Nghĩa trang của người Chăm, một vấn đề văn hóa
Gần đây người Chăm dòng Bani dấy lên lo ngại sự mất dấu vết của những nghĩa trang mà theo phong tục họ chôn cất người chết rất sơ sài. Đã có dấu hiệu bị người Kinh lấn đất và chính quyền cũng có những biểu hiệu thiếu minh bạch về việc trưng thu đất đai của họ. Mặc Lâm phỏng vấn nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inra Sara để biết thêm chi tiết việc này.
Mặc Lâm: Xin anh giải thích phong tục chôn cất của người Chăm thuộc hai dòng tôn giáo Chăm Bà-la-môn và Chăm Bà-ni.
Inra Sara: Người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có hai dòng tôn giáo, tín ngưỡng chính, đó là Chăm Bà-la-môn, còn gọi là Cham Ahier và Chăm Bà-ni, còn gọi là Cham Awal, hay Hồi giáo cũ. Cho dù sinh hoạt của hai hệ tôn giáo tín ngưỡng này có sự hòa hợp rất nhuần nhị, nhưng giữa hai vẫn có các khác biệt, rõ nhất là ở việc tang chế. Nếu người Chăm Bà-la-môn hỏa táng, thì ngược lại, người Chăm Bà-ni địa táng.
Người Chăm Bà-la-môn mất đi, thi thể được chôn tạm trong nghĩa trang chung của palei. Một năm hay vài năm sau đó, người ta cải táng, xương cốt được giở lên làm đám thiêu. Trong buổi sáng hỏa thiêu, 9 miếng xương trán được giữ lại, rồi mài tròn như đồng xu và cất vào lọ nhỏ gọi là Klong.
Vài chục năm sau, khi trong dòng họ tập hợp được nhiều bộ tinh cốt như thế, người ta tổ chức Lễ nhập Kut. Kut là nghĩa trang thuộc tộc mẫu bên Chăm Bà-la-môn. Trong tối cuối cùng của cuộc lễ, 9 miếng tinh cốt của tất cả Klong được cho vào hầm mộ ở trung tâm Kut. Hầm mộ này rộng khoảng 3-4 thước vuông, vậy thôi Kut cũng chứa đến cả vạn sinh linh Chăm Bà-la-môn. Vì mỗi dòng họ mẹ có một Kut riêng, nên một palei Chăm Bà-la-môn có thể có nhiều Kut.
Người Chăm Bà-la-môn mất đi, thi thể được chôn tạm trong nghĩa trang chung của palei. Một năm hay vài năm sau đó, người ta cải táng, xương cốt được giở lên làm đám thiêuInra Sara
Người Chăm Bà-ni khác hơn, mỗi palei chỉ có một nghĩa trang duy nhất. Nghĩa trang này tiếng Chăm gọi là Ghur. Người Chăm Bà-ni chôn theo cách địa táng. Người mất trong cùng dòng tộc được chôn sát nhau ở một khu đất riêng nằm chung trong Ghur. Mỗi mộ phần được đánh dấu bằng hai hòn đá nhỏ lấy từ tự nhiên, chỉ sau này người ta mới dùng xi-măng đúc theo hình khối hay hòn đá được mài có tính mĩ thuật hơn.
Nếu Kut của người Chăm Bà-la-môn chỉ cần một sào đất cố định cũng đủ, thì Ghur Chăm Bà-ni mở rộng lớn nhất có thể. Do biến thiên lịch sử, nhiều làng Chăm Bà-ni dời đi xa, khi đó, bà con lập Ghur mới làm nơi chôn cất, còn Ghur cũ coi như xong nhiệm vụ. Thế nhưng không như Kut bên Chăm Bà-la-môn – khi người nữ cuối cùng thuộc dòng tộc đã mất thì Kut bị bỏ hoang hẳn, còn Ghur cũ của người Bà-ni vẫn còn được phụng tự. Mỗi năm người Chăm Bà-ni vẫn còn đi thăm các Ghur này tảo mộ một lần vào dịp đại lễ Ramưwan, là tháng Chín chay tịnh.
Mặc Lâm: Vấn đề hiện nay đang xảy ra đối với người Chăm Bà-ni theo anh có nghiêm trọng hay không nếu xét về việc mất dần những Ghur vì thiếu sự bảo tồn cũng như do việc lấn đất?
Inra Sara: Đây là chuyện nghiêm trọng. Vì đó là tội xâm hại mồ mả tổ tiên, xâm phạm đến đức tin tôn giáo của một bộ phận dân tộc. Chỉ có những Ghur mới, nghĩa là Ghur đang hoạt động, khi có người chết, người ta mới mang thi hài đi chôn. Còn Ghur cũ, mỗi năm người Chăm Bà-ni chỉ tảo mộ một lần, sau đó Ghur bị bỏ lại. Bà con tin đó là khu đất linh thiêng không ai dám động tới. Mà thực sự là xưa nay chưa có vụ xâm phạm nên không ai nghĩ đến rào chắn. Nhưng sự vụ không đơn giản như bà con tưởng! Nhất là với người khác tín ngưỡng, họ đâu có tin. Đối với người khác dân tộc lại càng không tin.
Người Chăm Bà-ni chôn theo cách địa táng. Người mất trong cùng dòng tộc được chôn sát nhau ở một khu đất riêng nằm chung trong Ghur. Mỗi mộ phần được đánh dấu bằng hai hòn đá nhỏ lấy từ tự nhiênInra Sara
Vì Ghur Bà-ni chỉ được đánh dấu bằng những dãy cặp hòn đá khá nhỏ, lâu ngày đất cát vùi lấp dễ mất dấu vết. Từ đó nhiều người thấy đất trống tưởng không có gì, cứ lấn chiếm đất Ghur làm vườn, xây nhà ở. Dĩ nhiên, trong đó có người biết mà vẫn cố ý làm. Nói chi người dân, ngay chính quyền cũng từng làm như thế mà.
Mặc Lâm: Vai trò của chính quyền trong vấn đề này như thế nào, sự lơ là hay tiếp tay của họ có rõ ràng và cụ thể hay không?
Inra Sara: Ở trên tôi nói chính quyền còn làm thế là có chứng cớ. Con đường từ Ninh Chữ xuống Vĩnh Hi chạy băng qua và cắt Ghur Girai Neh làm hai. Tại sao, không ai biết vì sao cả. Ghur này ở trong khu vực thôn Khánh Nhơn, huyện Ninh Hải nằm sát biển, vốn thuộc hạng cổ và đẹp nhất trong các Ghur Chăm. Sau đó, mỗi năm Ghur đều có dấu vết xâm lấn. Thời Pháp cũng không khác mấy, Ghur Kađuk ở Hộ Diêm thuộc xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải bị san phẳng mà không cần thông qua ý kiến bà con Chăm.
Còn chính quyền hiện tại, có hay không việc “lơ là hoặc tiếp tay cho người dân xâm hại” đất Ghur thì chưa ai biết được cụ thể thế nào. Theo tôi, sự thể cũng do lỗi ở người Chăm ỷ y mà ra. Bà con biết có xâm hại, và xâm hại nhiều lần, nhưng không có ai lên tiếng, và lên tiếng tới nơi tới chốn cả. Từ tâm lí mẹ chung không ai khóc dễ đẩy sự vụ đến chỗ nguy hiểm. Đã có vài xung đột lẻ tẻ rồi. Nếu không xử lí kịp thời, e xảy ra sự cố lớn thì khó mà chữa chạy kịp.
Chuyện nhỏ lẻ mang tính tranh chấp địa phương làng xóm qua đó sẽ được đẩy lên hàng mâu thuẫn dân tộc, là điều nhỡn tiền. Các cán bộ là người Chăm ở Tỉnh, Huyện không thấy trước nguy cơ này mới lạ.
Mặc Lâm: Hội đồng chức sắc thôn và trí thức Chăm có được chính quyền công nhận là một thực thể giá trị trong cộng đồng hay không và nếu có sự tiếp tay vận động của họ thì kết quả sẽ ra sao?
Vì Ghur Bà-ni chỉ được đánh dấu bằng những dãy cặp hòn đá khá nhỏ, lâu ngày đất cát vùi lấp dễ mất dấu vết. Từ đó nhiều người thấy đất trống tưởng không có gì, cứ lấn chiếm đất Ghur làm vườn, xây nhà ở. Dĩ nhiên, trong đó có người biết mà vẫn cố ý làm. Nói chi người dân, ngay chính quyền cũng từng làm như thế màInra Sara
Inra Sara: Có, chứ không phải không! Nếu các vị không sợ hãi, sợ cái điều không đáng sợ. Tôi từng nói, nếu các cán bộ địa phương, các trí thức và các vị chức sắc trong làng, vì Ghur Chăm chỉ thuộc phạm vi palei, đứng ra làm, quyết tâm làm, là họ đang giúp Nhà nước ngăn ngừa cái xấu về tương lai. Việc gì phải sợ cơ chứ.
Khi ta dám nói, dám làm; nói cụ thể hơn ở đây là, nếu ta quyết làm cho xong Sổ đỏ, cái Giấy chứng nhận sử dụng đất đó mà, nếu ta đứng lên huy động tiền bạc để rào lại khu đất thuộc sở hữu của ta (như nhiều Kut Chăm Bà-la-môn đã giải quyết như thế, và giải quyết rất ổn thỏa), thì không có cấp chính quyền nào cấm cản ta cả. Còn phần đất bị hộ cá thể nào đó lấn chiếm, ta cứ làm đơn trình. Trong lộ trình đơn thư này, việc chính quyền có “lơ là hoặc tiếp tay cho người dân xâm hại đất Ghur” như anh đặt ra ở trên hay không, thì biết ngay thôi.
Theo tôi, không có chính quyền nào dại dột đi bênh vực cá thể nào đó vi phạm thuần phong mĩ tục một dân tộc cả. Làm thế khác gì đi bao che cái xấu, là bênh vực cá nhân tham lam, mà gây mất lòng cả một tập thể. Còn hơn thế, hành động thế là gây mất đoàn kết dân tộc – điều mà lâu nay Nhà nước Việt Nam rất ngại.
Mặc Lâm: Theo chúng tôi được biết thì giờ này anh đang ở làng Phước Nhơn, điểm nóng diễn ra sự việc mà chúng ta đang bàn đến. Xin anh cho biết công việc đã giải quyết tới đâu rồi, thưa anh?
Inra Sara: Về sự xâm phạm Ghur Chăm Bà-ni, tôi đã nhiều lần đi thực địa, chẳng những ở Ninh Thuận mà cả Bình Thuận. Tháng 7 năm ngoái, tôi có mở cuộc thảo luận về Chuyên đề này trên Inrasara.com, đầu tháng 3 năm nay, tôi mở cuộc thảo luận lần hai. Qua hai cuộc thảo luận, tôi nhận được nhiều phản hồi quý giá.
Còn lúc này, cũng xin báo tin vui với anh, hôm qua Hội đồng Sư cả Bà-ni và vài trí thức Chăm palei Phước Nhơn Pabblap đang có đơn thư lên Thường vụ Tỉnh, cạnh đó họ còn thảo Bức Tâm thư gửi các Mạnh thường quân xin tài trợ để công việc tiến hành sớm. Dĩ nhiên, mấy năm trước, tôi cũng đã nhiều lần nghe bà con làm thế, nhưng rồi chẳng đi tới đâu cả.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten