dinsdag 27 januari 2015

1% giàu nhất thế giới sống ở đâu?

1% giàu nhất thế giới sống ở đâu?

  • 26 tháng 1 2015
Bản đồ 10 quốc gia có nhiều người thuộc 1% giàu nhất thế giới sinh sống
Trong lúc giới doanh nhân và chính trị cao cấp họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos trong tuần này, thì người ta đã bàn nhiều về tình trạng bất bình đẳng gia tăng, và người ta cũng nói nhiều tới "1% những người giàu nhất".
1% khiến ta nghĩ tới hình ảnh những nhà tỷ phú sống ở các hòn đảo tư nhân, nhưng thực sự thì 1% này là những ai?
Một bản phúc trình do tổ chức thiện nguyện Oxfam đưa ra đúng vào dịp họp Davos đã khiến thiên hạ đưa ra những dự đoán rằng số 1% giàu nhất thế giới rồi đây sẽ sớm sở hữu nhiều của cải hơn toàn bộ số dân còn lại trên thế giới.
Bản phúc trình đề cập tới kết quả nghiên cứu của ngân hàng Credit Suisse, vốn ước đoán tổng số giá trị tài sản toàn cầu nằm trong tay các hộ gia đình trong năm 2014 là 263 nghìn tỷ đô la.
Đó là tổng giá trị tài sản, không phải là thu nhập. Con số này được tính trên cơ sở tổng tài sản trừ đi tổng nợ.
Rõ ràng là các tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett và Mark Zuckerberg nằm trong số 1%. Nhưng ngoài ra thì còn những ai nữa?
Theo Credit Suisse, đó là khoảng 47 triệu người khác, gồm bất kỳ ai có tài sản trị giá từ 798 ngàn đô la Mỹ trở lên.
Con số này bao gồm rất nhiều người sinh sống ở các nước giàu, những người tự bản thân họ không thấy là họ giàu, mà đơn thuần chỉ là sở hữu nhà hoàn toàn, hoặc đã trả được phần lớn tiền nợ mua nhà.
Trong số này có:
  • 18 triệu người ở Mỹ - quốc gia có số người thuộc nhóm 1% đông hơn bất kỳ quốc gia nào khác
  • 3,5 triệu người ở Pháp
  • 2,9 triệu người ở Anh
  • 2,8 triệu người ở Đức
Đức là nền kinh tế lớn nhất Âu châu. Lý do mà nước này có ít người giàu hơn các nước khác, theo cách tính của Credit Suisse, là do có lượng người sở hữu nhà thấp.
Hai nước Á châu có hơn một triệu người thuộc nhóm 1% giàu có nhất là:
  • 4 triệu ở Nhật
  • 1,6 triệu người ở Trung Quốc
Quốc gia có tỷ lệ người giàu cao nhất tính trên tổng dân số là Thụy Sỹ. Cứ một trong số 10 cư dân nước này, 800 ngàn trên tổng số 8 triệu dân, có tài sản trị giá trên 798 ngàn đô la Mỹ.
Nhưng bản phúc trình của Credit Suisse không thể hiện được đầy đủ câu chuyện.
Nó không tính đến việc cần tốn phí bao nhiêu để mua sắm ở từng quốc gia chẳng hạn.
Nửa triệu bảng Anh có thể mua được một căn hộ có một phòng ngủ ở trung tâm London, nhưng ở các nước khác người ta có thể mua được cả một căn biệt thự đẹp đẽ.
Nó cũng không tính đến mức thu nhập. Do đó, nhiều người trẻ có thu nhập tốt ở các nước phương Tây có thể rơi vào phần sau của nhóm 50% người giàu, có thể bởi họ vẫn còn phải trả nợ vay từ thời sinh viên, hoặc bởi họ biết tận hưởng cuộc sống nên vung tay chi hết các khoản thu nhập.
Nếu như góp mặt trong nhóm 1% không có nghĩa sống theo kiểu có phi cơ riêng, thì điều này càng đúng hơn khi ta tính đến 10% số người giàu nhất. Ở mức này, bạn chỉ cần có tài sản trị giá 77 ngàn đô la là được.
Khi tính tới 50% số người giàu nhất thế giới, số tài sản cần có chỉ còn là 3.650 đô la Mỹ.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten