Friday, January 09, 2015 2:17:23 PM
Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm
Cầu Skywalk bắc đưa ra trên Grand Canyon West. |
Kiến trúc cầu Skywalk là sở hữu và điều hành bởi bộ lạc da đỏ Hualapai là sắc dân địa phương sinh sống lâu đời tại đây. Cầu Skywalk được xây với tổn phí là 30 triệu USD và được khánh thành vào ngày 20 Tháng Ba 2007 hiện được kinh doanh mở cửa cho công chúng vào xem với tiền vé khá cao cộng thêm nhiều điều giới hạn như không được sử dụng máy ảnh khiến du khách không mấy thiện cảm. Lại thêm địa điểm cầu Skywalk tọa lạc trong vùng sa mạc đất đá hoang dã thuộc Grand Canyon West cách Las Vegas 120 miles (192km) về phía Ðông Nam với 14 miles (22km) là đường đất chưa tráng nhựa, lái xe đi vào rất dằn sốc bụi bặm.
Vậy mà tôi lại đi vào trong đó mới mệt, số là năm rồi gia đình chị tôi từ Việt Nam qua Mỹ thăm con bằng tour du lịch. Trong lịch trình chuyến đi có đi Las Vegas và từ Las Vegas có một ngày thăm Grand Canyon Skywalk. Nghe nói về kiến trúc này từ lâu nhưng chưa biết hay dở thế nào nên tôi tháp tùng chuyến đi, trước là cùng đi ngoạn cảnh với người thân, sau là viếng thăm cho biết một công trình xây cất đặc biệt và khá tốn kém.
Sau một ngày thăm thú nạp tiền cho Las Vegas, sáng hôm sau cả đoàn khoảng 30 người trên một chiếc xe buýt của hãng du lịch có văn phòng ở Monterey Park gần Los Angeles (không biết chủ hãng này là Ðài Loan hay Trung Quốc nhưng công ty du lịch ở Sài Gòn hợp đồng với hãng du lịch này). Sau khi ăn phở ở Las Vegas, đoàn du lịch lên đường đi về hướng Ðông ghé xem bên ngoài của đập Hoover Dam rồi theo con đường số 93 đi thêm khoảng 40 miles về hướng Ðông Nam. Kế đến rẽ trái vào đường Pierce Ferry Road đi thêm 28 miles nữa lên hướng Ðông Bắc gặp ngã ba với đường Diamond Bar Road thì xe buýt dừng lại trong bãi đậu xe trước một ngôi nhà như là một văn phòng. Ðây là trạm xe trung chuyển Shuttle của công ty khai thác cầu Skywalk, theo lời của anh chàng hướng dẫn viên du lịch thì xe buýt của hãng du lịch ở Los Angeles không được đi vào khu Skywalk vì đây là đất tư nhân của bộ lạc Hualapai, con đường chưa được trải nhựa rất nguy hiểm nên phải đi bằng xe Shuttle của Skywalk. Lệ phí đi vào đất bộ lạc cộng tiền xe Shuttle khứ hồi và bữa ăn trưa là 70 USD, đoàn du lịch từ Sài Gòn sang thì đã bao gồm trong giá tour nên khỏi đóng thêm. Riêng tôi phải đóng 70 USD cho công ty khai thác Skywalk. Tôi thấy giá cao với lại quan cảnh Grand Canyon mình đã từng viếng qua nhiều lần rồi nên không muốn vào. Nhưng ngặt nếu không vào thì ngồi đây chờ đoàn du lịch của chị tôi trở ra phải đến chiều!
Quán ăn độc nhất ở khu Skywalk. |
Ngồi ở trạm chờ nhìn ra sa mạc hơn nửa giờ thì xe Skywalk Shuttle đến, hành lý cồng kềnh cứ để trong xe buýt tour có ông tài xế giữ xe trông coi, chúng tôi chuyển sang xe Shuttle. Con đường vào Grand Canyon West là con đường đất đá bụi bay mịt mùng lại dằn sốc lắc lư như con tàu đi. Mỗi lần có xe chạy ngược chiều (thường là xe Shuttle, chỉ gặp vài chiếc tư nhân), hai xe nép sát vào lề tránh nhau như cảnh giao thông ở miền núi vùng sâu vùng xa quê hương xứ Việt! Trời thì nóng 90 độ F (nhưng đỡ là xe có máy lạnh) và khung cảnh hai bên đường là sa mạc đất đá xương rồng cây Joshua hoang dại không có gì xem.
Lắc lư trên con đường gió cát 14 miles mất độ nửa giờ thì xe chúng tôi đi vào khu bộ lạc Hulapai với lác đác những căn nhà gỗ thông lấp thấp. Ðây là địa điểm mà bộ lạc đặt tên là Eagle Point nơi có cầu kính Skywalk tọa lạc. Chúng tôi đi về phía cầu là một ngôi nhà bê tông hai tầng với chiếc cầu hình chữ U đưa ra ngoài cách bờ vực 21m. Khi đến nơi định vào xem thì an ninh ở đây kiểm soát vé do hướng dẫn viên đưa ra (hướng dẫn viên này là một thành viên trong đoàn du lịch từ Sài Gòn sang, anh ta là nhân viên đài truyền hình biết chút tiếng Anh nên hãng tour có lẽ cho anh ta đi miễn phí, đổi lại anh phải hướng dẫn đoàn và cầm tất cả các giấy tờ cứ theo chương trình mà đi).
Nhân viên giữ cầu Skywalk nói là vé của tôi $70 cũng như của đoàn chỉ là “access” vào khu bảo tồn, đi Shuttle vào đây và ăn trưa. Muốn đi lên cầu phải mua vé thêm $40 nữa và tất cả vật dụng cá nhân kể cả điện thoại di động, máy hình không được mang lên cầu. Lý do là để bảo đảm đồ vật không rơi xuống vực sâu cũng như rớt lên mặt kính cầu! Phải để vật dụng cá nhân trong những tủ sắt (lockers) do họ cung cấp. Hình ảnh chuyên nghiệp do họ chụp và du khách có thể mua lại sau khi viếng cầu (giá $30 một tấm!). Họ quảng cáo giá trọn gói như sau: “Legacy package must be purchased to access (phải mua để vào) Grand Canyon West and the Skywalk - $70.95 plus tax (cộng thuế), $8 impact fee (?)... $3 fuel surcharge (thuế nhiên liệu).” Nội vụ trọn gói là $82 bao gồm:
- Vé vào Skywalk để đi trên cầu lát bằng kính.
- Một bữa ăn ở điểm ngắm cảnh do mình chọn.
- Phiếu giảm giá $5 để mua đồ kỷ niệm trên $25.
- Bằng chứng nhận có đến viếng của bộ lạc Hulapai.
- Chụp hình với dân bộ lạc.
- Xe Shuttle Hop-On Hop-Off để viếng Eagle Point, Guano Point và Hualapai Ranch.
Du khách Việt chụp hình với người da đỏ Hualapai. |
Tốn thêm $40 mà không được chụp hình nên chúng tôi không ai vào. Ðứng cạnh bờ vực sâu 4,000ft mà không có hàng rào an ninh rất ớn, sợ trợt chân té xuống vực sâu thì dù có la “Hualapai” cũng không ai nghe. Vào sân bên trong toàn là đất đá không cây cối chỉ có mấy căn lều nhọn chóp và vài người da đỏ mặc sắc phục thổ dân đánh trống đi tới đi lui. Ða số du khách tới đây là người Trung Quốc theo những tour du lịch như chúng tôi và chỉ thấy một số ít mua vé đi vào Skywalk. Chắc là do ế khách thăm viếng nên công ty khai thác Skywalk hợp đồng với các hãng du lịch Trung Quốc để đưa du khách tới đây. Người Trung Quốc chắc cũng nghe nói Grand Canyon là một danh thắng hùng vĩ của nước Mỹ nên cũng muốn tới xem. Nay thấy trong chương trình du lịch nước Mỹ cũng có viếng thăm Grand Canyon thì họ yên trí mua tour nhưng đâu biết là Grand Canyon West Skywalk nhếch nhác bụi bậm nắng nôi và làm tiền đủ mọi thứ. Sau khi du lịch Mỹ đi thăm Grand Canyon West do bộ lạc da đỏ làm chủ này, họ thất vọng mà đâu biết rằng Grand Canyon National Park ở chỗ khác là South Rim, là một thắng cảnh thiên nhiên vực sâu núi thẫm bao la hùng vĩ và tiện nghi mọi bề với khách sạn, nhà hàng.
Còn bữa ăn trưa đã bao gồm trong chương trình du lịch của đoàn chị tôi từ Việt Nam sang cũng như tôi phải mua riêng cho tôi $70 thì là một bữa... cơm tù! Chúng tôi phải đứng sắp hàng với người Trung Quốc giữa nắng nóng sa mạc chói chang. Ðến một cái cửa sổ, phục vụ bên trong cũng là người Trung Quốc để nhận một dĩa nhựa cơm chiên hay mì xào (mình chọn) với gà chiên hay thịt xá xíu và ly soda nước ngọt. Rồi mang ra những bàn tròn bên ngoài ngồi ăn. Ngoài quán ăn này nơi đây không có một chỗ bán thức ăn nào khác như McDonald's hay Pizza Hut nào!
Nhân viên điều hành ở đây đa số là người da trắng nhưng thái độ phục vụ không lịch sự như ta thường thấy ở bên ngoài. Thông cáo dán ở đây cũng như trên website cho rằng đây là đất do bộ lạc Hualapai làm chủ và quản lý nên họ có quyền, thí dụ như du khách chỉ được đậu xe nơi những bãi đã chỉ định, không được tự lái xe trong khu Grand Canyon West này. Mọi di chuyển phải đi bằng xe Shuttle mà đi thì phải mua những “gói” (package) giá trời ơi. Nhiều du khách Mỹ lái xe trên con đường đất đá đi vào phải đậu xe tại chỗ, còn muốn dạo chơi ngắm cảnh hay lên Skywalk phải chấp nhận giá cả quy định là $82 nhưng cũng không được chụp hình trên cầu kính. Muốn có hình lại phải trả thêm!
Grand Canyon West Skywalk là vậy, có nên đi hay không? Bạn đọc có thể lên mạng Google tìm hiểu, tùy theo sở thích sẽ có câu trả lời. Riêng tôi đi một chuyến chắc là... Hualapai, Bái bai!
Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:
1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam
2. Miền Tây Hoa Kỳ
3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc
4. Mùa Thu Ðông Âu
5. Tây Âu Cổ Kính
6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada
7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái
8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan
Tất cả mỗi quyển đồng giá 15 USD (bao cước phí trong nước Mỹ) xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm 3683 Hawks Dr. Brea, CA 92823. Ðiện thoại (714) 528-1413. Email: trinhhaotam@yahoo.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=201235&zoneid=22#.VMkgJ-k5C70
Geen opmerkingen:
Een reactie posten