Nhân quyền Việt - Mỹ với Điếu Cày ra tù
- 23 tháng 10 2014
Con trai của blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải nói với BBC mặc dù cha anh đã ra tù, anh sẽ vẫn tiếp tục 'tranh đấu' theo con đường mà anh tin là mình đã chọn.
Trao đổi với cuộc tọa đàm của BBC Việt ngữ với chủ đề 'Nhân quyền và quan hệ Việt - Mỹ nhân sự kiện Điếu Cày ra tù' hôm 23/10/2014, kỹ sư tin học Nguyễn Trí Dũng từ Sài Gòn nói:"Tất nhiên khi bố tôi ở trong tù, mục đích chính của tôi là mong muốn ông được tự do, ngay khi này, khi ông đã được tự do rồi, có thể nói ông đã được an toàn ở xứ sở tự do rồi, thì tôi nghĩ không có lý do gì để tôi ngừng lại cả.
"Vì cái quan trọng nhất đối với tôi là... không phải tôi đấu tranh vì bố tôi, đã là người đấu tranh, mà tôi đấu tranh vì bản thân tôi thức tỉnh được cái nhận thức của mình về chuyện dân tộc mình như thế nào.
"Và qua những gì của bố tôi, chính là bàn đạp để tôi thức tỉnh, qua những việc làm của chính quyền Việt Nam đối với bố tôi, thì đó chính là một cái để tôi tiếp tục đấu tranh, chứ không phải là một cái để tôi chấm dứt đấu tranh," con trai của blogger Điếu Cày nói.
'Trong quá trình lớn hơn'
Một số ý kiến trong dự luận gần đây đặt câu hỏi về việc một số tù nhân 'chính trị hay lương tâm' khi được chính quyền Việt Nam thả ra tù lại bị 'trục xuất' hoặc 'đưa đi ngay ra nước ngoài' như các ông Điếu Cày hay Cù Huy Hà Vũ.Khi được hỏi điều này có ý nghĩa gì, Phó Giáo sư Jonathan London, từ Đại học Thành thị Hong Kong, nói:
"Cũng có khá nhiều người (lấy làm) tiếc về việc này, nhưng chúng ta cũng có thể đồng ý khi mà ông Nguyễn Văn Hải, dù tôi vẫn chưa gặp lần nào, đã hy sinh rất nhiều, và đã đấu tranh hết sức mình cho một Việt Nam có thể đạt được những giá trị tốt nhất.
"Và vì thế, hy vọng trong tương lai một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có điều kiện mà những người có chính kiến khác so với lãnh đạo Việt Nam, thì họ sẽ có điều kiện để ở lại Việt Nam.
"Và ví thế tạm thời chúng ta có thể đón nhận Nguyễn Văn Hải là một di sản của Phong trào vì một Việt Nam dân chủ hơn."
Khi được hỏi đâu là lý do thực sự của việc Điếu Cày được ra tù và đi Mỹ, Tiến sỹ London nói:
Hy vọng trong tương lai một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có điều kiện mà những người có chính kiến khác so với lãnh đạo Việt Nam, thì họ sẽ có điều kiện để ở lại Việt Nam. Và ví thế tạm thời chúng ta có thể đón nhận Nguyễn Văn Hải là một di sản của Phong trào vì một Việt Nam dân chủ hơn
"Mà như chúng ta cũng đã biết, cách đây mấy năm rồi, ông Obama (Tổng thống Mỹ) cũng đã nêu rõ tên của Nguyễn Văn Hải và một số tù nhân lương tâm khác, và vì thế, chúng ta nên xem cái đó là một sự kiện trong một quá trình lớn hơn.
"Và như ai cũng biết, hiện nay có một đặc phái viên của chính phủ Mỹ phụ trách về nhân quyền đang ở Hà Nội và sẽ ở lại Việt Nam khoảng 3-4 ngày, và vì thế chúng ta cũng có thể và nên chờ đợi những sự kiện khác nữa."
Theo học giả người Mỹ này, có thể tới đây sẽ có một số tù nhân lương tâm khác nữa được chính quyền Việt Nam thả ra.
'Thả vì nhân đạo?'
Bình luận về lý do mà chính quyền Việt Nam, qua người Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra, theo đó giải thích ông Nguyễn Văn Hải được ra tù và đi Mỹ vì lý do nhân đạo, ông Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội nói:"Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam không được phép dùng chữ 'nhân đạo' ở đây, họ đã cực kỳ 'trơ tráo' khi sử dụng chữ nhân đạo, trong tuyên bố này.
"Nếu như nhà nước nhân đạo, thì họ đã không bắt anh Điếu Cày hay là nhiều tù nhân lương tâm khác vào tù chỉ vì họ, những công việc của họ không làm hại đến ai, mà chỉ để cho đất nước này đạt được giá trị tốt đẹp hơn.
"Cho nên bất cứ hình thức giảm nhẹ nào, trong việc nhận định về cái hành động của họ thì không thể chấp nhận được," kỹ sư Lân Thắng nói với cuộc tọa đàm.
Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam không được phép dùng chữ 'nhân đạo' ở đây, họ đã cực kỳ 'trơ tráo' khi sử dụng chữ nhân đạo, trong tuyên bố này
Còn từ Sài Gòn, kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân chính trị nêu quan điểm:
"Nhà nước Việt Nam nêu lý do thả anh Hải vì lý do nhân đạo, thì theo Trung cũng đúng một phần vì anh Hải cũng lớn tuổi rồi.
"Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều, những người tù nhân chính trị, lương tâm khác mà Trung biết là đang ở trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt ở trong tù," nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền từng bị kết án trong vụ án Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long nói.
'Đổi chiến thuật quan hệ?'
Từ Hoa Kỳ, nhà báo, đạo diễn điện ảnh Trần Nhật Phong cho rằng Việt Nam, qua việc thả các nhân vật như Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, đã thay đổi 'chiến thuật' quan hệ với Hoa Kỳ.Ông Phong nói: "Khi ông Phạm Bình Minh qua Mỹ, thì được nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương chứ không phải giải tỏa, sau đó thì phía Việt Nam mới thả anh Điếu Cày ra.
"Cho thấy rằng là phía Việt Nam, họ đã bắt đầu kinh nghiệm cách đối phó với lại sự đòi hỏi của phía Hoa Kỳ, tức là lần nào họ đưa ra trước, thì điều họ được, đều không như ý.
"Cho nên lần này, họ giữ cho đến khi nào mà họ đạt được điều đó rồi, họ mới nới lỏng.
"Và rõ ràng là trước khi ông Phạm Bình Minh qua Mỹ, không có một nhân vật bất đồng chính kiến nào được trả tự do cả.
Việt Nam, họ đã bắt đầu kinh nghiệm cách đối phó với lại sự đòi hỏi của phía Hoa Kỳ, tức là lần nào họ đưa ra trước, thì điều họ được, đều không như ý. Cho nên lần này, họ giữ cho đến khi nào mà họ đạt được điều đó rồi, họ mới nới lỏng
Blogger Điếu Cày, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ và kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Quốc Quân ở trong số các tù nhân chính trị tại Việt Nam được quốc tế nhắc đến nhiều và liên tục trong thời gian nhiều năm qua.
Liệu việc blogger này ra tù là chỉ báo cho thấy nhân quyền ở Việt Nam sẽ được cải thiện thực sự và bền vững, hay chỉ là 'thêm một trường hợp tù nhân chính trị và lương tâm' được thả do thỏa thuận song phương?
Điều gì sẽ xảy ra với hàng chục, có thể là hàng trăm các nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, cùng nhiều tù nhân chính trị và lương tâm khác đang bị giam giữ có án?
Về phần mình, liệu các ông Điếu Cày, Hà Vũ sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả, nếu đó là lựa chọn của các ông, cho sự nghiệp 'tranh đấu vì tự do, nhân quyền và tiến bộ xã hội' ở trong nước?
Đây là một trong số các vấn đề mà BBC và các vị khách tham gia tọa đàm trực tuyến trao đổi trong chương trình ngày thứ Năm, bên cạnh các khía cạnh về quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới đây, trong đó ngoài nhân quyền, còn có các khía cạnh hợp tác khác từ kinh tế, an ninh cho tới quân sự, chính trị v.v...
Chương trình được phát trên các kênh Google Plus và YouTube của BBC Việt ngữ từ 19h30 đến 20h00 theo giờ Việt Nam.
Quý vị cũng có thể theo dõi toàn bộ cuộc tọa đàm trên trang nhà của BBC Tiếng Việt tại đây.
Các ý kiến quan tâm, đóng góp, xin vui lòng gửi về cho chúng tôi qua hộp thư điện tử: vietnamese@bbc.co.uk
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/10/141022_nhan_quyen_viet_my_nhan_vu_dieu_cay
Điếu Cày phát biểu ở Los Angeles
- 22 tháng 10 2014
Ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, đã kêu gọi những nhà hoạt động khác đang còn ở trong nhà tù ở Việt Nam 'hãy mạnh mẽ lên'.
Trước đó, hôm thứ Ba ngày 21/10, ông Hải, người bị chính quyền Việt Nam tuyên án 12 năm tù về tội 'Tuyên truyền chống Nhà nước', đã được đưa từ nhà tù ở Nghệ An ra thẳ̀ng sân bay Nội Bài ở Hà Nội để đáp máy bay với đích đến là Los Angeles, Hoa Kỳ.Trong lúc này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đều đã phản ứng về việc thả tự do cho blogger Điếu Cày.
'Không nên khen Hà Nội'
Phát biểu trước truyền thông và những người ủng hộ tới đón mình tại sân bay ở Los Angeles Hoa Kỳ vào khoảng lúc 10 giờ tối ngày 21/10 theo giờ địa phương, ông Nguyễn Văn Hải nói:''Thông điệp hiệu quả nhất gửi đến những anh em còn đang nằm trong nhà tù của Cộng sản là anh em hãy tin tưởng rằng anh em không đơn độc.
Thông điệp hiệu quả nhất gửi đến những anh em còn đang nằm trong nhà tù của Cộng sản là anh em hãy tin tưởng rằng anh em không đơn độc.
"Freedom (Tự do) cho Việt Nam", ông hô lên với sự hưởng ứng của hàng chục người đứng xung quanh.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng vừa lên tiếng rằng ‘không nên ca ngợi Hà Nội’ trong việc blogger Điều Cày vừa được thả khỏi nhà tù và cho sang Mỹ.
“Việc blogger Điếu Cày được tự do là một tin tốt lành nhưng không ai có thể lúc nào quên rằng lẽ ra chính quyền không được bỏ tù ông. Chính phủ Việt Nam đã ngược đãi ông một cách khắc nghiệt trong nhiều năm bởi vì ông có dũng cảm để phát biểu chính kiến của mình và nói lên những sự thật không mấy dễ chịu mà các nhà lãnh đạo ở Hà Nội không muốn lan truyền trên Internet,” thông cáo của HRW dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á, của HRW nói.
Ông Robertson nói thêm:
"Không nên ca ngợi Hà Nội vì đã buộc ông Điếu Cày sống lưu vong như là cái giá cho sự tự do của ông.
Thả một blogger không thay đổi được gì các điều luật trấn áp của chính quyền Việt Nam cho phép họ xử tội hình sự những ai phát biểu ý kiến một cách ôn hòa bất cứ lúc nào.
Chừng nào mà chính quyền Việt Nam không nghiêm túc cải cách để loại bỏ cái gọi là ‘an ninh quốc gia’ ra khỏi Bộ Luật Hình sự thì không có nhà hoạt động nào được an toàn cả.
Các độc giả của Điều Cày sẽ vẫn đọc được những bài blog của ông từ Mỹ, nhưng điều này sẽ không thay đổi thực tế là các blogger khác thay thế Điếu Cày ở Việt Nam sẽ phải chịu sự sách nhiễu có hệ thống của ông an như Điếu Cày đã từng trải qua.”
'Ông Hải muốn đi Mỹ'
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoan nghênh việc trả tự do cho blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, đồng thời cho biết ông Hải đã quyết định sang Mỹ sau khi ra tù.Hoa Kỳ “hoan nghênh quyết định trả tự do cho người tù lương tâm của nhà cầm quyền Việt Nam”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Marie Harf, nói trong buổi họp báo ngày 21/10.
“Ông [Điếu Cày] đã quyết định sang Hoa Kỳ sau khi ra tù và đã đến nơi vào ngày 21/10 (giờ Hoa Kỳ),” bà cho biết thêm.
“Chúng tôi đã không ngừng kêu gọi trả tự do cho ông và những người tù chính trị khác tại Việt Nam.”
Các độc giả của Điều Cày sẽ vẫn đọc được những bài blog của ông từ Mỹ, nhưng điều này sẽ không thay đổi thực tế là các blogger khác thay thế Điếu Cày ở Việt Nam sẽ phải chịu sự sách nhiễu có hệ thống của ông an như Điếu Cày đã từng trải qua.
Khi được yêu cầu xác minh tin nói ông Hải đã bị “ép phải xuất cảnh” sau khi được trả tự do, bà Harf nói “Tôi sẽ xác minh lại với chính quyền Việt Nam về vấn đề này. Chúng tôi biết rằng ông đã quyết định sang Mỹ” sau khi ra tù.
Ông Nguyễn Văn Hải bất ngờ được Việt Nam trả tự do và đưa ra sân bay Nội Bài trong ngày 21/10.
Trước đó, ông thi hành án tù 12 năm tại Trại giam số 6, Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trước khi bị tòa án khép ông vào tội danh này, ông còn bị tội danh 'trốn thuế' và đã thi hành xong bản án mà ông luôn bác bỏ và khẳng định mình vô tội.
Ông Hải được biết đến như một blogger với nhiều bài viết thu hút sự chú ý trên cộng đồng mạng xã hội và Internet của Việt Nam về các chủ đề dân quyền và chủ quyền biển đảo.
Ông được trao giải Tự do Báo chí Quốc tế trong buổi lễ được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) tổ chức tại New York, Hoa Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái.
Hồi tháng Tám vợ cũ của ông Hải, bà Dương Thị Tân, cho biết phía công an yêu cầu blogger Nguyễn Văn Hải viết đơn xin được ra tù trước thời hạn.
Blogger Điếu Cày được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng nhắc đến như một nhà hoạt động vì tự do báo chí ở Việt Nam.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/10/141022_dieucay_release_reaction
Geen opmerkingen:
Een reactie posten