Friday, May 23, 2014 3:31:55 PM
HÀ NỘI (NV) .-Mâu thuẫn về chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng có thể sẽ là lý do khiến Trung Quốc gây áp lực bằng cách cắt đứt quan hệ kinh tế, khiến kinh tế Việt Nam suy sụp.
Cửa khẩu Móng Cái. Mở rộng cửa để nhập cảng đủ thứ từ Trung Quốc, dễ dãi trong việc tiếp nhận đầu tư, nhà thầu từ Trung Quốc, khiến kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và nay, sự lệ thuộc đó trở thành nguy cơ khiến nền kinh tế có thể bị suy sụp. (Hình: Báo Quảng Ninh)
|
Đó là điều đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại bởi kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Kể từ năm ngoái, các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam đã liên tục cảnh báo về sự lệ thuộc Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, sau khi có hàng loạt dữ liệu đáng lo.
Ví dụ, năm 2013, xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 7% nhưng nhập cảng từ Trung Quốc tăng 28%. Tốc độ gia tăng của nhập cảng từ Trung Quốc gấp 4 lần so với tốc độ xuất cảng và chênh lệch về cán cân thương mại trong quan hệ với Trung Quốc càng lúc càng lớn.
Hồi trung tuần tháng 12 năm 2013, tại một hội nghị bàn về việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do, Bộ Công Thương Việt Nam xác nhận, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012.
Tháng 6 năm 2013, sau khi có thống kê cho biết, bốn tháng đầu năm 2013, Việt Nam chi 40.2 tỷ USD cho việc nhập cảng, trong đó có tới 10 tỷ USD chỉ để nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hàng hóa của Trung Quốc. Ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó. Lúc đó, ông Thành than rằng, cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu, vì vậy Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.
Nay, những cảnh báo đó có nguy cơ trở thành hiện thực. Trò chuyện với BBC, ông Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách - Phát triển, cho rằng, Việt Nam phải chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”: Trung Quốc “cắt đứt quan hệ thương mại và đầu tư” do mâu thuẫn về chủ quyền.
Ông Thọ lo ngại là vì: Cán cân thâm hụt thương mại luôn luôn nghiêng về phía Việt Nam, khoảng 20 tỷ Mỹ kim/ năm. Hàng loạt những công trình rất quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam do Trung Quốc đầu tư và đảm nhận. Trong thương mại tiểu ngạch giữa hai bên, lợi thế cũng nghiêng về phía Trung Quốc.
Có những dấu hiệu cho thấy “kinh tế ngầm” – do các thế lực giấu mặt điều hành, thực hiện các thương vụ gây tổn hại cho kinh tế, tài nguyên Việt Nam, kết hợp rất chặt chẽ với đối tác Trung Quốc.
Bà Phạm Chi Lan, cựu Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, xác nhận, “nếu Trung Quốc đình chỉ quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam, Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn” vì Trung Quốc là phía thực hiện rất nhiều dự án ở Việt Nam. Nếu Trung Quốc khiến cho các dự án đó không thể tiến hành bình thường thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chương trình phát triển. Chưa kể việc trì hoãn hoàn thành các dự án đó còn gây thêm tốn kém.
Một chuyên gia kinh tế khác tên là Bùi Kiến Thành nói thêm, sự phụ thuộc về nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu vào Trung Quốc sẽ khiến nhiều ngành công nghiệp lớn, sử dụng nhiều nhân công như may mặc, tê liệt nếu Trung Quốc “cắt đứt quan hệ kinh tế”, bởi đa phần vật liệu của những ngành này nhập cảng từ Trung Quốc. Ông Thành lưu ý, Trung Quốc đang đảm nhận việc thi công tất cả những nhà máy điện lớn nhất tại Việt Nam nên phải xem xét chúng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, kinh tế Việt Nam như thế nào.
Để đối phó với “tình huống xấu nhất”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính quyền Việt Nam phải sớm có giải pháp phát triển nội lực của doanh giới, xã hội. Xây dựng, củng cố những mối quan hệ khác với các quốc gia trong khu vực, với Nhật, Nam Hàn. Xích lại gần hơn với Liên minh châu Âu (EU). Tìm kiếm sự đồng thuận để trở thành một bên trong Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Phạm Qúy Thọ tin rằng, đó sẽ là một trong những nội dung chính trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Việt Nam và Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi ông Phạm Bình Minh đến Hoa Kỳ theo lời mời của ông John Kerry. (G.Đ)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten