woensdag 17 september 2014

Việt Nam : Cải cách Ruộng ̣đất 1954-1956 (Phần 6 - 10/10)

Phần 6: Diễn biến cụ thể một vụ xử án địa chủ

Kỳ này, xin gửi đến quý vị lời kể của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, từng tận mắt chứng kiến một phiên xử của toà án nhân dân tại ngoại thành Hà Nội.
Nguyễn An, phóng viên đài RFA 
2008-02-07
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
305.jpg
Một buổi đấu tố
File photo

Ông Nguyễn Chí Thiện: Hồi làm cải cách ruộng đất ở Thái Hòa ấp, ở đấy có một ông địa chủ, tôi còn nhớ tên là ông Bảy Dần. Ông ta là một người cũng có ruộng đất nhưng không phải giàu lắm đâu anh ạ. Ông ta chỉ có vài chục mẫu ruộng thôi và ông ta còn lại là một ông đồ dạy học nữa.
Chính tôi có đi xem buổi đấu tố cuối cùng đó, nó tổ chức đông người đi lắm, Hà Nội kéo nhau đi rất đông. Tôi đến nơi, lúc bấy giờ tôi cũng len lên được hàng đầu để mà xem. Ông Bảy Dần cũng mặc áo the, cũng ăn mặc tử tế lắm, đội khăn hẳn hoi. Ông ta thế là bị trói vào cột - bị trói vào cột.
Nguyễn An: Tức là đem ra trước tòa án nhân dân phải không ạ?
Ông Nguyễn Chí Thiện: Gọi là tòa án nhân dân. Trước hết ông ta bị trói vào cột và đàng sau cột độ mươi thước thôi thì có một cái hố đào sẵn. Người ta nói là đào cả hàng tuần trước rồi. Buổi đấu tố hôm đó nó diễn ra cả ngày, từ sáng đến tận khoảng 5, 6 giờ chiều mới kết thúc.
Nguyễn An: Xử thì cứ xử thôi nhưng kết quả thì đã biết trước rồi phải không ạ?
Ông Nguyễn Chí Thiện: Phải biết trước, chứ còn làm sao mà sống nổi. Lên đấu tố thì đủ các người lên đấu tố. Sự thật họ đấu tố, tôi phải vô tư mà nói, phải nói thật anh ạ, thì đa phần là phụ nữ. Họ lên đấu tố khiếp lắm, chớ không phải bị cưỡng bức, nghĩa là họ hăng say họ đấu tố.
Trong số hàng mấy chục người lên đấu tố thì cũng có vài ba người là miễn cưỡng. Những người miễn cưỡng thì mình biết ngay, chớ còn những người hăng hái đấu tố, chỉ chỏ vào mặt, cứ lồng lên như những con hổ cái thì nhiều.
Nguyễn An: Theo ông nhận xét thì tự họ làm chứ không phải họ bị ép buộc hay là gì cả?
Ông Nguyễn Chí Thiện: Họ bị kích động nhiều, bị kích động hơn là bị ép buộc anh ạ. Nhưng số người mà sau này họ hăng say lao theo thì đông, chứ còn số người miễn cưỡng lên thì ít thôi.
Nhưng phải nhớ một điều là từ đầu đã có một sự cưỡng bức rồi. Những người hăng say thì không phải là tự họ họ lên đâu, mà họ không lên cũng không được. Qua quá trình kể khổ rồi khơi sâu lòng hận thù thì nhiều người trở thành hận thù thật. Họ lên họ làm việc đó.
Chỉ riêng trong gia đình thôi thì là một sự miễn cưỡng rõ rệt anh ạ. Thí dụ như con dâu mà lên tố bố chẳng hạn, tố là ông ấy hiếp mình thế nọ thế kia thì ăn nói nó có vẻ gượng gạo, không có tinh thần hăng say như những người khác.
Có một điều đặc biệt là, ông ta đã ngoài 60 rồi, mà ông ta vẫn cứ phải xưng cháu hoặc xưng con với bất cứ một người nào lên đấu tố, dù người lên đấu tố chỉ đáng tuổi con ông thôi. Thâm chí tôi còn nhớ một cô con gái lên tố ông ta thì ông ta cũng phải xưng con với người con gái đó - con gái mình đẻ ra đấy ạ.
Bây giờ nói đến tòa án nhân dân mà ngồi xử thì toàn là nông dân thôi, toàn là nông dân họ sắp xếp lên ngồi thôi. Chị làm "chánh án", tôi còn nhớ chị ấy còn mù chữ nữa anh ạ, không biết viết a,b,c thế mà lại lên làm chánh án.
Sau một ngày đấu tố nhục nhã như thế rồi thì họ bắt đầu họ tuyên án. Họ tuyên án với tất cả những tội ác mà địa chủ đã phạm phải, mà toàn bộ là bịa đặt thôi. Người ta tuyên án ông ấy tử hình.
Đặc biệt là trong quá trình đấu tố thì ông địa chủ này không có quyền cãi mà chỉ có quyền bất cứ ai đấu tố thế nào đều chỉ có quyền "nhận tội" - nhận tội lỗi của mình chớ không hề có một lời cãi nào được phép cả.
Nguyễn An: Tức là ai nói gì thì nói, phản ứng duy nhất mà ông được phép là cứ nhận thôi?
Ông Nguyễn Chí Thiện: Và phải nhận ngay lập tức. Họ đã diễn tập nhiều lần rồi anh ạ. Đấy không phải là lần đầu tiên mang ra, trước khi mang ra làm thật như vậy thì đã có những cuộc diễn tập trước đó anh ạ. Diễn tập trong một số nhỏ người để cho ông này phải quen lối phục tùng như thế.
Buổi hôm đó, tôi còn nhớ là sau khi đấu tố xong thì lập tức có 6 anh du kích. 6 anh du kích này đứng cách khoảng độ 2 mét... thế là bắn chết ông ta ngay. Sau khi bắn chết xong thì chặt dây thừng - không phải là cởi nữa mà là chặt dây thừng, lấy con dao chặt dây thừng ra và lôi ông ta ra chỗ cái hố đó. Xin nhớ một điều, không có áo quan anh nhá. Thế là họ vất tụt xuống hố đó là lấp đất ngay lập tức thôi.
Lấp đất xong thì đất ấy cũng không được đấp thành mộ mà đấp bằng như bình thường thôi chớ không đấp gồ lên như một khối u như là một mộ phần anh ạ. Đấy là điều mà tôi chứng kiến tận mắt.
Nhưng tôi muốn nói thêm, chính vì chứng kiến đó cho nên sau này tôi vào tù, tôi nằm nghĩ lại. Để bàn về cải cách ruộng đất thì tôi chỉ làm một bài thơ thôi - đây chính là vụ Bảy Dần:
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Được nghe bà kể khổ Con thấy đời con thực là đáng chết Con đã đi bóc lột để nuôi bà Con bây giờ không dám nhận là cha Dù bà là do con đẻ ra Con - thành phần địa chủ thối tha Trước nhân dân, trước đảng, trước bà Xin thành khẩn cúi đầu chịu tội Đó là lời của cụ đồ ở ngoại thành Hà Nội Giữa đấu trường giăng giối với con.
Tôi làm bài như vậy. Khi tôi đọc bài này cho anh Nguyễn Huy Thiệp nghe ở quán cơm của anh hồi tôi ra tù năm 91-92 thì anh có nói một câu thế này: thôi, ông làm một bài thơ về cải cách ruộng đất như thế cũng đủ rồi.
Nhưng tôi nghĩ là nó không đủ đâu anh ạ. Nó còn rất nhiều chuyện mà chúng ta phải bàn đến.
Quý thính giả vừa nghe nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tường thuật lại một phiên xử của toà án nhân dân mà bị cáo là một địa chủ trong cuộc cải cách ruộng đất. Kỳ tới, chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả lời kể của ông Trần Anh Kim, có ông nội, bác và bố đều là nạn nhân trực tiếp của cuộc cải cách ruộng đất. Mong quý thính giả đón nghe.

Bấm vào đây để xem toàn bộ loạt bài về "Cải Cách Ruộng Đất"

Thông tin trên mạng:


- Trang web có những hình ảnh về Cuộc cải ruộng đất
- Cải cách ruộng đất - Wikipedia
- Land Reform in China and North Vietnam
- A Special Supplement: In North Vietnam (The New York Review of Book)
- The Solzhenitsyn of Vietnam
- Statistics Of Vietnamese Genocide And Mass Murder

Theo dòng câu chuyện:

http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/landreform/LandReform50YearsAgoP6_NAn-20060518.html-02082008071031.html

Phần 7: Lời kể của nạn nhân

Ông Trần Anh Kim, hiện đang sống tại Thái Bình, có ông nội, bác và bố là nạn nhân của cụôc cải cách ruộng đất, bị quy là quốc dân đảng và địa chủ, bị đem ra đấu tố và xử tội. Ông Kim sẽ kể lại câu chuyện đau thương này của gia đình ông qua cuộc phỏng vấn do Việt Hùng thực hiện.
Việt Hùng, phóng viên đài RFA
2008-02-07
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
ccrd4-305.jpg
Diễn biến một cuộc đấu tố
File photo

Việt Hùng: Lập lại trang sử về cuộc cải cách ruộng đất, trường hợp gia đình ông như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Anh Kim: Ông nội tôi là người sớm giác ngộ cách mạng, cho nên khi được tư tưởng của ông HCM trao dồi vào tư tưởng của cụ thì cụ giáo dục tất cả gia đình hết lòng vì cách mạng. Về đào hầm bí mật, mà mới ngay gần đây thôi chúng tôi vừa đào một hố ga thì trúng hầm bí mật đó, tôi định gọi ủy ban xác định là hầm bí mật nhà tôi đây.
Ông tôi ủng hộ, hưởng ứng "tuần lễ vàng" của Hồ chủ tịch phát động, cho nhà nước mượn 1075 vuông vải để may áo mùa đông binh sĩ để cho du kích mặc để đánh giặc.
Đấy là ông nội tôi. Còn bố tôi mua 1000 công phiếu kháng chiến, ủng hộ 9 áo sợi. Bố tôi hoạt động cách mạng từ năm 21 tuổi, tức là từ năm 1942. Đến năm 1948 thì bố tôi được kết nạp vào đảng CSVN. Đến cải cách ruộng đất, sau năm 1954 giải phóng, sau đó thì giảm tô, đến cải cách ruộng đất thì người ta quy cho ông tôi là địa chủ, và quy cho bố tôi là Quốc Dân Đảng.
Bố tôi là phó bí thư Quốc Dân Đảng và bác tôi là bí thư Quốc Dân Đảng. Bác tôi bị bắn luôn, ông ấy nhận thì bị bắn luôn. Còn bố tôi thì kiên quyết không nhận. Không nhận thì người ta tra tấn, người ta thắt hai dây thừng vào hai ngón chân cái rồi người ta kéo lên sàn nhà, bố tôi đau quá, kêu khóc, xin thả xuống. Kêu khóc to quá thì người ta lấy rơm, lấy rạ nhét vào mồm.
Toàn bộ những cái bố tôi kể thì tôi còn ghi được nguyên cuốn băng. Cứ làm như thế, hàng ngày làm như thế, làm để bắt nhận là QDĐ. Bố tôi không nhận QDĐ, bố tôi bảo rằng bố tôi chẳng biết QDĐ là ai cả, chỉ biết đảng viên đảng CS thôi. Thế người ta không quy được cho bố tôi QDĐ thì người ta lại đưa bố tôi lên địa chủ luôn.
Địa chủ ngày đó là địa chủ "phân" anh ạ. Thí dụ mỗi một thôn là mấy địa chủ thì cứ thế người ta đưa lên thôi. Cuối cùng thì cũng bị tù không án, hai năm. Mà khốn nạn hơn thời tôi tù nhiều. Tức là tay thì trói cánh khuỷu ra đàng sau, chân thì cùm, quần áo thì chẳng có mặc, cứ nằm như thế ở dưới sàn chuồng trâu thôi.
Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ, khoảng 10 tuổi, tôi mang cơm cho bố tôi thì khổ thế này: đầu tiên mang ra ngõ thì mình cũng chẳng biết gì cả, lúc bắt bố tôi thì tôi biết nhưng bắt ông tôi thì tôi không biết. Lúc bắt bố tôi thì tôi chỉ biết khóc thôi. Tôi thấy tự nhiên người ta đến nhà mình, 5 người đến, người ta dằn bố mình ra người ta trói mang đi, nói thằng này là QDĐ, trói mang đi thì mình chỉ biết khóc thôi. Không biết làm gì cả.
Đến trưa mẹ tôi về, kể chuyện cho mẹ tôi nghe thì mẹ tôi cũng lăn ra khóc luôn. Thế là hai mẹ con cùng khóc. Lúc bấy giờ mẹ chỉ động viên, thôi bây giờ con mang cơm cho bố con với cho ông thôi...
Ra ngõ thì gặp đội, thế là nó quát ầm lên: "thằng này con nhà QDĐ, cháu địa chủ, tại sao mày gặp chúng tao mày không chào, mày không quì xuống". Lúc bấy giờ biết đâu được, chỉ khóc thôi. Tôi khóc và bắt đầu quỳ xuống, nó bảo từ nay trở đi mày gặp chúng tao mày phải quỳ xuống, mày lạy các ông đội, xin phép các ông đội, xin phép các ông cốt cán để tôi mang cơm cho ông tôi, cho bố tôi, thế thì chúng tao cho đi.
Thế thì cuối cùng từ đấy thì cứ quen như vậy. Cứ ra ngõ gặp người ta là phải quỳ xuống, xong lại xin phép các ông cốt cán để tôi mang cơm cho ông tôi, cho bố tôi. Gọi là cơm nhưng có cơm đâu, chủ yếu là khoai thôi.
Nắm cơm mang xuống thì thế này. Người ta dùng ngay cái trét xúc cứt đấy ông ạ, xúc phân gà, nó xắn vào chén cơm. Tôi cũng chẳng biết gì cả, tôi chỉ biết người ta làm như vậy thôi. Nhưng ông thôi thì rất hăng. Ông tôi bảo tại sao lại phải làm như vậy thì nó bảo là phải kiểm tra xem bọn địa chủ nó có tiếp tế cho nhau không, nó có thông tin cho nhau không, chúng ta phải kiểm tra.
Có hôm thì họ làm như vậy, có hôm thì không có trét, nó rút ngay cái cọc ở chuồng lợn bên cạnh con trâu, thế thì họ chọc vào cơm, chọc luôn vào khoai, bảo chúng tao phải kiểm tra. Năm đó thì có gì đâu, có cái gáo dừa thôi mà. Cái gáo dừa treo hai cái dây lủng là lủng lẳng đem nước vô cho ông - nó đổ đi một nữa xong nó đái vào đấy. Tôi cũng chẳng biết gì, chỉ biết như thế thôi.
Nhưng ông tôi quát rầm lên thì nó bảo rằng cho chúng mày uống để mà sáng mắt ra, cho chúng mày hết tư tưởng bóc lột, hết tư tưởng ức hiếp nhân dân. Nó cứ chửi ông tôi như thế - tôi cũng chỉ biết khóc, chẳng biết làm thế nào cả. Mình chỉ mang đi cho ông, mang đến chỗ thì lại về rồi.
Việt Hùng: Chúng tôi xin được chia sẻ những nỗi đau của gia đình và lật lại một trang sử thì chúng tôi cũng muốn đi tìm lại những sự thật. Thưa ông Trần Anh Kim, ông nói rằng ông cụ thân sinh ra ông cũng bị quy kết vào thành phần địa chủ trong vụ cải cách ruộng đất, ông nội cũng vậy, ông bác thì bị bắn chết vì nhận là QDĐ. Ông nói rằng cuốn băng mà ông cụ thân sinh kể lại...
Ông Trần Anh Kim: Tôi vẫn còn ạ. Mà kể lại cho đồng đội tôi nghe thì anh em đồng đội nó ghi chớ thật ra mà nói nhà tôi cũng chẳng có máy ghi âm. Đồng đội nó nghe cũng phát khóc lên vì chuyện ấy.
Việt Hùng: Ông nói là lúc đó ông mới có 10 tuổi. Lúc những cuộc đấu tố đó, ông còn nhớ là vào thời điểm nào?
Ông Trần Anh Kim: Chính xác ngày thì tôi không nhớ, tôi phải về nhà tôi hỏi lại.
Việt Hùng: Vậy thì ông nội ông và ông cụ thân sinh của ông tên là gì ạ?
Ông Trần Anh Kim: Ông nội tôi là ông Trần Ngọc Toản, còn bố đẻ tôi là Trần Ngọc Chất. Khi bố tôi và ông nội tôi ra thì có một cái như thế này. Sau khi ra rồi thì lúc bấy giờ là sửa sai, sửa sai thì...
TranAnhKim150.jpg
Ông Trần Anh Kim
Việt Hùng: Như vậy là tù bao nhiêu năm?
Ông Trần Anh Kim: Hai năm.
Việt Hùng: Ông nói rằng hôm ông bác của ông bị bắn chết khi nhận là QDĐ...
Ông Trần Anh Kim: Ông bác tôi là đảng viên đảng CS, ông bác tôi nhát hơn bố tối, nên khi bị tra tấn nặng quá thì ông nhận, nhận cái thì nó bắn luôn.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Việt Hùng: Và chuyện đó xảy ra ở tại thôn nào...
Ông Trần Anh Kim: Xóm La Xuyên, xã Bố Tiến huyệnVũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Việt Hùng: Thế còn trường hợp ông cụ thân sinh của ông đưa ra để đấu tố, cũng như ông nói rằng buộc dây thừng vào hai ngón chân cái để kéo lên trần nhà là ở tại địa phương hay ở đâu ạ?
Ông Trần Anh Kim: Ở tại địa phương, tại chuồng trâu nhà ông Dụng ngay cùng xóm. Nhưng bố tôi vẫn cứ để trong lòng thôi. Bạn bè đến động viên thì bây giờ mới kể lại, kể lại thì mới đem máy ghi âm ghi lại hết được cái đó.
Việt Hùng: Trước khi qua đời thì ông cụ thân sinh của ông có kể lại cho những người đồng đội cũ thì mọi người có ghi được cuốn băng ghi âm đó à. Thời gian đó là thời gian nào thưa ông?
Ông Trần Anh Kim: Có ạ. năm 1993.
Việt Hùng: Một tuổi thơ của ông đã bị hằn trong tâm tư, vào lúc mà ông nói khi ông lên 10 tuổi. Bây giờ nếu mỗi lần nhớ lại thì cảm tưởng của ông như thế nào?
Ông Trần Anh Kim: Bố tôi với ông tôi, sau khi sửa sai thì ra vẫn cứ động viên tôi là thôi con à bây giờ bác hồ làm sai bác hồ sửa rồi thì bỏ qua tất cả đi, xong gia đình nhà ta trở lại vị trí cũ thôi, vẫn tinh thần cách mạng thôi.
Thế thì vào năm 1958, vào hợp tác xã thì lại là gia đình gương mẫu và vào hợp tác xã đầu tiên. Còn được bao nhiêu của cải làm được lại góp vào hợp tác xã hết. Tôi lúc bấy giờ, năm 58, thì lên 12 tuổi. Bắt đầu đi học cấp một rồi. Lao động hết mình đấy ông ạ. Bởi vì tôi vào thiếu niên, vừa làm đội trưởng đội thiếu niên, rồi sang làm chỉ huy liên đội. Chuyên môn đi kẻ khẩu hiệu, kẻ băng biển, hô khẩu hiệu. Có nghĩa là mình biết làm công tác chính trị ngay từ nhỏ ông ạ. Lúc bấy giờ thì quên hết những nỗi đau đi thôi, để phục vụ cho "cách mạng" thôi.
Việt Hùng: Thưa ông, ở tại tỉnh Thái Bình, những gia đình trong vụ cải cách ruộng đất theo ghi nhận thì có nhiều không?
Ông Trần Anh Kim: Những người bị oan ức bây giờ kể lại thì rất nhiều. Nếu bây giờ tôi đi lại tất cả những nhà đó thì ai người ta cũng kể như thế. Như lúc đầu tôi nói là địa chủ "phân" mà. Giả sử một xóm tôi có 2, 3 địa chủ chẳng hạn, thì cứ tỷ lệ thì nhân lên.
Coi như là địa chủ phân, nghĩa là chưa được như thế là chưa đạt được tiêu chuẩn, nhân lên và cứ phân như thế thôi. Bây giờ cần nhân thì có thôi, một thôn khoảng 3 địa chủ thì một xã có bao nhiêu thì nhân lên thì nó thành ra ngay thôi.
Việt Hùng: Thưa ông, bây giờ cụ cải cách ruộng đất đã đi qua. Cá nhân ông, tuổi thơ của ông đã chứng kiến những cảnh như vậy và gia đình ông là nạn nhân. bây giờ nhìn lại, mỗi lần nhắc đến lịch sử đau buồn này thì...
Ông Trần Anh Kim: Nghĩ đến lịch sử đau buồn này thì tôi vẫn nói với bạn bè rằng gia đình tôi 3 đời bị cộng sản đè nén, áp bức rồi, bị cướp trắng tay rồi, đời ông nội tôi, đời bố tôi, rồi đến đời tôi, cướp trắng tay như vậy rồi. Cho nên tôi vẫn nói với anh em, bạn bè rằng tao không căm thù chế độ này thì thôi chớ chế độ này lấy quyền gì để căm thù tao.
Thế còn đời tôi, tôi nói là đời tôi từ nhỏ đến giờ tôi luôn luôn giữ trong sạch, và chính vì giữ trong sạch cho nên tôi mới dám vạch trần những thối tha, những bẩn thỉu. Bây giờ tôi gọi là cái thác lọan của cái chế độ này.
Quý thính giả vừa nghe Việt Hùng trao đổi với ông Trần Anh Kim hiện đang ở Thái bình về tấn thảm kịch mà gia đình ông là nạn nhân trong cuộc cải cách ruông đất 50 năm trước tại miền Bắc Việt Nam. Kỳ tới, chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả câu chuyện của một nạn nhân khác: ông Nguyễn Văn Thủ, lúc đó ở Hưng Yên. Mong quý thính giả đón nghe.

Bấm vào đây để xem toàn bộ loạt bài về "Cải Cách Ruộng Đất"

Thông tin trên mạng:


- Trang web có những hình ảnh về Cuộc cải ruộng đất
- Cải cách ruộng đất - Wikipedia
- Land Reform in China and North Vietnam
- A Special Supplement: In North Vietnam (The New York Review of Book)
- The Solzhenitsyn of Vietnam
- Statistics Of Vietnamese Genocide And Mass Murder

Theo dòng câu chuyện:

http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/landreform/LandReform50YearsAgoP7_VHung-20060519.html-02082008071038.html

Phần 8: Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thủ và nhà thơ Hữu Loan

Một gia đình nạn nhân khác là ông Nguyễn Văn Thủ, quê ở tỉnh Hưng Yên, năm nay 72 tuổi, hiện nay đang sống ở Hà Nội. Ông Thủ kể lại với Phương Anh về những tại hoạ bất ngờ đổ xuống gia đình ông hồi cải cách ruộng đất. Trong phần sau, nhạc sĩ Trịnh Hưng, người bạn thân của nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" sẽ kể về chính hoàn cảnh của nhà thơ Hữu Loan
Phương Anh, phóng viên đài RFA 
2008-02-07
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
HuuLoanTrinhHung200.jpg
Nhà thơ Hữu Loan và nhạc sĩ Trịnh Hưng chụp năm 2005.
Hình của nhạc sĩ Trịnh Hưng.

Ông Nguyễn Văn Thủ: Dân trí thì thấp, đời sống thì đói…Lúc ấy, miền Bắc được “giải phóng”, còn miền Nam thì…, chia làm hai chế độ. Ngoài này, thực hiện chính sách giảm tô cải cách để có ruộng cho người nông dân cầy.
Đường lối đưa ra là đánh đổ địa chủ, cải tạo tư sản, tư bản…để lấy đất chia cho nhân dân, cho những người nghèo. Cho nên, có những người bị thiệt thòi. Lúc ấy, lộn xộn, chẳng ai giữ đạo làm người, con tố bố, vợ tố chồng…mất cả đạo đức con người.
Phương Anh: Thưa ông, xin ông cho biết chuyện gì đã xảy ra cho gia đình ông?
Ông Nguyễn Văn Thủ: Gia đình tôi, cụ (ông nội) công tác rất tốt, đến lúc ấy tự nhiên qui cho cụ tôi là thành phần đối kháng, bắt cụ đi đấu tố, gia sản bị tịch thu hết. Tôi bị coi là con nhà địa chủ, khổ lắm, đi ra ngoài đường là phải chào ông bà nông dân. Dù nó là con là cháu mình, cũng phải gọi nó là “Ông” là “Bà”.. của cải mất hết, chả còn gì cả.
Tôi là con nhà địa chủ, bị trong cảnh xem từng người tố bố mình, toàn bịa chuyện. Lúc ấy dân ngu dốt lắm, chả hiểu gì cả, cứ nói bưà, nói theo kiểu “mớm” lời, toàn là bịa ra, chúng (đội cải cách) bảo thế nào thì người nông dân nói thế. Lúc đó, trình độ của chúng có ra cái gì đâu.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Phương Anh: Thưa ông, biết là năm nay tuổi đã cao, nhưng ông có còn nhớ được cảnh đấu tố những người bị qui là địa chủ không?
Ông Nguyễn Văn Thủ: Ôi..Tôi còn nhớ như thế này, tôi chưa bao giờ thấy lịch sử con người lại ngược đời như thế, đến nỗi phải nói là thời đại trâu bò đi “bí tất”, cóc nhái nhẩy lên làm người, mõ sãi ngày xưa nhẩy lên làm chánh án, làm thẩm phán. Thậm chí ngồi trên toà đấu bố mình. Tả lại thì nhiều lắm, khí thế của nhân dân nó vùng lên, đánh đổ địa chủ mà!
Ông bà nông dân họp riêng với nhau, người ta họp thế nào đó, xong rồi “đùng” một cái, nhà mình bị qui là đối kháng luôn, mặc dù nhà là một thành phần rất tốt, có công với cách mạng, thế mà “đùng” một cái, ngược lại hết! Nó đến nó tịch thu, nó đuổi mình ra khỏi nhà. Trong người mặc quần áo thế nào thì đi ra thế đấy.
Tôi đi học về, cắp cái cặp, là chỉ có thế… thế là hết, và mấy mẹ con dắt nhau ra ngồi một chỗ, nhìn ông bà nông dân chia của. Sau đó, ông bà nông dân tập hợp ra, ngồi đông lắm, cảnh đấu tố đông lắm, các “vị” thì ngồi trên toà, làm cái toà trên cao đàng hoàng, kê ở ngoài đình, cánh đồng, như sân khấu vậy, rồi bắt nông dân lên đấu tố, địa chủ phải cúi mặt xuống, họ trói, cùm kẹp, thậm chí còn tra tấn…
Phương Anh: Thưa ông, được biết người đấu tố ông bà nội và bố ông lại chính là bà xui gia và cũng là người láng giềng, từng được ông cụ, tức ông nội của ông giúp đỡ trong nhiều năm. Vậy, ông còn nhớ bà ấy đã làm những gì khi đó? Và kết quả cuộc đấu tố lúc bấy giờ ra sao?
Ông Nguyễn Văn Thủ: Bà ấy lên, lật ngửa mặt cụ ra, rồi chỉ vào tận mặt và nói: con Ly, tên bà cụ là Ly, vợ chồng mày ép buộc tao, phải gả con gái cho con mày…rồi bà ấy khóc hu hu lên…rồi xin đội cải cách cho đem con gái về… rồi bà ấy bảo là mày dụ dỗ con tao đi Nam để cho bố mẹ lià con…
Lúc ấy, tự nhiên nó như ma quỉ cám dỗ, người ta nhìn thấy nhà tôi, người ta như muốn ăn thịt luôn, họ muốn làm gì thì làm. Lúc ấy, người nào càng hăng hái, càng tốt, càng đấu tố, càng đánh đập, thì càng tốt. Có những người bị tử hình, ông cụ tôi bị kết án tử hình, bắn chết ngay, lôi ra bắn chết ngay, bắn ngay trước mặt mọi người, con cháu…
Đấu tố bố mình, bắt phải ra nhìn…Còn những người khác bị tra tấn, bị chết thì cho là họ tự tử, bắn thì rõ ràng rồi, mấy trường hợp…Cuối cùng thì sửa sai, biết là sai lầm, rồi xin lỗi, thế thôi !
Phương Anh: Sau khi bị đấu tố, cuộc sống của gia đình ông như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thủ: Sau đó thì mò cua bắt ốc mà nuôi nhau, nhà không có, phải đi ở nhờ, nằm đất, không có cái chiếu để nằm. Ông bà nông dân phải tránh xa mình. Ông bà nông dân nào có thương mình đi chăng nữa thì phải để trong lòng, nếu không thì đội nó qui cho, cũng chết luôn!
Đi ra ngoài thì phải chào ông bà nông dân, xưng “con”, chả muốn đi đâu cả, nhưng vì cuộc sống, nên lúc ấy, cũng phải đi ra ngoài đồng để kiếm rau, con cua, con cá…mẹ con bắt ốc nuôi nhau, vẫn phải cúi mặt xuống để mà tránh né, cho qua ngày, biết làm thế nào được…Giai đoạn lịch sử nó là thế đấy!

Trường hợp của vợ nhà thơ Hữu Loan

HuuLoanwife150.jpg
Phu nhân nhà thơ Hữu Loan, một nạn nhân trực tiếp của cuộc cải cách ruộng đất. Hình của nhạc sĩ Trịnh Hưng.
Vừa rồi là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thủ, hiện đang ở Hà Nội, một nạn nhân trong cuộc cải cách ruộng đất. Một trường hợp khác mà nạn nhân chính là vợ của nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng suốt mấy chục năm qua, Mầu Tím Hoa Sim.
Chúng tôi không thể liên lạc với nhà thơ Hữu Loan được vì gia đình ông hiện đang ở một xã nhỏ thuộc tỉnh Thanh hoá, không có điện thoại. Tuy nhiên, được biết nhạc sĩ Trịnh Hưng hiện đang ở Pháp, là người bạn thân của nhà thơ và mới đây có về thăm nhà thơ, chúng tôi liên lạc và được ông kể lại:
“Ông ấy kể tôi nghe là: Lúc ấy, ông ấy là Trưởng ban Tuyên Huấn của đoàn 304, do tướng Nguyễn Sơn phụ trách, quân đội thì đói khổ lắm, chỉ có ăn khoai, ăn sắn, không có gạo mà ăn…Ông địa chủ đó thì giầu, tháng nào cũng đem gạo đến, để nuôi quân cho…Chính tướng Nguyễn Sơn tháng nào cũng làm lễ vinh danh cho ông ta, ban thưởng huân chương.
Năm 1953, bị đấu tố, lan đến Thanh Hoá, ông bà địa chủ ấy bị giết chết. Nhà thì chỉ có một cô con gái thôi. Nó cấm tất cả mọi người, con trai, hay con gái, không được kết hôn với con nhà địa chủ, không được nuôi con nhà địa chủ.
Ông ấy (nhà thơ Hữu Loan) thấy thế bực quá, mới bỏ về làng, đi qua làng ấy, ông ghé vào thăm, ông biết rằng ông bà cụ bị giết chết rồi, cô con gái không ai nuôi cả, cô ấy phải đi mót sắn, mót khoai ở ngoài đồng, ăn sống, để sống thôi, quần áo rách rưới, bẩn thỉu lắm, ngủ ở đường, ở đình làng, ông thấy thế, thương hại và đem về nhà nuôi…và bây giờ là vợ ông ấy!”
Trong hai buổi phát thanh vừa qua, quý thính giả đã nghe chuyện của những nạn nhân trực tiếp trong cuộc cải cách ruộng đất diễn ra 50 năm trước đây ở miền Bắc Việt Nam. Không thể biết chính xác số nạn nhân của cuộc cách mạng được gọi là “long trời lở đất” này là bao nhiêu vì nhiều người đã chết, nhiều người không muốn nói ra, và nhiều người không dám nói ra.
Tuy nhiên, qua các lời kể, quý thính giả cũng có thể hình dung được những đau khổ tận cùng mà những người dân lúc đó phải chịu đựng, do chính những người cùng làng cùng xóm với mình gây ra theo chỉ đạo của các đội cải cách ruộng đất. Kỳ tới, chúng tôi sẽ nói về đợt sửa sai được phát động sau khi trung ương đảng thừa nhận sai lầm. Mong quý thính giả đón nghe.

Bấm vào đây để xem toàn bộ loạt bài về "Cải Cách Ruộng Đất"

Thông tin trên mạng:


- Trang web có những hình ảnh về Cuộc cải ruộng đất
- Cải cách ruộng đất - Wikipedia
- Land Reform in China and North Vietnam
- A Special Supplement: In North Vietnam (The New York Review of Book)
- The Solzhenitsyn of Vietnam
- Statistics Of Vietnamese Genocide And Mass Murder

Theo dòng câu chuyện:

http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/landreform/LandReform50YearsAgoP8_PAnh-20060519.html-02082008071045.html

Phần 9: Diễn tiến của việc nhận sai lầm và sửa sai

Trong 8 chương trình vừa qua, quý vị đã nghe những chuyện liên quan đến cuộc cải cách ruộng đất diễn ra tại miền Bắc Việt Nam 50 năm trước. Cuộc cách mạng được gọi là long trời lở đất ấy chấm dứt vào mùa thu năm 1956. Ðảng cộng sản và nhà nước và nhà nước công khai nhận sai lầm và tiến hành sửa sai.
Thy Nga, phóng viên đài RFA 
2008-02-07
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
landreform200b.jpg
Tòa án nhân dân tại một buổi đấu tố
File photo

Từ tháng bẩy năm 1956, đã có nhiều hội nghị của bộ chính trị, ban bí thư và ban chấp hành bàn về những sai lầm trong cải cách ruộng đất và sửa sai. Cao điểm là hội nghị trung ương 10 vào tháng chín. Đó là hội nghị họp dài ngày nhất cho đến lúc bấy giờ, họp làm hai lần cho đến tháng 11 mới xong.
Trong cuốn hồi ký “Giọt nứơc trong biển cả”, ông Hoàng Văn Hoan nguyên phó chủ tịch quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà kể lại rằng trong hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những sai lầm khá đầy đủ và rõ rệt trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất. Ông viết như sau:
“Người phụ trách Uỷ ban cải cách ruộng đất là Trường Chinh, tuy không chối cãi đựơc, nhưng cứ lý luận rằng cải cách đã đưa lại ruộng đất cho nông dân là một thắng lợi lớn, còn những sai lầm thì né tránh, không thừa nhận một cách thẳng thắn. Hoàng Quốc Việt cũng không nhận sai lầm. Chỉ có Lê Văn Lương, trưởng ban tổ chức trung ương đảng là thành thực nhận sai lầm trong việc chỉnh đốn tổ chức…
Hội nghị trung ương đáng lẽ phải có một nghị quyết tổng kết kinh nghiệm về cải cách ruộng đất, nhưng Trường Chinh, vừa là tổng bí thư, lại vừa là trưởng ban cải cách ruộng đất, vì tư tưởng chưa thông, nên dự thảo nghị quyết mấy lần đều không đựơc hội nghị trung ương chấp thuận.”
Bốn năm sau, khi đảng họp đại hội lần thứ ba vào năm 1960, nghị quyết ấy cũng chưa có, và lúc bấy giờ cũng chẳng ai nhắc lại nữa. Đó là lần đầu tiên, một hội nghị trung ương quan trọng như thế mà lại không có nghị quyết tổng kết. Ông Hoàng Văn Hoan còn nói thêm rằng, ngay trong quá trình sửa sai, Trừơng Chinh vẫn không dứt khoát.
Điều đó có thể giải thích rằng, mặc dù bị tạm thời hạ tầng công tác như một biện pháp kỷ luật, nhưng Trường Chính chắc vẫn cho rằng ông không phải là ngừơi chịu trách nhiệm cao nhất.
Cuối tháng 10 năm 1956, có mít tinh lớn tại nhà hát nhân dân Hà nội, Uỷ viên bộ chính trị đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt ông Hồ Chí Minh và trung ương đảng chính thức công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách rụông đất. Cả hai nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất và phải chịu trách nhiệm nặng nhất là Ông Hồ và ông Trường Chinh đều không ra mặt.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Sau khi công nhận sai lầm, đảng bắt đầu sửa sai.

Cuộc cải cách ruộng đất đầy oan khuất, đầy máu và nứơc mắt đã chấm dứt. Đã có tổng số tám đợt phát động quần chúng và năm đợt cải cách ruộng đất đựơc thực hiện tại 3563 xã.
Một câu hỏi phải đặt ra là tại sao đảng Cộng sản lại ngưng cuộc cải cách ruộng đất vào lúc đó? Nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng trả lời:
“Hồ Chí Minh và đảng CS phải chấm dứt đợt cải cách ruộng đất năm 1956 vì hai lẽ.
Lẽ thứ nhất trong nội bộ Bắc Việ,t là cuộc cải cách ruộng đất đã đạt được các mục tiêu chính trị của họ. Mục tiêu chính trị của họ là gì? Mục tiêu chính trị của họ, thứ nhất là xóa bỏ giới hà bộc lãnh đạo hạ tầng cơ sở ở nông thôn và thay vào đó lớp lãnh đạo mới, là những đảng viên cộng sản.
Mục tiêu chính trị của họ nữa là chận đứng sự trà trộn của những điệp viên địch thủ trong dân chúng. Họ xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa cổ truyền nổi tiếng là bảo thủ từ bao nhiêu đời ở nông thôn và họ thay thế bằng chủ trương của CSVN theo chủ nghĩa Mác Xít.
Thứ hai là trên bình diện quốc tế thì ông Michael Young đến Hà Nội vào tháng 4 năm 1956. Ông ấy giải thích chính sách mới của đại hội đảng 20 của Liên Xô. Vì vậy mà CSVN không thể đi ngược lại với đường lối mới của Liên Xô. Cho nên nhân cuộc tổng kết cải cách ruộng đất đợt 5 vào tháng 5 năm 1956, ông Hồ vì những lý do ở trong và ngoài nước thì ông Hồ cho ngưng cuộc cải cách ruộng đất và bắt đầu chương trình sửa sai.”
Đảng đã sửa sai thế nào? Mời quý thính giả nghe lời kể của ông Nguyễn Minh Cần, lúc đó là phó chủ tịch thành phố Hà nội, và trực tiếp tham gia công tác sửa sai tại ngoại thành Hà nội:
“Hồ Chí Minh và đảng CS phải chấm dứt đợt cải cách ruộng đất năm 1956 vì hai lẽ.
Lẽ thứ nhất là vấn đề nội bộ Bắc Việt là cuộc cải cách ruộng đất đã đạt được các mục tiêu chính trị của họ. Mục tiêu chính trị của họ là gì? Mục tiêu chính trị của họ, thứ nhất là xóa bỏ giới hào mục lãnh đạo hạ tầng cơ sở ở nông thôn và thay vào đó lớp lãnh đạo mới, là những đảng viên cộng sản.
Mục tiêu chính trị của họ nữa là chận đứng sự trà trộn của những điệp viên mà địch thủ trong dân chúng. Họ xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa cổ truyền nổi tiếng là bảo thủ từ bao nhiêu đời ở nông thôn và họ thay thế bằng chủ trương của CSVN theo chủ nghĩa Mác Xít.
Thứ hai là trên bình diện quốc tế thì ông Mikoyan đến Hà Nội vào tháng 4 năm 1956. Ông ấy giải thích chính sách mới của đại hội đảng 20 của Liên Xô. Vì vậy mà CSVN không thể đi ngược lại với đường lối mới của Liên Xô. Cho nên nhân cuộc tổng kết cải cách ruộng đất đợt 5 vào tháng 7 năm 1956, ông Hồ vì những lý do ở trong và ngoài nước thì ông Hồ cho ngưng cuộc cải cách ruộng đất và bắt đầu chương trình sửa sai.”
Một người khác là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện kể lại về sửa sai như sau:
“Sửa sai ở đây là không phải sửa sai cho địa chủ mà sửa sai cho những người vốn là đảng viên hoặc là những người vốn rất có công với kháng chiến nhưng bị vu cho là Đại Việt, Quốc Dân Đảng, vu cho là gián điệp... đủ thứ.
Những người đã giết rồi thì thôi, không nói làm gì rồi. Thế nhưng những người còn sót lại thì tha. Thế còn thực tế, những người bị quy là địa chủ mà đã vào tù rồi, chết rồi thì tôi không nói, đấu tố bắn ngay tôi không nói, nhưng vào tù rồi thì công bằng mà nói thì cả huyện của tôi là huyện Bình Dục, sau này tôi về chơi thì không có ông nào được tha cả.
Ngay làng tôi thôi có hai cha con ông Chánh Hồ, cũng bị quy là địa chủ, mà ông ta có giàu có gì đâu, bị quy là địa chủ. Ông ta trước kia là người chuyên môn đón bộ đội về làng, bộ đội là đến nhà ông ấy mà.
Thế là nhà ông Phó Liêm nữa. Những ông đó, một ông thì tự tử chết, hai người đi tù. Một ông nữa là ông Chánh Điểm cũng đi tù. Tất cả mấy người đi tù đó đều chết trong tù hết. Cả những làng xung quanh tôi không thấy ai về.
Mãi đến tận năm 1961, lần đầu tiên tôi đi tù thì tôi gặp không biết bao nhiêu là địa chủ vẫn còn nằm nguyên trong tù thôi.
Đến tù lần thứ hai năm 1966, tôi sống trong tù đến năm 1977 mới ra, thì vẫn còn những bác địa chủ vẫn bị sống trong tù - tuy là chết nhiều lắm rồi.” Sau cùng, xin đựơc kết thúc bài về sửa sai này bằng bài thơ mà ông Nguyễn Minh Cần nghe đựơc khi công tác sửa sai tại một làng thụôc huyện Đông Anh ở ngoại thành Hà nội:
Bác Hồ nói chuyện sửa sai: Sai thì cứ sửa, sửa rồi cứ sai Đảng ta có lắm anh tài Sai hoài sai mãi, sửa hoài cứ sai.

Bấm vào đây để xem toàn bộ loạt bài về "Cải Cách Ruộng Đất"

Thông tin trên mạng:

- Trang web có những hình ảnh về Cuộc cải ruộng đất
- Cải cách ruộng đất - Wikipedia
- Land Reform in China and North Vietnam
- A Special Supplement: In North Vietnam (The New York Review of Book)
- The Solzhenitsyn of Vietnam
- Statistics Of Vietnamese Genocide And Mass Murder

Theo dòng câu chuyện:

http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/landreform/LandReform50YearsAgoP9_PAnh-20060520.html-02082008071051.html

Phần 10: Thành quả của cuộc cách mạng “long trời lở đất”

Kỳ này là bài thứ 10 và cũng là bài cuối, tổng kết về cuộc cách mạng được gọi là long trời lở đất để đem lại ruộng đất cho người nông dân, đã được thực hiện trong suốt mấy năm trời trên toàn lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hoà trứơc khi đảng Cộng sản nhận sai lầm và sửa sai.
Nguyễn An, phóng viên đài RFA
2006-05-21
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
image023-305.jpg
Tòa án nhân dân trong giai đọan cải cách ruộng đất.
File photo

Cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc đã chấm dứt và cuộc sửa sai bắt đầu từ mùa thu năm 1956. Nói về thành quả của cuộc cách mạng đựơc coi là “long trời lở đất” này, nhà nghiên cứu Sử Trần Gia Phụng nhận định:
“Đứng về phương diện chuyên môn nông nghiệp, cuộc cải cách ruộng đất không thúc đẩy được nông nghiệp phát triển, không thăng tiến được đời sống nông dân mà còn làm tan nát nền nông nghiệp cổ truyền ở ngoài Bắc và đưa mọi người vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của đảng CS thì họ đã thành công trong cải cách ruộng đất, đã đạt được những mục tiêu chính trị của họ.
Mục tiêu chính trị của họ, thứ nhất là xóa bỏ giới hào mục lãnh đạo hạ tầng cơ sở ở nông thôn và thay vào đó lớp lãnh đạo mới, là những đảng viên cộng sản.
Mục tiêu chính trị của họ nữa là chận đứng sự trà trộn của những điệp viên trong dân chúng. Họ xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa cổ truyền nổi tiếng là bảo thủ từ bao nhiêu đời ở nông thôn và họ thay thế bằng chủ trương của CSVN theo chủ nghĩa Mác Xít.
Ngoài ra, liều lượng khủng bố của cộng sản đối với nông dân trong cuộc cải cách ruộng đất đợt 5 đủ để khuất phục nông dân, đủ để làm cho nông dân khiếp sợ, làm cho họ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, sống luôn luôn trong sự sợ hãi tột cùng, và ghép họ vào trong khuôn phép cộng sản, ổn định một cách kiên cố hạ tầng cơ sở của xã hội nông thôn miền Bắc”.
Nhà văn Vũ Thư Hiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài Á châu tự do đã đưa ra hình ảnh so sánh vùng quê ở miền Bắc trứơc và sau khi tiến hành cải cách ruộng đất như sau:
“Bây giờ thì cần phải nói như thế này, cái này là kinh nghiệm cá nhân. Vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp thì tôi tham gia một đoàn tuyên truyền xung phong. Chúng tôi đi đâu mà còn có cái ăn thì đó là những người giàu có, sau này thì bảo đó là những địa chủ.
Nhưng lúc đó thì chúng tôi chẳng hiểu họ là địa chủ hay họ là cái gì. Họ là những người hằng tâm, hằng sản nuôi bộ đội, cho cán bộ và cho chúng tôi nữa (đoàn tuyên truyền xung phong), đến là có cái ăn. Tất cả những người đó khi chúng tôi hỏi thăm thì đều bị đấu tố, bị vứt ra ngoài lề của xã hội mà họ gọi là mới.
Về sau này tìm hiểu thì tôi thấy có một cái tệ, tức là đấy không phải là một cuộc cải cách ruộng đất. Bởi vì nếu là một cuộc cải cách ruộng đất thì trước cải cách ruộng đất phải có điều tra tình hình ruộng đất.
Tôi nhớ, vào giai đoạn đó tôi không đọc được một bản điều tra nào về tình hình ruộng đất ở Việt Nam cả. Sự phân bổ ruộng đất, bao nhiêu phần trăm là địa chủ, bao nhiêu phần trăm là trung nông, phú nông, bần nông, chẳng hạn như thế. Họ không cần cải cách ruộng đất, tức là không muốn phân bố lại ruộng đất sao cho nó hợp lý. Mà căn bản, đó là một cuộc đấu tranh chính trị.
Ruộng đất đối với cải cách ruộng đất là một cái cớ để cào xới lại, đưa lại rất nhiều những quyền lợi, mà cũng không phải rõ ràng lắm, cho nông dân. Nông dân vùng lên đấu tranh làm cách mạng, người cày phải có ruộng.
Thế nhưng thật sự ra thì khi tiến hành tất cả những cái đó thì ruộng đất có một thời gian là có cắm cờ, rồi phân thửa ruộng này là của ông A, ông B rồi đóng cọc. Các bạn có xem những cái phim, chắc là bây giờ còn lại trong tư liệu, còn cả đấy. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn thôi thì nó là tổ vần công, tổ đổi công xong thì họ lại cũng không có gì nữa.”

Lời kể của người trong cuộc

Ông Nguyễn Minh Cần, một người từng là phó chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà nội và trực tiếp tham gia chiến dịch sửa sai cũng phân tích về những hậu quả của cụôc cải cách ruộng đất. Mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An và ông Nguyễn Minh Cần sau đây:
Nguyễn An: Thưa ông, bây giờ trở lại cuộc cải cách ruộng đất cách đây 50 năm. Theo ông thì cuộc cải cách ruộng đất đó để lại những hậu quả gì, những di hại gì?
Ông Nguyễn Minh Cần: Cái cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng về rất nhiều mặt.
Nguyễn An: Xin Ông vui lòng phân tách từng điểm một?
Ông Nguyễn Minh Cần: Điểm thứ nhất: Đây là một cuộc tàn sát dân lành một cách vô tội vạ. Nếu nói theo từ ngữ hiện nay thì phải nói đây là một cuộc diệt chủng vì kỳ thị giai cấp. Bổng dưng lập ra lệnh cải cách ruộng đất, đưa những đoàn người về và tha hồ qui người ta lên là địa chủ.
Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Trên 172.000 người là nạn nhân. Tôi cón phải nói đến số người mà người ta oan ức quá, bực bội quá, người ta tự tử. Số đó cũng không phải là ít. Theo tôi, hậu quả đó rất lớn, nó gây ra một tâm trạng sợ sệt, khủng khiếp của người dân.
Hậu quả thứ hai là phá hoại truyền thống hòa hiếu của nông thôn, là vì từ trước ải nói dù rằng có thể có bóc lột, có thể có gì đấy với nhau, nhưng người nông dân sống với nhau là lá lành đùm lá rách, rất hòa hiếu với nhau.
Cuộc cải cách ruộng đất về xúi người này bới móc tội lỗi của người kia, và có thể những tội hoàn toàn không có cũng bới ra. Và dựa vào những thù cũ rồi gây ra thù hận giữa các tầng lớp với nhau. Chính cái đó nó phá hoại truyền thống đoàn kết lâu đời của người Việt Nam mình ở nông thôn.
Nguyễn An: Thưa ông, có phải ông muốn nói rằng cuộc cải cách ruộng đất đặt trên cơ sở là gây sự căm thù để phát động quần chúng, và sau đó sự căm thù đó lớn rộng và nó tiếp tục còn lại sau khi cuộc cải cách ruộng đất đã chấm dứt không?
Ông Nguyễn Minh Cần: Đúng như vậy.
Nguyễn An: Thưa , điểm thứ ba là gì?
Ông Nguyễn Minh Cần: Hậu quả thứ ba là phá hoại đạo lý luân thường của dân tộc. Từ xưa đến nay cha đối với con, mẹ đối với con, vợ chồng đối với nhau, họ hàng cha chú đối với nhau đều có một luân thường đạo lý. Nhưng cải cách ruộng đất về xúi dục con tố cha, vợ tố chồng, nàng dâu tố mẹ chồng, bố chồng v.v... đấu đá lẫn nhau như vậy.
Nguyễn An: Và gọi mày tao mi tớ hết?
Ông Nguyễn Minh Cần: Vâng. Như vậy, luân thường đạo lý tan hoang. Nguyễn An: Thưa ông, theo ông thì những cái mà phá hoại nền tảng luân lý đạo đức, rồi sự hòa hiếu ở trong nông thôn đó cách đây 50 năm thì được khai thác tối đa để hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất... tinh thần như thế sau bao nhiêu lâu mới phục hồi được? Hay bây giờ nó vẫn còn là những vết thương rỉ máu?
Ông Nguyễn Minh Cần: Theo tôi, vì cho đến nay chưa có một sự sám hối rõ ràng. Chưa có một tuyên bố rằng chính sách hận thù giai cấp là một chính sách không đúng. Phải nói thật rằng bây giờ thì 50 năm đã qua thì người ta yên như vậy, nhưng lòng hận cũ không phải là đã hết.
Còn một điểm tôi cũng muốn nói nữa là hậu quả thứ tư: Nó phá hủy truyền thống tâm linh và văn hóa của dân tộc. Vì khi làm cải cách ruộng đất thì các ông đều có cái ý hướng là tiêu diệt các tôn giáo, chèn ép các tôn giáo, tước đoạt tài sản của các tôn giáo để làm cho các tôn giáo không tồn tại được một cách độc lập.
Quý thính giả có thể đọc toàn văn bài phân tích của ông Nguyễn Minh Cần về những hậu quả của cụôc cải cách ruộng đất trong phần Tư liệu trong Website của ban Việt ngữ ở địa chỉ www.rfa.org/vietnamese/tulieu. Quý vị cũng có thể viết Email góp ý và gửi về Vietweb@rfa.org, hay để lại lời nhắn trong hộp thư thoại 202 530 7775.

Bấm vào đây để xem toàn bộ loạt bài về "Cải Cách Ruộng Đất"

Thông tin trên mạng:

- Trang web có những hình ảnh về Cuộc cải ruộng đất
- Cải cách ruộng đất - Wikipedia
- Land Reform in China and North Vietnam
- A Special Supplement: In North Vietnam (The New York Review of Book)
- The Solzhenitsyn of Vietnam
- Statistics Of Vietnamese Genocide And Mass Murder

Geen opmerkingen:

Een reactie posten