zaterdag 27 december 2014

Cuba và Mỹ làm hòa : Venezuela rầu rĩ + Phe Cộng Hòa Mỹ chia rẽ

Cuba và Mỹ làm hòa : Venezuela rầu rĩ
Việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ ngoại giao được nhiều nước trên thế giới hoan nghênh, thế nhưng nó có thể gây lo ngại cho một số nước trong đó có Venezuela, đồng minh hàng số một của Cuba. Đó là nội dung được đăng tải trên nhật báo Le Figaro với dòng tựa đáng chú ý : « Venezuela, nước chịu thua thiệt của sự tan băng trong quan hệ Cuba-Mỹ ».
Trong khi quan hệ Cuba và Mỹ khởi sắc thì quan hệ giữa Venezuela và Mỹ lại đang chạm đỉnh căng thẳng. Mới thứ hai rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kí một đạo luật vừa được lưỡng viện thông qua về việc tiến hành phong tỏa tài khoản ngân hàng và từ chối cấp visa cho đại diện của chính quyền Venezuela. Ngay lập tức, Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, đã đáp trả bằng cách kêu gọi công dân Venezuela xé bỏ hộ chiếu có dấu visa của Mỹ.
Nhìn về quan hệ giữa Venezuela và Cuba, tờ báo nhắc lại rằng, từ sau khi Liên Xô sụp đổ và nhất là từ đầu những năm 2000, quan hệ Cuba và Venezuela không ngừng được thắt chặt sau khi ông Hugo Chavez lên làm Tổng thống tại Venezuela. Cuba được hưởng giá dầu ưu đãi đặc biệt của Venezuela. Rất nhiều người Cuba đến làm việc ở Venezuela, ngay cả làm việc trong quân đội và các bộ của nước này. Đến mức mà phe đối lập tại Venezuela gọi làn sóng đó là « sự Cuba hóa » trong chính quyền Venezuela.
Hiện tại, kinh tế Venezuela đang hết sức khó khăn. Nếu giá dầu ở mức 100 đô la/thùng, thì nước này đã gặp khó khăn về tài chính, huống chi hiện tại giá dầu của nước này chỉ trên dưới có 60 đô la/thùng. Thượng đỉnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (APEC) hồi cuối tháng rồi lại không chịu cho giảm lượng khai thác để kích thích giá. Bởi vậy mà, sắp tới Venezuela chắc chắn sẽ phải cắt giảm chi tiêu công, giảm phúc lợi xã hội, và giảm cả những khoản giúp đỡ Cuba.
Nếu Venezuela ngừng hỗ trợ thì Cuba sẽ lại rơi vào cảnh những năm 1990 khi Liên Xô ngừng hỗ trợ. Bởi thế, Cuba đã biết tìm cách đa dạng hóa các đồng minh bằng chính sách tăng cường ngoại giao và mở cửa kinh tế. Cuba đã ký nhiều hợp đồng khí đốt và xây dựng lớn với hai nước đầu tàu trong các nước mới nổi là Trung Quốc và Braxin. Cuba hiện là chủ tịch nhóm CELAC (Cộng đồng các nước Châu Mỹ và Caraibes). Từ hai năm nay, Cuba là nơi trung gian đàm phán giữa chính phủ Colombia và phiến quân Farc.
Trong bối cảnh đó, đà thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển của Cuba bị chặn lại bởi các lệnh cấm vận của Mỹ. Bởi thế, việc xích lại gần với Mỹ là « một tin tốt lành » cho Cuba, nhưng lại « gây sốc » cho anh bạn đồng minh Venezuela. Thế nhưng, Le Figaro kết luận một cách mỉa mai : Trên mặt trận ngoại giao thì đừng nghĩ đến đồng minh mà hãy tập trung vào lợi ích.
Cuba và Mỹ làm hòa : Phe Cộng Hòa chia rẽ
Cũng liên quan đến hồ sơ bình thường quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ, nhật báo Le Monde nhìn vào nội bộ nước Mỹ với bài phân tích : «Việc xích lại gần Cuba làm chia rẽ người của Đảng Cộng Hòa ».
Quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba có lẽ không chỉ mang đến cho Tổng thống Obama thắng lợi về mặt ngoại giao mà còn thắng lợi ngay ở trên trường chính trị bên trong nước Mỹ. Số là Đảng Cộng Hòa là đảng có nhiều nghị sĩ gốc Cuba nhất ở lưỡng viện. Mà người Cuba tại Mỹ thì có người phản đối, có người ủng hộ việc Mỹ xích lại gần Cuba, bởi thế các nghị sĩ Cộng Hòa có thể ít nhiều bị chi phối.
Le Monde dẫn ra một số gương mặt cộm cán thuộc Đảng Cộng Hòa, những người muốn ra tranh cử Tổng thống vào năm 2016, cho thấy họ bị chia rẽ sâu sắc về hồ sơ bình thường quan hệ với Cuba. Chẳng hạn như thượng nghị sĩ đại diện cho bang Florida, ông Marco Rubio, là người Mỹ gốc Cuba. Ông này đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Obama, và tuyên bố sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn việc bình thường quan hệ với Cuba, nhất là ngăn chặn việc tháo dỡ lệnh cấm vận đối với nước này.
Trong khi đó, một thượng nghị sĩ có máu mặt khác cũng thuộc Đảng Cộng Hòa, ông Rand Paul, thì cho rằng nên thay đổi cách tiếp cận trong hồ sơ Cuba khi tuyên bố : « Hãy nhấn chìm chính quyền nhà Castro bằng iPhone, Ipad, bằng xe hơi và bằng các ngành công nghệ Mỹ…Hãy dấy lên một trận sóng thần thương mại để lùa cả nhà Castro xuống biển ».
Le Monde cho hay, lập luận dựa vào lợi ích kinh tế này đang chiếm ưu thế tại Mỹ, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế Cuba mới mở cửa còn quá nhiều tiềm năng để khai thác, trong giai đoạn kinh tế Mỹ chưa hết khó khăn. Và hồ sơ Cuba cũng sẽ ảnh hưởng đến bầu cử tại Mỹ bởi vì, theo Le Monde, tại Mỹ số lượng người Mỹ gốc Cuba phản đối chính quyền Castro đăng ký tham gia bỏ phiếu thường thấp hơn số người Mỹ gốc Cuba ủng hộ chính sách xích lại gần hơn với La Havana.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20141223-thai-lan-muoi-nam-sau-song-than-2004/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten