vrijdag 12 december 2014

Nước trên Trái Đất có thể không bắt nguồn từ sao chổi

Thứ sáu, 12/12/2014 | 14:05 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 12/12/2014 | 14:05 GMT+7

Nước trên Trái Đất có thể không bắt nguồn từ sao chổi

Dữ liệu từ robot thăm dò Rosetta cho thấy nước trên Trái Đất không có nguồn gốc từ sao chổi như giả thiết trước đây, mà có thể đến từ các tiểu hành tinh.
philae-8343-1416016701-6883-1418349518.j
Hình ảnh được Philae chụp lại trên bề mặt sao chổi hôm 13/11. Ảnh: AFP
Kết quả phân tích hóa học mẫu nước trên sao chổi Comet 67P/Churyumov-Gerasimenko cho thấy nó có lượng Deuteri cao hơn gấp ba lần so với hydro trong phân tử nước trên Trái Đất. Deuteri còn gọi là hydro nặng, một đồng vị bền của hydro. Trong 10.000 phân tử nước trên Trái Đất thì có ba phân tử chứa đồng vị hydro nặng.
Theo Reuters, phát hiện này loại trừ khả năng cho rằng nước trên Trái Đất có nguồn gốc từ sao chổi, và mở ra hướng nghiên cứu mới tập trung vào tiểu hành tinh.
"Các tiểu hành tinh có thể từng có lượng nước nhiều hơn so với hiện nay. Chúng đã tồn tại ở khu vực gần với Mặt Trời trong 4,6 tỷ năm", chuyên gia Kathrin Altwegg của Đại học Bern, Thụy Sĩ, nói.
Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko hôm 12/11, sau hành trình kéo dài 10 năm. Theo dữ liệu ban đầu, robot Philae phát hiện dấu vết của phân tử hữu cơ chứa nguyên tử carbon, vốn là nhân tố cơ bản của sự sống trên Trái Đất.
Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko được phát hiện năm 1969. Nó có đường kính 4 km và nằm cách Trái Đất khoảng 500 triệu km.
Linh Anh

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/nuoc-tren-trai-dat-co-the-khong-bat-nguon-tu-sao-choi-3119450.html

Thứ tư, 19/11/2014 | 11:57 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 19/11/2014 | 11:57 GMT+7

Robot Philae phát hiện dấu hiệu sự sống trên sao chổi

Kết quả phân tích dữ liệu ban đầu cho thấy robot Philae đã phát hiện dấu vết của phân tử hữu cơ chứa nguyên tử carbon, vốn là nhân tố cơ bản của sự sống trên Trái Đất.
Philae-lander-captured-by-012-1800-14163
Philae đã ở trên bề mặt sao chổi trong 57 giờ, trước khi rơi vào trạng thái "ngủ đông".Ảnh: Reuters
Theo Trung tâm Không gian vũ trụ Đức (DLR), thiết bị phân tích khí COSAC trên Philae có thể "ngửi" không khí và phát hiện các phân tử hữu cơ sau khi hạ cánh. Nhóm chuyên gia hiện chưa thể xác định liệu phân tử này có chứa các hợp chất phức tạp cấu tạo nên protein hay không.
Reuters cho hay, một trong những mục tiêu quan trọng của sứ mệnh của Philae là tìm kiếm các hợp chất carbon, thông qua đó tìm hiểu về mối liên hệ giữa sao chổi và sự sống trên Trái Đất.
Trong nhiệm vụ tìm kiếm phân tử hữu cơ, thiết bị đổ bộ đã khoan lên bề mặt sao chổi, nhưng chưa rõ nó có thể chuyển mẫu vật đến hệ thống phân tích COSAC hay không.
MUPUS là công cụ đo mật độ và tính chất nhiệt được trang bị trên robot Philae. Dựa trên kết quả phân tích từ MUPUS, các nhà khoa học nhận định bề mặt sao chổi không "mềm" như suy luận trước đây.
Sau khi đi qua lớp bụi dày 10-20 cm, cảm biến nhiệt của Philae có thể đã chạm đến một lớp vật liệu cứng như băng. Phát hiện này khiến các nhà khoa học không khỏi bất ngờ.
Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko hôm 12/11, sau hành trình kéo dài 10 năm. Sau 57 giờ, Philae rơi vào trạng thái "ngủ đông" vì cạn kiệt năng lượng.
Linh Anh

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/robot-philae-phat-hien-dau-hieu-su-song-tren-sao-choi-3109222.html

Thứ hai, 17/11/2014 | 09:26 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 17/11/2014 | 09:26 GMT+7

Robot Philae rơi vào trạng thái 'ngủ đông'

Sau hai ngày đổ bộ lên bề mặt một sao chổi, robot Philae đã rơi vào trạng thái "ngủ đông" vì cạn kiệt năng lượng.
image-2273-Philae-4959-1416189530.jpg
Mô phỏng hoạt động của Philae trên bề mặt sao chổi. Ảnh: ESA
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho hay, vì pin của Philae đã cạn kiệt và không đủ ánh sáng mặt trời để duy trì năng lượng, nên nó đã rơi vào chế độ không hoạt động. Ở trạng thái này, tất cả các thiết bị và hệ thống đều tắt.
Các nhà khoa học dự tính thời gian chiếu sáng trong một ngày của sao chổi là 7 giờ. Tuy nhiên, thời gian chiếu sáng thực chỉ 1,5 giờ và không đủ để cung cấp cho hệ thống pin.
Theo CNN, nhóm nghiên cứu nỗ lực cải thiện tình trạng năng lượng cho Philae bằng cách truyền lệnh để thay đổi cấu hình thân. Thân chính của robot được nâng cao và xoay 35 độ để tối đa hóa khả năng tiếp nhận ánh sáng cho các tấm pin. Các điều kiện có thể thay đổi nếu như sao chổi di chuyển gần hơn về phía Mặt Trời và cung cấp lượng ánh sáng cần thiết.
Dù tạm dừng hoạt động, Philae đã truyền được dữ liệu và hình ảnh đen trắng về Trái Đất. Nhóm chuyên gia của ESA cho biết khoảng 80% mục tiêu cơ bản đã đạt được.
Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào ngày 12/11 vừa qua. Đây là lần đầu tiên ngành khoa học vũ trụ thế giới đạt được thành tựu này.
Linh Anh

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/robot-philae-roi-vao-trang-thai-ngu-dong-3108025.html

Thứ bảy, 15/11/2014 | 09:32 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 15/11/2014 | 09:32 GMT+7

Robot Philae gửi tín hiệu từ sao chổi về trái đất

Robot thăm dò Philae đã tái lập liên lạc với vệ tinh Rosetta và gửi dữ liệu về trái đất sau hai ngày đáp xuống bề mặt một sao chổi.
philae-8343-1416016701.jpg
Hình ảnh truyền về ESA do Philae chụp lại trên bề mặt sao chổi hôm 13/11. Một trong ba chân của nó có thể được nhìn thấy trong hình này. Ảnh: AFP
"Philae hiện đã tái lập liên lạc ổn định - dữ liệu viễn trắc và khoa học đang truyền từ bề mặt của sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko", BBC dẫn thông báo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) trên Twitter cuối ngày hôm qua.
Sau cú nảy lên khi hạ cánh, các nhà khoa học không xác định được vị trí chính xác của robot trên sao chổi. Tuy nhiên, theo những bức ảnh vừa gửi về thì nó đang ở dưới một vách đá. 
Thông tin trên đã kết thúc sự chờ đợi căng thẳng của ESA những ngày qua, có lo ngại pin của Philae sắp cạn kiệt. Ánh sáng mặt trời hạn chế đã ảnh hưởng đến các tấm pin năng lượng mặt trời của nó. 
Philae hạ cánh xuống sao chổi hôm 12/11 sau khi tách khỏi tàu vũ trụ Rosetta. Đây là lần đầu tiên ngành khoa học vũ trụ thế giới đạt được thành tựu này. Tuy nhiên, các kỹ sư cho rằng với vị trí hiện tại, Philae chỉ đủ năng lượng để duy trì hoạt động qua hôm nay.
Mối quan tâm lớn nhất hiện giờ là liệu Philae có lấy được mẫu vật từ bề mặt sao chổi bằng khoan của nó hay không. Nguồn năng lượng đang cạn dần đã khiến đội điều khiển phải triển khai khoan vào hôm qua.
Mô men xoắn của công cụ này có nguy cơ gây mất ổn định cho robot. Tuy nhiên, theo liên lạc mới nhất thì Philae dường không gặp phải sự cố nào lớn trong quá trình khoan và công cụ khoan đang truyền dữ liệu khoa học về trái đất. 
Các kỹ sư đang nỗ lực cải thiện tình trạng năng lượng cho Philae bằng cách truyền lệnh để thay đổi cấu hình thân của nó. Thân chính của nó đang được nâng cao và xoay 35 độ để tối đa hóa khả năng tiếp nhận ánh sáng mặt trời cho các tấm pin. 
Thậm chí nếu robot ngừng liên lạc vào cuối tuần này, các nhà nghiên cứu cho hay họ vẫn rất hài lòng với lượng dữ liệu đã thu thập được để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của Hệ Mặt trời. Khoảng 80% mục tiêu cơ bản đã đạt được trước khi Philae thực hiện nhiệm vụ khoan bề mặt sao chổi.
Anh Ngọc

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/robot-philae-gui-tin-hieu-tu-sao-choi-ve-trai-dat-3107504.html

Thứ năm, 13/11/2014 | 07:41 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 13/11/2014 | 07:41 GMT+7

Robot thăm dò lần đầu tiên đáp xuống sao chổi

Robot thăm dò Philae của châu Âu hôm qua ghi dấu trong lịch sử khi đáp xuống bề mặt của một sao chổi.
ro-7752-1415838422.jpg
Hình ảnh đầu tiên khi robot hạ cánh. Ảnh: AP
Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào khoảng 16h05 giờ GMT, (tức 23h05 giờ Hà Nội).
Robot Philae nặng 100 kg, gần như phi trọng lượng trên bề mặt sao chổi. Nó hạ cánh ở vị trí cách Trái Đất khoảng 500 triệu km, 7 giờ sau khi tách khỏi tàu vũ trụ Rosetta.
"Thật táo bạo, thật phấn khích, không thể tin được robot thăm dò hạ cánh xuống sao chổi", Jim Green, Giám đốc NASA về Khoa học Hành tinh, thốt lên.
Trong quá trình rơi tự do xuống bề mặt sao chổi, thiết bị giúp robot neo đậu không hoạt động. Các nhà điều hành đang xem xét khả năng robot bị đẩy trở lại không gian. "Robot có thể bị đẩy trở lại. Có thể chúng tôi không hạ cánh một lần mà là hai. Hy vọng chúng tôi đang ở trên bề mặt sao chổi và tiếp tục công tác thăm dò", Stefan Ulamec, người phụ trách robot tại Trung tâm Không gian vũ trụ Đức DLR, nói với phóng viên.
Nếu neo đậu thành công, hoạt động này có thể mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu về các vật liệu, bao gồm hợp chất của cacbon và nước đã tồn tại trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời 4,6 tỷ năm trước.
Tàu vũ trụ Rosetta đã đi vào quỹ đạo sao chổi 67P Churyumov-Gerasimenko từ tháng 8 tới nay sau hành trình dài hơn 6 tỷ km trong 10 năm từ Trái Đất. 

Linh Anh - Khánh Lynh (Video: Reuters)

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/robot-tham-do-lan-dau-tien-dap-xuong-sao-choi-3106453.html

Thứ bảy, 18/10/2014 | 10:05 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 18/10/2014 | 10:05 GMT+7

Cuộc gặp gỡ hiếm có giữa sao Chổi và sao Hỏa

Một sao Chổi sẽ bay ngang qua sao Hỏa vào cuối tuần này với khoảng cách gần hơn 10 lần so với bất cứ sao chổi nào từng đến gần trái đất.
Sao chổi C/2013 A1, hay còn được gọi là Siding Spring, sẽ bay ngang qua sao Hỏa vào cuối tuần này (ngày 19/10) với khoảng cách cực gần là 139.500 km, ít hơn một nửa khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng.
Sao chổi sẽ tiếp cận sao hỏa vào chủ nhật tuần này (19/10). Ảnh: NASA/JPL-Caltech
Sao chổi sẽ tiếp cận sao hỏa vào chủ nhật tuần này (19/10). Ảnh: NASA/JPL-Caltech.
Science Daily cho biết, sao chổi Siding Spring sẽ đến gần sao hỏa nhất vào lúc 11h27 PDT (1h30 ngày 20/10 giờ Hà Nội) với vận tốc khoảng 56 km/s. Đây là cơ hội để người yêu thích thiên văn cũng như giới khoa học tìm hiểu chi tiết về sao chổi và ảnh hưởng của nó lên bầu khí quyển sao Hỏa.
Siding Spring có nguồn gốc từ đám mây Oort, một khu vực không gian hình cầu xung quanh mặt trời với khoảng cách từ 50.000 đến 100.000 đơn vị thiên văn, có chứa các vật thể băng giá còn sót lại sau quá trình hình thành hệ mặt trời.
Nó sẽ là sao chổi đầu tiên từ đám mây Oort được nghiên cứu ở cự ly gần bởi các tàu vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang hoạt động gần sao Hỏa. Giới khoa học đang có một cơ hội vô giá đề tìm hiểu thêm về các vật liệu, bao gồm các hợp chất của cacbon và nước đã tồn tại trong quá trình hình thành hệ mặt trời 4,6 tỷ năm trước.
Nhiều kính thiên văn lớn trên trái đất và ngoài không gian, bao gồm cả kính thiên văn Hubble, đài quan sát thiên văn Kepler, Swift, Spitzer, Chandra, kính viễn vọng hồng ngoại tại Mauna Kea, Hawaii sẽ được sử dụng để theo dõi sự kiện này.
Lê Hùng

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/cuoc-gap-go-hiem-co-giua-sao-choi-va-sao-hoa-3094012.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten