Vĩnh biệt tiếng cười 'nhừa nhựa' của danh hài Thanh Hoài
Nghệ sĩ hài Thanh Hoài vừa từ giã cõi trần vào lúc 3 giờ sáng ngày 22.12, hưởng thọ 83 tuổi. Lúc sinh thời, nghệ sĩ Thanh Hoài được xem là nghệ sĩ hài với phong cách rất riêng và ông được gọi với biệt danh "hề nhựa".
Có thể bạn quan tâm
Nghệ sĩ Thanh Hoài tên thật là Đinh Tiến Hoài. Ông sinh năm 1934 tại Hà Nội. Cha ông là giáo viên, mẹ nỗi trợ và gia đình không ai theo nghệ thuật. Tuy nhiên, năng khiếu gây cười của ông lại bộc lộ rất sớm. Thời còn đi học, ông thường bắt chước điệu bộ của các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ rồi diễn cho bạn bè xem ngay trong các lớp xem khiến ai cũng cười nghiêng ngả. Hoài được các thầy giao nhiệm vụ phụ trách nhóm văn nghệ, tập múa hát, diễn kịch hài của trường. Và vai diễn đầu tiên của Hoài trên sân khấu là Táo quân đọc sớ trong một dịp Tết.
Năm 1952, sau khi người cha qua đời, ông và mẹ theo người cô có chồng (Giám đốc Công ty Hỏa xa Sài Gòn) vào Nam, ông may mắn gặp được “quái kiệt” Ba Vân và được ông này tận tình truyền thụ từng mảng miếng. Đến năm 1955, ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với nghệ danh Thanh Hoài và dần dần khẳng định tên tuổi của mình cả trên sân khấu lẫn trong phim ảnh.
Khán giả mộ điệu cải lương ở miền Nam trước 1975 lđã gọi Thanh Hoài vào hạng “quái kiệt” trong đội ngũ “thất quái” gồm 7 vua hề: Thanh Việt, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Xuân Phát, Phi Thoàn, Khả Năng, La Thoại Tân. Từ đó, các hãng phim đua nhau làm các phim hài và mời các cây cười này nhập vai: Tứ quái Sài Gòn (Thanh Hoài, Tùng Lâm, Thanh Việt, La Thoại Tân), Năm vua hề về làng (Thanh Hoài, Thanh Việt, Văn Chung, La Thoại Tân, Ba Vân), Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ (Thanh Hoài, Thanh Việt, Văn Chung, Tùng Lâm, Xuân Phát), Bốn thủy thủ sợ ma (Thanh Hoài, Thanh Việt, Phi Thoàn, La Thoại Tân)... Thanh Hoài cũng có mặt trong các bộ phim Triệu phú bất đắc dĩ, Anh hùng sợ vợ, Con ma nhà họ Hứa...
Nghệ sĩ Thanh Hoài và nghệ sĩ Tùng Lâm |
Khi sân khấu cải lương rơi vào tình trạng ít khán giả, nghệ sĩ Thanh Hoài cũng dần mất hút cho đến khi dựng vở Số đỏ, NSND Hồng Vân đã mời ông vào vai cụ cố Hồng và ông được nhắc đến câu nói bất hủ nhừa nhựa vốn có của mình "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!".
Những năm gần đây, nghệ sĩ Thanh Hoài thi thoảng tham gia cùng Nhà hát kịch Thành phố và thường đi diễn phục vụ trẻ em mồ côi, khuyết tật, các mái ấm tình thương... Ông còn thành lập Công ty TNHH Tâm Hạnh gồm khoảng mười mấy thành viên chuyên tổ chức biểu diễn nhằm gây quỹ từ thiện giúp đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa...
Tang lễ nghệ sĩ Thanh Hoài được tiến hành tại nhà riêng ở 811 Đoàn Văn Bơ, phường 18, Quận 4, TP HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 25.12, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Lam Khuê. Ảnh: Thanh Hiệp
Geen opmerkingen:
Een reactie posten