7 kinh nghiệm khách Tây rỉ tai nhau trước khi sang Việt Nam
Một số lầm tưởng về Việt Nam như quốc gia còn khốn khổ sau chiến tranh, ít cảnh đẹp hay dân bản địa “mù” tiếng Anh thường được các du khách Tây giàu kinh nghiệm truyền nhau để thay đổi cách nhìn nhận.
Lần đầu sang Việt Nam, nhiều du khách phương Tây thường e dè và bối rối khi hình dung về miền đất hình chữ S xa xôi. Họ cũng có nhiều lầm tưởng do chưa từng đến và tiếp xúc với con người Việt Nam. Theo kinh nghiệm của những đồng hương đi trước, các du khách Tây thường truyền nhau những bài học và cả lưu ý dưới đây.
1. Đất nước không quá nghèo nàn
Hầu hết lữ khách phương Tây chưa từng đến Việt Nam đều chỉ biết đây là quốc gia xa xôi phía bên kia địa cầu với những con người da vàng, tóc đen. Các cuộc chiến tranh khốc liệt diễn ra trong quá khứ khiến đa phần họ nghĩ cả đất nước vẫn còn rất nghèo nàn, thiếu thốn. Điều này cũng đồng nghĩa với sự gia tăng tội phạm và tệ nạn cướp giật.
Thậm chí, một số du khách Mỹ lớn tuổi lần đầu đến Việt Nam còn lo lắng chuyện chiến tranh trước đây là lý do khiến họ có thể bị dân bản địa kỳ thị. Trái ngược với những hình dung này, các du khách từ nửa kia địa cầu thường rất bất ngờ khi đến Việt Nam và thấy một đất nước đổi mới, hiện đại cùng những con người thân thiện.
2. Người Việt Nam hay dùng tiếng Anh
Nhiều lữ khách phương Tây chia sẻ cảm thấy bất ngờ khi biết tiếng Anh phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Hải Minh
|
Do cách biệt về mặt địa lý cũng như văn hóa và ngôn ngữ, nhiều du khách phương Tây thường nghĩ sẽ rất khó khăn khi giao tiếp ở Việt Nam. Thực tế đa phần họ lại bày tỏ bất ngờ về mức độ phổ biến của tiếng Anh khi du lịch đến quốc gia này. Một du khách quốc tịch Mỹ có tên Bruce Wilcox còn kể chuyện vô tình gặp người bản địa khi dạo bước trên hồ Gươm với thái độ cởi mở và tự tin.
“Khi tôi đang ngồi nghỉ trên ghế đá, một cậu sinh viên tiến gần và kể tôi nghe những câu chuyện về thành phố Hà Nội. Tiếng Anh của cậu không thực sự chuẩn nhưng khá trôi chảy. Cậu ấy cũng chẳng đòi hỏi tiền thù lao hay gạ gẫm mua đồ, chỉ đơn giản là muốn luyện tiếng Anh”, du khách 54 tuổi chia sẻ.
3. Tránh xa các gánh hàng rong
Du khách Tây thường bị xem là đối tượng béo bở của các gánh hàng rong. Ảnh: PV
|
Không may mắn như ông Wilcox, đa phần khách Tây đến Việt Nam thường bị xem là “mồi ngon” của các gánh hàng rong trên những phố lớn. Trước khi đến mảnh đất hình chữ S này, họ cũng thường được khuyên nhủ hãy tránh xa những người bán rong luôn chèo kéo, mời mọc, đồng thời tuyệt đối cẩn trọng với các phụ kiện như máy ảnh, điện thoại, ví tiền.
4. Giá cả dịch vụ có thể đắt “cắt cổ”
Hầu như vùng nào đông du khách, các hàng, quán bán sản phẩm hay dịch vụ cũng đều duy trì song song hai mức giá khác nhau. Ở Hội An, bạn dễ dàng mua đôi dép tông với giá 50.000 đồng nếu là người Việt Nam. Nhưng với ngoại hình tóc vàng mắt xanh và vốn tiếng Việt bập bõm, mức giá có thể đắt gấp đôi.
Vấn đề này thường được các du khách Tây rỉ tai nhau đề phòng và chia sẻ nhiều mẹo để mặc cả. Cách phổ biến nhất thường là cẩn thận hỏi giá trước khi dùng dịch vụ, mua sản phẩm. Một số website đánh giá dịch vụ cũng được họ sử dụng triệt để.
5. Đề phòng bị lừa
Với khác biệt về ngôn ngữ, rất nhiều du khách Tây từng rơi vào hoàn cảnh lầm lẫn giữa 15.000 đồng và 50.000 đồng (fifteen thousand dong và fifty thousand dong). Không ít người phàn nàn về tình huống khi hỏi giá một trái dừa hay dịch vụ đánh giày, người bán trả lời “15.000 đồng” để chóng được đồng ý. Nhưng khi rút ví thanh toán, họ mới ngớ người vì bị đòi tới 50.000 đồng. Bí quyết được các du khách Tây đúc kết là chìa luôn tờ tiền mệnh giá đúng với mức đã thỏa thuận trước khi sử dụng dịch vụ.
6. Đừng nản khi ngã xe máy
Dù phải chịu đựng những vết thương đau đớn do ngã xe máy, các du khách Tây vẫn thích lái phương tiện này khi du lịch Việt Nam. Ảnh: Thehungrysuitcase.com
|
Vốn là phương tiện đi lại phổ biến ở Việt Nam, hầu như du khách Tây nào cũng thích vi vu khám phá miền đất này trên chiếc xe máy. Thế nhưng, do không quen đường, lại chưa nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống, nhiều người từng phải chịu cảnh băng bó hoặc chân đi khập khiễng một thời gian sau chuyến phượt lên Sa Pa hay thăm Mũi Né vì bị ngã, va quệt xe. Đánh giá mức độ hết sức nguy hiểm, đa phần họ vẫn bày tỏ lái xe máy là trải nghiệm rất khó quên và vẫn muốn tiếp tục thử khi đến Việt Nam.
7. Việt Nam rộng lớn và nhiều cảnh đẹp
Trước khi đến Việt Nam, một số du khách phương Tây từng nghĩ miền đất này hết sức nhỏ bé, còn nghèo nàn và không nhiều cảnh đẹp. Tuy vậy, Steven - một du khách Mỹ lần đầu đến Việt Nam hồi đầu năm cho biết anh dành 11 ngày đêm để phượt đường bộ từ Bắc vào Nam.
“Điều này rất khác so với chuyến đi từ New York đến Los Angeles. Suốt dọc Việt Nam, bạn sẽ bắt gặp vô số cảnh đẹp và tốt nhất là nên dành khoảng 3 tuần để đi dần”, Steven chia sẻ. Anh cũng nhấn mạnh rằng nếu chỉ có khoảng 1-2 tuần, du khách Tây nên tập trung duy nhất một vùng như phía Bắc hoặc Nam Việt Nam và dành trọn vẹn thời gian khám phá, trải nghiệm.
Trần Hằng
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/dau-chan/7-kinh-nghiem-khach-tay-ri-tai-nhau-truoc-khi-sang-viet-nam-3098989.html
6 điều du khách thường làm khi ở Hà Nội
Đa phần người Hà Nội chỉ thực hiện một vài điều dưới đây ít nhất một lần hoặc thậm chí chưa khi nào đặt chân đến những địa danh mà du khách thường lui tới.
Dưới đây là những điều thường nằm trong kế hoạch của du khách khi tới Hà Nội:
1. Thăm các viện bảo tàng
Một du khách quốc tế đang chăm chút xem bức ảnh tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: Haeberle
|
Hà Nội có 16 viện bảo tàng rải rác khắp các quận nội thành và chủ yếu mở cửa theo giờ mỗi ngày. Để vào tham quan, các du khách phải mua vé theo quy định của từng bảo tàng. Những người ghé thăm chủ yếu là du khách đến từ các quốc gia hay địa phương khác.
2. Đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ngày thường
Văn Miếu luôn là một trong những địa danh thu hút du khách nhất tại Hà Nội
|
Được xem là quần thể đa dạng và phong phú bậc nhất ở Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nằm trong danh sách 23 di tích quốc gia đặc biệt. Người Hà Nội luôn tự hào và coi Văn Miếu – Quốc Tử Giám như một biểu tượng của thành phố. Dù vậy, không phải lúc nào họ cũng đến thăm quần thể này. Thời điểm tấp nập người dân Hà Nội ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhất thường vào ngày đầu năm hoặc ngay trước mùa thi đại học.
3. Thăm Nhà tù Hỏa Lò
Phần lớn người ghé thăm Nhà tù Hỏa Lò là các du khách nước ngoài.
|
Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng từ năm 1896 và từng là nơi giam giữ rất nhiều tù nhân chính trị Việt Nam thời Pháp thuộc. Sau năm 1954, Hỏa Lò thuộc quyền quản lý của nước nhà và cũng từng giam giữ các phi công Mỹ nhảy dù, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain.
Ngày nay, Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ làm nơi tham quan cho du khách. Khu vực còn lại là cao ốc thương mại Tháp Hà Nội. Giờ mở cửa tham quan Hỏa Lò từ 8h đến 17h với giá vé 10.000-20.00010.000-20.000 đồng. Phần lớn du khách ghé thăm là người nước ngoài.
4. Xem múa rối nước
Dân Hà Nội ít nhất một lần trong đời từng đi xem múa rối nước.
|
Ở Hà Nội, địa điểm xem múa rối nước phổ biến nhất là nhà hát múa rối Thăng Long, số 57B phố Đinh Tiên Hoàng. Với nhiều suất biểu diễn trong ngày bắt đầu từ 13h45 đến 21h15, đây thường là điểm dừng chân của rất nhiều du khách. Còn người Hà Nội, hầu như bất cứ ai cũng từng một lần trong đời đặt chân vào nhà hát xem múa rối nước nhưng sau này chỉ trở lại vì những lý do như giới thiệu nét văn hóa hay đưa con cái đến thưởng thức. Giá vé vào rạp hiện dao động trong khoảng 60.000-100.000 đồng.
5. Ngồi xích lô
Hiện xích lô chỉ còn là nét văn hóa truyền thống của Hà Nội và chủ yếu dành cho các du khách.
|
Từng là phương tiện đi lại phổ biến trong thế kỷ trước, hiện xích lô chỉ còn là nét văn hóa truyền thống Hà Nội và đa phần phục vụ du khách quốc tế. Trên những con phố thủ đô, bóng dáng loại phương tiện này cũng không xuất hiện nhiều. Với cuộc sống hối hả và hiện đại, người Hà Nội nay chủ yếu dùng xe máy hoặc ô tô để đi lại mỗi ngày.
6. Mua nón lá, tranh sơn mài
Một cặp vợ chồng người Đức thích thú với các vật dụng truyền thống Việt Nam.
|
Dạo bước trên phố cổ Hà Nội, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cửa hàng bán tranh sơn mài với các tác phẩm được thực hiện công phu, độc đáo. Người mua chủ yếu là du khách với mục đích lưu niệm hoặc quà tặng mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Với nón lá cũng vậy, đa phần hiện giờ chỉ có du khách quốc tế mua và sử dụng trong hành trình khám phá thủ đô. Trong khi đó, dân Hà Nội hay dùng các loại mũ thời trang và chủ yếu nhất vẫn là mũ bảo hiểm.
Trần Hằng
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/ha-noi/6-dieu-du-khach-thuong-lam-khi-o-ha-noi-3075360.html
5 điều khách Tây không dám liều khi mới đến Hà Nội
Một số điều tưởng chừng đơn giản trong đời sống của người địa phương như băng qua đường, ăn trứng vịt lộn hay lê la quán xá vỉa hè lại là những khó khăn đối với các du khách Tây.
Vốn khác biệt về văn hóa, các du khách phương Tây thường vô cùng tò mò và thích thú khi khám phá đời sống của người dân Hà Nội. Họ thích ngắm nhìn dòng người hối hả với đám xe cộ trên phố mỗi ngày, muốn nếm thử món ăn truyền thống, thăm các viện bảo tàng và đến những chốn chỉ dân bản địa mới biết. Dù vậy, với những du khách lần đầu ghé chân tới Hà Nội, chuyện khác biệt văn hóa lại thành rào cản khiến họ còn nhiều e ngại. Dưới đây là một số điểm hầu như du khách Tây nào cũng rất thận trọng khi lần đầu đến thủ đô.
1. Sang đường
Chỉ mỗi việc băng qua đường cũng khiến các du khách Tây vô cùng căng thẳng. Ảnh: Giaoducvietnam
|
Hà Nội vốn nổi tiếng với những con phố nhỏ và lượng xe cộ lưu thông dày đặc hàng ngày. Vào giờ cao điểm, dòng người-xe gần như phủ kín mọi ngóc ngách thủ đô. Điều này cũng là nỗi ám ảnh với không ít du khách phương Tây khi lần đầu đến thành phố này.
Bước trên đường, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đoàn du khách ngập ngừng nơi ngã tư, căng thẳng nhìn đèn giao thông chuyển tín hiệu sang người đi bộ. Sau đó, họ sẽ cẩn thận rảo bước, không quên nhìn tứ phía và đôi khi chỉ muốn chạy vụt ngay sang vỉa hè đối diện. Nếu phải sang đường một mình, du khách Tây thường mất nhiều thời gian hơn để chờ đợi, cố gắng tìm lúc vắng xe nhất hoặc có người bản địa vô tình đi cùng mới dám băng qua đường.
2. Lái xe máy ra phố
Dù rất thích thú với việc lái xe máy, nhiều du khách phương Tây chỉ dám đội mũ bảo hiểm và ngồi yên sau. Ảnh: Tripadvisor
|
Vốn chỉ quen lái ô tô và đi các phương tiện công cộng ở quê nhà, du khách phương Tây lần đầu đến Hà Nội thường rất tò mò về những chiếc xe máy nhỏ gọn, có thể luồn lách trên mọi địa hình. Ngoài việc ngồi yên sau, họ cũng muốn được thử chạm vào tay lái và lướt một lần trên phố nhưng lại e ngại về độ an toàn.
Nhiều du khách cũng hay được người bản địa dạy cách lái xe máy. Tuy vậy, sau bài học vỡ lòng gồm khởi động, về số, lên ga…, đa phần họ vẫn chỉ dám đội mũ bảo hiểm và giành phần ngồi yên sau.
3. Ăn trứng vịt lộn
Nhiều du khách Tây mô tả cảm giác ăn trứng vịt lộn là "tội lỗi" và "ghê rợn". Ảnh: Giaoducvietnam
|
Dù biết là món bình dân quen thuộc và bổ dưỡng, không phải khách Tây nào cũng tự tin nếm thử trứng vịt lộn. Món này thường được coi như quà vặt, có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thông thường, trứng vịt sau khi ấp khoảng 19-21 ngày được đem luộc trong 5 phút rồi đập vỏ, cho ra bát, ăn phần bên trong lúc còn nóng với rau răm, gừng tươi thái chỉ, gia vị.
Hình ảnh thai nhi vịt thường làm khách Tây e ngại bởi cảm giác "tội lỗi" và "ghê rợn" khi nhai rau ráu. Tuy vậy, phần lớn họ cũng chia sẻ rằng nếu bỏ qua suy nghĩ về “thai nhi vịt” và cảm giác khi nhai chúng, đây vẫn là món ăn có vị rất ngon. Ngoài Hà Nội, trứng vịt lộn cũng phổ biến ở các vùng miền khắp cả nước và một số nơi còn có cách ăn khác nhau.
4. Ăn thịt chó mèo
Hầu như các du khách phương Tây đều từ chối ăn thịt chó. Ảnh: Phununet
|
Khác với các nước châu Á, người phương Tây hầu như không bao giờ ăn thịt chó, mèo và coi chúng như người bạn thân thiết. Do vậy, khi tới Hà Nội, họ có thể “chết khiếp” trước những lời mời ăn thịt chó, mèo hay ghé thăm các nhà hàng trưng bày món ăn này. Chỉ số ít trong đó chấp nhận nếm thử và đa phần là các du khách ưa phiêu lưu, thích trải nghiệm mới. Ngoài Hà Nội, món ăn này cũng phổ biến ở TP HCM và các tỉnh khác.
5. Thưởng thức ẩm thực đường phố
Lo ngại về vệ sinh là rào cản lớn nhất khiến nhiều du khách Tây không dám lê la vỉa hè. Ảnh: Mai Uyên
|
Trước khi đến thủ đô, hầu hết các du khách đều đã biết về những món ăn đường phố đậm chất truyền thống Hà Thành như phở, nem cuốn, bún chả, ốc luộc… Tuy vậy, việc những món ăn này bày bán trên vỉa hè lại là rào cản khiến khách Tây e ngại về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Vấn đề lớn nhất là chuyện khó có thể xác định nguồn gốc thức ăn hay công đoạn chế biến được thực hiện ra sao. Để cẩn trọng hơn, đa phần họ thường nhìn hình thức quán, nếu thấy sáng sủa, thoáng mát mới “đánh liều” ăn thử.
Trần Hằng
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/ha-noi/5-dieu-khach-tay-khong-dam-lieu-khi-moi-den-ha-noi-3098012.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten