút trầm lắng về yếu tố nhân vật và tính cách trong chính trường hiện nay, nơi mà lòng người đang ngày càng chuyển động về các hướng đi mới.
Ai nắm được lá phiếu lòng dân để lập ra kỷ cương cho xã hội, làm bộ máy trở nên liêm chính, đất nước vươn lên một đẳng cấp mới sẽ là người anh hùng của tương lai.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/02/150213_hientuong_nguyenbathanh_vn

'Người Đà Nẵng ghi công ông Bá Thanh'

  • 7 tháng 1 2015
Trả lời BBC, nhà báo Nguyễn Công Khế nói "ông Nguyễn Bá Thanh là một người giỏi và có tài, người đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố Đà Nẵng".
Tin tức về việc ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đang chữa bệnh tại Mỹ, sắp về lại Việt Nam đã gây xôn xao dư luận trong nước, đặc biệt sau khi có tin đồn ông 'bị đầu độc', điều chính quyền Việt Nam bác bỏ.
Quan chức nhà nước Việt Nam vừa tổ chức một "buổi gặp gỡ" chiều ngày 7/1 để thông báo cho báo giới về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, hiện vẫn còn ở Hoa Kỳ nhưng trên đường về nước.
Ông Nguyễn Công Khế, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, nói ông là bạn và là người biết ông Nguyễn Bá Thanh từ lâu.
Ông Nguyễn Công Khế cho biết lẽ đương nhiên là người làm chính trị thì sẽ có người thương người ghét nhưng cá nhân ông thì ông cho rằng ông Nguyễn Bá Thanh "là một người giỏi và có tài, người đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố" Đà Nẵng vốn là một đô thị nhỏ.
"Hồi trước từ nội thành ra quận Ba, ở Đà Nẵng trước chỉ có đúng một cây cầu", ông nói về thời trước khi ông Bá Thanh lên lãnh đạo thành phố.

Đà Nẵng nhìn ra xa

Cả hai ông Trần Thọ và Nguyễn Bá Thanh đều được nhà báo Nguyễn Công Khế khen
Từng sống ở Đà Nẵng, ông Khế nói khi đó 'nhỏ bé', và bắt đầu phát triển khi tách ra thành thành phố trực thuộc trung ương và được Thủ tướng Võ Văn Kiệt khuyến khích phát triển.
Được biết lời khuyên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Đà Nẵng muốn phát triển, lãnh đạo "cần nhìn ra người dân, không nhìn xuống chân ghế mình ngồi".
Nay thì "Đà Nẵng có sáu bảy cây cầu, như người Pháp bắc qua sông Seine vậy", ông Khế khen ngợi ông Bá Thanh.
Nhắc lại một thời biển Đà Nẵng từng rất bẩn, ông Khế nói:
"Nay Đà Nẵng là một thành phố giáp biển hiện đại, biển đẹp và sạch, phát triển du lịch."
"Người Đà Nẵng ghi công ông ấy," ông Nguyễn Công Khế đánh giá.
Ông Khế cũng có đánh giá về người kế nhiệm ông Thanh tại Đà Nẵng, ông Trần Thọ "là người năng động".
Nhà báo Nguyễn Công Khế nói những lúc như thế này cũng có người "đục nước béo cò" khi nói về chuyện đưa tin ông Thanh "bị đầu độc", điều ông Khế cho là "không có".
Trong mấy ngày qua, khi có tin ông Nguyễn Bá Thanh sẽ từ Mỹ về nước để tiếp tục chữa bệnh, nhiều người dân đang sinh sống ở Đà Nẵng đã tập trung đến đứng bên ngoài sân bay quốc tế Đà Nẵng để chờ đón.
Báo chí Việt Nam cũng viết rằng người dân "chờ đón vị lãnh đạo đáng kính trọng và yêu mến Nguyễn Bá Thanh về nước", điều hiếm xảy ra ở Việt Nam hiện nay.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/01/150107_nguyenbathanh_danang_talent

'Ai thay ông Bá Thanh sẽ bị bẻ nanh'

  • 13 tháng 2 2015
Bình luận về sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh, qua đời vào trưa thứ Sáu 13/2 ở Đà Nẵng, thọ 62 tuổi, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận xét:
Giáo sư Carl Thayer: Mặc dù cá nhân tôi chưa gặp ông Nguyễn Bá Thanh nhưng tôi đã đọc một công trình nghiên cứu không được công bố về dân chủ cơ sở của tác giả là người Việt có nhận xét và bình luận tốt về ông trong sáng kiến cho bầu cử trực tiếp giới chức cấp địa phương với Đà Nẵng là hình mẫu để áp dụng ra toàn quốc. Ông Bá Thanh được người dân ở địa phương quí mến và việc làm trong nỗ lực cải cách chính trị của ông thu hút sự chú ‎ý trên toàn quốc.
BBC: Cấp địa phương thì như vậy nhưng cấp trung ương thì sao, ông có được lòng các chính khách tại Ba Đình không thưa ông?
Ông Bá Thanh được đưa ra Hà Nội để hỗ trợ Tổng Bí thư Trọng trong nỗ lực chống tham nhũng và việc ông ra trung ương dường như không thành công lắm. Chúng ta có thể thấy là việc ông lâm bệnh có thể ảnh hưởng tới công việc được giao của ông, nhất là trong bối cảnh có đấu đá nội bộ ở trung ương với các cáo buộc là có những khoản tiền hoa hồng bôi trơn cho các dự án xây dựng vốn đem lại hình ảnh hiện đại và mới mẻ cho Đà Nẵng.
Do đó có sự chia rẽ trong giới chính khách trung ương khi đánh giá về ông. Một mặt là ông được đưa ra Ba Đình với kỳ vọng là ông sẽ leo cao hơn nữa và một luồng khác bị phân tâm bởi những điều tôi vừa nói.
BBC: Nhưng chống tham nhũng ở vị trí của ông Nguyễn Bá Thanh có nghĩa là ông phải làm việc với ít nhất là các cơ quan thuộc chính phủ của Thủ tướng Dũng và Bộ Công an Việt Nam.
Nhìn chung thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một nghị trình mà tôi được nghe nói là khoảng trên dưới 20 đại án tham nhũng mà ông Trọng muốn xử lý‎‎. Trong quá khứ tại Việt Nam, chúng ta đã thấy có việc chĩa mũi vào các phe nhóm. Kể như đây là việc đổ máu đã bị ngưng lại trước khi một bên bị tổn thương nhiều hơn bên kia. Trong trường hợp này dường như là sức nặng đè lên mạng lưới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến đã tạo ra việc phản pháo.
Có hàng loạt tập đoàn và tổng công ty nhà nước nở rộ dưới quyền của Thủ tướng Dũng và có các doanh nghiệp nhà nước tham nhũng qui mô. Ông Dũng không hề hấn gì khi Bộ Chính trị muốn kỷ luật một đồng chí nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng không đồng ‎ ý. Đó là hạn chế và tham nhũng có biểu hiện tại mọi nơi, mọi phe phái và điều mà mỗi phe hy vọng là hạ bệ một nhân vật và rồi chính phe tưởng là thắng lại có một nạn nhân. Tức là các bên đều có đối tượng để tấn công bên kia với hy vọng phe kia chùn lại.
Theo tôi Việt Nam có hệ thống mà anh không thể đi quá xa về một hướng này hay hướng kia và ông Nguyễn Bá Thanh được đưa vào ngã ba đường và ông trở thành mục tiêu để người ta đưa ra các thông tin chỉ trích sự lãnh đạo của ông.
Sự khác biệt giữa phương Tây và Việt Nam là ở chỗ ở phương Tây anh thích hay không thích ai thì luật pháp vẫn là trên hết. Nhưng ở Việt Nam thì hệ thống luật pháp không có tiếng nói độc lập và sự hạn chế đó tạo bất ổn cho nỗ lực chống tham nhũng.
BBC: Việc ông Bá Thanh không được bầu chọn vào ghế ủy viên Bộ Chính trị rõ ràng là có ảnh hưởng tới uy tín của ông?
Đúng vậy. Nhưng bức tranh lớn hơn là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gây ảnh hưởng khi ông muốn tăng số ủy viên Bộ chính trị lên 17 ghế và muốn bổ nhiệm một số ghế trống cho các ứng viên mà ông muốn nhưng các ứng viên khác lại vào Bộ Chính trị.
Do đó vấn đề là việc ông Nguyễn Bá Thanh không vào được Bộ Chính trị là cá nhân ông hay cán cân quyền lực theo đó một bên là Ban Chấp hành Trung ương đã phủ quyết nỗ lực của Tổng Bí thư Trọng gây ảnh hưởng tới Bộ Chính trị để hướng tới Đại hội Đảng 12.
Tức là bức tranh lớn hơn, theo tôi, là ông Nguyễn Bá Thanh bị kẹt giữa cuộc tranh giành này.
BBC: Rồi sẽ có người khác ngồi ghế trưởng ban nội chính thay ông Nguyễn Bá Thanh. Từ nay tới Đại hội 12 nỗ lực chống tham nhũng sẽ đi về đâu thưa ông?
Trước cả hai đội hội Đảng trước đây thì người ta đều nói là tham nhũng làm nguy hại tới tính chính danh của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Việt Nam không thể chống nổi tham nhũng chừng nào không có một cơ quan độc lập và có quyền lực, độc lập về hành pháp, tòa án, công an, độc lập về báo chí tường thuật về những vụ việc tham nhũng. Vì những yếu tố đó không tồn tại nên chống tham nhũng có quá nhiều động cơ chính trị.
Từ nay tới Đại hội Đảng 12 không có nhiều thời gian để đạt được kết quả đáng kể vì sẽ có những nỗ lực cản trở chiến dịch chống tham nhũng từ bên trong nhằm để đà chống tham nhũng không đi quá xa và lịch sử đã chứng minh rằng không thể đi quá xa [trong nỗ lực chống tham nhũng] đối với các ghế quan trọng nhất mà họ có khả năng đi tiếp.
Cho nên bất kỳ ai ngồi vào vị trí đó [Trưởng ban Nội chính Trung ương] sẽ bị “bẻ nanh” hay kể như bị vô hiệu hóa và sẽ gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ nay tới Đại hội Đảng 12.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/02/150213_carl_thayer_nguyen_ba_thanh_comments