Tham nhũng ở VN: Chuột đã béo tới đâu?
- 5 tháng 12 2014
Dù đã có một số tiến bộ đáng kể ở một số khu vực, chính quyền Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thuyết phục người dân rằng chiến dịch chống tham nhũng đang mang lại hiệu quả.
Nhận định trên được Đại sứ Anh quốc, ông Giles Lever, đưa ra trong cuộc phỏng vấn qua email với BBC ngày 4/12.Ông Lever cũng cho rằng truyền thông và xã hội dân sự tại Việt Nam cần được bảo vệ và tạo điều kiện để phát triển nhằm hỗ trợ cho công tác chống tham nhũng của chính phủ.
BBC: Tại Đối thoại Chống tham nhũng lần thứ 13 hôm 26/11, đáp lại phát biểu 'đánh chuột đừng làm vỡ bình' của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng, ông nói: "Bọn chuột cũng phải nhận được thông điệp rằng, nhà này không còn là nơi chúng có thể sống an toàn. Nếu không, chuột sẽ chiếm nhà và chúng ta sẽ không còn an toàn sống trong đó nữa".
Khi dùng từ 'Nhà', ông đã nói đến chính phủ, hay xã hội Việt Nam? Theo ông thì liệu chuột đã sắp chiếm 'Nhà' hay chưa, và 'Nhà' này liệu có đủ an toàn để sống vào thời điểm hiện tại không?
Đại sứ Giles Lever: Tôi nghĩ rằng quan điểm cá nhân của tôi không quan trọng bằng số liệu thực tế. Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) năm 2013 xếp Việt Nam vào hạng thứ 116 trên 177 nước được khảo sát.
Theo số liệu của TI, tính trong năm 2013, 55% người dân Việt Nam tin rằng nạn tham nhũng đang ngày càng nghiêm trọng, 27% nghĩ rằng nạn tham nhũng vẫn không có gì thay đổi và chỉ 18% nghĩ rằng tình trạng tham nhũng đang được cải thiện.
Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh năm 2013 (PCI), một trong các khảo sát quan trọng về tâm lý doanh nghiệp tại Việt Nam, cho thấy các nhà đầu tư nghĩ rằng tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với nhiều nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan, Phillippines, Indonesia và Campuchia.
Tuy nhiên chỉ số PCI cũng cho thấy các doanh nghiệp nghĩ rằng tình trạng tham nhũng vặt đang giảm dần.
Khảo sát thường niên của UNDP về quản lý cấp tỉnh tại Việt Nam (còn được gọi là PAPI), dựa trên thống kê trên toàn quốc, cho thấy nỗ lực chống tham nhũng của nhà chức trách đang có tiến triển. PAPI cũng cho thấy một số tỉnh ở Việt Nam đang có những tiến bộ đáng kể.
Tuy nhiên, gần một nửa những người được khảo sát nói họ phải hối lộ để được nhận chăm sóc y tế tại bệnh viện.
Như vậy, dù một số khu vực đã có cải thiện, tham nhũng vẫn là một thách thức lớn tại Việt Nam.
Mặt khác, có thể là một vài số liệu chỉ đơn thuần nói lên rằng người dân đang ngày càng nhận thức rõ hơn về tham nhũng, hơn là biểu thị xu hướng tham nhũng.
BBC: Ông nói tại buổi đối thoại rằng giải pháp tốt nhất để xử lý chuột là "một con mèo dữ hơn, bẫy chuột hiệu quả hơn hay thuốc chuột tốt hơn". Liệu Ban nội chính Trung ương, do ông Nguyễn Bá Thanh đứng đầu, có phải là một con mèo đủ hiệu quả hay chưa? Ông có cho rằng nỗ lực chống tham nhũng hiện nay sẽ để lại kết quả lâu dài?
Đại sứ Giles Lever: Một trong những thông điệp chính tại Đối thoại chống Tham nhũng là hành động hiệu quả nhằm chống tham nhũng cần đi đôi với một giải pháp toàn diện. Tất cả các bên liên quan, các cơ quan hành pháp của chính phủ, cần hợp tác chặt chẽ.
Vì vậy việc chỉ tập trung vào một cơ quan là không đúng.
Số liệu của chính phủ Việt Nam cho thấy họ đang ngày càng trở nên thành công hơn trong việc thu hồi các tài sản tham ô, và đây là điều đáng khích lệ.
Việt Nam cũng đã áp đặt một số quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn nạn rửa tiền - điều được Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế công nhận.
Anh quốc, thông qua Cơ quan Chống tội phạm Quốc gia, đã cung cấp các khóa huấn luyện đặc biệt cho các điều tra viên tài chính.
Tuy nhiên, những kết quả khảo sát cho thấy chính quyền Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần làm nhằm thuyết phục người dân rằng chiến dịch chống tham nhũng đang mang lại hiệu quả.
Theo kết quả Khảo sát Tham nhũng Toàn cầu năm 2013, chỉ 38% người được hỏi nói họ sẽ báo cáo về hành vi tham nhũng. Phần lớn đều nói họ sẽ không báo cáo vì cho rằng "sẽ không thay đổi được gì".
BBC: Ông từng thừa nhận một số doanh nghiệp nước ngoài đã dính líu đến hối lộ tại Việt Nam và ông nói họ chỉ là các nạn nhân của nạn tham nhũng. Tuy nhiên từ phía mình, liệu chính phủ Anh có thể làm được gì để ngăn các doanh nghiệp nước mình dính vào tham nhũng tại Việt Nam?
Đại sứ Giles Lever: Điều đáng tiếc là một số doanh nghiệp nước ngoài đã dính líu vào tham nhũng tại Việt Nam, cụ thể là một vụ án gần đây trong đó một công ty Mỹ thừa nhận trước tòa án đã hối lộ cho các quan chức Bộ Y tế Việt Nam để nhận được hợp đồng.
Thế nhưng tôi không nghĩ rằng đây là điều thường thấy. Nhiều công ty nước ngoài, kể cả công ty Việt Nam, muốn được kinh doanh hợp pháp. Và chúng tôi luôn nhắc nhở các công ty Anh quốc hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ Luật chống Hối lộ tại Anh - vốn quy định việc đưa hay nhận hối lộ dưới bất cứ hình thức nào, ở bất cứ đâu trên thế giới, là bất hợp pháp.
Hiện nay chúng tôi đang chứng kiến ngày càng có nhiều công ty và nhóm doanh nghiệp cùng nhau đóng vai trò tích cực hơn trong nỗ lực chống tham nhũng.
Chính phủ Anh đang hỗ trợ cho việc ra mắt Liên minh Liêm chính Việt Nam (VIA) vào tháng 12 này. Đây là một dự án giúp liên kết các doanh nghiệp hoạt động với tiêu chuẩn liêm chính và đạo đức cao tại Việt Nam.
Hiện đã có 40 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, đăng ký gia nhập liên minh này. Tuy nhiên cánh cửa cũng đang mở rộng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đang triển khai dự án chống tham nhũng riêng, với tên gọi Dự án 12. Đơn vị này cũng đã khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với VIA. Như vậy, đây là một tin tốt.
Chính quyền Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần làm nhằm thuyết phục người dân rằng chiến dịch chống tham nhũng đang mang lại hiệu quả.
Đại sứ Giles Lever: Đối thoại chống tham nhũng mà Anh quốc đồng chủ trì là một diễn đàn tốt để chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp từ các nước trên thế giới.
Tôi đã đề cập đến nhu cầu cho một giải pháp toàn diện và việc thành lập các cơ quan chống tham nhũng có quyền hành. Một số chủ đề chính khác của cuộc đối thoại năm nay mà tôi nghĩ là sẽ có ích cho Việt Nam, đó là:
- Tăng cường thực hiện giao dịch cũng như công tác quản lý qua mạng. Giảm giao dịch bằng tiền mặt cũng như các thủ tục bằng giấy. Việc hối lộ thanh tra thuế sẽ khó khăn hơn nếu như quy trình hồi thuế được thực hiện tự động mà không cần sự tiếp xúc trực tiếp.
- Vai trò của truyền thông và xã hội dân sự trong công tác chống tham nhũng là vô cùng quan trọng, cần được khuyến khích và bảo vệ. Các điều luật về việc bảo vệ người cung cấp tin cũng cần được quy định chặt chẽ.
- Một hệ thống thu hồi tài sản mà không cần dựa trên án hình sự có thể là công cụ quan trọng trong việc chống tham nhũng.
Ví dụ, một dự án của Bộ Phát triển Quốc tế của Anh đang hỗ trợ cho một quy định mới nhằm cải thiện tính minh bạch trong ngành xây dựng.
Chương trình cải cách hệ thống tư pháp do EU giúp thực hiện cũng sẽ bao gồm việc cải thiện khuôn khổ pháp lý cũng như khả năng hành pháp trong vấn đề chống tham nhũng.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/12/141204_giles_lever_interview_corruption
Chống tham nhũng ở VN ‘là mị dân’
- 3 tháng 12 2014
Nhìn lại “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 13” ngày 26/11/2014. Với nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng đã đem đến hiệu quả ít nhiều.
Với kết quả chống tham nhũng năm 2014, thu hồi 46,9 tỷ đồng từ 54 vụ tham nhũng trên toàn quốc. Giá trị khiêm tốn trên cũng chỉ tương đương chi phí % đúng giá cho giao nhận và chi phí “ bôi trơn” khác của một dự án xây dựng cơ bản với tổng mức khoảng 500 tỷ đồng.Chống tham nhũng ở Việt Nam ngày càng đi vào bế tắc. Bởi một nghịch lý đó là người thực thi pháp luật chống tham nhũng cũng chính là người dung dưỡng tham nhũng, đã từng phụng sự tham nhũng, đã tham nhũng hoặc vẫn đang trong lợi ích nhóm, đang là hậu duệ, có ân huệ, có quan hệ…với tổ chức, cá nhân tham nhũng.
Chống tham nhũng ở Việt Nam bản chất là cuộc chiến tương tàn giữa các tầng lớp đồng chí, dòng họ, ơn nghĩa thừa kế, có quan hệ chằng chịt về kinh tế, đã hoặc đang hoạt động chung lợi ích. Ngoài ra tham nhũng trong chính trị, từ những người làm chính sách trực tiếp hưởng lợi chớp nhoáng, cũng khó mà phát hiện và chống được. Do đó hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng cũng chỉ dừng lại ở số ít cá nhân đại diện cho một bộ máy tham nhũng có hệ thống khổng lồ “bị lộ” qua phản ánh từ nước ngoài, qua doanh nghiệp phá sản, qua đấu đá nội bộ mà thôi.
Phụng sự tham nhũng
Chống tham nhũng ở Việt Nam bản chất là cuộc chiến tương tàn giữa các tầng lớp đồng chí, dòng họ, ơn nghĩa thừa kế, có quan hệ chằng chịt về kinh tế, đã hoặc đang hoạt động chung lợi ích
Một tập thể lớn tri thức tham gia vào việc hợp thức hóa rửa tiền từ tham nhũng là công việc bình thường hàng ngày của họ, và họ không có khái niệm phạm tội, họ coi là bình thường việc đang tiếp tay cho tham nhũng.
Đã có nhiều quy định của chính phủ về quản lý giao dịch tiền mặt vốn là đặc trưng ở Việt Nam đến nay với mục đích chống rửa tiền, chống khủng bố. Nhưng vẫn tồn tại rất nhiều cửa để chung chi, bằng những con số tiền mặt rất lớn từ các doanh nghiệp phụng sự tham nhũng, và giá trị tham nhũng sẽ hoàn khép chứng từ để hoàn vốn một cách dễ dàng.
Hình thức giao dịch tham nhũng bằng tài sản, bằng trao đổi bổ nhiệm chức vụ, mua bán chức quyền và bằng nhiều hình thức tinh vi khác ngoài tiền thì hầu như vẫn đang diễn biến tốt đẹp.
Chắc chắn rằng không ai tự kết tội chính mình, dòng họ mình, phe cánh mình, đưa mình vào thế phản ơn, phản thầy một cách tự nguyện. Cho nên công cuộc chống tham nhũng hiện tại cũng chỉ là hình thức xoa dịu lòng dân, hình thành những tổ chức chống tham nhũng không ngoài mục đích đủ thành phần hành pháp, cân bằng quan hệ chính trị nhóm vì lợi ích.
Tham nhũng ở Việt Nam muôn hình vạn trạng, đang phát triển bình thường:
Hiện tại tham nhũng Việt Nam đang phát triển ngày càng tinh vi hơn, nguy hại hơn cho nền kinh tế đang bế tắc về phát triển với nhiều nợ công, nợ xấu. Dễ dàng nhìn thấy tham nhũng phát sinh hàng ngày khắp nơi, mọi chốn.
Việc mua sắm tài sản công, vật tư, nguyên liệu, thiết bị, đấu thầu theo quy định cũng dễ dàng thao túng hành vi “tham nhũng nhưng đúng luật” với hình thức cung cấp hồ sơ đấu thầu, chào thầu, quân xanh quân đỏ, chính từ người trực tiếp trúng thầu thực hiện, được bật đèn xanh bởi cả hệ thống điều hành. Luật bất thành văn, thống nhất chia chác tỷ lệ tham nhũng từ trên xuống dưới vẫn đang tiếp diễn.
Tham nhũng có giá trị lớn trong xây dựng cơ bản như trước đây thông qua giao nhận các dự án. Trực tiếp tham nhũng bằng cách thu theo tỷ lệ % dự án thì hiện tại biến hóa hơn, có tổ chức hơn. Các công ty mới, lợi ích nhóm mới hình thành có sự hỗ trợ mạnh từ ngân hàng. Mượn năng lực để hợp thức hóa giao nhận làm chủ dự án, chủ đầu tư và lách luật “cấm thầu phụ”, bằng hình thức biến hợp đồng các công ty có năng lực thật sự thành những đội trực thuộc, giao khoán và thu tỷ lệ % cao hơn nhiều. Vì cần việc làm để tồn tại, các doanh nghiệp chuyên nghiệp cũng trở thành nguyên nhân tiếp tay cho tham nhũng và làm giảm đi chất lượng công trình.
Người dân hàng ngày nhận hàng hóa từ nước ngoài qua cửa hải quan sân bay cũng được thỏa thuận đóng thuế hai mức giá, tùy thuộc vào việc lấy hóa đơn nộp thuế hay không.
Thậm chí tham nhũng của các cơ quan hành pháp, tư pháp phát sinh trên những cá nhân, tổ chức tham nhũng cũng là chuyện không hiếm.
Rất nhiều hình thức tham nhũng khác mà người dân ai cũng biết, liên quan đến cuộc sống của mình. Họ ngoan ngoãn tiếp tay tham nhũng có thể vì lợi ích trước mắt, và ít ai dám nói ra.
Những “đồng chí chưa bị lộ” còn lại, không phải là chưa lộ, mà hầu hết đã lộ giữa ban ngày, thể hiện qua khối tài sản không thể biện minh, là thực tế trên cả nước.
Bằng cách nào để chống tham nhũng một cách hữu hiệu thật sự?
Nhìn lại việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính Phủ. Chưa kể tham nhũng hay không, thì việc phạm luật trốn thuế thu nhập là điều chắc chắn. Và hầu hết các quan chức ở Việt Nam đều vi phạm luật thuế này.
Không riêng gì ông Truyền lúc tại vị, những phát biểu đình đám cho công tác phòng chống tham nhũng của những người đương nhiệm xét cũng chỉ thực hiện theo nhiệm vụ hơn là lương tâm và trách nhiệm.
Việt Nam đã từng tồn tại thuế thu nhập bất thường từ thời bao cấp, chủ yếu là từ việc trúng số kiến thiết. Cụ thể hơn theo Nghị định 147/2004/NĐ-CP và Nghị định 100/2008/NĐ-CP quy định thuế suất thu nhập cá nhân (hoặc bất thường) từ 5% đến 40% với giá trị thu nhập tương ứng.
Nếu nhìn vào tài sản bề nổi hiện tại, so sánh hồ sơ lưu trữ kê khai và nộp thuế tại các cơ quan thuế thì người dân ít nhiều là những đối tượng trốn thuế thu nhập. Hầu hết quan chức nhà nước lại là đối tượng trốn thuế thu nhập lớn hơn, chưa kể sau năm 2006 đảng viên mới được hợp thức làm kinh tế tư nhân.
Hợp thức hóa tài sản
Để hợp thức hóa tài sản, giảm giao dịch tiền mặt cho mục đích thực thi phòng chống tham nhũng hiệu quả, phải chăng nên làm một cuộc cách mạng “công nhận, hợp thức hóa tài sản sở hữu hợp pháp” bằng cách “truy thu thuế” thu nhập cá nhân hiện tại, và nhất là tài sản lớn của quan chức nhà nước.
Phải hợp thức một mặt bằng minh bạch tài sản, từ đó làm cơ sở quản lý chống rửa tiền từ tham nhũng và chống thất thu thuế là điều kiện cần bắt buộc. Đây là việc mà hầu hết các nước phát triển đã thực hiện từ lâu, nhằm quản lý thuế nhân sự, chống rửa tiền và phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Nếu vẫn tồn tại vòng luẩn quẩn, mập mờ về tài sản quá khứ, hiện tại và tương lai thì công cuộc hô hào chống tham nhũng ở Việt Nam phải chăng chỉ là mục đích mị dân. Đẩy mạnh thực chất chống tham nhũng đối với các đối tượng quan chức, khác nào tự tạo nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn, thậm chí tự giết chính bản thân mình, một việc làm quá ư trừu tượng.
Thực tế hóa việc phòng chống tham nhũng:
Việc phòng chống tham nhũng chỉ hữu hiệu khi quán triệt từ tư tưởng, từ chấp pháp, chứ không phải chống tham nhũng mà vẫn cứ chấp nhận tham nhũng từ lách luật, từ những biến hóa chứng từ hợp lý và từ lạm dụng ảnh hưởng chức quyền.
Đánh chuột hay giữ bình chỉ thiết thực khi hợp thức hóa, công nhận hình thành tài sản cá nhân hợp pháp của các quan chức thông qua kê khai và truy thu thế thu nhập, làm cơ sở pháp lý. Sau đó được kiểm soát hoạt động, thu nhập quan chức bằng công cụ thuế và dễ dàng giám sát từ toàn dân.
Vẫn phải “dùng chuột để diệt chuột”, vẫn duy trì “lách luật đúng quy trình” thay cho các biện pháp “thuốc diệt chuột”, và chuột cũng chính là chủ nhà, thì công cuộc chống tham nhũng bằng tự kê khai tài sản các quan chức ở Việt Nam mãi chỉ là câu chuyện khôi hài.
Có định hướng đi theo chủ nghĩa nào đi nữa, thì việc minh bạch tài sản và lành mạnh thu nhập, tuân thủ theo các qui định thuế là điều cần thiết tối thiểu cho một xã hội. Chủ động duy trì một mớ bòng bong tài sản nhập nhằng, thực hiện phòng chống tham nhũng bằng những lý thuyết suông mãi chỉ là mơ mộng viển vông.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/12/141203_chong_tham_nhung_o_vn_dang_be_tac
VN vẫn thấp trong bảng xếp hạng tham nhũng
- 3 tháng 12 2014
Điểm số của Việt Nam không thay đổi trong một bảng xếp hạng về tham nhũng hàng năm.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) ngày 3/12 công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ.Xếp hạng dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia / vùng lãnh thổ.
Năm nay, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
TI nói điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Đáng quan tâm là trong khi Việt Nam không có thay đổi về điểm số, các quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ.
Trong số chín quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia, và Myanmar.
Đa số các quốc gia trong khu vực đều có cải thiện về mặt điểm số (tăng từ 1 đến 3 điểm), ngoại trừ Myanmar là nước cũng không có thay đổi nào về điểm số, Lào (giảm 1 điểm) và Singapore (giảm 2 điểm).
Về thứ hạng toàn cầu, Singapore được xếp thứ bảy, chỉ kém các nước như Đan Mạch (1) và New Zealand (2).
Trong vùng Đông Nam Á, Malaysia xếp thứ hai (hạng 50 toàn cầu, điểm 52), tiếp theo là Philippines và Thái Lan (cùng hạng 85, điểm 38), Indonesia (107, điểm 34).
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/12/141203_cpi_corruption_index
Geen opmerkingen:
Een reactie posten