vrijdag 6 februari 2015

Nông dân tự chế máy xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh

Nông dân tự chế máy xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014-12-18
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
anh-4-096f3-622.jpg
Ông Vũ Đình Phúc và một phần chiếc máy xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh.
Photo courtesy of tintaynguyen
Tận dụng phế phẩm nông nghiệp, không để những loại này bị vương vãi rồi tự hoại gây ô nhiễm môi trường, mà dùng máy tự chế xử lý chúng thành phân hữu cơ vi sinh bón lại cho đất là công trình của một nông dân ở Đà Lạt được giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2014. Vậy công trình đó thế nào? Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Tự thuật

Không phải tất cả mọi phần của rau củ đều có thể sử dụng. Đôi khi những phần này khá nhiều hơn là phần mà con người có thể ăn được. Chính những phần loại bỏ này nếu không thu gom, xử lý hết lại gây ô nhiễm môi trường sống của con người. Tại những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên về rau củ, hoa trái thì đây cũng là một tình trạng phải giải quyết.
Ông Vũ Đình Phúc, người chuyên canh các loại như thế tại Đà Lạt, đã nghĩ đến việc tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp này. Với ý tưởng như thế ông đã bắt tay nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩn nông nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất trước hết của gia đình và bà con nông dân.
Thứ nhất hàng rau Đà Lạt xuất khẩu đi phần con người ăn được chừng 60-70%, phần còn bỏ lại trên đồng ruộng là chừng 30 đến trên 30%. Như thế theo tôi gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn làm phân hữu cơ.
-Vũ Đình Phúc
Ông Vũ Đình Phúc cho biết lại tình hình thực tế đưa ông đến với công việc chế tạo máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh như sau:
“Thứ nhất hàng rau Đà Lạt xuất khẩu đi phần con người ăn được chừng 60-70%, phần còn bỏ lại trên đồng ruộng là chừng 30 đến trên 30%. Như thế theo tôi gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn làm phân hữu cơ, do đó tôi mới nói đến việc bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn này để làm phân bón bổ ích cho cây trồng và tôi nảy sinh làm máy này.”
Cũng như nhiều người khi bắt tay vào công tác chế tạo, ông Vũ Đình Phúc cũng gặp một số trở ngại trong giai đoạn đầu, như tâm sự của ông:
“Năm 2006 tôi bắt tay vào làm, trước đó tôi có những trăn trở nhưng đến năm 2006 mới bắt tay vào làm. Việc làm cũng khó khăn vì phải nghiên cứu tới-lui năm lần, bảy lượt mới thành công. Lúc đầu làm thì các ban, ngành sở tại họ cũng chưa hiểu được và đâu có đồng tình. Sau này họ thấy nó đi vào thiết thực họ mới hô hào toàn dân trước hết bảo vệ môi trường, sau đó là tiết kiệm được tiền đầu tư cho tái sản xuất cây trồng. Người ta không đồng tình vì cứ để xem coi thử và nghĩ là những nhà máy chế biến phân mới có hiệu quả chứ không phải bản thân tôi làm có hiệu quả. Sau nhiều năm họ thấy đó là tư duy đi vào thiết thực, các hội của tỉnh và lên cấp trung ương thấy có hiệu quả. Khi thấy các tỉnh thành khác cũng áp dụng phương pháp này và là chương trình hữu ích cho xã hội, lúc đó người ta mới đồng tình đưa lên báo chí, đài báo.”

anh-1-2-096f3-400.jpg
Xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh. Photo courtesy of tintaynguyen.

Về phương pháp thực hiện và chiếc máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh vận hành ra sao, tác giả Vũ Đình Phúc cũng có trình bày:
“Tôi mua sắt, thép về chế tạo thành một cái máy. Trong máy phần chính phải có mô tơ; nơi nào  không có điện thì phải chạy bằng máy nổ. Máy co ba tầng Tầng đầu băm thô, sang tầng thứ hai băm hơi nhuyễn hơn và đến tầng thứ ba nhuyễn ra; lúc đó đưa ra ngoài để ủ thành phân. Máy băm nhỏ ra rồi ủ để phân giải cellulose. Tiếp đó gây men và ủ chừng 30 ngày.
Nguyên liệu là phế phẩm nông nghiệp chứ không phải rác thải sinh hoạt. Có những loại men được gây ra để ủ vào giúp mất mùi đi. Trong những ngày đầu phân được phủ bằng những tấm nilong cũng giúp không bốc mùi hôi ra. Trong khi xay cũng phải độn thêm chất phế thải thứ hai nữa là bã mía. Bã mía từ những nhà máy đường, mua về xay chung với những phế phẩm kia để rút hết lượng nước, không để nước của những phế phẩm này chảy ra làm hôi thối. Ngoài ra còn phải bỏ vào những loại men để không làm hại cho cây trồng. Men gốc, chủng loại ‘trichoderma’, được mua về và trộn chung với bánh dầu hay cám để gây ra loại men cấp hai để bỏ vào trộn đều.”
Việc đăng ký bản quyền đối với một sản phẩm như chiếc máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh mà ông Vũ Đình Phúc làm ra tại những nước khác là việc đương nhiên phải thực hiện vì lợi ích của chính tác giả. Tuy nhiên, ông này cho biết ở Việt Nam vấn đề đăng ký tác quyền không phải dễ nên ông không muốn tiến hành. Việc làm của ông nhằm giúp cho những người nông dân như ông là chủ yếu. Ông Vũ Đình Phúc nói:
“Việc làm này nhắm vào thiết thực giúp nông dân giảm tiền đầu tư vào phân bón. Khi họ có nguồn tại chỗ thỉ có thể tiết kiệm được tiền vì nông dân phải cực khổ lắm chứ không phải thò tay xuống đất là bốc tiền lên được. Tôi hướng dẫn cho người ta làm sao đầu tư để có lãi. Thứ hai nữa là có thể quản lý dịch bệnh, khi mua (phân) có gì bên trong có biết rõ không. Ở Việt Nam nói độc quyền làm gì. Tôi làm hàng loạt chứ độc quyền làm gì. Có kiện tụng, hay làm hồ sơ độc quyền sẽ tốn tiền, lằng nhằng lắm chứ có như ở nước ngoài đâu.”

Đánh giá

Một nông dân khác cùng cư ngụ tại phường 7, thành phố Đà Lạt với ông Vũ Đình Phúc là ông Cao Minh Chí, người mấy năm nay sử dụng chiếc máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh do ông Phúc chế ra cho biết những lợi ích khi sử dụng máy đó vào hoạt động trồng rau bó xôi và hoa trong nhà kính của gia đình ông như sau:

anh-5-096f3-400.jpg
Ông Vũ Đình Phúc và một phần chiếc máy xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh. Photo courtesy of tintaynguyen.

“Khi chưa có máy này phải áp dụng nhiều thứ, khi có máy này rồi mình có thể tự xử lý giúp giảm chi phí cho nguồn phân khoảng 30%. Ngược lại sử dụng phế phẩm nông nghiệp bón lại cho đất làm đất tơi xốp. Từ đó giúp nâng cao nguồn vốn cho mình.
Nói về máy của ông Vũ Đình Phúc mà gia đình tôi áp dụng 8 năm nay, chưa có hư hao gì hết. Máy tôi chạy mô tơ 10 ngựa, còn máy của ông Phúc lớn hơn chạy 15 ngựa. Máy của tôi chạy trong một tiếng khoảng 6-7 ký.
Tại địa phương tôi ở thì hiện nay người ta đang áp dụng ( máy này) chừng 20% rồi.”
Bà Thái thị Hạnh, phó chủ tịch Hội Khuyến nông thành phố Đà Lạt, người theo dõi công trình chế tạo máy, và sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp do máy đó tạo ra cũng có đánh giá tương tự như người nông dân sử dụng Cao Minh Chí vừa trình bày:
“Về công trình của ông Phúc có mấy điểm như thế này: về mặt môi trường nều sử dụng được hết phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thì môi trường của nông thôn tốt hơn. Bởi vì những chất thải đó mà không tạo thành phân vi sinh thì sẽ chảy nước ra môi trường, ngấm xuống sông, suối, hồ ao sẽ gây ra ô nhiễm trong đó. Còn nếu thu hồi hết lại mà làm thanh phân vi sinh thì lợi là bón cho cây trồng và môi trường sạch sẽ.
Về kinh tế, nếu theo cách tính của Hội Nông dân tỉnh thì nếu bón bằng phân urê sẽ tốn hết 60 triệu, trong khi sử dụng phân vi sinh để bón chỉ tốn chừng 12-14 triệu mà thôi vì chất lượng của những loại phân này giống nhau, độ đạm bón cho cây trồng giống nhau; trong khi đó chi phí giảm 38 triệu một héc ta.
Thứ ba nữa máy của ông Phúc có thể sử dụng cho gia đình, mỗi nhà có thể dùng một máy với giá từ 12-14 triệu thì họ có thể tự tao phân vi sinh để sử dụng.”
Thông tin cho biết Ban tổ chức và giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trao giải cho công trình của ông Vũ Đình Phúc trong năm nay nhằm khuyến khích cho những người biết vượt khó nhằm tạo ra những công trình mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư vừa về mặt kinh tế, vừa về mặt môi trường, như chiếc máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh của ông Vũ Đình Phúc đang được sử dụng ở Đà Lạt và một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận…
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten