Tướng Thái Lan: Đường 9 đoạn của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý
Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng Thái Lan, Tướng Surasit Thanadtang trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)
Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng Thái Lan, Tướng Surasit Thanadtang đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Lan liên quan tới hành động của Trung Quốc đã và đang diễn ra trên Biển Đông.
-Xin ông cho biết quan điểm của mình về tình hình trên Biển Đông, đặc biệt là sau việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép vào vùng biển của Việt Nam?
Tướng Surasit Thanadtang: Đầu tiên, tôi muốn xác định lại việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố về đường chín đoạn trên Biển Đông. Chúng tôi cho rằng tuyền bố đường chín đoạn này có thể là nhằm khuấy đảo lên điều gì đó trong tinh thần hiểu biết chung của khu vực này.
Đối với trường hợp này, cá nhân tôi đánh giá rằng tuyên bố trên hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý quốc tế. Do vậy, tất cả các hoạt động trong khu vực này của chủ thể tuyên bố chủ quyền đều sẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Theo quan điểm của tôi, các bên tuyên bố chủ quyền cần tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam như bạn nói đang gây tổn hại cho sự ổn định không chỉ đối với những quốc gia có tuyên bố chủ quyền mà còn đối với toàn khu vực.
- Ông bình luận thế nào về những hành động của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam?
Tướng Surasit Thanadtang: Với tư cách là một quốc gia không có tuyên bố chủ quyền, chúng tôi cảm thấy không hài lòng trước việc các tàu chiến và tàu hộ tống của họ có những hành động gây hấn đối với các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Vấn đề này có thể được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, đúng theo quy định của luật pháp quốc tế. Chúng ta có rất nhiều biện pháp như gửi thư, cử phái viên… Những hành động gây hấn này của họ sẽ chỉ gây hại cho sự ổn định trong khu vực.
- Cho tới nay, các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn hành động rất kiềm chế. Ông có ý kiến gì về vấn đề này hay không?
Tướng Surasit Thanadtang: Có hai giải pháp đối với Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay và Việt Nam có thể chọn một trong hai hoặc làm cả hai cách. Đầu tiên Việt Nam có thể trực tiếp gửi kiến nghị lên ASEAN. Bởi Ban Thư ký ASEAN hoặc thậm chí Chủ tịch ASEAN là cơ chế trong khu vực có thể chịu trách nhiệm về việc này.
Cách thứ hai mà Việt Nam có thể làm là gửi kiến nghị lên các cơ quan hoặc tổ chức quốc tế để thông qua đó chúng ta có thể đạt được một công thức hay một khuôn khổ chung nhằm chấm dứt các hành động hiện nay từ phía Trung Quốc.
Hầu hết các nước trên thế giới đều cho rằng các hành động của Việt Nam là tự vệ và do vậy tôi cho rằng không có nước nào lại ủng hộ cho hành động gây hấn của Trung Quốc.
- Việt Nam là một thành viên của ASEAN, theo ông, ASEAN cần thể hiện vai trò thế nào đối với vụ việc này để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng chung trong khu vực?
Tướng Surasit Thanadtang: Việc thăm dò dầu khí có thể là một chiến thuật, nhưng về lập trường quốc tế, chúng ta không cổ vũ cho hành động này.
Theo cảm nhận của tôi, Ban thư ký ASEAN hay Chủ tịch ASEAN nên chịu trách nhiệm hoặc nên tập trung hơn nữa trong việc phối hợp với tất cả các nước thành viên để đương đầu với mọi kiểu sức mạnh từ bên ngoài khu vực.
Các thành viên ASEAN cũng nên có một cương lĩnh chung để cùng đoàn kết đối phó với bất cứ vấn đề nóng nào xảy ra. ASEAN cũng cần ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc hoặc thậm chí cả quốc tế nhìn nhận lại vấn đề này thông qua các con đường ngoại giao./.
- Xem thêm : Biển Đông
- Xem thêm : Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép
- Xem thêm : Thế giới lên tiếng vụ giàn khoan Haiyang Shiyou 981
Geen opmerkingen:
Een reactie posten