Việt Nam khỏi lo ‘sắp mất Cuba’

  • 22 tháng 12 2014
Tin Hoa Kỳ và Cuba sắp bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau hơn nửa thế kỷ thù địch được người Việt thuộc nhiều xu hướng quan tâm đặc biệt.
Các diễn đàn mạng đều chú ý vào câu hỏi tương lai Cuba sẽ ra sao.
Phái dân chủ thì hy vọng ‘hội nhập’ sẽ giúp Cuba tự do hơn, và đấy sẽ là một ví dụ tốt cho Việt Nam tương lai.
Tuy thế, có người lo Hoa Kỳ nhẹ tay giúp Havana mở cửa sẽ không đem lại dân chủ, tự do cho dân Cuba mà chỉ giúp chế độ của hai anh em ông Fidel và Raul Castro trụ lâu hơn.
Phái còn mặn nồng tư duy xã hội chủ nghĩa thì lo ‘ta mất Cuba về tay Mỹ’ rồi chăng.
Giống như vậy, hồi năm 1989 nhiều cán bộ ở Hà Nội, nhất là các cụ hưu khi nghe tin Công đoàn Đoàn kết tham gia cầm quyền cũng từng băn khoăn ‘sắp mất Ba Lan’.
Khi sang Warsaw học và kể lại câu chuyện đó tôi đã khiến nhiều bạn Ba Lan vô cùng ngạc nhiên.
Họ lấy làm lạ vì Việt Nam chỉ là nước ‘ăn theo’ con đường xã hội chủ nghĩa và chắc hiểu biết rất ít chuyện châu Âu nên mới lo lắng không đâu như vậy.
Cảm giác 'mất mát' chỉ phản ánh nỗi sợ cô đơn sau thời 'Hai phe bốn mâu thuẫn' hoặc sự thiếu tin tưởng rằng người dân các nước sẽ quyết định tương lai của chính họ.
Với Cuba ngày nay, theo cảm quan của tôi, tình cảm của một số bạn Việt Nam dành cho người Cuba cũng chỉ là đơn phương.
Tiếp xúc với một số bạn Cuba từ thời sinh viên đến hiện nay ở BBC, tôi thấy họ thân thiết hơn cả với dân các nước cùng nói tiếng Tây Ban Nha, chứ không phải Việt Nam.
Họ có thể nghe nói nhiều về Việt Nam thời chiến tranh nhưng nếu có quý mến người Việt thì cũng chỉ ngang các nước khác.
Có chăng, điểm chung của gần như tất cả bạn bè từ các nước nhỏ mà tôi quen, từ Armenia, Uzbekistan, Ba Lan, Bỉ, Slovakia, Serbia, Syria, Colombia, Cuba tới Myanmar, Bangladesh...chỉ là sự cảm thông bị láng giềng to bắt nạt trong lịch sử.
Còn chuyện yêu quý nhau, tốt với nhau là quan hệ cá nhân, không gắn với dân tộc tính.
Ở tầm quốc gia, đúng là có những quan hệ đôi khi hữu hảo hơn giữa nước này với nước kia nhưng thường là giữa các nước cách xa nhau, không va chạm láng giềng hàng xóm, hoặc có tính toán chính trị bao trùm, hay bị bộ máy tuyên truyền thổi lên.
Cũng như vậy, câu chuyện Cuba thay đổi đang được cả thế giới quan tâm chứ không chỉ người Việt Nam.

Tươi sáng hơn Việt Nam

Fidel sống lâu hơn các lãnh tụ Liên Xô như Brezhnev và Gromyko
Vậy những nỗi lo hộ Cuba trong người Việt cần được trả lời thế nào?
Theo tôi, ta không có gì phải lo cả vì tương lai Cuba có nhiều khả năng sẽ sáng sủa hơn Việt Nam những năm tới.
Dù nhanh hay chậm, ta dễ thấy quốc gia này có nhiều điều kiện để trở nên giàu có một khi hệ thống hiện nay biến đổi.
Thứ nhất, so với Việt Nam, nước đông dân thứ 13 thế giới, cả Cuba chỉ có trên 11 triệu người nên đầu tư nước ngoài sẽ dễ tạo tác động nhanh chóng biến đổi diện mạo hòn đảo nhỏ xinh đẹp, nắng ấm quanh năm này.
Một số nhà kinh tế đã bắt đầu so sánh Cuba với Costa Rica, một đảo quốc tuy nhỏ nhưng phát triển kinh tế rất tốt thời gian qua.
Cả hai có cấu trúc dân số tương tự (đa số gốc Âu) và có hệ thống giáo dục tốt, cộng thêm lợi thế về du lịch vì gần Hoa Kỳ.
Nay, Costa Rica có thu nhập 18 nghìn USD bình quân đầu dân và Cuba chỉ cần một khoản đầu tư lớn từ bên ngoài, ví dụ vài trăm tỷ USD, là có thể tái thiết và đẩy mức thu nhập 6 nghìn USD bình quân đầu dân một năm hiện nay lên rất cao trong thời gian ngắn.
Thứ hai, ta không nên quên người Cuba ở Mỹ có trên 2 triệu, một tỷ lệ rất cao so với cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, Canada trên 90 triệu người Việt trong nước.
Tác động do tiền kiều hối người Cuba gửi về đã rất mạnh và trong tương lai, với khoảng cách rất gần họ sẽ còn về nhiều, đầu tư, làm ăn nhiều hơn.
Cộng đồng này cũng đã rất mạnh về chính trị tại Mỹ với nhiều dân biểu Hạ viện, Thượng nghị sỹ, thậm chí ứng viên tổng thống, nên tác động của họ vào Cuba là đương nhiên.
Thứ ba, điều dễ thấy là nền tảng văn hóa của Cuba gắn liền với khối Nam Mỹ và cả cộng đồng Hispanic đang lớn mạnh ở Hoa Kỳ nên Cuba không sớm thì muộn cũng ‘rơi trở lại’ vào cái gốc đó.
Giai đoạn một thời cách mạng kiểu thân Moscow sẽ chỉ còn là một dĩ vãng.
Các vị Giáo hoàng đều liên tục khuyến khích Cuba mở cửa
Thứ tư, khác với Việt Nam hiện lơ lửng giữa tác động truyền thống của Trung Quốc và giao lưu có phần tăng lên với ASEAN, Cuba có 64% là người da trắng và gắn kết chặt chẽ với Tây Ban Nha - cha ông Fidel Castro là người đến từ Galicia, Tây Ban Nha - nên tác động từ Liên hiệp châu Âu tới Havana đã và đang đều đặn và tích cực.
Và thêm nữa, như báo chí đã viết, đa số người Cuba theo Công giáo và các vị Giáo hoàng, từ John Paul II tới Benedict XVI và Francis hiện nay đều kiên trì tác động để Cuba mở cửa.
Báo Anh tuần qua viết về Cuba và ba nhân vật liên quan đến dòng Tên (Jesuits).
Ông Fidel Castro và người bạn lớn của Cuba, nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez đều từng học trong trường do các giáo sỹ Jesuits dạy.
Vị giáo sỹ dòng Jesuit Jorge Mario Bergoglio từ Argentina nay là Giáo hoàng Francis thì đóng vai trò trực tiếp bảo trợ cho cuộc đàm phán Washington - Havana một năm qua.
Thậm chí, không phải tình cờ mà cả hai ông Barack Obama và Raul Castro đều chọn ngày sinh nhật 78 của Giáo hoàng đầu tiên người Nam Mỹ để công bố tin thay đổi ngoại giao.
Tôi viết ra để cho các bạn thấy dù có chút gắn kết tình cảm chống Mỹ giữa Havana và Hà Nội, tương lai Cuba đang phụ thuộc vào các tác nhân hoàn toàn không dính líu gì đến Việt Nam cả.
Với các bạn vận động cho dân chủ, bài học Cuba chắc chắn rất thú vị nhưng Cuba có các tác nhân hoàn toàn khác Việt Nam nên cách đi của họ cũng sẽ khác.
Tương lai Cuba sẽ dần do người Cuba, gồm cả cộng đồng đông đảo của họ ở Hoa Kỳ, quyết định, cộng thêm tác động từ Vatican và châu Âu, chưa kể cả khối Công giáo khắp vùng châu Mỹ La Tinh.

Một thời mà thôi

Quan hệ Hà Nội và Havana gắn liền với truyền thống chống Mỹ một thời
Cũng phải nói thêm là tại vùng Nam Mỹ, hào quang cách mạng thiên tả một thời lừng lẫy của Fidel Castro nay đã mờ dần.
Cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 đã đẩy Fidel về phía Liên Xô và kinh tế Cuba hoàn toàn phụ thuộc vào Moscow.
Sau khi Liên Xô tan rã, ông Fidel tìm đến nước Venezuela nhưng với giá dầu sụt giảm, Carracas cũng không thể nào cưu mang được Havana mãi.
Dù người ta có thể đổ lỗi cho Hoa Kỳ nhưng nhìn lại thì cả hai quyết định tìm đồng minh nói trên của Fidel đều đem lại hậu quả tai hại về kinh tế.
Người Mỹ La Tinh từng ngưỡng mộ ông Fidel nhưng gần đây họ đã có những ngôi sao khác.
Đó là Tổng thống Lula da Silva có tầm nhìn toàn cầu của Brazil hay Tổng thống Jose Mujica ‘nghèo nhất thế giới’ của Uruguay, người từ chối ở dinh thự sang và tiếp khách quốc tế tại nông trại đơn sơ của mình.
Cứ thế, lịch sử luôn thay đổi và Cuba cũng phải dần biến đổi để không bị rớt lại thành một bảo tàng lớn của mô hình bao cấp kiểu Liên Xô.
Một quốc gia Cuba giàu mạnh, dân chủ trong tương lai sẽ là một điểm sáng cho khu vực Nam Mỹ và cả thế giới nên chẳng việc gì mà các bạn Việt Nam phải lo chuyện ‘được hay mất’ đầy hoài niệm cảm tính.