dinsdag 30 december 2014

Tìm thấy xác máy bay AirAsia trên biển Java


MalaysiaIndonesiaHàng khôngChâu ÁTai nạnCứu hộCứu nạn

Tìm thấy xác máy bay AirAsia trên biển Java


mediaKhông quân Singapore tham gia tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia mất tích( ảnh chụp 29/12/2014)REUTERS
    Nhà chức trách Indonesia loan báo đã tìm thấy trên vùng biển Java những mảnh vỡ của chiếc máy bay AirAsia, bị mất tích hôm Chủ nhật vừa qua ở ngoài khơi Indonesia, sau khi cất cánh, chở theo 162 người. Thi thể một người trong số này cũng đã được tìm thấy.
    Trong cuộc họp báo hôm nay, 30/12/2014, Tổng Giám đốc cơ quan tìm kiếm cứu hộ của Indonesia Bambang Soelistyo thông báo, vào lúc 12h50 giờ địa phương, một phi cơ của không quân Indonesia đã phát hiện một “bóng” có thể là của chiếc máy bay gặp nạn nằm chìm dưới đáy biển. Sau đó, vào lúc 13h25 giờ địa phương, các đội tìm kiếm cũng đã nhìn thấy một vật trôi trên mặt nước, dường như là thi thể một hành khách. Đài truyền hình Indonesia thì chiếu cận cảnh một xác người nổi trên nước.
    Về phần mình, Tổng Giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Indonesia Djoko Murjatmodjo xác nhận đã tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay trong vùng tìm kiếm. Trong một cuộc họp báo trước đó, một phát ngôn viên của quân đội Indonesia cũng đã nêu chi tiết những vật thể được tìm thấy, cụ thể đó là những mảnh vỡ giống như của một cửa máy bay và của một chiếc toboggan thoát hiểm.
    Cuộc tìm kiếm hiện nay tập trung ở vùng biển Java, chung quanh các đảo Bangka và Belitung, nằm đối diện đảo Kalimantan. Hôm qua, nhà chức trách Indonesia nhìn nhận là máy bay AirAsia rất có thể đang nằm dưới đáy biển.
    Hôm nay, hàng chục máy bay và tàu đã tham gia cuộc tìm kiếm được mở rộng thêm. Một chiến hạm của Mỹ sắp đến khu vực tìm kiếm, nơi mà các nước Úc, Singapore và Malaysia cũng đã gởi máy bay giám giám sát và chiến hạm đến. Trên nguyên tắc, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng sẽ tham gia cuộc tìm kiếm.
    Trong lúc đó, nội dung những liên lạc cuối cùng của phi công chiếc Airbus A-320 của hãng AirAsia đã được tiết lộ. Khi cất cánh, phi công đã xin phép được bay ở độ cao 10.400 mét, nhưng yêu cầu này không được chấp thuận do lúc đó đã có quá nhiều máy bay bay ở độ cao này để bay đến Singapore.
    Trong lần liên lạc cuối cùng, phi công máy bay AirAsia đã yêu cầu đổi kế hoạch bay và nhắc lại là ông ta muốn bay cao hơn để tránh thời tiết xấu. Đó là lần liên lạc cuối cùng của máy bay. Vài phút sau đó, trạm không lưu bắt liên lạc để cho phép máy bay bay ở độ cao 10.400 mét, thì máy bay không trả lời nữa.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20141230-tim-thay-xac-may-bay-airasia-tren-bien-java/

    Châu ÁTai nạnHàng khôngAirAsiaAirbusIndonesiagiả thuyết

    Máy bay AirAsia đã hạ cánh khẩn cấp trên biển trước khi bị chìm ?

    mediaMáy bay của hãng hàng không AirAsia tại phi trường Changi, Singapore. Ảnh chuip ngày 29/12/2014.REUTERS/Edgar Su
      Phi công chiếc máy bay AirAsia bị nạn hiện đang nằm dưới đáy biển Java ở Indonesia, có thể đã đáp thành công trên mặt nước trước khi phi cơ bị chìm vì các đợt sóng lớn. Đó là giả thiết được các chuyên gia đưa ra hôm nay 01/01/2015.
      Chiếc Airbus A320-200 mang số hiệu chuyến bay QZ8501 đã cất cánh hôm Chủ nhật 28/12 từ thành phố Surabaya của Indonesia chở theo 162 người, đã biến mất khỏi màn hình radar khi bay ngang qua biển Java lúc có một cơn giông. Không hề có báo động cầu cứu từ buồng lái hay những dấu hiệu khẩn cấp mà bình thường vẫn phát ra, khi một phi cơ mất tích hay chìm dưới biển.
      Những dữ kiện này, đối với một số chuyên gia, có nghĩa là cơ trưởng Iriyanto, một cựu phi công quân đội kinh nghiệm, đã cố hạ cánh khẩn cấp mà chỉ bị va đập nhẹ.
      Ông Dudi Sudibyo, tổng biên tập tạp chí hàng không Angkasa nói với AFP : « Bộ phận truyền tin định vị khẩn cấp (ELT) lẽ ra phải hoạt động khi bị tác động, dù trên đất liền, trên biển hay trên sườn núi. Theo phân tích của tôi, sở dĩ ELT không kích hoạt là vì không bị tác động đáng kể khi hạ cánh. Phi công đã thành công trong việc cho máy bay đáp xuống biển ».
      Chiếc máy bay AirAsia đang bay trên cao độ 9.800 mét khi phi công yêu cầu kiểm soát không lưu cho thay đổi kế hoạch bay để tránh cơn giông. Cho dù đã được phép, nhưng phi cơ chưa được bay lên đúng cao độ này ngay vì đang có nhiều máy bay khác, và sau đó chiếc Airbus biến mất khỏi sóng radar.
      Một số nhà phân tích cho rằng phi cơ đã bị trật khỏi đường bay vì bay quá chậm, hay đã bay lên cao quá nhanh. Việc không có tín hiệu cầu cứu từ buồng lái thì vẫn chưa giải thích được.
      Sau hơn 48 giờ tìm kiếm trên biển Java, những mảnh vỡ đầu tiên đã được phát hiện ở ngoài khơi đảo Bornéo, nhờ thông tin từ một ngư dân đã trông thấy chiếc phi cơ đang bay thấp, và nghe thấy một tiếng động lớn.
      Một cựu phi công, Chappy Hakim giải thích : « Kết luận mà tôi đạt được cho đến lúc này, là máy bay không bị nổ tung trên không, và không có nạn nhân bị tác động khi chạm đến một bề mặt, vì trong trường hợp đó, các thi thể không còn nguyên vẹn ».
      Thân máy bay cũng hầu như còn nguyên, vì một ê-kíp tìm kiếm nhận dạng một « chiếc bóng » dưới đáy biển trông giống như một chiếc phi cơ. Các vật thể giống với một cửa thoát hiểm và một cầu phao dùng cho trường hợp khẩn cấp nằm trong số các vật đầu tiên được phát hiện, cho thấy có thể những hành khách đầu tiên đã bắt đầu quy trình thoát hiểm sau khi máy bay đáp xuống biển.
      Cựu Bộ trưởng Giao thông Jusman Syafii Djamal tin rằng việc phát hiện cửa thoát hiểm có nghĩa là « ai đó đã mở cửa ». Theo ông, hành khách có thể đã chờ đợi một thành viên phi hành đoàn bơm ca-nô cứu hộ, trước khi một đợt sóng lớn đã nhấn chìm chiếc phi cơ. Ông nói : « Các cơn sóng lớn có thể đã đánh vào mũi chiếc máy bay làm nó bị chìm ». Theo các quy trình chuẩn hóa, tất cả các hành khách phải được di tản trong vòng 90 giây.
      Nguyên nhân tai nạn chưa thể xác định khi chưa tìm được các hộp đen, giúp hiểu thêm nhiều điều trong đó có việc vì sao thiết bị định vị dưới biển lại không hoạt động. Nếu tìm thấy xác máy bay, băng ghi âm các cuộc đối thoại của phi công ở buồng lái sẽ tiết lộ những giây phút cuối cùng của chuyến bay.

      http://vi.rfi.fr/chau-a/20150101-may-bay-airasia-da-ha-canh-khan-cap-tren-bien-truoc-khi-bi-chim/

      Geen opmerkingen:

      Een reactie posten