Lịch sử thăng trầm của hãng hàng không Malaysia
Thứ Hai, ngày 21/07/2014 07:31 AM (GMT+7)
Sau nhiều biến cố thăng trầm trong lịch sử, tương lai của Malaysia Airlines trở nên mù mịt sau hai vụ thảm họa hàng không nghiêm trọng nửa đầu năm năm 2014.
Malaysian Airline System (viết tắt MAS) là hãng hàng không hàng đầu của Malaysia, có trụ sở tại sân bay Sultan Abdul Aziz Shah, Subang, Selangor, Kuala Lumpur. MAS là thành viên liên minh hàng không Oneworld. Hãng khai thác các chuyến bay tại khu vực Đông Nam Á, Bắc Á, Nam Á, Trung Đông, giữa châu Âu và châu Úc.
MAS được thành lập ngày 1/5/1946, với tên gọi Malayan Airways, sau được đổi thành Malaysian Airways khi Malaysia giành độc lập. Sau đó, hãng này một lần nữa đổi tên thành Malaysia-Singapore Airlines. Năm 1972, Malaysia-Singapore Airlines được tách ra thành Malaysian Airline System (MAS) và Singapore Airlines.
MAS liên tục phát triển vào những năm 1940-1950. Vào năm 1955, phi đội máy bay của MAS được mở rộng, và công ty niêm yết cổ phiếu năm 1957.
Những năm sau đó, hãng này phát triển nhanh chóng nhờ nhu cầu du lịch bằng đường hàng không sau chiến tranh tăng mạnh. Các tuyến bay được mở rộng ra các nước trong khu vực như Thái Lan, Hong Kong, Singapore, Brunei… Năm 1960, MAS có chuyến bay đường dài quốc tế đầu tiên tới Hong Kong. Cũng từ năm này, MAS liên tục mở rộng đội bay với những chiếc Boeing 707, 737.
Năm 1976, sau khi mua máy bay DC-10-30, MAS bắt đầu khai thác các tuyến bay từ Kuala Lumpur đi Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức).
Ngày 4/12/1977, MAS gặp tai nạn chết người đầu tiên. Chiếc Boeing 737-200 số hiệu 653 của hãng này bị không tặc tấn công và rơi tại Tanjung Kupang, Johor, khiến 100 người trên máy bay thiệt mạng.
Bùng nổ
kinh tế những năm 1980 giúp MAS ăn nên làm ra. Cuối thập kỷ này, MAS có tuyến bay tới 47 điểm quốc tế tại châu Âu, châu Úc và Mỹ. Năm 1993, MAS trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Đông Nam Á bay tới nam Mỹ với các chuyến tại Buenos Aires, Argentina.
Ngày 15/9/1995, chiếc Fokker 50 số hiệu 2133 của MAS hạ cách bất thành xuống sân bay Tawau, Sabah, làm 34/53 người trên máy bay thiệt mạng.
Trong khủng hoảng
tài chính châu Á năm 1997, MAS chịu lỗ 260 triệu RM sau khi lãi kỷ lục 333 triệu RM năm trước đó. Sau những biện pháp cải cách, MAS giảm lỗ từ 700 triệu RM của năm 1998/1999 xuống còn 259 triệu RM năm 1999/2000. Tuy nhiên, hai năm tiếp theo đó, hãng này lại lỗ nặng hơn, lần lượt là 417 triệu RM và 836 triệu RM, khiến MAS buộc phải hủy bỏ một số đường bay không có lợi nhuận tới Brussels, Darwin, Madrid, Munich và Vancouver.
Năm 2002, MAS chính thức phục hồi và lãi 461 triệu RM vào năm 2003. Tuy nhiên, năm 2005, dù doanh số và lượng khách tăng nhưng MAS báo lỗ 1,3 tỷ RM, do giá nhiên liệu leo thang, chi phí nhân viên, bảo trì, sân bay tăng cao.
Xem tiếp "Lịch sử thăng trầm của hãng hàng không Malaysia" phần 2
Theo Hoài Thu (zing.vn)
http://us.24h.com.vn/tai-chinh-bat-dong-san/lich-su-thang-tram-cua-hang-hang-khong-malaysia-c161a644868.html
Lịch sử thăng trầm của hãng hàng không Malaysia
Thứ Hai, ngày 21/07/2014 07:31 AM (GMT+7)
Sau nhiều biến cố thăng trầm trong lịch sử, tương lai của Malaysia Airlines trở nên mù mịt sau hai vụ thảm họa hàng không nghiêm trọng nửa đầu năm năm 2014.
Ngày 1/12/2005, chính phủ Malaysia bổ nhiệm Idris Jala làm CEO mới của MAS để cải tổ hãng hàng không này. Nguyên nhân gây lỗ của MAS là giá nhiên liệu cao và công tác quản lý doanh thu yếu kém. Kết thúc Kế hoạch cải tổ, năm 2007, MAS lãi 853 triệu RM.
Ngày 22/12/2009, MAS công bố mua 15 máy bay Airbus A330 mới, dự kiến giao hàng vào năm 2011 và 2016.
Tuy nhiên, tới năm 2011, MAS llại lỗ ròng tới 2,52 tỷ RM do giá nhiên liệu tăng và quản lý yếu kém. Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hãng này.
MAS thực hiện cải tổ lớn với việc bổ nhiệm CEO mới, Ahmad Jauhari Yahya vào tháng 9/2011. Tháng 1/2012, MAS dừng khai thác các đường bay tới Surabaya, Karachi, Dubai, Dammam và Johannesburg, đồng thời hủy các chuyến tới Cape Town, Buenos Aires và Rome vào tháng 2 cùng năm.
Ngày 1/7/2012, MAS củng cố vị trí là một trong những hãng hàng không hàng đầu thế giới, khi đưa vào khai thác máy bay Airbus A380-800 đầu tiên với đường bay từ Kuala Lumpur tới sân bay London Heathrow, Anh. Tính tới 1/2/2013, MAS có 850 đường bay tại 150 quốc gia trong mạng lưới liên minh hàng không Oneworld.
Ngày 28/2/2013, MAS báo lãi ròng 51,4 triệu RM trong quý 4 năm trước đó. Năm 2013, tình hình
tài chính của MAS có xu hướng cải thiện nhờ vào việc sắp xếp hợp lý các tuyến bay và giảm chi phí 14%.
Tuy nhiên, vận hạn lại một lần nữa bao trùm MAS khi ngày 8/3/2014, máy bay mang số hiệu MH370 của hãng này bị mất tích trên đường bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh với 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Thời điểm vụ MH370 mất tích, MAS đang phải nỗ lực cắt giảm chi phí để cạnh tranh với các hãng hàng không mới giá rẻ tại khu vực. Bất chấp mọi nỗ lực tìm kiếm, chiếc MH370 vẫn không được tìm thấy. Quý 1/2014, MAS lỗ 443,4 triệu RM (137,4 triệu USD). Ba năm trước đó, hãng này lỗ lần lượt 1,7 tỷ RM (2013), 443 triệu RM (2012) và 2,5 tỷ RM (2011). Giới phân tích dự đoán hãng này sẽ còn tiếp tục mất thị phần và thua lỗ nặng. Sau khi MH370 mất tích, cổ phiếu của hãng đã giảm 20%, mất giá 80% so với 5 năm trước.
Một tháng sau khi MH370 mất tích, CEO Ahmad Jauhari Yahya thừa nhận việc doanh số bán vé giảm nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể. Có thể việc này một phần là do nhiều người nghi ngờ MAS quảng cáo thông qua vụ mất tích. Tại Trung Quốc, thị trường lớn của MAS, số lượng khách đặt vé giảm 60%.
Chưa phục hồi sau vụ mất tích, ngày 17/7/2014, máy bay MH17 của MAS bay từ Amsterdam về Kuala Lumpur lại rơi tại Ukraine khiến toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Dù trải qua nhiều thăng trầm, MAS vẫn được bình chọn là một trong những hàng hàng không có dịch vụ tốt nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, MAS giành được hơn 100 giải thưởng lớn nhỏ như: Phi hành đoàn tốt nhất thế giới (2001–2004, 2007, 2009, 2012); Hãng hàng không 5 sao (2005–2007, 2009, 2012); Giải thưởng hạng phổ thông tốt nhất thế giới (2010); Hãng hàng không tốt nhất châu Á (2010, 2011)... MAS hiện sở hữu 94 máy bay, trong đó loại chở khách gồm 54 Boeing 737, 15 Airbus A330-300, 6 Airbus A380-800, 13 Boeing 777-200ER (trừ hai chiếc gặp nạn hồi tháng 3 và 17/7 vừa rồi); loại chở hàng gồm 4 chiếc Airbus A330-200F và 2 Boeing 747-400F.
Quay lại "Lịch sử thăng trầm của hãng hàng không Malaysia" phần 1
Theo Hoài Thu (zing.vn)
http://us.24h.com.vn/tai-chinh-bat-dong-san/lich-su-thang-tram-cua-hang-hang-khong-malaysia-trang-2-c161a644868.html#baiviet-container
Geen opmerkingen:
Een reactie posten