Sunday, July 27, 2014 6:11:10 PM
HÀ GIANG 27-7 (NV) -“Nước mắt hòa cùng nước mưa, hàng nghìn người run run thắp từng ngọn nến, cắm từng nén hương trước mộ các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược.”
Ngày 26 Tháng Bảy, đoàn cán bộ Tỉnh Ủy, ĐBQH, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Hà Giang đã tới dâng vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên. (Hình: Kiến Thức) |
Lần đầu tiên từ khi Việt Nam nối lại bang giao với Trung Quốc năm 1990, người ta thấy một số tờ báo ở Việt Nam đưa tin về lễ tưởng niệm các người lính CSVN đã chết trong cuộc chiến nêu đích danh chống Trung Quốc xâm lược ở vùng núi rừng biên giới huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Cuộc chiến khốc liệt kéo dài suốt nhiều năm, từ 1984 đến 1989 ở Hà Giang không hề được công bố các con số thống kê cho biết sự thiệt hại. Chỉ thấy tài liệu viết về cuộc chiến này trên báo điện tử VNExpress ngày 25 Tháng Bảy nói rằng: “Trong năm năm, tỷ lệ thương vong hỏa tuyến cao nhất là sư đoàn 313. Ở sư đoàn này, trung bình mỗi ngày có 3 thương binh, ngày cao nhất là 23 thương binh. Trên toàn mặt trận Vị Xuyên, ngày cao nhất có 820 người bị thương (12 Tháng Bảy, 1984), trong đó chỉ riêng sư đoàn 356 đã có khoảng 600 người hy sinh.”
Nhiều phần, vì thiệt hại quân số quá lớn không thể tái bổ sung kịp thời nên “Năm 1989, sư (đoàn) 356 giải thể” như VNExpress kể.
VNExpress kể rằng: “Số lượng đạn, pháo cối địch sử dụng trung bình mỗi ngày từ 10,000 đến 20,000 quả. Có ngày tới trên 65,000 quả (7 Tháng Giêng, 1987). Trong hơn 5 năm (1984-1989), số lượng pháo Trung Quốc bắn vào Hà Tuyên là trên 2 triệu quả, trong đó 60% là đạn cối. Phạm vi địch bắn phá tập trung vào hai xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ trong khoảng diện tích 20 km2.”
Trung Quốc đã xua quân lấn chiếm một số khu vực ở Hà Giang, chiếm giữ những cao điểm 226, 233, 1509, 1030, 772, 685, lấn sâu vào nội địa Việt Nam từ 500 mét đến 2km mà những nơi này diễn ra những trận đánh kinh hoàng suốt nhiều năm.
VNExpress nói rằng: “Đã thành lệ, cứ dịp 27/7 hàng năm, Trung Ương Đoàn và tỉnh Hà Giang lại tổ chức chuỗi hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân hàng nghìn người lính đã hi sinh để bảo vệ tổ quốc. 20h ngày 26 Tháng Bảy, lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ được tổ chức tại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên.”
Suốt 10 năm trời sau cuộc chiến biên giới kéo dài một tháng (từ 7 Tháng Hai, 1979 đến 16 Tháng Ba, 1979) dọc theo 6 tỉnh, các cuộc chiến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn nhưng không được đề cập nhiều trên báo chí tại Việt Nam. Khi hai nước tái lập bang giao thì tin tức bị bưng bít hoàn toàn.
Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê – Lạng Sơn bị đục bỏ các chữ "Trung Quốc xâm lược” - (Hình: Thanh Niên) |
Thậm chí, Tháng Hai, 2011, ký giả báo Thanh Niên có một ký sự đi thăm vùng biên giới từng xảy ra chiến trận với Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn nói bóng gió rằng: “Những dấu tích của thời gian và con người đã xóa mờ một vài chỗ trên tấm bia” dựng ở đầu cầu Khánh Khê. Nhưng tấm hình chụp tấm bia kỷ niệm được đưa ra với nhiều chữ bị đục bỏ. Toàn thể nội dung tấm bia là 'Sư đoàn 33 đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược.'"
Tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, hiện chỉ có hơn 1,700 lính CSVN có nấm mộ, trong đó có nhiều nấm mộ bia vô danh. Trong bài viết ngày 25 Tháng Bảy, VNExpress thuật lời một cựu binh tên Nguyễn Văn Kim kể rằng anh là một trong những tân binh vưà mới được huấn luyện căn bản sơ sài “hơn một tháng” là đã bị đẩy ngay ra chiến trường Vị Xuyên vì nhu cầu “cấp bách”.
Ký giả Huy Đức đi thăm vùng biên giới phía Bắc thuộc tỉnh Lạng Sơn, viết bài ký sự có tựa đề “Tháng Hai Biên Giới” nhân dịp 30 năm cuộc chiến giữa hai nước Cộng Sản anh em, phổ biến trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9 Tháng Hai, 2009. Bài viết gồm 2 phần, mới đi được nửa đầu thì bị rút xuống. Ít lâu sau thì ông bị ép “tự nguyện” thôi việc ở tờ báo này, ngồi nhà viết Blog.
Mới ngày 16 Tháng Hai vừa qua, khi nhà cầm quyền Việt Nam biết tin một số người dân tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm các người lính đã hy sinh mạng sống bảo vệ biên giới phía Bắc chống Trung Quốc, một đoàn cán bộ đông đảo đã được huy động tới ca hát, nhảy múa loạn xạ, mục đích là cản trở, mở nhạc thật lớn, quấy rối những người muốn dâng hương, bày tỏ lòng tri ân các anh hùng vệ quốc.
Nay thì người ta thấy báo VNExpress đăng tải thoải mái một loạt mấy bài về cuộc chiến biên giới ở tỉnh Hà Giang và các buổi lễ tưởng niệm, các cuộc thăm viếng nghĩa trang vốn từng bị bỏ hoang phế những năm trước đây. Một số báo khác cũng loan tin về sự kiện kỷ niệm này. (TN)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten