Những yếu tố nguy cơ của ung thư buồng trứng
Có khoảng gần ¼ triệu phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng mỗi năm trên toàn thế giới. Trong số này, có khoảng 140,000 người tử vong do căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều ý kiến cho rằng căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao vì nó thường được phát hiện khi quá muộn và căn bệnh thường không có những triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc theo dõi các yếu tố nguy cơ có thể giúp nhiều phụ nữ tránh được căn bệnh hoặc phát hiện bệnh sớm để có được điều trị kịp thời. Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này mời quý vị cùng Việt Hà tìm hiểu chủ đề này.
Yếu tố di truyền và ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được các chuyên gia y tế tại Mỹ xác định là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 5 trong số các bệnh ung thư của phụ nữ và là căn bệnh ung thư gây chết người nhiều nhất ở phụ nữ. Chỉ riêng trong năm 2008, tại Mỹ đã có 22,000 người được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng, trong số đó khoảng 15,500 người đã tử vong vì ung thư. Câu hỏi đặt ra là liệu có những yếu tố nào khiến một người phụ nữ được xếp vào nhóm nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng hơn so với những phụ nữ khác?
Yếu tố đầu tiên được nói đến nhiều nhất liên quan đến ung thư buồng trứng và ung thư vú là yếu tố gene BRCA. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng những phụ nữ mang trong mình gene BRCA 1 và BRCA 2 có nguy cơ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng cao hơn gấp nhiều lần so với những phụ nữ không mang trong mình các gene này. Thậm chí một nghiên cứu quốc tế mới được công bố hồi đầu tháng 2 năm nay còn chỉ ra rằng việc mổ bỏ buồng trứng ở phụ nữ từ độ tuổi 35 sẽ có lợi rất lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ bị hai loại ung thư này. Bác sĩ Don Dizon, thành viên Hiệp hội Ung bướu lâm sàng Mỹ, bác sĩ chuyên khoa ung thư thuộc bệnh viện đa khoa Massachusetts giải thích:
BS. Don Dizon: Thường chúng ta nói bà có gene BRCA và bà nên làm phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy nếu một người có BRCA 2 thì nguy cơ bị ung thư buồng trứng đến tuổi 40 không lên cao, do đó bạn có thể chờ thêm thời gian làm phẫu thuật này. Tuy nhiên nếu một phụ nữ có BRCA 1 thì nguy cơ bị ung thư buồng trứng ở tuổi 40 là từ 3 đến 4% và tăng lên 14% khi đến tuổi 50 tuổi. Đây là một kết quả quan trọng, vì nó cho thấy sự khác nhau về nguy cơ ung thư giữa hai biến đổi gene.
Phụ nữ không có hai gene di truyền này có tỷ lệ bị ung thư buồng trứng ở độ tuổi 40 là khoảng từ 3 đến 5 người trên 100,000 người.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc mổ bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng khoảng 80%. Các bác sĩ ước tính việc mổ bỏ buồng trứng ở phụ nữ có gene BRCA 1 cũng giúp làm giảm 77% nguy cơ bị các ung thư liên quan khác bao gồm ung thư ống dẫn trứng và ung thư vú.
Chính vì vậy, những phụ nữ có người thân cùng huyết thống gần như mẹ, hoặc chị em đã từng bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú là những người nằm trong nhóm nguy cơ đầu tiên bị ung thư buồng trứng. Những người đã từng bị ung thư vú cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Cân nặng và nguy cơ ung thư buồng trứng
Một nghiên cứu quốc tế khác được công bố hồi tháng 3 năm nay tại Mỹ cũng cho thấy phụ nữ bị thừa cân cũng có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao hơn những người phụ nữ khác. Đây là nghiên cứu kết hợp của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, nằm trong dự án đang được thực hiện cập nhật về ung thư buồng trứng của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới.
Nghiên cứu dựa vào 25 nghiên cứu có liên quan bao gồm 4 triệu phụ nữ trên thế giới. Trong số này, 16,000 người bị ung thư buồng trứng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng khi chỉ số BMI của cơ thể tăng lên 5 số thì mức độ rủi ro bị ung thư buồng trứng tăng thêm 6%. Ngoài ra những phụ nữ có chỉ số BMI lớn hơn 28.4 kg/m2 có mức độ rủi ro bị ung thư buồng trứng cao hơn nhiều lần so với những người có chỉ số BMI thấp.
Chỉ số BMI là chỉ số khối cơ thể, dùng để đo độ béo của cơ thể. Nó được tính bằng tỷ lệ giữa khối lượng cơ thể trên bình phương chiều cao. Người có chỉ số BMI lớn hơn 25 được gọi là thừa cân. Giải thích về mối liên hệ giữa cân nặng và nguy cơ ung thư buồng trứng, bác sĩ Elisa Bandera thuộc viện Ung thư Rutger ở New Jersey, người tham gia nghiên cứu cho RFA biết qua email:
BS. Elisa Bandera: chúng ta biết rằng béo phì ảnh hưởng đến hormones, vốn là yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình ung thư. Đặc biệt, béo phì ở phụ nữ sau mãn kinh có liên quan đến hormone estrogen và androgen làm chúng lên cao. Điều này cũng dẫn đến việc kháng insulin và cường insulin cùng các bệnh viêm nhiễm hệ thống kinh niên khác. Viêm nhiễm được coi là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phá triển của ung thư buồng trứng và có liên quan đến khả năng sống sót thấp.
Insulin là một loại enzyme của tuyến tụy có tác dụng chuyển glucose, tức đường, trong máu vào tế bào để tạo năng lượng. Những người bị kháng insulin là những người sẽ bị hoặc đang bị bệnh tiểu đường.
Theo bác sĩ Bandera, việc theo đuổi một chế độ ăn kiêng và tập thể dục đều đặn giúp giảm cân là yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ bị bệnh ung thư buồng trứng.
Những yếu tố nguy cơ khác
Bên cạnh yếu tố về cân nặng và di truyền, một số yếu tố về sức khỏe khác cũng có thể đóng góp vào việc làm tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng ở phụ nữ.
Những phụ nữ nằm trong nhóm nguy cơ bao gồm những người chưa bao giờ mang thai, những người bắt đầu có kinh nguyệt trước 12 tuổi và bị mãn kinh sau 50 tuổi, phụ nữ đã có điều trị hormone thay thế.
Một nghiên cứu công bố hồi năm 2009 tại Mỹ cho thấy những phụ nữ có nhiều chu kỳ rụng trứng trong đời và bắt đầu kinh nguyệt quá sớm thì có rủi ro tử vong cao hơn sau khi được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng so với những phụ nữ khác. Các bác sĩ tham gia nghiên cứu này giải thích những phụ nữ đã từng mang thai thì có ít hơn chu kỳ rụng trứng trong suốt quãng đời mình. Theo nghiên cứu này, những người bị kinh nguyệt trước tuổi 12 có nhiều hơn 51% nguy cơ tử vong do bị ung thư buồng trứng so với những người có kinh nguyệt từ độ tuổi 14 trở đi.
Cũng có một số nghiên cứu cho rằng phụ nữ đã từng được điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo có rủi ro bị ung thư buồng trứng cao hơn những phụ nữ khác nhưng kết quả của nghiên cứu này vẫn còn gây nhiều tranh cãi và chưa có ý kiến thống nhất về rủi ro thực sự của điều trị này liên quan đến ung thư buồng trứng.
Chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng
Khác với ung thư vú, ung thư buồng trứng rất khó để có thể chẩn đoán sớm. Đây được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở người bệnh. Tiến sĩ Jennifer Loud thuộc Viện Ung thư Hoa Kỳ cho biết:
Jennifer Loud: hiện tại việc kiểm tra chẩn đoán sớm ung thư buồng trứng là khá nghèo nàn nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện theo cách này. Nó không giúp cho việc phát hiện sớm bệnh. Hướng dẫn chẩn đoán ung thư buồng trứng hiện tại vẫn là siêu âm tử cung, và thử máu CA 125, để tìm ung thư. Chúng tôi khuyến cáo việc thử máu và siêu âm tử cung 6 tháng 1 lần bắt đầu từ độ tuổi 30 đến 35. Chúng tôi vẫn chưa có số liệu chứng minh là các cách này dẫn đển giảm tỷ lệ tử vong do ung thư buồng trứng hoặc phát hiện sớm ung thư buồng trứng nhưng chúng tôi không còn cách nào khác.
Đây là hướng dẫn áp dụng đối với những phụ nữ trong nhóm có nguy cơ cao đặc biệt là phụ nữ mang trong mình gene di truyền BRCA.
Hiện tại các nhà khoa học Mỹ cũng đang nghiên cứu để tìm kiếm những cách xét nghiệm mới chính xác hơn với loại ung thư đặc biệt này.
Các nhà khoa học Mỹ cũng đang nghiên cứu thử nghiệm loại thuốc ức chế PARP là một lọai thuốc mới điều trị ung thư được hy vọng là có thể kéo dài được tuổi thọ của bệnh nhân. Bác sĩ Don Dizon hy vọng trong vòng khoảng 3 đến 5 năm nữa loại thuốc này có thể được cho phép sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư có liên quan đến gene BRCA.
For magazine only: tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten