zaterdag 20 december 2014

Trung Quốc phát triển vũ khí có sức đe dọa Mỹ

Trung Quốc phát triển vũ khí có sức đe dọa Mỹ

mediaOanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc bay ngang quần đảo Okinawa hôm 06/12 theo ảnh chụp của không quân Nhật (Japan Air Self-Defense Force)
    Chiến đấu cơ đủ sức cất cánh từ Trung Quốc bay thẳng đến tấn công các căn cứ Mỹ tận đảo Guam, tàu ngầm tàng hình trang bị đầu đạn hạt nhân đủ khả năng mai phục sát cạnh lãnh thổ Mỹ … trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung tại vùng Thái Bình Dương vẫn tiếp diễn, trong những ngày gần đây, các chuyên gia quân sự đã ghi nhận sự kiện Trung Quốc không ngại phô trương hay tuyên truyền về kho vũ khí hiện đại của mình.
    Sự kiện gần đây nhất là cuộc tập trận phối hợp Hải quân và Không quân Trung Quốc ở xa tít ngoài khơi Thái Bình Dương vào thượng tuần tháng 12 này. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, để tiến hành cuộc tập trân đó, Trung Quốc đã cho một tiểu hạm đội gồm hai khu trục hạm, hai hộ tống hạm và một tầu tiếp liệu băng ngang qua eo biển Miyako miền Nam Okinawa ngày 04/12,để ra Thái Bình Dương.
    Hai hôm sau, ngày 06/12, một phi đội gồm hai máy bay cảnh báo sớm Y-8J, một phi cơ do thám GX-8, cùng hai oanh tạc cơ H-6, cũng mượn cùng tuyến đường để đến địa điểm tập trận là vùng hải phận quốc tế ngoài Thái Bình Dương.
    Ý nghĩa của sự kiện trên đã được nhiều nhà quan sát mổ xẻ. Báo mạng Đài Loan Want China Times vào hôm qua đã trích dẫn chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Tiểu Kiện (Li Xiaojian) tại Bắc Kinh xác định rằng cuộc tập trận hải và không quân đó của Trung Quốc chứng tỏ là Bắc Kinh đã làm chủ được chiến thuật kết hợp sức mạnh hải và không quân.
    Mối đe dọa mà các phi cơ vừa được Trung Quốc tung vào cuộc tập trận được phản ánh qua tính năng của các kiểu phi cơ sử dụng và khả năng hoạt động ngoài xa. Vừa qua, khi có thể bay ra vùng Thái Bình Dương tham gia tập trận, không quân Trung Quốc đã chứng minh được năng lực bay đến tận các căn cứ Mỹ ở trong vùng.
    Một chuyên gia quân sự khác được tờ báo Đài Loan trích dẫn, đã căn cứ vào những bức hình chụp được để cho rằng các oanh tạc cơ H-6 được trang bị tên lửa hành trình và có khả năng tung ra các cuộc tấn công từ trên không.
    Theo chuyên gia này, oanh tạc cơ H-6 có thể là mối đe dọa đối với các hạm đội Mỹ cũng như các căn cứ trên đất liền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Bán đảo Triều Tiên, cũng như các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam.
    Mối đe dọa của kho vũ khí Trung Quốc đối với lãnh thổ Hoa Kỳ mới đây đã được Ủy ban Xét duyệt quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung của Hoa Kỳ nêu bật trong một bản báo cáo gởi Quốc hội Mỹ vào tháng 11 vừa qua.
    Theo báo cáo này, Trung Quốc sắp trang bị cho loại tàu ngầm gọi là « tàng hình » của họ những chiếc tên lửa có đầu đạn hạt nhân và nhất là có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Đó là loại hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân JL-2, sẽ được gắn trên các chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Tấn (Jin) hay 094, được cho là không thể bị phát hiện. Các chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân sẽ bắt đầu tuần tra vào cuối năm 2014 này.
    Trung Quốc hiện có ba tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn, và sẽ có thêm hai chiếc nữa từ nay đến năm 2020. Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Tấn có thể mang 12 tên lửa JL-2, có tầm bắn 7.400km.
    Tầm bắn trên đây có nghĩa là tàu ngầm Trung Quốc chỉ cần ở gần bờ biển nước mình là có thể mở cuộc tấn công nguyên tử vào Alaska. Còn nếu muốn tấn công toàn bộ 50 tiểu bang Mỹ, thì phải di chuyển đến vùng biển phía đông Hawaii.
    Các nhà quan sát đang tự hỏi là đội tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân này sẽ tuần tra ở đâu. Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, rất có thể là lúc ban đầu, vùng hoạt động của các chiếc tàu ngầm này sẽ là vùng bờ biển Trung Quốc và vùng Biển Đông, nơi mà loại tàu này khó bị phát hiện.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20141210-trung-quoc-phat-trien-vu-khi-co-suc-de-doa-my/

    Trung Quốc có kế hoạch xây thêm ba tàu sân bay

    mediaChiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã chính thức đưa vào sử dụng ngày 25/9/2012.REUTERS/Stringer/Files
      Quân đội Trung Quốc chuẩn bị chế tạo thêm ba tàu sân bay để làm chủ một « lực lượng chiến đấu cơ bản ». Mục tiêu của Bắc Kinh nhằm đáp lại chính sách « xoay trục về châu Á » của chính quyền Obama. Tờ báo Đài Loan, Want China Times số ra ngày hôm nay (04/12/2014) trích dẫn tin từ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc.
      Tờ báo Trung Quốc này cho biết thêm theo một số nguồn tin của Nga, có nhiều khả năng các tàu sân bay mới của Trung Quốc cũng sẽ được nhập từ nước ngoài, như trường hợp của tàu Liêu Ninh trước đây. Liêu Ninh là một chiếc hàng không mẫu hạm có từ thời Liên Xô, được Trung Quốc mua lại của Ukraina để nâng cấp tân trang.
      Vẫn theo Hoàn Cầu thời báo, trong kế hoạch nói trên Trung Quốc sẽ xây dựng tàu sân bay loại 001A theo mô hình của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Trong ba chiếc sắp được kế thiết, một sẽ được sản xuất tại Đại Liên, một ở Thượng Hải. Cả hai có trọng lượng rẽ nước từ 30 đến 40 ngàn tấn.
      Tờ báo Đài Loan trên mạng, Want China Times cho biết thêm, tại Trung Quốc đang dấy lên tranh luận xung quanh câu hỏi có nên hay không sử dụng năng lượng hạt nhân cho các tàu sân bay mới của Trung Quốc. Bởi vì chế tạo tàu sân bay hạt nhân sẽ là một thách thức đối với công nghệ của Trung Quốc.
      Về mục đích quân sự của tàu sân bay Trung Quốc sau này, vẫn theo Want China Times, có nhiều khả năng, tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ được điều tới Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Philippines và Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Trung Quốc trong tương lai sẽ tạo thêm sức mạnh cho Hải quân Trung Quốc ở vùng biển đang có tranh chấp nói trên.

      http://vi.rfi.fr/141204-tq-quan-su//

      Trung Quốc sẽ có lực lượng tàu ngầm nguyên tử hùng hậu trước cuối 2014

      mediaMột tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn lớp Tần (Jin).@wikipedia
        Đô đốc Samuel Locklear, Chỉ huy trưởng lực lượng Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương hôm 25/03/2014 đã cảnh báo, lần đầu tiên Trung Quốc sẽ có được lực lượng tàu ngầm nguyên tử bắn hỏa tiễn hùng hậu trước cuối năm nay.
        Trước ủy ban quân đội của Thượng viện, Đô đốc Locklear tuyên bố : « Các tiến bộ của Trung Quốc trên phương diện tàu ngầm là đáng kể. Họ sở hữu một lực lượng quan trọng và ngày càng có năng lực hơn ».
        Nêu ra việc Bắc Kinh triển khai hoạt động loại tàu ngầm nguyên tử bắn hỏa tiễn (SNLE) lớp Tấn (Jin) trong năm nay, theo Đô đốc Samuel Locklear, Trung Quốc có trong tay « một loại tên lửa hạt nhân mới có tầm bắn trên 7.500 km. Việc này giúp Bắc Kinh lần đầu tiên có khả năng đe dọa đáng sợ trên biển, có thể là vào trước cuối năm 2014 ».
        Vào cuối tháng 10/2013, báo chí Trung Quốc đã tiết lộ các hình ảnh bí mật của đội tiềm thủy đĩnh nguyên tử, mà theo Global Times thì phản ánh nhu cầu của cường quốc châu Á này « sở hữu một loại vũ khí nguyên tử đáng tin cậy, bên cạnh các tên lửa trên mặt đất ».
        Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ có thể trông cậy vào các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa đặt trên mặt đất, có thể bị phá hủy trước khi được sử dụng.
        Đối với Đô đốc Locklear, đội tàu ngầm Trung Quốc đang được hiện đại hóa rất đáng nể. Ông cho biết : « Trong thập kỷ tới, họ sẽ có được một lực lượng khá hiện đại gồm 60 đến 70 chiếc tàu ngầm, như thế là quá nhiều cho một cường quốc khu vực ».
        Hiện nay Bắc Kinh sở hữu năm tàu ngầm nguyên tử tấn công, bốn tàu ngầm nguyên tử bắn hỏa tiễn và 53 tàu ngầm diesel – theo Jesse Karotkin, chuyên gia về Trung Quốc của cơ quan tình báo hải quân (ONI). Còn theo cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, từ 1995 đến 2012 tính trung bình Bắc Kinh đưa vào hoạt động 2,9 tàu ngầm mỗi năm.

        http://vi.rfi.fr/chau-a/20140326-trung-quoc-se-co-luc-luong-tau-ngam-nguyen-tu-hung-hau-truoc-cuoi-nam-2014/


        Geen opmerkingen:

        Een reactie posten