Đối với người dân Miến Điện, Myitson thuộc bang Kachin, phía bắc đất nước, nơi hợp lưu hai dòng chảy Mali và N’mai, là một địa điểm thiêng liêng. Vì từ đây bắt nguồn con sông lớn nhất nước, sông Irrawady, chảy dọc từ bắc chí nam với chiều dài hơn 2000 km, là nguồn huyết mạch quan trọng, và là cái nôi văn hóa của đất nước.
Nhưng đến năm 2005, chính phủ tập đoàn quân sự lúc bấy giờ đã ký kết một hợp đồng xây dựng đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ đô –la với Tập đoàn China Southern Power Grid Trung Quốc ngay tại chính nơi hợp lưu hai dòng chảy đó. Và phần lớn lượng điện sản xuất ra là nhằm cung cấp cho tỉnh Vân Nam Trung Quốc bên cạnh chứ không phải cho người dân bang Kachin.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, công trình thủy điện này có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho dân cư và hệ sinh thái. Cuộc sống của hơn 11 ngàn người chung quanh khu vực sẽ bị xáo trộn. Nhiều đền chùa Phật giáo, các nhà thờ Công giáo cùng nhiều đền thờ văn hóa khác của tộc người Kachin, đại đa số theo đạo Thiên chúa có nguy cơ biến mất. Hệ sinh thái khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là loại cá heo nước ngọt, một loài cá đang trên đà tuyệt chủng. Đó là chưa kể đến việc công trình này nằm trên đới đứt gãy.
Người dân nơi đây cũng cảm thấy tiền bồi thường do tập đoàn Trung Quốc chi trả cũng không công bằng. Chỉ có hai gia đình giàu có, sở hữu nhiều ngôi nhà được nhận hàng chục triệu kyats (khoảng 22.000 euro), trong khi phần đông hộ gia đình bị di dời chỉ nhận được chừng trăm ngàn kyats, tức khoảng 75 euro.
Le Monde nhắc lại là năm 2011, khi lên nắm quyền, Tổng thống Thein Sein gây bất ngờ cho Bắc Kinh khi ra lệnh đình lại dự án chí ít cho đến khi nào nhiệm kỳ của ông kết thúc là năm 2015. Gần sắp đến kỳ bầu cử Quốc hội 2015, nhiều nhà đấu tranh bảo vệ môi trường nghi ngờ việc ngưng dự án chỉ là tạm thời. Nhiều cuộc tuần hành phản đối hay trưng cầu dân ý tại khu vực dự án đã diễn ra nhằm nhắc nhở rằng mối họa công trình đang được âm thầm nối lại là có thật.
Điều đáng chú ý là hôm 27/06 vừa qua, Tổng thống Thein Sein đã đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, cho đến giờ chẳng ai biết được nội dung cuộc họp giữa ông Tập Cận Bình với người đứng đầu nhà nước Miến Điện, quốc gia từ lâu lệ thuộc quá nhiều vào cường quốc láng giềng trên phương diện kinh tế và quân sự.
Đương nhiên, việc cho ngưng dự án đập thủy điện cũng là cách để Naypyidaw tái cân bằng lại chính sách ngoại giao của mình. Nhưng Miến Điện cũng không thể tự cho phép mình rơi vào tình trạng tranh chấp với Bắc Kinh. Dù là cách nào đi chăng nữa, hoặc phải để cho công trình được tiếp tục, hoặc là phải bồi thường cho phía đối tác, Miến Điện cũng sẽ phải trả giá đắt cho hành động táo tợn của mình, Le Monde kết luận.
Đảo chính quân sự Thái sẽ làm suy sụp nền kinh tế đất nước ?
Cũng tại Đông Nam Á, nhật báo Les Echos có bài phân tích mang tựa đề « Kinh tế, nạn nhân chồng chéo của cú đảo chính quân sự Thái Lan ». Sở dĩ có sự can thiệp của quân đội là vì tầng lớp chính trị Thái trong giai đoạn 2006-2014 đã không có khả năng đạt được tính chính đáng toàn diện để lãnh đạo đất nước.
So với năm 2006, cú đảo chính lần này có vẻ nghiêm trọng hơn, Les Echos nhận xét. Hiến pháp bị đình hoãn, các cuộc bầu cử bị cấm trong vòng một năm, truyền thông bị kiểm duyệt, quyền tự do cá nhân bị hạn chế và biểu tình cũng bị cấm đoán.
Theo tờ báo, sở dĩ quân đội có thể can thiệp là vì tầng lớp chính trị đã không thể đạt được một tính chính đáng để lãnh đạo đất nước. Trên nguyên tắc, giới quân sự chỉ tạm cầm quyền trong vòng 18 tháng, thời gian để soạn thảo một Hiến pháp mới. Nhưng theo các nhà quan sát, vì quá muốn lấy lại quyền điều hành đất nước, nên giới quân sự có nguy cơ gây hoảng sợ các nhà đầu tư nước ngoài và trì trệ nền kinh tế, vốn dĩ đang gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, quân đội với danh nghĩa vì quyền lợi tài chính, đang muốn thâm nhập vào các doanh nghiệp. Họ muốn điều hành các doanh nghiệp Nhà nước và có chân trong Hội đồng quản trị các tập đoàn tư nhân. Tuy nhiên, Les Echos cho rằng hành động xâm nhập này của quân đội có nguy cơ làm suy sụp nền kinh tế đất nước.
Bởi vì trước đó, Thái Lan vừa cho thực hiện một chính sách mới hòng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vương quốc Thái muốn trở thành một công xưởng lắp ráp ô-tô hàng đầu Châu Á. Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã đến gầy dựng cơ sở tại đây dọc theo vịnh Thái Lan, đông nam Bangkok.
Les Echos cho rằng các rủi ro suy sụp kinh tế đang lộ rõ. Nhiều tín hiệu báo động được phát đi. Nhất là với việc trục xuất các lao động nước ngoài trái phép như vụ hàng trăm lao động Cam Bốt gần đây (trong đó chỉ có hơn 1/3 là bất hợp pháp), giới cầm quyền hiện nay đang làm lung lay một số ngành trọng điểm. Tai tiếng trong vụ nô lệ Miến Điện trong ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản làm xấu đi phần nào hình ảnh đất nước. Đối tác thương mại Châu Âu cũng giảm bớt các hoạt động hợp tác và đình chỉ hoàn toàn các chuyến viếng thăm chính thức cũng như các thỏa thuận thương mại.
Nhận thức được các thiệt hại chồng chất do mình gây ra, tập đoàn quân sự đã nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh giới nghiêm nhằm duy trì một số hoạt động như nông nghiệp và du lịch. Có điều, Les Echos cho rằng như vậy vẫn còn quá ít để tránh việc làm đổ vỡ mức tăng trưởng.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten