zondag 1 juni 2014

“Cô bé Quàng khăn đỏ” : Cẩm nang giáo dục giới tính

THỨ SÁU 30 THÁNG NĂM 2014
“Cô bé Quàng khăn đỏ” : Cẩm nang giáo dục giới tính
Cô bé Quàng khăn đỏ, ảnh minh họa của Jessie Willcox Smith, năm 1911 (wikipedia)
Cô bé Quàng khăn đỏ, ảnh minh họa của Jessie Willcox Smith, năm 1911 (wikipedia)
Minh Anh
Cũng như bao câu chuyện cổ tích khác, Cô bé Quàng khăn đỏ của Grimm phản ảnh nỗi ám ảnh truyền kiếp của con người đối với sói, trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì sói đại diện cho loài thú dữ mà còn là hiện thân cho “cái ác”. Nhưng đối với Bruno Bettelheim, một nhà tâm lý học người Mỹ, Cô bé Quàng khăn đỏ còn mô tả quá trình biến chuyển tâm sinh lý khó khăn của một bé gái trong độ tuổi dậy thì, độ tuổi mà các bản năng giới tính bắt đầu hình thành và làm nảy sinh các “cảm xúc mâu thuẫn” mà các em cần phải vượt qua.
Chuyện kể rằng, có một bé gái mà người dân trong làng thường hay gọi cô là Cô bé Quàng khăn đỏ. Một hôm cô phải băng rừng một mình để đem bánh, rượu và bơ cho bà đang ốm nặng. Bà sống đơn độc một mình bên kia khu rừng. Trên đường đi, cô gặp một con sói và vô tình rơi vào cái bẫy do nó giăng ra, để rồi cả hai bà cháu đều bị sói nuốt chửng vào bụng. Vừa hay có bác thợ săn đi ngang, bác mổ bụng sói và cứu sống cả hai bà cháu.
Đó là nội dung câu chuyện cổ tích Cô bé Quàng khăn đỏ do hai anh em người Đức Jacob et Wilhelm Grimm phát hành vào năm 1812. Trước đó hơn 100 năm, Charles Perrault (1628-1703), một nhà văn Pháp thế kỷ XVII, đã từng biến câu chuyện dân gian truyền khẩu này thành một câu chuyện văn chương vào năm 1697.
Dù là phiên bản của ai đi chăng nữa, đã mấy trăm năm qua câu chuyện này vẫn tiếp tục lôi cuốn biết bao thế hệ trẻ thơ, bởi tính chất ngây ngô, dễ thương, nhân vật gần gũi với trẻ em và mang nhiều ý nghĩa giáo dục đạo đức và tình người. Thoạt nhìn các tình tiết của câu chuyện có vẻ ‘hợp tình hợp lý’ và nhất là còn được kèm theo một bài giáo huấn "đạo đức" bằng thơ dành cho trẻ ở cuối câu chuyện (theo như bản kể của Perrault).
Cô bé Quàng khăn đỏ dành cho trẻ từ 4-6 tuổi?
Nhưng nếu bỏ chút thời gian ngồi nghiền ngẫm lại câu chuyện, chắc là chúng ta sẽ thấy nhiều điều khá thú vị, thậm chí còn thấy hơi "kỳ lạ" tùy theo từng quan điểm. Một loạt các câu hỏi sẽ xuất hiện: Câu chuyện này có thật "hợp tình hợp lý" hay không? Nếu có thì đâu là bản chất thật của sự "hợp tình hợp lý" đó? Nếu cho rằng câu chuyện này là dành cho trẻ con, vậy cho độ tuổi nào? Cho là Cô bé quàng khăn đỏ còn rất nhỏ, nhưng là bao nhiêu tuổi mới được?

Tranh minh họa của Gustave Doré năm 1867.
Wikipedia

Có giả định rằng đây là câu chuyện dành cho trẻ trong độ tuổi 4-6. Điều đó cũng giải thích phần nào phản ứng ngây ngô của cô bé trước con sói dữ. Cô bé tiết lộ gần hết cho sói biết bà đang bị ốm, sống đơn độc một mình và đang đợi cô đến thăm. Nếu như thế, thái độ của người mẹ và người bà rõ ràng là khá “kỳ lạ”. Có người mẹ nào lại có thể gửi một đứa bé còn nhỏ như vậy, một mình băng qua một khu rừng âm u, một nơi đầy nguy hiểm với một trang phục quá đỗi bắt mắt để rồi thu hút sự chú ý của con sói. Đương nhiên, người mẹ cũng đưa ra nhiều lời dặn dò khôn ngoan, nhưng liệu một đứa trẻ còn nhỏ như vậy có ngoan ngoãn vâng lời hoàn toàn hay không. Ngoài điều đó ra, mối họa cho đứa trẻ có thể nói là chết người.
Cô bé Quàng khăn đỏ hay nỗi sợ hãi bị sói tấn công?
Cũng có ai đó sẽ lập luận rằng đó là do hoàn cảnh lịch sử. Quả thật, khi Charles Perrault viết lại câu chuyện này, nước Pháp hứng chịu cùng lúc nạn đói hoành hành và tình trạng sói thật tấn công người rất dữ dội.
Theo sử gia Jean-Marc Moriceau, chuyên nghiên cứu về lịch sử phát triển nông thôn Pháp (Nguyệt san Historia số ra tháng Giêng năm 2014), trong vòng 10 năm từ 8/1689-12/1699, đã có đến 400 người là nạn nhân của sói, tức bình quân 40 nạn nhân/năm. Đa phần nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, chủ yếu xuất thân nông dân nghèo. Trẻ con buộc phải ra đồng một mình chăn dắt đàn gia súc trên những trảng cỏ hoang vu hay trong những tảng rừng thấp. Theo số liệu nghiên cứu có được, hầu hết số trẻ bị sói vồ đều nằm trong độ tuổi 5-14 tuổi, trong đó các bé gái chiếm đa số.
Có thể nói, trong bối cảnh đó, Cô bé Quàng khăn đỏ là hình mẫu lý tưởng cho các nạn nhân của sói. Điều này cũng giải thích vì sao câu chuyện Cô bé Quàng khăn đỏ chiếm một vị trí khá quan trọng trong bộ tuyển tập “Những mẫu truyện kể hay những câu chuyện ngày xửa ngày xưa” của nhà văn Pháp Charles Perrault.
Nhưng nếu nói như vậy, thì chi tiết chính của câu chuyện lại có vẻ không hợp lý. Bởi vì một đứa trẻ nghèo đói làm thế nào có được chiếc áo choàng đỏ đẹp đến thế.
Cô bé Quàng khăn đỏ hay “cẩm nang giáo dục giới tính” cho trẻ?
Cứ cho là cô bé Quàng khăn đỏ không đến nỗi quá nhỏ, có thể cô ở độ tuổi 9-10. Vì điều này phù hợp với việc cô bé có thể tự mình băng qua khu rừng rậm, hãnh diện khoác trên người chiếc áo màu đỏ ưa thích của mình. Nhưng nếu như thế, xét về phương diện tâm lý, rõ ràng thái độ của cô bé trong lần đầu tiên gặp sói  cũng thật là khó hiểu.
Hơn nữa, dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, khi đối diện với người bà "giả mạo", thái độ của cô bé thật là "kỳ lạ". Không những cô không hay biết nguy hiểm đang rình rập, mà cô bé có vẻ như bị "mê hoặc" bởi con sói khi từ từ tiến gần lại phía giường nằm.
Mặt khác ta cũng lưu ý thấy rằng mục đích của con sói dữ không chỉ nhằm ăn thịt cô bé, vì nó đã có thể vồ lấy ngay cô bé khi vừa bước chân vào nhà mà không cần phải chơi trò Hỏi-đáp.
Đối với Bruno Bettelheim (1903-1990), một nhà tâm lý học về trẻ em trong một tác phẩm nổi tiếng Psychanalyse des contes de fée (Nguyên tác là: The Uses of Enchantment: The meanning and Importance of Fairy Tales – tạm dịch: Ý nghĩa phân tâm học của truyện cổ tích), tất cả những điều đó chỉ có thể giải mã được thông qua các tiếp cận phân tâm học.

Tranh minh họa của Gustave Doré.
Wikipedia

Cũng như nhiều nhà tâm lý và phân tâm học khác, Bettelheim cho rằng Cô bé Quàng khăn đỏ còn là một câu chuyện bàn về “bản năng giới tính” rõ nghĩa nhất trong số các câu chuyện cổ tích.
Quả thật vốn dĩ ngay từ đầu Cô bé Quàng khăn đỏ do Charles Perrault viết đã mang một ý nghĩa giáo dục về “bản năng giới tính” cho các em gái nhỏ. Nhưng Bruno Bettelheim lấy làm tiếc rằng vì quá thiên về giáo dục "đạo đức", Charles Perrault đã làm cho câu chuyện mất đi “cái hồn” vốn có. Ông bộc bạch quá rõ ý nghĩa thật sự của câu chuyện. Con sói trong câu chuyện rõ ràng không phải là một loài thú dữ, mà chỉ là hình ảnh ẩn dụ, khi ông viết rằng: “Khi cô bé cởi bỏ y phục và đến nằm cùng sói trên giường,… và khi con thú dữ nói với cô bé rằng nó có đôi tay to là để ôm cô dễ hơn”.
Sự đơn giản thái quá, kèm theo một bài học giáo huấn : “ Các cô bé xinh xắn, biết cách ăn mặc và dễ thương, thường ít chịu lắng nghe người khác”, đã biến Cô bé Quàng khăn đỏ thành một câu chuyện ‘cảnh giác’ thay vì là một câu chuyện cổ tích thật sự.
Do đó, giữa hai phiên bản nổi tiếng này, Bruno Bettelheim ưng ý với bản kể của anh em nhà Grimm nhất. Câu chuyện do Grimm viết đã nêu bật được “một số vấn đề mấu chốt mà một bé gái đang ở tuổi học đường phải đối mặt khi các mối liên hệ Ê-đíp đang dần hình thành trong vô thức của các em. Những mối liên hệ đó có thể đẩy các em rơi vào cạm bẫy của một kẻ quyến rũ nguy hiểm […]”. Bởi vì, đây cũng là “ độ tuổi mà các em chưa đủ chín chắn trên phương diện tình cảm, do chưa thể làm chủ được những xung đột Ê-đíp”.
Ở đây cũng xin giải thích rõ về khái niệm “Ê-đíp”. Oedipus (tức Ê-đíp theo cách phát âm tiếng Việt) là một trong những anh hùng nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp. Chàng là người giết cha, cưới mẹ, thắng con nhân sư quái ác rồi trở thành vua xứ Thebes (Hy Lạp). Rồi đến một ngày, Ê-đíp biết được sự thật, ông đau khổ, khi đó hoàng hậu đã tự tử, Oedipus lấy cái trâm trên đầu hoàng hậu mà chọc đui mù mắt của mình và bỏ đi. Từ đó, Oedipus sống trong sự đau khổ cho đến khi chết.
Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã mượn truyền thuyết này để đặt tên cho một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ từ ba đến năm tuổi mang tên “mặc cảm Ê-đíp”: đứa trẻ thể hiện sự quyến luyến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình.
Nguyên lý sở thích và nguyên lý thực tiễn
Trở lại với câu chuyện Cô bé Quàng khăn đỏ, Bettelheim cho rằng một trong những khó khăn chính mà bé gái sắp bước vào tuổi dậy thì cần phải giải quyết đó là vượt qua được trạng thái tâm lý mà Bettelheim gọi là “mâu thuẫn cảm xúc” (tiếng Pháp hay tiếng Anh viết là ‘ambivalence’).
Ở độ tuổi này, các em nhỏ bắt đầu bị giằng co giữa hai nguyên lý “sở thích” và “thực tiễn”. Nguyên lý sở thích được thể hiện qua hình ảnh Cô bé Quàng khăn đỏ thích khám phá thế giới bên ngoài mà phớt lờ những lời cảnh báo của người lớn (tức nguyên lý thực tiễn): Không nghe lời cảnh cáo của mẹ là không nên rời xa con đường mòn.
Cô còn để cho sói khơi dậy cảm xúc “sở thích” khi cô gặp nó ở cửa rừng: “Sao cháu không ngắm nhìn những bông hoa xinh đẹp quanh đây? … Dù sao đi nữa khu rừng này cũng rất là đẹp!”.

Tranh minh họa của Carl Offterdinger.
Wikipedia

Đối với Bettelheim, Cô bé quàng khăn đỏ là nạn nhân của mối xung đột “nguyên lý sở thích” và “nguyên lý thực tiễn”. Và việc để cho nguyên lý sở thích lấn át nguyên lý thực tiễn đã để lại nhiều hậu quả khôn lường như câu chuyện cảnh báo. Dù cảm thấy có điều gì đó bất bình thường khi đến nhà bà, nhưng cô bé vẫn cố tìm hiểu khi đặt các câu hỏi về tai, mắt, tay và miệng. Đó cũng chính là bốn giác quan của con người: nghe, nhìn, sờ và nếm. Những giác quan mà trẻ em cần dùng đến để khám phá thế giới bên ngoài.
Khi bỏ ngoài tai các nguyên lý đạo đức, muốn rằng trẻ trong độ tuổi cắp sách đến trường, phải “đi thẳng” không được “tạt ngang tạt ngửa” như bổn phận yêu cầu, thì nữ nhân vật chính của chúng ta lại quay trở về trạng thái “Ê-đíp” của một đứa trẻ nhỏ : Chỉ tuân theo “sở thích”. Và vì không biết kiềm chế “sở thích”, cô đã nghe theo lời dụ dỗ của sói và tạo điều kiện cho nó đến ăn thịt bà mình.
Trách nhiệm của người "Mẹ" và "Màu đỏ" của sự bạo lực
Bruno Bettelheim cho rằng người bà (hay còn là hình ảnh của người mẹ) cũng xứng đáng nhận một hình phạt (qua việc bị sói nuốt vào bụng). Tuổi dậy thì là một giai đoạn phát triển khó khăn, do đó bé gái rất cần một hình ảnh người mẹ mạnh mẽ để che chở và như là một tấm gương để noi theo.
Thay vì như vậy, người bà trong câu chuyện lại để cho chính “sở thích” của mình vượt lên trên cả những gì là tốt cho trẻ: “Bà của cô bé… chẳng biết làm điều gì khác ngoài việc cho cô bé như một món quà” . Đối với Bettelheim, đó là một sự cưng chiều quá mức và điều đó chỉ có hại cho trẻ trong đời sống thực.
Người bà (hay người mẹ) không những từ bỏ khả năng “quyến rũ” người khác phái của mình mà còn truyền khả năng đó lại cho đứa trẻ bằng cách trao tặng cho cháu chiếc áo choàng đỏ quá đỗi xinh đẹp. “Chiếc khăn choàng lụa đỏ mà bà cho cô bé cũng có thể được xem như là biểu tượng cho sự chuyển giao quá sớm khả năng quyến rũ tình dục, điều này còn được thể hiện rõ nét qua việc bà đã già và bệnh tật, quá yếu để có thể mà mở cửa”. Một nhận định có lẽ là khá lạ lẫm với độc giả Việt Nam.
Đến đây, Bettelheim lưu ý đến màu đỏ của chiếc khăn choàng. Chi tiết này được nhắc đến rất nhiều lần trong toàn bộ câu chuyện và ngay trong bản thân tựa đề. Bởi vì nó “biểu trưng cho những cảm xúc mạnh bạo, nhất là những cảm xúc khơi dậy tính dục”.
Ngay chính bản thân cái tên Bé quàng khăn đỏ cũng bao hàm một ý nghĩa rất quan trọng. Chiếc khăn ấy nhỏ bé, nhưng cô bé cũng vậy. “Không những cô còn quá nhỏ để choàng chiếc khăn đó, mà còn ‘quá bé’ để mà đối diện với điều mà chiếc khăn choàng đỏ ấy tượng trưng”.
Bởi vì, mối nguy hiểm đe dọa cô bé chính là bản năng giới tính của cô đang nảy sinh. Nhưng cô vẫn còn chưa đủ chín chắn trên phương diện tình cảm, do đó cô có thể dễ dàng rơi vào tay những kẻ dày dạn tình trường trên phương diện tâm lý.
Con sói và bác thợ săn: hình ảnh hai mặt của người đàn ông và cha
Câu chuyện cổ tích này còn là một bức tranh tâm lý về vị trí quan trọng của người đàn ông dưới hai mặt đối lập: kẻ quyến rũ nguy hiểm – người sát hạt bà và cô bé quàng khăn đỏ và bác thợ săn, đại diện cho gương mặt người cha – mạnh mẽ, có trách nhiệm, người đã cứu sống hai bà cháu.

Tranh minh họa của Walter Crane.
Wikipedia

Cả câu chuyện cứ như cho thấy là Cô bé quàng khăn đỏ đang cố tìm hiểu bản chất trái ngược nhau của nam giới thông qua việc trải nghiệm các mặt của cá tính, như là: những xu hướng ích kỷ và bạo lực thông qua hình tượng “Sói” và xu hướng vị tha và có suy nghĩ qua hình ảnh ‘bác thợ săn’.
Như vậy, người đàn ông trong câu chuyện được thể hiện dưới hai hình dạng khác nhau: một bên là sói, đại diện cho những nguy hiểm của cuộc chiến Ê-đíp, và bên kia là bác thợ săn, trong vai trò người bảo vệ và cứu nguy, đó cũng chính là hình tượng của người cha.
Cái chết và sự hồi sinh
Phần kết có hậu của câu chuyện cũng là một điểm nhấn khá lý thú trong con mắt nhà phân tâm học người Mỹ này. Cô bé Quàng khăn đỏ và bà thật sự không chết dù bị sói nuốt chửng vào bụng. Hình ảnh hai bà cháu bước ra khỏi bụng sói đối với Bruno Bettelheim biểu tượng cho sự "hồi sinh".
Đó chính là bước đi quan trọng cho phép bé gái đi vào một nấc mới cao hơn và cũng là một trong những chủ đề chính yếu trong một kho tàng truyện cổ tích bao la đó. Đứa trẻ hiểu một cách mơ hồ là người "chết" thật sự trong câu chuyện này chính là bé gái đã để cho con sói dụ dỗ. Nhưng khi cô bé chui ra từ bụng sói, thì đó lại là một con người hoàn toàn khác trở lại với cuộc sống.
Cô bé Quàng khăn đỏ đã mất đi sự ngây ngô trẻ con khi gặp những nguy hiểm tồn tại ngay trong chính bản thân cô và thế giới bên ngoài. Cô bé cũng đã đánh đổi chúng để lấy sự khôn ngoan mà chỉ có những ai "được sinh ra hai lần" mới có thể có được. Đối với Bettelheim, hình ảnh cô bé chui ra từ bụng sói cho thấy là cô đã vượt qua được một ngưỡng tâm lý phức tạp nhất của tuổi dậy thì, để có thể duy trì những mối quan hệ tích cực với cha mẹ. Và cũng từ đó, cô bé thôi là một đứa nhỏ để bước vào một giai đoạn mới của một cô gái trẻ.
TỪ KHÓA : GIÁO DỤC - TẠP CHÍ - VĂN HÓA - VĂN HỌC
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20140430-%E2%80%9Cco-be-quang-khan-do-cua-grimm%E2%80%9D-cam-nang-giao-duc-gioi-tinh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten