woensdag 16 april 2014

Trừng phạt kinh tế Nga : nước đổ lá khoai

THỨ BA 15 THÁNG TƯ 2014
Trừng phạt kinh tế Nga : nước đổ lá khoai
Thượng đỉnh G7 tại La Haye. Ảnh ngày 24/04/2014
Thượng đỉnh G7 tại La Haye. Ảnh ngày 24/04/2014
Thanh Hà
Chính sách trừng phạt kinh tế của Âu - Mỹ nhắm vào Nga là một thứ súng bắn nước của trẻ con, chĩa vào một ông võ sĩ hay là thuốc độc thấm từ từ vào mục tiêu như phương Tây mong đợi ? Phong tỏa kinh tế của Nga là một bài toán phức tạp, là con dao hai lưỡi.
Cộng đồng quốc tế đã tạm thời loại Nga ra khỏi nhóm G8. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt Matxcơva thôn tính Crimée, gây bất ổn tại miền đông Ukraina. Tây phương dọa sẽ mạnh tay dùng « vũ khí kinh tế » buộc chính quyền Putin làm dịu tình hình Ukraina.
Trước mắt « vũ khí kinh tế » của Tây phương không làm chủ nhân điện Kremli chùn bước. Nga thản nhiên trước chuyện bị gạt khỏi G8 và thượng đỉnh Sotchi dự trù tổ chức vào tháng 6/2014 đã bị 7 cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới tẩy chay. Đầu tư nước ngoài vào Nga đã ồ ạt rút đi, chỉ số chứng khoán trên thị trường Matxcơva trượt giá, đồng rúp mất đến 20 % trị giá so với đô la trong ba tháng đầu năm 2014.
G8 : « bù nhìn » trong mắt Matxcơva
Bên lề Hội nghị an toàn hạt nhân La Haye hồi tháng 3/2014, lãnh đạo nhóm G7, gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản đã thông báo tạm thời khai trừ Nga ra khỏi câu lạc bộ khép kín này. Quyết định tẩy chay thượng đỉnh G8 tuy đã làm tổng thống Putin mất mặt nhưng theo phân tích của giám đốc Viện Nghiên cứu về tình hình Châu Âu của Nga, Alexei Khouznetsov, tham gia G8 không phải là « sự sống còn » đối với nước Nga, với kinh tế Nga. Bởi vì trên thực tế, tại các cuộc họp thượng đỉnh lãnh đạo G8 chỉ thảo luận về những vấn đề nghiêm trọng của thế giới nhưng đây không phải là những cuộc họp mà ở đó 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới và Nga cùng đưa ra những quyết định quan trọng để giải quyết những vấn đề hay những khó khăn đó.
Chuyên gia này đưa ra bằng chứng cụ thể là ngay từ thượng đỉnh G8 đầu tiên năm 1998 tới nay, nhóm G7 + Nga chưa bao giờ thực hiện được những mục tiêu đề ra trong chương trình các cuộc họp. Về phần giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Chiến lược thuộc Viện Khoa học Hàn lâm Nga, Serguei Outkine cũng cho rằng G8 ngày nay không còn có trọng lượng. Ngay từ năm 2011 giới phân tích đã bắt nói tới khả năng thay thế G8 bằng G20. Do vậy ưu tiên của Matxcơva là G20 chứ không phải là G8.
Luận điểm này như vừa được phía Úc củng cố thêm khi Canberra loại trừ khả năng tổ chức thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2014 tại Brisbane mà không có sự tham dự của Nga. Kịch bản thượng đỉnh G19 sẽ không xảy tới.
Theo nhà nghiên cứu Philippe Moreau Defarge thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, G8 là « đứa con của một thời kỳ đã đi qua ». Thực tế cho thấy là nhóm G7 ngày nay không thể vận hành tốt mà không cần đến 13 thành viên còn lại của G20. Về phần mình, bà Isabelle Facon thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, Fondation pour la Recherche Stratégique cho rằng, loại Nga ra khỏi câu lạc bộ G8 trước hết là một biện pháp mang tính biểu tượng nhưng về thực chất thì không có tác động tiêu cực nào đối với nền kinh tế của Nga, đồng thời đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sự bất lực của Âu - Mỹ trước một nhà võ sĩ đầy tự tin như chủ nhân điệm Kremli :
« Tôi nghĩ là biện pháp này không đủ mạnh để tổng thống Putin lùi bước trên hồ sơ Ukraina, hay Crimée. Dù sao đi chăng nữa, biện pháp trừng phạt đó không thấm vào đâu so với những gì đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraina. Tuy nhiên đối với các nước phương Tây thì đây là một quyết định quan trọng và mang nhiều ý nghĩa bởi vì cộng đồng quốc tế, qua việc loại Nga ra khỏi nhóm G8 cho thấy Matxcơva đã đi ngược lại với tinh thần của nhóm này.
Trước mắt Nga không xứng đáng để tiếp tục là thành viên G8. Ngoài ra đối với Âu - Mỹ, đây cũng là một biện pháp mạnh bởi vì về mặt chính thức thì phương Tây chưa thực sự có những biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nước Nga ».
Chuyên gia Facon thuộc Fondation pour la Recherche Stratégique giải thích thêm vì sao Nga không bị loại trừ vĩnh viễn khỏi G8 :
« Đơn giản là vì nhiều nước Âu châu quan niệm rằng không nên đóng tất cả mọi cánh cửa đối với Nga mà nên duy trì một số kênh đối thoại. Tẩy chay thượng đỉnh G8 ở Sotchi là hành vi cảnh cáo. Do vậy vĩnh viễn loại trừ Matxcơva ra khỏi câu lạc bộ 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới + Nga không hẳn là giải pháp tối ưu.
Trong thông cáo chung kết thúc hội nghị La Haye vừa qua, nhóm G7 cũng đã nêu ra nhiều điều kiện để Nga có thể quay trở lại G8. Tôi cũng xin lưu ý là quốc tế không hề đòi Nga trả lại Crimée cho Ukraina mà chỉ nói tới khả năng Matxcơva hội nhập lại nhóm G8 nếu Nga không gây hấn thêm, không làm nẫu nát thêm tình hình ở Ukraina. Cả Bruxelles lẫn Washington đều thừa biết là Ukraina đã mất đứt vùng Crimée. Nhưng tất cả mọi người đều ý thức được là sẽ không thể nào giải quyết êm thắm vấn đề Ukraina mà không có tiếng nói của Nga ».
Trừng phạt kinh tế : từ lời nói tới hành động
Trở lại với câu hỏi chính đó là Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đã có những biện pháp trừng phạt nào đối với Nga ? Tác động của chúng đối với kinh tế của Nga với Âu-Mỹ ra sao và vì sao cả Bruxelles lẫn Washington đều vẫn còn rất rón rén khi sử dụng vũ khí kinh tế để trừng phạt Matxcơva ?
28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong phiên họp cấp bộ trưởng Ngoại giao hôm 14/04/2014 dọa siết chặt thêm nữa chính sách trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga trong trường hợp đàm phán tay tư về khủng hoảng Ukraina tại Genève trong tuần này thất bại.
Hiện tại Mỹ và châu Âu giới hạn việc cấp visa nhập cảnh, phong tỏa tài sản của một số quan chức Nga (dân biểu và giới quân đội) và Ukraina thân Nga. Có điều, không một người nào trong số 21 nhân vật trong danh sách đen của Liên Hiệp Châu Âu là những cộng tác viên trực tiếp của ông Putin và Bruxelles cũng không nhắm tới lãnh đạo hai tập đoàn dầu khí, Gazprom Rosneft của Nga. Gazprom được coi là cái hầu bao của cả nước Nga, bảo đảm đến ¼ thu nhập của nhà nước.
Tây phương dọa trừng phạt kinh tế và thương mại nước Nga thì nhiều nhưng các biện pháp cụ thể thì vẫn chưa thấy đâu. Giám đốc Quỹ Nghiên cứu về Chiến lược Camille Grand không ngạc nhiên khi thấy Matxcơva vẫn bình chân như vại trước những lời hăm dọa của Mỹ và Châu Âu. Đành rằng kế hoạch của ông Putin muốn xích lại gần với Châu Âu để hiện đại hóa bộ mặt kinh tế, công nghiệp của nước Nga tạm thời bị chựng lại, nhưng Putin đang ấp ủ những tham vọng khác cho nước Nga.
Trong bài xã luận trên tờ Washington Post số đề ngày 19/02/2014, George Will đã ghi nhận « Nước Nga tuy có một đội quân hùng mạnh nhất Châu Âu nhưng về phương diện kinh tế, đây hãy còn là quốc gia thuộc thế giới thứ ba », sống chủ yếu nhờ vào xuất khẩu tài nguyên và nhiên liệu. 50 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga được đổ vào thị trường Châu Âu. Hà Lan, Đức là những đối tác thương mại quan trọng nhất của Matxcơva trong Liên Hiệp Châu Âu do vậy Bruxelles có vũ khí để mặc cả với Nga.
Hiềm nỗi, biện pháp trừng phạt kinh tế luôn là con dao hai lưỡi mà những tác động đầu tiên sẽ ảnh hưởng tới các tập đoàn sản xuất vũ khí của Tây Âu, đứng đầu là Pháp, Đức...
Nước Anh và Nga thì có mối quan hệ mật thiết về tài chính, Đức thì phụ thuộc vào dầu khí của Gazprom, Rosneft.
Các doanh nghiệp Pháp trong năm 2013 đã xuất khẩu gần 8 tỷ euro sang Nga ; 1200 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại một đất nước do Putin ngự trị ; ngành ngân hàng Pháp đang nắm trong tay hơn 36 tỷ tín dụng của các tập đoàn Nga. Paris chắc chắn phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định trừng phạt nước Nga.
Tóm lại vì những quyền lợi kinh tế riêng của từng nước, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đều không mặn mà với viễn cảnh phong tỏa kinh tế nước Nga. Chuyên gia Isabelle Facon thuộc Quỹ Nghiên cứu về Chiến lược phân tích thêm :
« Thực ra mà nói cho đến nay tất cả mọi quốc gia đều đang tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi tài chính, kinh tế của mình trước một đối tác có trọng lượng như Nga hơn là vào việc thẳng tay trừng phạt kinh tế chính quyền Matxcơva vì Ukraina. Hơn nữa như vừa nói, trên sân khấu ngoại giao, không ai muốn đóng chặt cửa với Nga. Cả hai mục tiêu duy trì đối thoại và bảo vệ các quyền lợi kinh tế giải thích vì sao tới nay, phương Tây run tay – hay nói đúng hơn là đã nhẹ tay - khi phải trừng phạt Matxcơva.
Vả lại, trong thế giới mở rộng và toàn cầu hóa như ngày nay, trừng phạt kinh tế Nga sẽ bất lợi cho cả đôi bên, chứ không chỉ riêng gì đối với bản thân Liên bang Nga. Đừng quên rằng, Nga và Châu Âu có những mối quan hệ khá chặt chẽ trong đủ mọi lĩnh vực, từ tài chính, thương mại, đầu tư, đến năng lượng … Trong bối cảnh kinh tế Châu Âu đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, đương nhiên Bruxelles phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định trừng phạt Nga ».
Trên thực tế, Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ đều có khả năng dùng đòn kinh tế để gây áp lực với Matxcơva nhưng cả Bruxelles lẫn Washington đều muốn tranh gây thù oán với cựu trùm KGB, Vladimir Putin.
Kinh tế Nga đang trong giai đoạn đầy sóng gió : tăng trưởng trong năm 2013 rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 (1,4 %) và đây là thành tích kém cỏi nhất trong số các nền kinh tế đang trỗi dậy.
Trong tháng 3/201 chứng khoán Matxcơva trượt giá không phanh. Đơn vị tiền tệ của Nga rơi xuống thấp kỷ lục so với đồng euro. Ngân hàng Trung ương phải vừa bơm tiền vào các hoạt động kinh tế vừa tăng lãi suất chỉ đạo đang từ 5,5 % lên thành 7 % để hãm bớt hiện tượng chảy máu tư bản và đà ‘rơi tự do’ của đồng rúp. Bà Facon không phủ nhận những tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nước Nga nhưng không quên nhấn mạnh rằng, trong cuộc đọ sức trên bàn cờ kinh tế thì Matxcơva đang có một lá chủ bài then chốt trong tay : dầu hỏa và khí đốt.
« Điều rõ rệt nhất được ghi nhận tới nay là kể từ đầu khủng hoảng Ukraina, vốn đầu tư vào Nga đã bị ồ át rút ra khỏi đất nước của ông Putin, đặc biệt là trong ba tháng đầu năm 2014. Nhiều dự án đầu tư của Châu Âu và thậm chí là của các nước Châu Á vào Nga cũng đã bị đình chỉ. Một tác động khác là các dự án chuyển giao công nghệ của Châu Âu cho các tập đoàn của Nga cũng sẽ được xét lại rất kỹ.
Đương nhiên trong trung và dài hạn, kinh tế Nga sẽ gặp khó khăn nếu như phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế - nhất là như đã biết, kinh tế Nga đang gặp khó khăn từ hai năm qua. Nhưng tôi nghĩ là phương Tây, chính là châu Âu cũng sẽ bị thiệt hại nhiều trong vụ này chứ không chỉ một mình nước Nga ».
Một câu hỏi rất thực tế là liệu Liên Hiệp Châu Âu ở vào thời điểm này sẽ xoay sở ra sao nếu Matxcơva ngừng cung cấp khí đốt và dầu hỏa cho 28 thành viên trong khối ? Tăng trưởng của khu vực đồng euro đã èo uột -đôi khi mấp mé 0 % - thử hỏi, khối này có thể đương đầu được với thực tế khi mà giá dầu khí trên thế giới đột nhiên tăng vọt lên khoảng từ 120 đến 150 đôla/thùng như ở vào thời điểm những năm 2008 hay không ?
Trong lĩnh vực tài chính, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Châu Âu vào Nga là 190 tỷ euro, thêm vào đó là khoảng 90 tỷ công trái phiếu và cổ phiếu của các tập đoàn Nga đang trong tay các nhà đầu tư Châu Âu. Điều gì sẽ xảy tới và ai sẽ lâm vào cảnh « dở khóc dở cười » nếu như Matxcơva quyết định « phong tỏa » vốn của Châu Âu trên lãnh thổ Nga ?
Liên Hiệp Châu Âu vì những ràng buộc kinh tế, tài chính, năng lượng, đang lúng túng trước một nước Nga đang rất tự tin vào những nước cờ mình đang đi. Do vậy dù cứng giọng với Matxcơva nhưng thực lòng Bruxelles vẫn mong Nga biết điều nhượng bộ một chút để giải quyết khủng hoảng Ukraina mà không bên nào mất mặt.
Còn về phía Hoa Kỳ, kinh tế không phải là động lực khiến Washington đã nhẹ tay trừng phạt Matxcơva. Thị trường Mỹ tiêu thụ 4 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Dù vậy chính quyền Obama đã phải nương nhẹ ông Putin vì những lý do địa chính trị : lính Mỹ từ Afghanistan trở về phải đi qua lãnh thổ của Nga. Hơn nữa Washington cần có tiếng nói của Matxcơva để giải quyết các hồ sơ nóng bỏng như hạt nhân Iran hay khủng hoảng Syria và nguyên tử Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó, cả Mỹ lẫn Châu Âu cùng tỏ thái độ cứng rắn với Nga những đó chỉ là những đòn « giơ cao đánh khẽ ». Cựu trùm KGB Putin thừa biết điều này.

 TỪ KHÓA : KINH TẾ - NGA - QUỐC TẾ - TẠP CHÍ - UKRAINA
http://www.viet.rfi.fr/kinh-te/20140415-trung-phat-kinh-te-nga-nuoc-do-la-khoai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten