zaterdag 20 december 2014

Mỹ sẽ đáp trả cuộc tấn công tin học của Bắc Triều Tiên vào hãng Sony Pictures


Hoa KỳBắc Triều TiênChâu Á

Mỹ sẽ đáp trả cuộc tấn công tin học của Bắc Triều Tiên


mediaAn ninh được tăng cường nhân buổi ra mắt phim "The Interview" tại Los Angeles 11/12/2014 ©Reuters
    Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đáp trả Bắc Triều Tiên, bị xem là tác giả vụ tấn công tin học nặng nề nhất nhắm vào nước Mỹ từ trước đến nay, mà đã khiến hãng phim Sony Pictures phải hủy bỏ việc trình chiếu bộ phim hài về lãnh tụ chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un.
    Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, 19/12/2014, Tổng thống Obama nói : « Chúng tôi sẽ đáp trả một cách tương xứng, vào một thời điểm, tại một địa điểm và với một cách thức mà chúng tôi sẽ chọn. »
    Mặc dầu Cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI đã xác định chính Bắc Triều Tiên đã đứng đằng sau các vụ tấn công tin học vào hãng phim Sony Pictures ngày 24/11, nhưng cho tới nay Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ lời cáo buộc này.
    Trong cuộc họp báo hôm qua, ông Obama cho rằng hãng Sony Pictures đã « phạm sai lầm » khi hủy bỏ việc chiếu tại rạp bộ phim « The Interview » ( Cuộc phỏng vấn ). Đây là một bộ phim hài nói về một âm mưu của CIA nhằm ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un. Bộ phim đã gây phẫn nộ chế độ Bình Nhưỡng.
    Tổng thống Mỹ nói : « Chúng ta không thể chấp nhậm một xã hội mà trong đó một nhà độc tài từ bất cứ nơi đâu có thể áp đặt sự kiểm duyệt ở Hoa Kỳ ».
    Về phía Quốc hội Mỹ, thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Medennez, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Thượng nghị sĩ John McCain thì xem cuộc tấn công tin học của Bắc Triều Tiên là một « hành động gây chiến ».
    Về phần chủ nhân Sony Pictures Michael Lynton thì đã biện hộ cho hãng này, khẳng định là họ « không hề đầu hàng ». Ông cho biết là Sony Pictures đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch trình chiếu phim « The Interview » vào mùa Noel năm nay bởi vì các hệ thống rạp chiếu phim đã lần lượt thông báo là họ sẽ không chiếu bộ phim này, sau những lời đe dọa của các tin tặc. Hãng Sony Picture hy vọng sẽ có thể chiếu bộ phim “The Interview” ở những nơi khác ngoài các rạp chiếu phim.
    Trước mắt, theo tính toán của các chuyên gia, cuộc tấn công tin học của Bắc Triều Tiên vừa qua và việc hủy chiếu bộ phim « The Interview » có thể khiến hãng Sony Pictures bị thiệt hại đến nửa tỷ đôla.
    Ngoài Hoa Kỳ, hai nước đồng minh châu Á của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã lên án vụ tấn công tin học của Bắc Triều Tiên vào Sony Pictures. Đặc biệt, Seoul cho biết các cuộc tấn công tin học vào Sony Pictures có những điểm rất giống với những vụ tấn công tin học vào các ngân hàng và cơ quan báo chí của Hàn Quốc vào năm ngoái, mà Bình Nhưỡng cũng bị xem là thủ phạm.
    Seoul tuyên bố sẵn sàng cung cấp các thông tin lên quan đến cuộc tấn công tin học vào Sony và tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với những mối đe dọa tin học mới.
    Về phần Bắc Triều Tiên hôm nay cũng đề nghị mở một cuộc điều tra chung với Hoa Kỳ về cuộc tấn công tin học vào hãng Sony Pictures, và một lần nữa khẳng định họ không phải là tác giả.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20141220-my-se-dap-tra-cuoc-tan-cong-tin-hoc-cua-bac-trieu-tien/

    Bắc Triều TiênPhân tíchHoa KỳQuốc tếTin học

    Tin tặc, vũ khí mới của Bình Nhưỡng

    mediaBình Nhưỡng hiện có gần 3.000 chuyên viên trong đội quân tin học - DR
      Vụ tin tặc tấn công hãng Sony Pictures có thể chỉ là một cuộc ''thao dượt'' đối với đội quân chuyên gia tin học mà Bắc Triều Tiên đang có trong tay, một đội quân mà mục tiêu hoạt động là làm tê liệt toàn bộ hệ thống viễn thông của các đối phương.
      Hãng tin Reuters trích dẫn những người Bắc Triều Tiên đào thoát ra nước ngoài cho biết là bên cạnh công nghệ hạt nhân, chính quyền Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ tin học, để bù đắp cho sự thua kém của quốc gia này về mặt vũ khí quy ước.
      Theo lời ông Kim Heung-kwan, một giáo sư đã đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, mục tiêu tối hậu của Bình Nhưỡng trong chiến lược phát triển tin học là tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ và Hàn Quốc, hai nước bị xem là luôn có âm mưu đánh chiếm Bắc Triều Tiên.
      Vị giáo sư này khẳng định cuộc tấn công tin học vào Sony Pictures rất giống với các cuộc tấn công trước đây được cho là do Bắc Triều Tiên thực hiện. Đó chỉ là những cuộc thao dượt với mục đích phá hủy các cơ sở hạ tầng.
      Về phần ông Jang Se-yul, từng theo học môn khoa học tin học tại trường đại học quân sự ở Bắc Triều Tiên trước khi chạy sang Hàn Quốc tỵ nạn cách đây 6 năm, cho biết là các tin tặc Bắc Triều Tiên vẫn tập tấn công vào các hệ thống điện lực.
      Cục 121, do cơ quan tình báo Bắc Triều Tiên quản lý, là một bộ phận quy tụ các chuyên gia tin học giỏi nhất nước này, với nhiệm vụ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tin học.
      Trong bản « thành tích » của đội quân tin tặc Bắc Triều Tiên có thể kể đến các vụ tấn công tin học vào tháng 03/2013 khiến hệ thống ngân hàng và truyền hình ở Hàn Quốc bị tê liệt suốt nhiều ngày.
      Theo lời một quan chức bộ Quốc phòng Hàn Quốc, khả năng của Bình Nhưỡng gây rối loạn hoạt động của các cơ sở hạ tầng là một mối đe dọa ngày càng lớn. Các cơ quan tình báo Hàn Quốc thẩm định đội quân tin học của Bắc Triều Tiên hiện có khoảng ít nhất 3.000 người.
      Măc dù vẫn dành một phần lớn ngân sách hàng năm cho quốc phòng, nhưng dĩ nhiên là Bắc Triều Tiên còn thua kém Hàn Quốc rất nhiều về mặt vũ khí quy ước. Vì đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, Bình Nhưỡng cũng không thể tiếp tục phát triển các vũ khí hạt nhân. Như vậy, chỉ có phát triển vũ khí tin học là nằm trong tầm tay của Bắc Triều Tiên, vì chỉ cần đào tạo những chuyên gia thật giỏi, chứ không cần đầu tư nhiều tài chính.
      Trước một đội quân tin tặc như vậy, Hoa Kỳ có thể đối phó như thế nào ? Theo các chuyên gia, khả năng đáp trả của Washington rất hạn chế. Lý do thứ nhất là vì nền kinh tế của Bắc Triều Tiên nay đã kiệt quệ rồi, có ra thêm các biện pháp trừng phạt nền kinh tế này cũng chẳng ăn thua gì.
      Thứ hai là hệ thống Internet của Bắc Triều Tiên còn rất sơ khai, có dùng tin tặc tấn công cũng vô ích. Tóm lại, Bắc Triều tấn công tin học các nước khác thì dễ, nhưng các nước khác phản công lại thì khó.

      http://vi.rfi.fr/chau-a/20141220-tin-tac-vu-khi-moi-cua-binh-nhuong/

      Geen opmerkingen:

      Een reactie posten