woensdag 27 augustus 2014

Việt Nam: Phía sau tờ giấy xác nhận bệnh tâm thần

Phía sau tờ giấy xác nhận bệnh tâm thần

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-08-22
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
tam-than-305.jpg
Một người bị tâm thần ngủ bên hiên nhà trên đường phố Sài Gòn.
RFA

Bệnh tâm thần, nói theo nghĩa nào cũng là một sự không may mắn trong số phận của người mang lấy nó. Và chẳng có ai dại gì dây dưa với những người bị loại bệnh này. Nói cách khác, đó là một tai nạn số phận đeo đẳng suốt cuộc đời. Thế nhưng gần đây, người ta chen nhau xin giấy chứng nhận để được làm bệnh nhân tâm thần mặc dù bản thân họ không dính dự gì đến loại bệnh này. Và đây cũng là đầu mối của nhiều tội ác trong xã hội.

Giấy chứng nhận tâm thần trở nên có giá

Giám đốc một bệnh viện tâm thần chia sẻ:
“Bệnh tâm thần nói nôm na là chia ra làm ba loại, một là tâm căn, thứ hai là nó liên quan đến loạn thần, thứ ba là nó liên quan đến hành vi và các loại nhiễm. Hiện có hai hệ thống phân loại chuẩn mà Việt Nam mình dùng, một là hệ thống ICD-10 của tổ chức y tế thế giới mà bộ y tế chính thống hiện tại đang dùng tức hệ thống bảng phân loại các loại bệnh tâm thần, thứ hai nữa là như mình hay những người làm về lâm sàng thì thích DSM, cái này là theo tiêu chuẩn của Mỹ, bây giờ là DSM-5 tức là mới ra đời năm 2013, hai hình thức phân loại này là chuẩn nhất hiện nay giới chuyên môn dùng. Trong các tiêu chí xác định ai đó có bị tâm thần hay không là dựa vào cấp chuyên môn, rõ ràng khi một ai đó đến bệnh viện tâm thần, thì mặc định rằng người khám mình là có chuyên môn nên họ có một cái quyền là xác nhận mình có tâm thần hay không nên điều này dẫn đến một hiện tượng khá kỳ cục là họ mua giấy, khi người ta chạy án hoặc là khi người ta làm việc không đúng với đạo đức hành nghề.”
Khi một ai đó đến bệnh viện tâm thần, thì mặc định rằng người khám mình là có chuyên môn nên họ có một cái quyền là xác nhận mình có tâm thần hay không nên điều này dẫn đến một hiện tượng khá kỳ cục là họ mua giấy.
-GĐ một bệnh viện tâm thần
Theo vị giám đốc này, bệnh tâm thần được chia thành nhiều nhóm theo chuyên môn của các bệnh viện và theo qui định của chuyên khoa tâm thần Việt Nam, đương nhiên là các nhóm này được chia căn cứ theo cách phân chia của quốc tế. Và bệnh tâm thần thường phát bệnh từ những ngày cuối mùa Đông mãi cho đến mùa Hạ năm sau. Có thể nói rằng trong thời gian này, sự chật vật của bệnh nhân sẽ tăng gấp nhiều lần so với những mùa khác vì số lượng bệnh nhân tăng quá cao mà buồng bệnh thì quá hạn chế, chật hẹp, chính vì vậy mà các bệnh nhân càng dễ trở nên nổi loạn và đôi khi các bác sĩ không tài nổi quản lý họ được.
Và cũng theo vị giám đốc này, không hiểu sao gần đây có rất nhiều người liên lạc với ông để xin giấy chứng nhận tâm thần hoặc một số người không có dấu hiệu nào cho thấy bị bệnh tâm thần nhưng lại cố tình gào thét, đập phá để gia đình đưa nhập viện tâm thần, sau đó lại quậy phá ở bệnh viện một thời gian nữa nhưng mỗi khi đưa thuốc thì lại lén vứt đi, mặc dù các bác sĩ làm một số bài kiểm tra tâm lý và đưa ra kết luận người đó không bị bệnh tâm thần. Nhưng người đó lại tiếp tục quậy phá cho đến khi có giấy ra viện của bệnh viện tâm thần cùng với giấy xác nhận bệnh nhân tâm thần mới chịu thôi.
Vị bác sĩ này cho rằng một khi người ta chen chân nhau để lấy giấy xác nhận bị bệnh tâm thần như vậy là có hai vấn đề: Xã hội đang mỗi ngày càng giống bệnh viện tâm thần hơn và; Giấy chứng nhận tâm thần rất có ý nghĩa trong xã hội này. Mà một khi giấy chứng nhận tâm thần có giá trị trong xã hội thì cũng đồng nghĩa rằng xã hội đó có quá nhiều vấn đề mờ ám cũng như tội ác tiềm ẩn, rất có thể người ta mượn chứng bệnh tâm thần để chạy tội vì người mang phải bệnh này được xếp vào diện mất năng lực quản lý hành vi, họ không phải chịu bất cứ trách nhiệm hình sự nào.

Xã hội sẽ đi về đâu?

tam-than-400.jpg
Một người bị tâm thần (ảnh minh họa). RFA PHOTO.
Một giáo sư xã hội học người miền Trung, hiện đang làm việc tại thành phố Sài Gòn, chia sẻ:
“Trốn trách nhiệm pháp luật nghĩa là có giấy chứng nhận tâm thần thì có giết người cũng không có tội lỗi. Bị tâm thần nó thế đó nên giờ nó có tiền nó chạy giấy đó đó, liên quan đến vấn đề tài chính thì có giấy tâm thần thì huề vốn. Vừa rồi có một giám đốc bệnh viện tâm thần ăn hối lội nhiều quá trời rồi ra khám cũng bị tâm thần luôn, thế là huề vốn. Bây giờ có giấy đó lợi lắm, có giết người cũng không ở tù.”
Theo vị giáo sư này, tất cả những kẻ cố tình tạo dáng tâm thần và chạy cho được giấy chứng nhận tâm thần đều có vấn đề trong các quan hệ xã hội, mà nói cụ thể họ là những kẻ đã gây ra một thứ tội ác nào đó khó bề tránh khỏi lưới pháp luật cũng như khó bề tránh được tòa án lương tâm. Chính vì biết tội ác của mình quá nặng, họ cố tình chạy cho được giấy chứng nhận tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm pháp luật nghĩa là có giấy chứng nhận tâm thần thì có giết người cũng không có tội lỗi. Bị tâm thần nó thế đó nên giờ nó có tiền nó chạy giấy đó đó.
-Một giáo sư xã hội học
Ví dụ như một kẻ buôn ma túy, đến lúc y phát hiện ra đường dây của y đã bị lộ nhiều chỗ, nguy cơ y bị bắt chỉ là sớm muộn và với tội của y, khó mà thoát được án nặng. Y bèn tìm cách chạy giấy chứng nhận tâm thần để lách luật. Và chuyện này đã xảy ra quá nhiều ở Việt Nam, không ngoại trừ những cán bộ, chức sắc nhà nước, sau quá trình tham nhũng dai dẳng, họ biết bản thân không thể thoát tội một khi đường dây quyền lực của họ bị vỡ, cái dù bên trên của họ đã bị vô hiệu hóa thì bệnh viện tâm thần trở thành cái dù khác thay thế cho cái dù quyền lực trước đây. Họ sẽ bằng mọi giá kiếm cho được giấy chứng nhận bệnh tâm thần… Mọi việc xem như xuôi thuyền mát mái, bệnh viện tâm thần trở thành đấng cứu rỗi, thần hộ mệnh cho các quan tham một khi cái dù quyền lực bị hỏng.
Trong một số trường hợp khác, những kẻ phạm tội giết người cũng tìm cách chạy cho được giấy chứng nhận tâm thần để chạy tội. Có không ít kẻ giết người trước đó là một người lành lặn, không bị gì nhưng khi bước ra trước vành móng ngựa thì mắt mũi kèm nhèm, gật gù, méo mó, nói năng không dầu không đũa… và luật sư của y lại trưng ra giấy chứng nhận tâm thần, mọi việc xem như xong, không đủ cơ sở về năng lực hành vi của y để kết án.
Chuyện này xảy ra ở khắp đất nước, có một điều lạ là không hiểu vì sao cho đến bây giờ, những kẻ mạo danh bệnh tâm thần kia vẫn chưa bao giờ bị soi xét hồ sơ lần nào và các quan tòa vẫn tin rằng y bị bệnh tâm thần, mọi tội ác của y được gác lại sau tấm bình phong tâm thần của y. Đã có rất nhiều trường hợp như thế trong các phiên tòa hình sự, kinh tế ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ có một cuộc điều tra cụ thể nào về trách nhiệm của những bác sĩ tâm thần có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận tâm thần man trá này.
Điều này cho thấy hiện nay, xã hội Việt Nam đang ở cao trào mượn giấy chứng nhận tâm thần để chạy tội, hệ thống pháp luật cũng như những cơ quan thi hành pháp luật đã bỏ ngỏ hướng này, để nhiều kẻ gây tội dễ dàng qua mắt pháp luật cũng như lương tri cộng đồng. Thậm chí, rất có thể một số quan tòa đã thông đồng với người nhà kẻ phạm tội và bác sĩ tâm thần để thực hiện phương án tâm thần hóa tội phạm mà thoát tội.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten