donderdag 26 februari 2015

Hối mại quyền thế : Trung Quốc dùng tiền mua giới chính trị Anh ?

Hối lộAnhTrung QuốcTham nhũngXã hộiChính trịChâu ÁQuốc tếPhỏng vấn

Hối mại quyền thế : Trung Quốc dùng tiền mua giới chính trị Anh ?

media 
Ông Malcolm Rifkind từ chức Ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội sau vụ bê bối "cash for access" Reuters / Stefan Wermuth
Ngay tại thời điểm các đảng phái chính trị ở Anh bắt đầu chạy nước rút cho cuộc vận động tranh cử vào Quốc hội thì lại nổ ra vụ bê bối hối mại quyền thế của các nghị sĩ nổi tiếng, Jack Straw và Malcolm Rifkind, khiến chính trường chao đảo và khiến không ít dân chúng suy nghĩ lại về vai trò của chính trị và các nghị sĩ Quốc hội trong cuộc sống hàng ngày của mình. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết chi tiết.

Hai chính trị gia đã nhanh chóng tuyên bố rút lui khỏi chính trường để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng mình trong cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng Năm tới đây, nhưng dư âm sẽ còn kéo dài trên trường quốc tế vì mức độ nhạy cảm của vụ việc.
Mọi chuyện bắt đầu từ một phóng sự điều tra của tờ báo Daily Telegraph cùng thực hiện với kênh truyền hình Channel 4 và phát trong chương trình Dispatches nổi tiếng chuyên phanh phui các góc khuất của quyền lực trên thế giới. Họ cài phóng viên vào tiếp cận hai chính trị gia gạo cội là ông Jack Straw của đảng Lao Động và Sir Malcolm Rifkind của đảng Bảo Thủ. Hai ông đã làm chính trị từ rất lâu, và đều từng giữ chức Bộ trưởng khi chính phủ của họ cầm quyền.
Trong đoạn phim quay lén trong phòng làm việc của hai ông trong Quốc hội, thì hai vị này đã hứa hẹn sẽ giúp đối tác gặp những mối quan hệ cần thiết, đổi lại bằng những khoản tiền lớn. Vụ việc này làm chấn động dư luận Anh trước hết là vì đã động vào nỗi lo thường trực của mỗi cử tri về việc quyền lực của Quốc hội và chính phủ Anh bị lợi dụng.
Trong trường hợp của ông Rifkind, đối tác là một công ty của Trung Quốc, còn ông đang phụ trách Ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội. Vậy mà ông hùng hồn tuyên bố sẵn sàng tạo điều kiện cho đối tác muốn gặp ai thì gặp, và khéo léo nói về chuyện công xá.
Tờ báo Daily Telegraph trình bày đơn chào hàng của ông rằng, với số tiền 5.000 bảng Anh một ngày, công ty Trung Quốc nọ có thể gặp tất cả những nhân vật quan trọng đang nắm giữ hệ thống an ninh hạt nhân trên thế giới, vì ông từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và ngoài vị trí hiện nay làm Chủ tịch Ủy ban an ninh Quốc hội, ông còn là thành viên của các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Hội đồng chuyên trách các nghị trình toàn cầu, chuyên trách về hạt nhân.
Ban đầu thì ông Rifkind còn đòi điều tra phóng sự của báo, nhưng đảng Bảo Thủ đã tạm ngưng tư cách đảng viên của ông để điều tra, và Quốc hội tạo sức ép khiến ông từ chức Chủ tịch Ủy ban an ninh, và tuyên bố sẽ không ra tranh cử trở lại. Sự nghiệp chính trị kéo dài 41 năm nhanh chóng sụp đổ chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ. Trước đó, cựu Ngoại trưởng Jack Straw đã lên truyền hình tuyên bố rút lui khỏi chính trường để khỏi làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng Lao Động.
Vai trò của truyền thông Anh
Truyền thông Anh không chỉ đơn giản là thanh toán hai cá nhân chính trị gia nào đó. Những góc cạnh mà báo chính và truyền hình Anh khai thác xung quanh vụ bê bối này trong hai ngày qua còn khiến người ta phải suy nghĩ về thể chế chính trị và thế giới của các chính trị gia ở nước Anh.
Phóng sự của Channel 4 chạy đoạn video có ông Malcolm Rifkind giải thích rằng mình làm việc không có lương, và phải cân bằng thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau để ổn định cuộc sống như một người chuyên làm hợp đồng cho nhiều đối tác khác nhau.
Còn ông Jack Straw khi lên đài truyền hình BBC trả lời phỏng vấn trực tiếp thì tiết lộ rằng nhiều chính trị gia mà ông biết, đặc biệt là trong Thượng viện, coi đây như là công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập đại khái kiểu như là cho vui mà thôi, còn nguồn thu nhập chính nằm ở nơi khác.
Theo tính toán của đài truyền hình Sky News, lương trong Quốc hội của ông Rifkind là 67.000 bảng, phụ thu cho chức Chủ tịch uỦy ban an ninh và tình báo là thêm 14.000 nữa. Trong khi đó thu nhập của ông từ các khoản khác có thể lên đến 270.000 bảng/năm, tức là chân ngoài dài hơn rất nhiều so với chân trong, và còn cao hơn lương của Thủ tướng, vào khoảng 160.000 bảng một năm.
Lãnh đạo đảng Lao Động là Ed Miliband đề nghị Thủ tướng Anh ra công lệnh ngăn các nghị sĩ kiếm tiền ở bên ngoài Quốc hội, thu nhập bên ngoài không được vượt quá 10-15% lương Quốc hội. Có vẻ như chính trường nước Anh dần biến chuyển từ một không gian hoạt động dân chủ của những người giàu có không phải lo cơm áo gạo tiền, sang thành nơi kiếm tiền của những ai muốn hành nghề chính trị.
Điều đó khiến người dân đặt câu hỏi và lo ngại liệu các nghị sĩ Quốc hội có còn lo lắng để đại diện cho dân chúng ở vùng đã bỏ phiếu cho họ hay không, hay dành nhiều thời gian cho những ai trả tiền để họ làm những việc khác. Tuy nhiên, có thể thấy rõ là quyền tự do báo chí đã đánh một cú đo ván (knock-out) vào tư duy lợi ích nhóm, không cho phép chính trị gia ở Anh dùng quyền lực để kiếm lợi cho cá nhân hay một nhóm lợi ích nào đó.
Anh dứt khoát giải quyết nhanh chóng vụ bê bối
Nhìn từ góc độ quốc tế, vụ xì-căng-đan này còn khiến người ta suy nghĩ thêm về vai trò của nước Anh và giới chính khách ở các nước lớn. Chương trình truyền hình Despatches chuyên làm phóng sự về các vấn đề quốc tế và phóng viên có lần sang tận những vùng chiến sự để tìm hiểu xem tác động chính trị ở Anh có ảnh hưởng như thế nào trên thực địa.
Họ có ngân sách để đầu tư nghiên cứu cơ bản trước khi dựng chương trình, và lần này không phải tình cờ mà họ đưa ra lời đề nghị từ một công ty mà họ nói rõ là của Trung Quốc.
Trong cuộc trao đổi, ông Rifkind còn tiết lộ về mối quan hệ với cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và nhóm quan hệ bao gồm 22 Ngoại trưởng trên thế giới.
Trong bối cảnh Trung Quốc luôn sẵn sàng dùng tiền để mua quan hệ và đổ tiền vào cả những chương trình chính thức như Viện Khổng Tử lẫn những món quà ngoại giao và mối quan hệ cá nhân, thì phóng sự này chỉ ra một nguy cơ rất lớn cho các nước nhỏ đang có tranh chấp hoặc nguy cơ đối đầu với Trung Quốc, vì sẽ yếu thế trong ngoại giao, khi Trung Quốc có được những mối quan hệ trực tiếp vào các cấp cao nhất trong chính trường Anh, Mỹ và các cường quốc, cả trong đảng cầm quyền lẫn bên phía đối lập.
Đây là câu chuyện sẽ tiếp tục gây tranh cãi khi dư luận nước Anh bắt đầu lắng dịu nhờ các tuyên bố từ chức nhanh chóng của hai nghị sĩ Quốc hội Jack Straw và Malcolm Rifkind.
Thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn 25/02/2015 nghe

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150225-hoi-mai-quyen-the-trung-quoc-dung-tien-mua-gioi-chinh-tri-anh/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten