Monday, August 11, 2014 5:54:23 PM
* Bán vũ khí phải đi đôi với cải thiện nhân quyền
HÀ NỘI (NV) .- Mười tổ chức xã hội dân sự Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ đòi nhà cầm quyền CSVN đưa ra lộ trình rõ ràng về cải thiện nhân quyền để có thể được bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương.
Nghị sĩ John McCain trả lời các câu hỏi của các ký giả tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 8/8/2014. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
|
Một bức thư chung của 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập, gồm 9 tổ chức trong nước và một tổ chức hải ngoại, được 4 đại diện trao cho hai nghị sĩ Mỹ khi họ đến Hà Nội. Hai nghị sĩ John McCain và Sheldon Whitehouse, tuần vừa qua, thảo luận với nhà cầm quyền Việt Nam về quan hệ giữa hai nước trong đó có các vấn đề đàn áp nhân quyền của Việt Nam và Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam.
Trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 8/8/2014, nghị sĩ John McCain cho hay rất có thể lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam được Hoa Thịnh Đốn gỡ bỏ dần dần và sớm là từ tháng 9 tới đây. Ông cho hay Việt Nam có một số tiến bộ về nhân quyền và muốn thấy tiến trình này cải thiện nhanh hơn nữa.
Bức thư của 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập bày tỏ sự quan ngại về việc nhà cầm quyền CSVN đạt được mục đích là được Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương trong khi vẫn siết chặt nhân quyền ở trong nước. Nó cũng tương tự như chuyện xảy ra nhiều năm trước khi Hà Nội trả tự do cho một số người để Hoa Kỳ bật đèn xanh cho gia nhập Tổ chức Thương Mại thế Giới (WTO), sau đó siết nhân quyền bạo hơn.
“Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh những nỗ lực trên trường quốc tế nhằm thể hiện sự tán dương của họ đối với các quyền con người bằng cách tham gia Công ước Liên hợp quốc về Chống tra tấn và giành được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thành tích nhân quyền của Việt Nam vẫn nghèo nàn, nếu không muốn nói là còn tệ hơn.” Bức thư nói trên nhận định về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Bức thư nêu ra để chứng minh cho nhận định của mình rằng “Trong 12 tháng qua, chính phủ Việt Nam đã tiếp tục thi hành những đạo luật an ninh quốc gia mơ hồ, chẳng hạn như Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự, để bắt bớ và cầm tù nhiều hơn những blogger, nhà báo, nhà vận động pháp lý, các nhà hoạt động nhân quyền và quyền của người dân tộc thiểu số. Cùng với việc bịt miệng các tiếng nói bất đồng, con số người chết vì những hành động hung bạo của cảnh sát cũng gia tăng, thường xuyên có các vụ đàn áp các tổ chức tôn giáo phi nhà nước và tiếp tục có những sự sách nhiễu và đe dọa đối với các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.”
Bức thư nhận thấy rằng “Một điều rõ ràng là Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn giữa những lời hứa long trọng về nhân quyền trên trường quốc tế và việc thực thi chúng ở cấp quốc gia.”
Tình trạng nói một đàng làm một nẻo về thực thi nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam được nhìn thấy dễ dàng qua những bức thư tố cáo (phổ biến trên INTERNET) của các cá nhân và tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam khi bị lực lượng công an CSVN khủng bố bằng đủ mọi hình thức.
Tình trạng nói một đàng làm một nẻo về thực thi nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam được nhìn thấy dễ dàng qua những bức thư tố cáo (phổ biến trên INTERNET) của các cá nhân và tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam khi bị lực lượng công an CSVN khủng bố bằng đủ mọi hình thức.
Các tổ chức nói trên khuyến cáo rằng, việc nhà cầm quyền trả tự do cho một vài cá nhân bị cầm tù bất công không có nghĩa là nhân quyền tại Việt Nam đã cải thiện. Cho nên, nếu không đặt vấn đề rõ ràng thì nhà cầm quyền CSVN vẫn “mơ hồ, không rõ ràng trong kế hoạch giải quyết những vấn đề nhân quyền đang tồn tại. Vì vậy, một bước thụt lùi về nhân quyền là hoàn toàn có thể xảy ra một khi chính phủ đạt được các mục tiêu chính trị của họ”.
Trước những âu lo đó, các tổ chức xã hội dân sự độc lập thúc giục Quốc hội Hoa Kỳ, “trước khi bán bất cứ vũ khí nào cho Việt Nam, yêu cầu Việt Nam đặt ra một lộ trình rõ ràng với những hành động cụ thể và đo lường được trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách về nhân quyền.”
* Trả tự do cho tù nhân lương tâm
Theo luật, các quyết định bán võ khí cho nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ phải được Quốc hội biểu quyết chấp thuận. Bức thư kêu gọi Quốc hội Mỹ buộc CSVN “bãi bỏ các quy định mơ hồ về an ninh quốc gia, tôn trọng các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam hiện nay, trong đó bao gồm cả 25 người trong danh sách kèm theo thư này.”
Hai mươi lăm người ưu tiên được đề nghị Hoa Kỳ buộc CSVN trả tự do như bà Bùi Thị Minh Hằng, sinh viên Đinh Nguyên Kha, Đoàn Huy Chương (hoạt động bảo vệ công nhân), ông Đỗ Nam Trung (thành viên Hội Anh Em Dân Chủ) tín đồ Hòa Hảo Dương Thị Trọn, LS Lê Quốc Quân, Lê Thị Phương Anh (hoạt động nhân quyền), bà Mai Thị Dung (tín đồ Hòa Hảo), Ngô Hào (vận động nhân quyền), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (bảo vệ công nhân), Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm, nhà báo độc lập), bà Nguyễn Thị Minh Thúy (cộng tác viên của nhà báo Ba Sàm), cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (vận động nhân quyền), Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Nguyễn Văn Lía (tín đồ Hòa Hảo), LM Nguyễn Văn Lý (vận động dân chủ), Nguyễn Văn Minh (Hòa Hảo), Phạm Minh Vũ (Anh Em dân Chủ), Phạm Viết Đào (Blogger), Phan Văn Thu (tự do tôn giáo), Tạ Phong Tần (blogger), Trần Huỳnh Duy Thức (vận động dân chủ), Trần Vũ Anh Bình (nhạc sĩ), Trương Duy Nhất (blogger) và Võ Minh Trí (nhạc sĩ Việt Khang).
Mười tổ chức cùng ký tên trong bức thư gồm có Diễn đàn Xã hội Dân sự, Hội đoàn kết công nông Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, No-U FC Hà Nội, No-U FC Sài Gòn, Một nhóm các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo miền Tây, Phong trào Con đường Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại (VOICE).
Những tháng gần đây, người ta thấy khá nhiều tin tức đề cập đến vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Tân đại sứ đề cử, Ted Osius cũng cho rằng đến lúc nên bỏ lệnh cấm này khi ra điều trần tại Quốc Hội hồi tháng 6 vừa qua. (TN)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten