zondag 25 mei 2014

Nga ký siêu hợp đồng bán 400 tỉ đô la khí đốt cho Trung Quốc

Thứ tư 21 Tháng Năm 2014

Nga ký siêu hợp đồng bán 400 tỉ đô la khí đốt cho Trung Quốc

Tổng thống Putin, Tổng giám đốc Gazprom Alexei Miller và giám đốc tập đoàn CNPC Zhou Jiping - REUTERS /Alexei Druzhinin /RIA Novosti
Tổng thống Putin, Tổng giám đốc Gazprom Alexei Miller và giám đốc tập đoàn CNPC Zhou Jiping - REUTERS /Alexei Druzhinin /RIA Novosti

Thụy My
Hôm nay 21/05/2014 tại Thượng Hải, Nga và Trung Quốc đã ký kết một hợp đồng khổng lồ trị giá lên đến 400 tỉ đô la nhằm cung ứng khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 30 năm, sau một thập kỷ thương lượng. Các hãng tin AFP và Reuters dẫn nguồn tin từ Matxcơva và Bắc Kinh cho biết như trên.

Với thỏa thuận trên đây giữa Gazprom và China National Petroleum Corp (CNPC), Trung Quốc có thêm một nguồn cung ứng mới hết sức quan trọng, và Nga thì có được khách hàng mới trong lúc đang căng thẳng với các khách hàng truyền thống châu Âu.
Tập đoàn CNPC lên tiếng hoan nghênh : « Đây là một thành tựu chủ yếu trong việc hợp tác năng lượng mang tính chiến lược giữa hai nước ». Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều hiện diện trong buổi lễ ký kết.
Hợp đồng này cung cấp cho quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới mỗi năm 38 tỉ mét khối khí đốt từ Nga trong vòng 30 năm, kể từ năm 2018, với tổng trị giá 400 tỉ đô la. Khí đốt sẽ được vận chuyển theo một đường ống mới nối liền khu mỏ ở Xibêri với các trung tâm tiêu thụ chính dọc theo miền duyên hải Trung Quốc.
Vào khoảng 11 giờ 15 GMT, cổ phiếu của Gazprom tăng 0,46%, lên 146,02 rúp một cổ phiếu.
Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga không muốn công bố giá cả - điểm gây trở ngại chủ yếu trong quá trình thương lượng kéo dài cả chục năm qua. Reuters dẫn lời Tổng giám đốc tập đoàn Gazprom, Alexei Miller nói rằng vấn đề là ở chỗ, việc Trung Quốc có thể ứng trước một số tiền lớn hay không - nhằm tài trợ một phần cơ sở hạ tầng cần thiết, vẫn chưa được giải quyết.
Tuy nhiên hãng AFP trích lời ông Miller nói với báo chí Nga cho biết giá bán một mét khối khí đốt được dự kiến là 350 đô la/1.000 mét khối. Được biết sau khi tổng thống Ukraina thân Nga bị lật đổ, Matxcơva đã tăng giá bán khí đốt đối với chính quyền mới ở Kiev từ 268 đô la lên 485 đô la/1.000 mét khối.
Bắc Kinh vốn lo lắng về việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, đã thương lượng mua khí đốt của Nga từ mười năm qua. Còn Matxcơva cũng muốn xâm nhập được thị trường khổng lồ Trung Quốc, nhất là hiện nay quan hệ với phương Tây đang xẩu hẳn đi sau khi Nga chiếm Crimée của Ukraina.
Ông Vladimir Putin tham dự Hội nghị về tương tác và các biện pháp tín nhiệm tại châu Á (CICA), một diễn đàn an ninh khu vực gồm 20 thành viên (trong đó Việt Nam tham gia từ năm 2010), năm nay được tổ chức tại Thượng Hải.
TAGS: DẦU KHÍ - KINH TẾ - NĂNG LƯỢNG - NGA - TRUNG QUỐC
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140521-nga-ky-sieu-hop-dong-ban-400-ti-do-la-khi-dot-cho-trung-quoc

Nga - Trung ký hợp đồng dầu khí khổng lồ

Cập nhật: 15:46 GMT - thứ tư, 21 tháng 5, 2014
Tổng thống Vladimir Putin đang ở thăm Trung Quốc
Hãng dầu Gazprom của Nga và Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vừa ký hợp đồng khí đốt được cho là trị giá 400 tỷ đôla trong vòng 30 năm.
Hiện mức giá chính thức chưa được công bố nhưng ước tính hợp đồng có trị giá trên 400 tỷ đôla.
Nga đã rất mong muốn tìm thị trường dầu khí thay thế do khí đốt của họ có thể bị ảnh hưởng bới các lệnh cấm của châu Âu.
Giá cổ phiếu Gazprom tăng 2% trên thị trường Nga sau tin ký hợp đồng được đưa ra.
Với hợp đồng này, Nga sẽ bán khoảng 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm cho Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018.
Lý do bế tắc chính là giá khí đốt mà các chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn mặc cả giá thấp hơn giá Nga đưa ra.
Nhưng một chuyên gia Trung Quốc được dẫn lời nói giá cuối cùng gần với giá của Nga hơn nhưng Trung Quốc cũng không phải đặt cọc trước một khoản lớn.
Một trong những điểm khó khăn của hợp đồng là việc xây dựng đường ống để vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc.
Hiện đã có một đường ống được hoàn tất chạy xuyên vùng Viễn Đông của Nga tới biên giới Trung Quốc mang tên "Sức mạnh Siberia".
Nhưng chi phí 22-30 tỷ đôla để đưa khí đốt vào Trung Quốc đã khiến đàm phán kéo dài tới phút chót.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga với buôn bán song phương dự kiến đạt 100 tỷ đôla vào năm tới và 200 tỷ đôla trước năm 2025.
Nhưng cho tới nay Turkmenistan là quốc gia cung cấp khí đốt lớn nhất cho Trung Quốc.
“Toàn bộ vụ thỏa thuận khí đốt này có ý nghĩa biểu tượng, đó là việc hai nước chuẩn bị bắt tay với nhau. Có những điểm khác [trong thỏa thuận] như việc Trung Quốc tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông ở Nga,” Rain Newton-Smith, trưởng nhóm nghiên cứu thị trường mới nổi tại Oxford Economics nói.
“Đây cũng giống như những khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi khi họ đàm phán rất chặt chẽ giá nguyên liệu thô, nhưng đổi lại sẽ phát triển hạ tầng cho nền kinh tế mà họ làm ăn cùng.”
Jonathan Marcus, phóng viên về quân sự và ngoại giao của BBC nói rằng căng thẳng giữa Nga và phương Tây không chỉ là vì Ukraine.
“Có những khác biệt cơ bản về vấn đề Syria và cả phương hướng mà ông Putin đang đưa nước Nga đi tới.
Vì vậy, thỏa thuận này có thể đánh dấu thời khắc chuyển giao quan trọng, khi cả về mặt kinh tế và địa chính trị, nước Nga đã bắt đầu nhìn về phía đông hơn là phía tây.”

‘Sức mạnh của Siberia’

Một trong những điểm đáng chú ý của thỏa thuận là việc xây dựng tuyến ống dẫn dầu đến Trung Quốc.
Hiện tại, đã có một đoạn ống dẫn chưa hoàn thành chạy qua miền Viễn đông của Nga đến biên giới Trung Quốc, gọi là “Sức mạnh của Siberia”. Đường ống được khởi công vào năm 2007, ba năm sau khi Gazprom và CNPC ký thỏa thuận đầu tiên vào năm 2004.
Tuy vậy, chi phí chuyển khí đốt sang Trung Quốc lên đến 22-30 tỷ đôla là một trong những trọng tâm của các thảo luận mới nhất.
Trung Quốc là đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất của Nga, với kim ngạch mậu dịch song phương lên đến 90 tỷ đôla trong năm 2013.
Hai nước đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số đó lên 200 tỷ đôla trong 10 năm tới.
Phân tích: Jamie Robertson, BBC News
Thỏa thuận khí đốt Nga-Trung được k‎ý vào lúc 4 giờ sáng giờ Trung Quốc, cho thấy phần nào sự khẩn cấp của cuộc đàm phán. Ông Putin dường như đã quyết định không rời Thượng Hải mà không có một thỏa thuận nào. Và cuối cùng ông đã được như ý.
Nhưng những điều khoản tài chính lại là “bí mật thương mại”, vì vậy chúng ta không biết được chính xác ông Putin đã phải nhượng bộ bao nhiêu để có được thỏa thuận. Hiển nhiên Trung Quốc cần khí đốt để cắt giảm nồng độ khói do các nhà máy đốt than gây ra, và đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu. Nhưng Bắc Kinh có đủ thời gian để đàm phán, trong khi ông Putin thì không.
Động cơ của thương vụ này có lẽ là vì Nga đang cần một thị trường thứ hai cho khí đốt, khi họ có thể đối mặt với nguy cơ bị châu Âu cấm vận. Nhưng với khả năng là đường ống mang tên “Sức mạnh của Siberia” sẽ chưa bơm khí đốt cho Trung Quốc cho đến sớm nhất là năm 2018, ảnh hưởng kinh tế của thỏa thuận với cuộc khủng hoảng ở châu Âu sẽ bị hạn chế.
Quan trọng hợn có lẽ là đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông của Nga. Ông Putin có thể đã không ký được thỏa thuận khí đốt tốt nhất vào hôm thứ Tư, nhưng mở ra được cánh cửa kinh tế với Trung Quốc đã là một thành công lớn.

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/05/140521_china_russia_deal.shtml


Geen opmerkingen:

Een reactie posten