dinsdag 27 januari 2015

Trung Quốc lộ rõ 'ý đồ quân sự lâu dài và nguy hiểm' ở Biển Đông

Thứ hai, 26/1/2015 | 08:20 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 26/1/2015 | 08:20 GMT+7

Trung Quốc lộ rõ 'ý đồ quân sự lâu dài và nguy hiểm' ở Biển Đông

Việc Trung Quốc gần đây liên tiếp công khai hình ảnh xây dựng ở đá Chữ Thập, Trường Sa, cho thấy ý đồ khai thác, kiểm soát thực tế cũng như tham vọng quân sự 'lâu dài và nguy hiểm' của Bắc Kinh ở Biển Đông.
tq-1627-1422173732.jpg
Trung Quốc được cho là triển khai khoảng 2.000 lính ở đá Chữ Thập. Ảnh: CRI
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Hoàng Khắc Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá việc bồi đắp các đá ở Trường Sa cho thấy rõ hơn ý đồ của Trung Quốc. Nếu như trước đây Bắc Kinh thường thực hiện các hành động mang tính phi quân sự như đánh bắt cá, cắt cáp, đặt giàn khoan, mang tính phép thử ngắn hạn, thì việc xây dựng căn cứ quân sự ở các đá này cho thấy ý đồ rõ ràng của họ. 
Ông Nam phân tích, ý đồ của Trung Quốc là khai thác thực tế và kiểm soát thực tế ở Biển Đông, sau đó tìm cách mở rộng ra các khu vực khác như eo biển Malacca. Việc triển khai căn cứ quân sự ở Trường Sa cho thấy khả năng Trung Quốc tính đến việc sử dụng biện pháp quân sự ở khu vực này.
"Trước đây Bắc Kinh có thể có ưu thế về hải quân nhưng không có lợi thế về không quân ở Biển Đông, một khi hoàn thành các căn cứ quân sự, Trung Quốc có thể khắc phục hạn chế này. Ý đồ quân sự mang tính lâu dài và nguy hiểm", ông Nam nói.
Trong vòng chưa đầy một tháng qua, sau khi công bố hình ảnh các binh sĩ luyện tập và các cơ sở quân sự tại đá Chữ Thập, truyền thông Trung Quốc còn đăng tải các bức ảnh về quá trình đưa nguyên vật liệu và nhân sự ra đá này thực hiện việc xây dựng. 
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, viện phó Viện Biển Đông, nói việc "Trung Quốc lại công bố các hình ảnh cho thấy họ đang bồi đắp ở Chữ Thập, đá lớn nhất ở Trường Sa, chứng tỏ Bắc Kinh đang công khai thách thức dư luận".
Ông Sơn cũng cho rằng các hình ảnh vệ tinh và số liệu của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế cho thấy khả năng Trung Quốc xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Trường Sa để sử dụng vào mục đích quân sự là rất cao. Đang có những lo ngại rằng Bắc Kinh xây dựng đường bằng dài đến 3.000 m ở đá Chữ Thập, nơi có vị trí chiến lược ở Biển Đông, biến nơi này thành căn cứ không quân cho máy bay tầm trung cất và hạ cánh. "Điều đó có thể thay đổi nghiêm trọng nguyên trạng và cân bằng lực lượng ở khu vực phía nam Biển Đông", ông Sơn nói.
Từ giữa năm ngoái, sau khi Philippines công bố các hình ảnh vệ tinh về thực trạng Trung Quốc cải tạo hàng loạt đá ở Trường Sa, các chuyên gia quân sự của tạp chí quốc phòng IHS Jane's cũng khẳng định Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ nạo vét, xây dựng đê chắn sóng và các doanh trại ở các đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven, Ken Nan, đá Lạc. Những đá này đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Một tướng của Trung Quốc cuối năm ngoái còn thừa nhận hoạt động xây dựng ở Trường Sa là nhằm "hỗ trợ hoạt động của radar và thu thập thông tin tình báo". 
Trong trao đổi với các đối tác Mỹ mới đây, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Philippines miêu tả việc cải tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông là "đồ sộ", "rất nghiêm trọng".
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn dự báo không thể loại trừ có những bất ổn ở Biển Đông trong năm nay nếu nhìn vào những việc làm, hành vi của Trung Quốc trong vài năm gần đây.
Tiến sĩ Nam cảnh báo trong năm 2015 này, bên cạnh việc tiếp tục tôn tạo các đá ở Biển Đông, Trung Quốc có thể đẩy mạnh "chiến tranh ngư trường", tăng cường sự hiện diện các tàu cá với sự hỗ trợ của hải quân. Bắc Kinh cũng có thể có những hành động ngăn chặn các tàu tiếp tế của các nước cùng có tranh chấp ra các đảo thuộc Trường Sa. Bắc Kinh cũng có thể lập khu vực Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông trong năm nay.
Ông Nam suy đoán Trung Quốc sẽ có những hành động mới ở Biển Đông thời gian tới, nhưng sẽ thận trọng hơn nếu thực hiện những sự vụ có tầm nghiêm trọng như giàn khoan Hải Dương 981. "Bắc Kinh vẫn sẽ có các hoạt động để chứng tỏ với dư luận trong nước và với các thành viên ASEAN là họ không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông".
Việt Anh
151
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/trung-quoc-lo-ro-y-do-quan-su-lau-dai-va-nguy-hiem-o-bien-dong-3138480.html

Thứ sáu, 23/1/2015 | 11:26 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 23/1/2015 | 11:26 GMT+7

Báo Trung Quốc tiết lộ ảnh quá trình bồi đắp đá Chữ Thập

Trang quân sự Sohu của Trung Quốc đăng tải bộ ảnh quá trình cải tạo phi pháp bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, mà nước này chiếm của Việt Nam từ năm 1988.
Các ảnh được đăng tải vào ngày 22/1, cho biết từ ngày 1 đến 7/2/1988, Trung Quốc gửi 11 tàu, mang nhân công và nguyên vật liệu đến đá Chữ Thập, bắt đầu đo đạc, xây dựng đường băng. Ảnh: Sohu
 
Ngày 24/2/1988, Trung Quốc cho nổ bom phá đất ở bãi Chữ Thập. Trang quân sự Sohu của Trung Quốc cho biết, bãi Chữ Thập là rạn san hô hình bầu dục thuôn dài, chia làm hai khu, tây nam và đông bắc. Toàn bộ rạn san hô này rộng 7,8 km, dài 26 km, diện tích 108 km2. Ở giữa có hồ nước nông, hình thù không rõ rệt, sâu khoảng 14,6 đến 40m. Khi thủy triều lên, toàn bộ rạn san hô chìm xuống dưới nước khoảng 1 m. Rạn san hô chính nằm ở góc tây nam, ước tính rộng 4 km2. Ảnh: Sohu
 
Khối lượng đất đá, san hô của vụ nổ tạo thành khu vực rộng hơn 8.000 m2. Ảnh: Sohu
 
Khu vực chính ở bãi Chữ Thập năm 2012, nằm trên rạn san hô góc tây nam. Ảnh: Xinhua
 
Sohu cho biết, kể từ cuối năm 2013, Trung Quốc bắt đầu cải tạo các rạn san hô và xây dựng nhiều công trình quy mô lớn trên các bãi đá ở Trường Sa như Gạc Ma, Châu Viên, cụm đá Ga Ven. Trung Quốc bắt đầu cải tạo bãi Chữ Thập từ tháng 6/2014. Trong ảnh là doanh trại mới đang được xây dựng trên khu vực chính ở bãi Chữ Thập. Ảnh: Xinhua
 
Ảnh chụp từ vệ tinh của Digital Globe cho thấy góc đông bắc bãi Chữ Thập là nơi cải tạo đầu tiên của Trung Quốc. Theo Sohu, chưa đầy một tháng, khu vực cải tạo đã tăng diện tích gấp 3 lần, lên 0,96 km2. Sau khi hoàn thành cải tạo góc đông bắc, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo các góc khác. Tháng 10/2014, SCMP cũng dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho hay Đá Chữ thập đã được cải tạo mở rộng tới khoảng một km vuông, trở thành đá lớn nhất Trường Sa và việc cải tạo vẫn còn tiếp diễn.
Việc cải tạo  này là phi pháp, trái với thỏa thuận Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002.
 
Hải quân Trung Quốc lần lượt xây dựng một đài quan trắc trên bãi Chữ Thập, một bãi đáp trực thăng và vườn rau rộng 500 m2, phục vụ cho hơn 2.000 quân đồn trú. Ảnh: Navy.81
 
Trung Quốc muốn bồi đắp và xây dựng bãi Chữ Thập thành đô thị lớn, có nhiều nhà cao tầng, sân bay, bến cảng. Bức không ảnh này được chụp tháng 12/2014, cho thấy Trung Quốc có thể xây đường băng trên đá Chữ Thập. Ảnh: Rappler.
 
Trung Quốc cũng cho xây một bến tàu có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 4.000 tấn, một tòa nhà 2 tầng ở đây. Trung Quốc được cho là có 2.000 lính đồn trú ở bãi Chữ Thập. Ảnh: CRI.
 

Hồng Hạnh

http://vnexpress.net/photo/tu-lieu/bao-trung-quoc-tiet-lo-anh-qua-trinh-boi-dap-da-chu-thap-3137532.html

Thứ tư, 7/1/2015 | 12:05 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 7/1/2015 | 12:05 GMT+7

Trung Quốc ngang nhiên đặt bãi Chữ Thập vào 'sự đã rồi'

Việc Trung Quốc lần đầu tiên công bố các hình ảnh về hoạt động trên đá Chữ Thập của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh không giấu giếm trước dư luận quốc tế về việc họ thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
tq-1800-1420603188.jpg
Trung Quốc lần đầu công bố các hình ảnh về quân đội trên đá Chữ Thập của Việt Nam. Ảnh: Huanqiu
Trao đổi với VnExpress, Phó giáo sư Trần Khánh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, việc Trung Quốc công khai các hình ảnh quân đội trên đá Chữ Thập hôm 3/1, mà họ đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam từ năm 1988, cho thấy nước này thể hiện thái độ "không có gì là bí mật" nữa.
Việc đưa ra các hình ảnh của Bắc Kinh sớm muộn gì cũng xảy ra, bởi vì các nước đã nói nhiều về việc xây dựng, cải tạo của Trung Quốc ở Trường Sa. Ông Khánh lấy ví dụ, dư luận đồn đại về máy bay tiêm kích, Trung Quốc sau đó cũng công bố, rồi giàn khoan Hải Dương 981 cũng xuất hiện sau khi các nước bàn tán.
"Trung Quốc đưa ra một sự thật kiểu sự đã rồi, tiếp tục thử phản ứng các nước khác", ông Khánh nói.
Theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, thông điệp của Trung Quốc khi công bố các hình ảnh quân sự ở đá Chữ Thập là răn đe các nước cùng có tranh chấp.
"Trung Quốc muốn đe dọa, muốn khẳng định là họ không muốn quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông, không muốn tòa án can thiệp, các nước liên quan phải chấp nhận đàm phán song phương", ông Trục nói.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng thể hiện sức mạnh vũ trang để khẳng định quyết tâm chiến lược, là chiếm trọn Biển Đông. Ông Trục lưu ý thời điểm "đầu năm" khi Trung Quốc có các bước đi ở Biển Đông. Chẳng hạn như đầu năm 2014, dư luận nhận thấy dường như Bắc Kinh mềm mỏng hơn, có thiên hướng dùng giải pháp ngoại giao với các nước cùng có tranh chấp, đột nhiên vào tháng 5, Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. "Diễn tiến năm 2015 có thể lặp lại chu trình, chúng ta cần hết sức cảnh giác", ông Trục nhấn mạnh.
Phân tích về vai trò của đá Chữ Thập, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, nói Chữ Thập sẽ giúp Trung Quốc "nối dài cán chổi quân sự tới các nước Đông Nam Á ven biển".
Căn cứ không quân ở bãi Chữ Thập giúp các loại máy bay ném bom chiến lược  vươn tầm hoạt động. "Nếu như trước đây máy bay của Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam khó hoạt động ở Trường Sa thì bây giờ Trung Quốc có thể kiểm soát tầm bay ở các nước Đông Nam Á", ông Trường nói. 
Đó là sự thách thức với an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, thách thức chủ quyền và hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, khi các nước bị đe dọa, uy hiếp.
Theo ông Trường, đá Chữ Thập là một trong 5 cụm mà Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự, khẳng định quyết tâm biến các đá thành cơ sở tiền tiêu của quân đội, tăng cường kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Cụm 5 đá ở Trường Sa này, khi kết nối với Hoàng Sa, sẽ tạo thành một lục giác khống chế Biển Đông, trong khi khu vực này là yếu hầu của đường vận tải toàn cầu.
Ông Trần Khánh cho biết thêm, sân bay cố định ở Trường Sa có lợi thế rất lớn, hơn rất nhiều so với tàu sân bay, vì Trung Quốc có thể bố trí các tàu ngầm bảo vệ, có thiết bị chống tàu ngầm và tên lửa đạn đạo của các nước khác. Khi có xung đột xảy ra, nhiều khả năng các nước sẽ bị động trước Trung Quốc.
Dự đoán về diễn biến năm 2015, ông Khánh cho rằng có thể tình hình căng thẳng hơn năm ngoái, vì các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông giống như "vào quy trình", trong khi Mỹ tiếp tục bận tâm tới nhiều điểm nóng khác trên thế giới, các nước ASEAN chưa củng cố được sức mạnh đoàn kết ở mức cao. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tập trung quyền lực rất cao, có khả năng quyết tâm thực hiện các mục tiêu của Bắc Kinh.
"Nhìn vào tình hình thực địa, chúng ta có thể dự đoán được điều gì có thể xảy ra. Nhưng Trung Quốc làm được đến đâu, làm thế nào, thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có phản ứng của Việt Nam, cùng các nước liên quan và các nước quan tâm đến an ninh khu vực", ông Trục nói.
Việt Anh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/trung-quoc-ngang-nhien-dat-bai-chu-thap-vao-su-da-roi-3130289.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten