zondag 18 januari 2015

Video: Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phi Luật Tân và ngoại giao đoàn 16-1-2015

Video: Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phi Luật Tân và ngoại giao đoàn
VietCatholic Network1/16/2015

(video) :  http://www.dailymotion.com/video/x2evucz_d%E1%BB%A9c-thanh-cha-g%E1%BA%B7p-g%E1%BB%A1-cac-nha-lanh-d%E1%BA%A1o-phi-lu%E1%BA%ADt-tan-va-ngo%E1%BA%A1i-giao-doan_news

Lúc 9:15 sáng thứ Sáu Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ chính thức với tổng thống Benigno Aquino và các thành viên trong chính phủ Phi Luật Tân tại dinh Malacañang.

Phi Luật Tân có 108 triệu dân trong đó 82.9% là người Công Giáo. Kế đó là người Hồi Giáo chiếm 5%.

Người ta ước lượng hiện có 10 triệu người Phi Luật Tân sống tại ngoại quốc và họ có khuynh hướng đem đức tin tới bất cứ nơi nào họ tới.

Nước này cũng vẫn đang còn bàng hoàng về cơn bão Hải Yến, xảy ra hồi tháng Mười Một năm 2013, một trong những cơn bão mạnh nhất xưa nay, từng giết hơn 6,000 người và phá hủy hơn 1 triệu 1 trăm ngàn ngôi nhà khiến cho 4 triệu 1 trăm ngàn người màn trời chiếu đất.

Đức Phanxicô sẽ tới thăm vùng bị bão tàn hại hơn cả để an ủi những người rời cư và làm phép một trung tâm dành cho người nghèo. Ngài sẽ dùng bữa trưa với khoảng 30 nạn nhân sống sót.

Mục đích của Đức Thánh Cha đến thăm nước này là để kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến được với quần đảo này. Đó cũng là thời gian hình thành nên thủ đô Manila.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,

Manila là thủ đô của Philippines từ năm 1591, nằm trên bờ biển phía đông đảo Luzon, là đảo lớn nhất của quần đảo Philippines gồm hơn 7.100 đảo. Cấu trúc thành phố có từ thời Tây Ban Nha đô hộ với các bức tường của thành cổ có pháo đài gọi là Intramuros. Manila hiện có 1,5 triệu dân cư và là trung tâm của một vùng thành phố khác là Metro Manila bao gồm 17 thành phố chung quanh có tổng cộng 12 triệu dân. Ở mạn nam Intramuros là công viên Rizal, nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho tín hữu ngày 18 tháng hai. Manila có nhiều nơi phụng tự Công Giáo trong đó có nhà thờ chính toà nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ và tiểu vương cung thánh đường Thánh Sebastian kiểu gô tích hoàn toàn bằng thép. Manila cũng có khoảng 30 đại học, học viện và viện cao học bách khoa, kỹ thuật, nổi tiếng nhất là Đại học giáo hoàng thánh Toma, nơi ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo và giới trẻ Philippines.

Tổng giáo phận Manila có từ năm 1595, có 3 triệu 484 ngàn dân trong đó có 3 triệu 49 ngàn người Công Giáo, tức chiếm 88%. Giáo phận có 88 giáo xứ, 260 nhà thờ hay cứ điểm truyền giáo, 271 linh mục giáo phận, 369 linh mục dòng, 529 tu huynh, 899 nữ tu khấn trọn, 89 đại chủng sinh và 1 thầy sáu vĩnh viễn. Giáo Hội điều khiển 204 cơ sở giáo dục và 38 trung tâm bác ái.

Sau cuộc hội kiến với tổng thống, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Phi Luật Tân, cùng với các vị đại sứ các nước trong ngoại giao đoàn.

Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha nói:

Kính thưa quí bà và qúi ông,

Tôi xin cám ơn ngài, thưa tổng thống, về sự nghinh đón tốt đẹp và những lời chào mừng của ngài nhân danh các nhà cầm quyền và nhân dân Phi Luật Tân, cũng như các thành viên lỗi lạc của ngoại giao đoàn. Tôi hết sức biết ơn đối với lời ngài mời tôi tới thăm Phi Luật Tân. Chuyến viếng thăm của tôi trước nhất có tính mục vụ. Nó diễn ra trong lúc Giáo Hội tại đất nước này đang chuẩn bị cử hành năm thế kỷ công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô tại những bờ biển này. Sứ điệp Kitô Giáo vốn có một ảnh hưởng lớn lao đối với nền văn hóa Phi Luật Tân. Tôi hy vọng rằng lễ kỷ niệm quan trọng này sẽ nói lên hoa trái liên tục của sứ điệp ấy và tiềm năng gợi hứng của nó đối với một xã hội rất xứng đáng với lòng tốt, phẩm giá và ước vọng của nhân dân Phi Luật Tân.

Một cách đặc biệt, chuyến viếng thăm này nhằm nói lên sự gần gũi của tôi với các anh chị em từng chịu đau khổ, mất mát và tàn phá gây ra bởi trận bão Yolanda. Cùng với nhiều người trên khắp thế giới, tôi vốn ngưỡng phục sức mạnh anh hùng, đức tin và sự dẻo dai do rất nhiều người Phi Luật Tân chứng tỏ trước thiên tai này, và rất nhiều thiên tai khác. Các đức tính này, nhờ bắt nguồn không ít từ niềm hy vọng và tình liên đới do đức tin Kitô Giáo gợi hứng, đã tạo nên một dòng suối lòng tốt và đại lượng, nhất là nơi rất nhiều người trẻ. Trong giờ phút khủng hoảng quốc gia đó, không biết bao nhiêu người đã chạy tới giúp đỡ người lân cận đang cần đến của mình. Bằng một hy sinh lớn lao, họ đã dành thì giờ và tài nguyên của họ để tạo ra cả một hệ thống trợ giúp hỗ tương và cùng làm việc cho ích chung.

Điển hình liên đới trên trong công trình tái thiết dạy ta một bài học quan trọng. Giống như một gia đình, mọi xã hội đều rút tỉa từ các tài nguyên sâu sắc nhất của mình để đương đầu với các thách đố. Ngày nay, Phi Luật Tân, cùng với nhiều quốc gia khác tại Á Châu, đang đương đầu với thách đố phải xây dựng cho bằng được một xã hội hiện đại trên các nền tảng vững chắc, một xã hội biết tôn trọng các giá trị nhân bản chân chính, bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền do Thiên Chúa ban, và sẵn sàng đương đầu với các nan đề chính trị và đạo đức mới mẻ và phức tạp. Như nhiều tiếng nói tại quốc gia của ngài từng chỉ rõ, nay là lúc, hơn bao giờ hết, các nhà lãnh đạo chính trị cần phải nổi bật về lòng trung thực, đức liêm chính và sự dấn thân phục vụ ích chung. Bằng cách này, họ sẽ giúp duy trì các tài nguyên nhân bản và thiên nhiên phong phú mà Thiến Chúa đã chúc lành ban cho xứ sở này. Nhờ thế, họ sẽ có khả năng điều phối được các tài nguyên tinh thần cần thiết cho việc đương đầu với các đòi hỏi của hiện tại, và truyền lại cho các thế hệ đang đến một xã hội thực sự công bình, liên đới và hòa bình.

Điều chủ yếu để đạt được các mục tiêu quốc gia nói trên là bổn phận luân lý đòi phải đảm bảo công bình xã hội và tôn trọng nhân phẩm. Truyền thống vĩ đại của Thánh Kinh buộc mọi người có bổn phận phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo. Nó mời gọi ta phá tan mọi lòi tói bất công và áp bức từng phát sinh ra những bất bình đẳng xã hội tỏ tường, và hết sức tai tiếng. Việc canh tân các cơ cấu xã hội từng duy trì cái nghèo khôn nguôi và việc loại bỏ người nghèo, trước nhất, đòi phải hồi tâm hồi trí. Các giám mục Phi Luật Tân từng yêu cầu rằng năm nay phải được dành làm “Năm Người Nghèo”. Tôi hy vọng rằng lời kêu gọi có tính tiên tri này sẽ thách đố mọi người, ở mọi trình độ xã hội, chịu bác bỏ mọi hình thức thối nát từng làm chệch hướng các tài nguyên không đến với người nghèo, và chịu đồng lòng cố gắng làm sao cho mọi người nam nữ và cả trẻ em nữa được bao gồm vào đời sống cộng đồng.

Dĩ nhiên, phải dành cho gia đình và nhất là người trẻ một vai trò nền tảng trong việc đổi mới xã hội. Điểm nổi bật trong chuyến viếng thăm của tôi sẽ là các cuộc gặp gỡ các gia đình và người trẻ tại Manila này. Các gia đình có một sứ mệnh không thể thiếu trong xã hội. Chính trong gia đình, trẻ em được huấn luyện trong các giá trị lành mạnh, các lý tưởng cao đẹp và biết thực sự quan tâm tới người khác.

Nhưng giống mọi ơn phúc của Thiên Chúa, gia đình cũng có thể bị biến dạng và tiêu hủy. Nó cần được ta hỗ trợ. Ta biết rằng đối với các nền dân chủ ngày nay của ta, thật khó có thể duy trì và bảo vệ các giá trị nhân bản nền tảng như tôn trọng phẩm giá bất khả vi phạm của mỗi con người nhân bản, tôn trọng các quyền luơng tâm và tự do tôn giáo, và tôn trọng quyền sống bất khả nhượng, bắt đầu với quyền sống của trẻ chưa sinh và trải dài tới quyền sống của người cao niên và bệnh hoạn. Vì lý do này, các gia đình và các cộng đồng địa phương phải được khích lệ và trợ giúp trong các cố gắng của họ nhằm thông truyền cho người trẻ của chúng ta các giá trị và viễn kiến có thể giúp đem lại một nền văn hóa liêm chính, một nền văn hóa biết tôn kính sự thiện, sự chân, lòng trung thành và tình liên đới làm nền tảng vững chắc và chất keo tinh thần hòng giữ cho xã hội gắn bó với nhau.

Kính thưa tổng thống,

Kính thưa các nhà cầm quyền lỗi lạc,

Các bạn thân mến,

Ở lúc bắt đầu chuyến viếng thăm đất nước này, tôi không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của Phi Luật Tân trong việc cổ vũ sự hiểu biết nhau và hợp tác với nhau giữa các quốc gia Á Châu. Tôi cũng xin được nhắc đến sự đóng góp thường bị quên lãng nhưng rất thực của người Phi Luật Tân ở ngoại quốc vào đời sống và phúc lợi của các xã hội nơi họ sinh sống. Chính dưới ánh sáng di sản văn hóa và tôn giáo phong phú mà xứ sở của quí vị vốn tự hào, tôi xin tạm biệt quí vị bằng một thách đố và một khích lệ đầy tính cầu nguyện. Ước chi các giá trị thiêng liêng sâu sắc nhất của nhân dân Phi Luật Tân tiếp tục tìm được biểu thức nơi các cố gắng của quí vị nhằm cung cấp cho các đồng công dân của qúi vị một nền phát triển nhân bản toàn diện. Bằng cách này, mỗi người đều sẽ có khả năng thể hiện trọn vẹn tiềm năng của mình, và do đó, góp phần một cách khôn ngoan và tốt đẹp vào tương lai đất nước. Tôi tin tưởng rằng các cố gắng đáng khen nhằm cổ xúy đối thoại và hợp tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau sẽ chứng tỏ hữu hiệu trong việc theo đuổi mục tiêu cao thượng này. Cách riêng, tôi xin bày tỏ lòng tin tưởng của tôi rằng tiến bộ đã thực hiện được trong việc đem hòa bình cho miền nam của xứ sở sẽ đem lại các giải pháp công bình phù hợp với các nguyên tắc thành lập quốc gia và tôn trọng các quyền bất khả nhượng của mọi người, trong đó, có người bản địa và các nhóm thiểu số tôn giáo.

Tôi xin thân ái khẩn cầu phúc lành dồi dào của Thiên Chúa xuống trên mọi quí vị, và trên mọi người nam nữ của quốc gia quí yêu này.

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133718.htm

Video: Lễ nghi đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường Villamor của thủ đô Manila
VietCatholic Network1/15/2015

(video)  http://vimeo.com/116898470


Lúc 17:45 ngày thứ Năm 15 tháng Giêng, máy bay chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Villamor của thủ đô Manila.

Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay có tổng thống Benigno Aquino và các thành viên trong chính phủ. Về phía giáo quyền địa phương có Đức Hồng Y Luis Tagle của tổng giáo phận Manila và một số Giám Mục Phi.

Tổng thống Benigno Aquino, là một người Công Giáo, năm nay 54 tuổi, đã đảm nhận chức vụ tổng thống Phi Luật Tân từ ngày 30 tháng 6 năm 2010. Ông là vị tổng thống độc thân đầu tiên của tổng thống Benigno Aquino. Ông được kể là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới nhưng vẫn còn độc thân. Vì thế, chỉ có mình ông ra đón Đức Thánh Cha, không có phu nhân đi kèm.

Các em học sinh đã cùng hát và múa theo một danh ca phi Luật Tân.

Đức Thánh Cha đã đáp một chiếc chuyên cơ của Sri Lanka.

Gió lồng lộng trên căn cứ không quân Villamor đã thổi tung chiếc mũ sọ của Đức Thánh Cha, ngài cố gắng chụp lại nhưng không kịp.

Tổng thống Benigno Aquino đã túc trực sẵn tại chân thang máy bay cùng với đông đảo các Giám Mục Phi. Ngay khi máy bay vừa đáp xuống chuông nhà thờ trong thành phố đã đồng loạt được đánh lên báo tin vui cho toàn dân.

Hàng quân danh dự đón chào Đức Thánh Cha với nghi thức chào quốc kỳ Vatican và Phi Luật Tân

Đức Thánh Cha đang ôm chầm Đức Hồng Y Luis Tagle của tổng giáo phận Manila.

Tổng thống Benigno Aquino bắt tay Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và các vị cùng đi với Đức Thánh Cha.

Không khí tiếp đón không nhiều mầu sắc như tại Sri Lanka, ít lễ tiết hơn nhưng người ta có thể thấy giống như Đức Thánh Cha đang về nhà của mình.

Trời sụp tối rất nhanh. Đức Thánh Cha bước lên chiếc pope mobile của ngài cùng với Đức Hồng Y Luis Tagle, từ đây hai vị sẽ về đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Manila. Hai bên đường hàng triệu người chờ đón để được thấy mặt ngài đã reo vui mừng rỡ.

Hôm thứ Tư, Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục thúc giục anh chị em chào đón Đức Thánh Cha. Ngài nói: “Mỗi bước đi của ngài, mỗi chiếc xe ngài đi, mỗi giây phút ngài ở với chúng ta đều rất quý báu”.

Bộ trưởng Nội Vu Phi Luật Tân cho biết.

Hơn 40,000 cảnh sát và quân đội đã điều động để bảo đảm an ninh cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sẽ về nghỉ ngơi tại Toà sứ thần Tòa Thánh.

Ngày mai, cụ thể là lúc 9:15 sáng thứ Sáu Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ chính thức với tổng thống Benigno Aquino và các thành viên trong chính phủ Phi Luật Tân tại dinh Malacañang.

Sau cuộc hội kiến với tổng thống, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Phi Luật Tân, cùng với các vị đại sứ các nước trong ngoại giao đoàn.

Sau cuộc gặp gỡ tại dinh tổng thống với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Phi Luật Tân, cùng với các vị đại sứ các nước trong ngoại giao đoàn, lúc 11:15 sáng thứ Sáu 16 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ dâng thánh lễ với các Giám Mục, linh mục và tu sĩ Phi Luật Tân tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm của thủ đô Manila.

Buổi chiều Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ với các gia đình Phi Luật Tân tại Cung Asia Area lúc 5:30 chiều

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133703.htm


Geen opmerkingen:

Een reactie posten