Montreal – thành phố tiệc tùng
- 5 giờ trước
Với độ tuổi tối thiểu được phép uống rượu là 18 và cuộc sống về đêm không ngừng nghỉ nhưng thường dừng vào lúc 3 giờ sáng, Montreal không thể không nhận danh hiệu ‘thành phố tiệc tùng của Canada’.
Với các quán rượu, các câu lạc bộ đêm và các nhà hàng sôi động, thành phố này có những người dân thích vui chơi nhảy múa – những người sẽ đảm bảo nơi này sẽ không bao giờ buồn chán.“Người dân Montreal thậm chí không hề chớp mắt nếu họ thấy một người lớn ăn mặc y hệt một chú hề bước đi trong các thương xá,” Michael D’Alimonte, một cây viết trên trang blog MTL chuyên về văn hóa và nghệ thuật, nói.
Mặc dù người dân Montreal lúc đầu trông có vẻ khép kín, họ thật sự rất thân thiện.
“Người dân Montreal cực kỳ hiếu khách và nói rất nhiều khi có dịp,” Marie-Eve Vallieres, một cư dân Montreal viết blog có tên là ‘A Montrealer Abroad’, “Họ thích chia sẻ tình yêu Montreal của họ với bất cứ ai quan tâm. Một tiếng chào ‘Bonjour’ thân mật luôn là một khởi đầu tốt.”
Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của thành phố này với 63% số dân có tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp theo cuộc điều tra dân số hồi năm 2011. Thật ra, Montreal là thành phố nói tiếng Pháp lớn thứ hai trên thế giới sau Paris.
Tuy nhiên, hơn phân nửa người dân Montreal nói tiếng Anh. Do đó, du khách sẽ không gặp khó khăn khi chu du trên khắp thành phố. Người nước ngoài sẽ dễ dàng hòa nhập nếu họ nói được tiếng Pháp nhất là nếu họ muốn sinh sống và làm việc ở thành phố này. Luật ở đây yêu cầu những người làm việc phải nói rành tiếng Pháp.
Sống ở đâu?
Bạn muốn sống ở đâu ở Montreal tùy thuộc vào bạn muốn nói tiếng Anh hay tiếng Pháp.“Montreal luôn có ranh giới rõ ràng giữa các cộng đồng nói tiếng Anh và nói tiếng Pháp,” Vallieres nói, “Ngay cả khi ranh giới này ngày nay đã hơi mờ nhạt thì truyền thống này vẫn được duy trì.”
Cộng đồng nói tiếng Pháp thì tập trung ở các khu như khu Outremont thân thiện với các gia đình, khi Plateau Mont-Royal rợp bóng cây, khu Rosemont-Petite-Patrie có khuynh hướng cộng đồng và khu Hochelaga-Maisonneuve gần đây được làm cho tươi mới.
Những người nói tiếng Anh có xu hướng sống ở khu Westmount, Mile End, Notre-Dame-de-Grace và khu Lasalle.
Đại lộ Saint-Laurent là vùng đệm không chính thức giữa hai cộng đồng nói tiếng Anh và tiếng Pháp. Nơi đây người dân nói cả hai ngôn ngữ. Michael D’Alimonte khuyên những ai không nói được tiếng Pháp nên ở gần khu trung tâm gần Saint-Laurent. Theo D’Alimonte thì đây ‘có lẽ là khu thời thượng nhất ở Montreal, nơi mà người ta sẽ không thấy phiền nếu bạn nói tiếng Anh’.
Chọn loại hình nhà ở nào?
Montreal có nhiều tòa nhà có tuổi đời hơn 100 tuổi. Trong khi đa số người dân Montreal sống trong những căn nhà lịch sử duyên dáng này – những tòa nhà có từ ba đến bốn tầng – thì lúc này hay lúc khác, sàn gỗ kẽo kẹt và không có cách âm cuối cùng sẽ khiến bạn chuyển đến các căn hộ hay chung cư hiện đại hơn.Một đặc điểm đặc trưng của những tòa nhà cổ này là cầu thang bên ngoài khiến cho chúng trông có nét cổ điển quyết rũ, nhưng người dân Montreal đã nhanh chóng nhận thấy vấn đề khi phải dọn tuyết trên cầu thang trong cái nhiệt độ âm 30 độ.
Nhà trệt nằm ở các quận ngoại ô và thường được nhiều người thuê chung. Dân địa phương thường khuyên người nước ngoài đừng đi quá xa khỏi thành phố để thuê nhà. “Cuộc sống ngoại ô ở Montreal không có nhiều thuận lợi lắm đâu. Nó không hề rẻ hơn, không hề thân thiện hơn hay không hề dễ hơn trong vấn đề đi lại,” Vallieres nói, “Thật ra ngược lại là đằng khác.”
Đi chơi ở đâu?
Từ sân bay Pierre-Trudeau, bạn có thể bay đến New York, Toronto và Washington D.C. trong khoảng một giờ. Thành phố gần nhất trong phạm vi lái xe là Ottawa, nằm cách 200km về phía tây, nhưng những ai muốn đi nghỉ cuối tuần thường lái xe 250km về hướng đông bắc đến Québec – thành phố có dáng dấp châu Âu.Vallieres nói rằng bạn có thể sống như dân địa phương khi khám phá vùng thôn quê của tỉnh Québec. Cách Montreal 150 km về phía tây, Eastern Township đặc trưng với những kiến trúc mang phong cách Anh do những người Mỹ di cư lên phía bắc sau cuộc Cách mạng Mỹ. Nơi đây nổi tiếng với những vườn nho. Những khu rừng rậm rạp của khu vực sông Lawrence, chỉ cách Montreal 70km về hướng bắc, là nơi thích hợp để bạn đi về trong ngày để vui thú các hoạt động ngoài trời.
Giá cả thế nào?
Montreal vẫn là một thành phố có giá cả phải chăng đến ngạc nhiên đối với một đô thị lớn. “Thuê một căn phòng không bao giờ tốn quá 500 hay 600 đô la một tháng trừ phi bạn thuê các căn nhà hào nhoáng ở khu phố cổ,” D’Alimonte nói. Thậm chí bạn cũng có thể mua nhà ở Montreal. Một căn hộ chung cư hai phòng ngủ bình thường có giá khoảng 300.000 đô la và ở đây không hạn chế người nước ngoài mua nhà.Người dân Montreal vẫn có thể đi lại bình thường mà không cần xe hơi.
“Tìm được chỗ đỗ xe ở Montreal thật sự là điều kỳ diệu, lái xe ở đây phải biết những quy định cực kỳ phức tạp và giờ dọn tuyết cũng như những khoản tiền phạt quá lớn,” Vallieres nói. Thẻ tháng xe điện ngầm mất khoảng 80 đô la và dịch vụ đi chung xe giúp bạn dễ dàng đi lại.
Là nơi có đông sinh viên, ở Montreal rất dễ tìm được những món hàng thực phẩm và tạp phẩm giá tốt. Rượu bia bán trong nhà hàng phải chịu thuế cao trong khi nhiều nhà hàng cho phép khách mang rượu của mình vào.
Bản tiếng Anh bài nàyđã được đăng trên BBC Travel.
Tin liên quan
- Những thứ đồ uống 'rất nên thử'
- Thành phố nào giá cả phải chăng nhất?
- Sáu cây cầu kỳ diệu nhất thế giới
- Nơi thân thiện nhất thế giới
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2014/12/141214_living_in_montreal_vert_tra
Geen opmerkingen:
Een reactie posten