vrijdag 4 april 2014

Phá sản chính sách kêu gọi Việt kiều 'giữ quốc tịch Việt Nam'

Phá sản chính sách kêu gọi Việt kiều 'giữ quốc tịch Việt Nam' 
Monday, March 31, 2014 5:41:23 PM 



Bài liên quan


Cứ 1,000 người mới có 1.3 người 'đăng ký' 


WESTMINSTER (NV) - “Nếu chính quyền Việt Nam coi người Mỹ gốc Việt vẫn đang là công dân Việt Nam thì chả cần phải buộc họ làm đơn xin giữ quốc tịch Việt Nam như họ vẫn hành xử từ trước tới nay.”

Ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành cơ quan CISS chuyên về di dân và tị nạn tại Houston, Texas, bình luận như vậy với báo Người Việt, về quy định của Bộ Tư Pháp Việt Nam là “ngày 1 tháng 7, 2014 là hạn chót để người Việt hải ngoại đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.”


Cô Phương Hà (trái), một người nhập cư từ Việt Nam, tuyên thệ nhập quốc tịch Hoa Kỳ trong buổi lễ tổ chức tại Fairfax, Virginia, hôm 3, Tháng Bảy, 2013. Trên nguyên tắc, khi một người tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ là đã xin từ bỏ quốc tịch gốc. (Hình: Getty Images)

Cách đây 5 năm, Bộ Tư Pháp Việt Nam ban hành “Luật Quốc Tịch Việt Nam” có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2009. Theo luật này, người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài “chưa mất quốc tịch Việt Nam phải ‘đăng ký’ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nơi định cư để giữ quốc tịch gốc. Thời hạn đăng ký sẽ kéo dài 5 năm.”

Tuy nhiên, báo Tiền Phong hôm 30 Tháng Ba, dẫn phúc trình của “Cơ Quan Ðại Diện Người Việt Nam Ở Nước Ngoài” cho hay, tính đến đầu năm 2014, chỉ mới có khoảng 6,000 người Việt Nam ở hải ngoại ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam.

So với con số xấp xỉ 4.5 triệu người Việt định cư ở ngoại quốc, tỉ lệ người Việt Nam ghi danh giữ quốc tịch “mẹ” chỉ vào khoảng 0.13%. Tức là, cứ 1,000 người thì chỉ có 1.3 người ‘đăng ký.”

Phúc trình này không công bố con số rõ ràng, chỉ cho biết rằng, người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ và Úc ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam chiếm một tỉ lệ rất thấp.

Nếu con số này tiếp tục đứng yên vào sau ngày 1 tháng 7, 2014, có nghĩa là hơn 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại giữ thái độ “từ chối quốc tịch Việt Nam.”

Khoản 2 Ðiều 13, “Luật Quốc Tịch Việt Nam năm 2008 và nghị định hướng dẫn nói rằng, ngày 1 tháng 7, 2014 là hạn chót để người Việt hải ngoại ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam. Sau ngày này, người nào không ghi danh có nghĩa là sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam.”
* Phá sản
“Luật Quốc Tịch Việt Nam” được ban hành năm 2008 được cho là đã “nới rộng cho người Việt ở hải ngoại được giữ lại quốc tịch Việt Nam,” trong trường hợp không từ bỏ, hoặc không bị tước quốc tịch.

Nhưng phúc trình của Cơ Quan Ðại Diện Người Việt Nam ở hải ngoại thú nhận rằng, trong suốt 5 năm qua, số người ghi danh giữ quốc tịch quá ít ỏi. Nhiều người cho biết, không tha thiết đến việc ghi danh vì tờ giấy này chỉ có ý nghĩa như để “giữ chỗ,” để không bị mất quốc tịch Việt Nam sau ngày 1 tháng 7, 2014.

Có người cho rằng tờ giấy đó không có giá trị về mặt pháp lý, lại càng không phải là căn cứ để đương sự có thể xin cấp phát các giấy tờ khác như sổ thông hành, chiếu khán hoặc giấy miễn thị thực.

Báo Tiền Phong cũng cho hay, rất nhiều tổ chức pháp lý như Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Việt Nam cho rằng, việc buộc người Việt hải ngoại phải ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam là không thực tế.

Các tổ chức này yêu cầu Bộ Tư Pháp gấp rút hủy bỏ điều khoản này trong Luật Quốc Tịch sửa đổi để kịp thông qua tại cuộc họp Quốc Hội Việt Nam vào tháng 5 tới đây.

Theo báo Tiền Phong, Bộ Tư pháp Việt Nam đến nay vẫn không tán đồng lời đề nghị trên, và cho rằng Việt Nam cần “vận động công dân mình tôn vinh quốc tịch Việt Nam.”

Theo lập luận của Bộ Tư Pháp, người Việt Nam ở hải ngoại không ghi danh giữ, có nghĩa là mặc nhiên bị mất quốc tịch Việt Nam kể từ sau ngày 1 tháng 7 tới.
* Giữ lại quốc tịch Việt Nam thì được lợi gì?
Ðó là câu hỏi của ông Hà Ngọc Cư, Giám đốc điều hành cơ quan CISS chuyên về di dân và tị nạn tại Houston, Texas, đặt ra, khi trả lời phóng viên Người Việt về việc tại sao phải "đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam."

Theo ông Hà Ngọc Cư, vấn đề song tịch thay đổi theo luật lệ của từng quốc gia. Một số quốc gia như Pháp, Mexico, Ba Lan, Nga, Thụy Sĩ, Canada, Anh quốc,... cho phép công dân giữ quốc tịch của họ khi nhập quốc tịch mới.

Một số quốc gia khác quy định rằng nếu công dân nhập quốc tịch một quốc gia khác thì đương nhiên mất quốc tịch của họ như Áo, Úc, Tây Ban Nha, Thụy Ðiển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hòa Lan, Philippines, Trung Quốc...

Ðối với Hoa Kỳ, thì “dù có đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam hay không thì trên nguyên tắc, khi tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ là ta đã xin từ bỏ quốc tịch gốc.”

“Luật pháp Hoa Kỳ không công nhận song tịch nhưng cũng không cấm ta giữ song tịch vì việc cho người Việt Nam giữ quốc tịch Việt Nam hay không là do luật pháp của Việt Nam. Luật pháp Hoa Kỳ không có quyền hạn gì đối với luật của các nước khác.”

Mặt khác, theo ông Hà Ngọc Cư, “Công dân Hoa Kỳ khi nhập quốc tịch khác vẫn không mất quốc tịch Mỹ. Vì công dân Mỹ chỉ mất quốc tịch Mỹ khi tuyên thệ trước Bộ Ngoại Giao hay Sứ Quán là tự nguyện bỏ quốc tịch Mỹ.”

Và rằng, “Nếu chính quyền Việt Nam coi người Mỹ gốc Việt vẫn đang là công dân Việt Nam thì chả cần phải buộc họ làm đơn xin giữ quốc tịch Việt Nam như họ vẫn hành xử từ trước tới nay.”

Câu hỏi ở đây là, phải chăng phía chính quyền Việt Nam muốn giương ra một “cái bẫy.” Vì thế, nếu muốn “đăng ký” giữ quốc tịch Việt Nam thì hãy suy nghĩ cẩn thận bằng việc trả lời câu hỏi, nếu muốn giữ lại quốc tịch Việt Nam thì được cái lợi gì? (KN-PL)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=185563&zoneid=3#.Uz8o_ah_vD4

'Giữ quốc tịch Việt Nam' - Lợi và hại? 
Thursday, April 03, 2014 12:35:27 PM 



Bài liên quan


Hà Ngọc Cư/Người Việt

Lời Tòa Soạn: Bài viết dưới đây của ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành văn phòng CISS chuyên về di dân và tị nạn tại Houston, tiểu bang Texas, bàn về quy định của Bộ Tư Pháp Việt Nam là “ngày 1 tháng 7, 2014 là hạn chót để người Việt hải ngoại đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.” Người Việt Online trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Nguyên Ðỗ, 9 tuổi, và em gái trong buổi lễ nhập quốc tịch Hoa Kỳ tại Houston, Texas, năm 2008. Trên nguyên tắc, khi tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ là đã xin từ bỏ quốc tịch gốc. (Hình: KN/Người Việt)

***

Năm 2008, Việt Nam ban hành luật Quốc Tịch mới, trong đó Khoản 2, điều 13 liên quan đến “Việt kiều.” Mặc dầu Việt Nam gọi người Việt sống ở nước ngoài là “Việt kiều” là điều không hợp lý nhưng chúng tôi dùng tạm danh từ này cho “thuận tiện.”
Khoản 2, Ðiều 13 đại ý: “Người Việt định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật có hiệu lực (01/7/2014) thì phải đăng ký giữ quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm (từ 01/9/2008 đến 01/7/2014). Nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch sau ngày 1 tháng 7, 2014.”
Hiện có khoảng trên 4 triệu “Việt kiều” sống ngoài nước Việt Nam nhưng theo thống kê của các cơ quan đại diện cho VN ở nước ngoài thì cho đến nay chỉ có 6,000 người đăng ký giữ quốc tịch VN, một con số rất “khiêm tốn” và là một bằng chứng rằng không mấy ai mặn mà với “Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.”
Dưới đây là một số thắc mắc chung về cái gọi là “đăng ký giữ lại quốc tịch Việt Nam.”
Hỏi: Tại sao trước đây chính quyền Việt Nam vẫn coi người Việt nhập quốc tịch khác vẫn còn là công dân Việt Nam mà bây giờ lại buộc người ta phải xin lại quốc tịch Việt Nam nếu không coi như bị mất quốc tịch gốc?
Ðáp: Vì luật Quốc Tịch mới của Việt Nam chỉ công nhận một quốc tịch nghĩa là không chấp nhận tình trạng song tịch.
Hỏi: Nếu tôi xin lại quốc tịch Việt Nam thì tôi có mất quốc tịch của nước khác không?
Ðáp: Tùy theo luật của quốc gia mà bạn xin quốc tịch. Nếu bạn mang quốc tịch Bỉ, Trung Quốc, Ðan Mạch, Phần Lan, Ðức, Nhật, Úc và một số quốc gia khác thì khi nhập quốc tịch của một nước khác là bạn mất quốc tịch của nước này. Nhưng nếu bạn mang quốc tịch của các nước Anh, Pháp, Canada, Hoa Kỳ, Ba Lan, Nga, Thụy Sĩ, Thái Lan và một số nước khác thì bạn không bị mất quốc tịch của nước này.
Hỏi: Như vậy là Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Canada... công nhận song tịch, phải không?
Ðáp: Xin trả lời riêng về Hoa Kỳ. Hiến Pháp và luật pháp Hoa Kỳ không công nhận song tịch mà cũng không cấm song tịch. Song tịch là 'vùng xám' của luật quốc tịch vì luật lệ mỗi nước một khác. Khi bạn giơ tay tuyên thệ bỏ quốc tịch Việt Nam để nhập tịch Mỹ thì đối với Hoa Kỳ bạn chỉ có quốc tịch Mỹ. Nhưng chính quyền Việt Nam nói rằng bạn chưa làm đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam nên bạn vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Hoa Kỳ không có quyền hạn gì đối với luật pháp của Việt Nam để bắt chính quyền Việt Nam công nhận bạn là công dân duy nhất của Hoa Kỳ.
Hỏi: Vậy theo luật Quốc Tịch mới của Việt Nam thì sau ngày 1/7/2014 mà tôi không đăng ký giữ lại quốc tịch Việt Nam thì tôi không còn là công dân Việt Nam nữa, đúng không?
Ðáp: Ðúng 100 phần trăm.
Hỏi: Nếu muốn xin giữ quốc tịch Việt Nam thì tôi phải làm sao?
Ðáp: Xin hỏi tòa Ðại Sứ hoặc các Lãnh Sự Quán Việt Nam nơi bạn ở.
Hỏi: Nếu tôi xin lại quốc tịch Việt Nam mà chính quyền Việt Nam buộc phải tuyên thệ từ bỏ quốc tịch cũ thì tôi có mất quốc tịch nước khác không?
Ðáp: Chỉ xin trả lời riêng cho trường hợp bạn đang có quốc tịch Mỹ. Ðiều khoản 349 INA của luật Quốc Tịch Mỹ chỉ ra rằng:
“Công dân Hoa Kỳ có thể mất quốc tịch Mỹ nếu nhập quốc tịch khác hoặc tuyên thệ trung thành với nước khác.”
Nhưng, ngày 16 tháng 4 năm 1990, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng, “Công dân Hoa Kỳ vẫn còn ý định giữ quốc tịch Hoa Kỳ (nghĩa là không xin từ bỏ quốc tịch Mỹ) mặc dầu người đó nhập quốc tịch hoặc tuyên thệ trung thành với nước khác.” Như vậy chỉ khi nào bạn làm đơn và tuyên thệ xin từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ tại Bộ Ngoại Giao hay Sứ Quán Mỹ thì bạn mới mất quốc tịch Mỹ. Nhưng, xin nhớ rằng trên đây chỉ là huấn thị của Bộ Ngoại Giao chứ không phải là điều khoản luật do Quốc Hội thông qua và được tổng thống ban hành mặc dù huấn thị đã thi hành được 24 năm. Huấn thị này có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Vậy trước khi xin giữ lại quốc tịch Việt Nam xin hãy cân nhắc lợi hại thật kỹ.
Hỏi: Có lại quốc tịch Việt Nam thì tôi được những lợi lộc gì?
Ðáp: Thì bạn được cấp passport Việt Nam, được ở Việt Nam lâu dài, được làm nghĩa vụ quân sự, được tậu nhà, được vào Ðảng... nhưng không được bầu cử, chứ đừng nói đến ứng cử, vì không có hộ khẩu thường trú không qua hiệp thương của Ðảng, vân vân và vân vân. Tóm lại bạn được gánh vác rất nhiều nghĩa vụ.
Hỏi: Tôi có quốc tịch Mỹ, con tôi sinh ra ở Việt Nam thì nó có song tịch không?
Ðáp: Theo luật quốc tịch Mỹ thì con của công dân Mỹ ra đời trên bất cứ nước nào cũng có quốc tịch Mỹ theo nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis) của luật Quốc Tịch Mỹ, nhưng vì ra đời trên lãnh thổ Việt Nam nên cũng có quốc tịch Việt Nam. Như vậy đứa trẻ ra đời đã là song tịch. Chả hiểu chính quyền Việt Nam có công nhận tình trạng song tịch của nó hay không.
Hỏi: Ðứa nhỏ ra đời trên đất Mỹ nhưng bố mẹ đều là công dân Việt Nam thì đứa nhỏ có song tịch không?
Ðáp: Vì ra đời trên lãnh thổ Hoa Kỳ nên nó có quốc tịch Mỹ theo nguyên tắc lãnh thổ (jus soli) của luật Quốc Tịch Mỹ. Theo luật Quốc Tịch Việt Nam thì nếu cả bố lẫn mẹ đều là công dân Việt Nam thì đứa nhỏ sinh ra ở đâu cũng có quốc tịch Việt Nam. Cho nên Việt Nam buộc phải công nhận tính song tịch của nó.
Hỏi: Tôi có quốc tịch Mỹ rồi, nếu tôi xin lại được quốc tịch Việt Nam thì khi về Việt Nam sống lâu dài tôi có bị chính quyền Việt Nam coi là mất quốc tịch Mỹ không?
Ðáp: Có trời mới biết được! Nhưng quốc tịch Mỹ của bạn là do chính phủ Hoa Kỳ cấp. Chính quyền Việt Nam làm gì có quyền tước đoạt quốc tịch Mỹ của bạn. Nhưng ở Việt Nam chuyện gì cũng có thể xẩy ra.
Hỏi: Tôi có hai passport, môt passport Mỹ, một passport Viêt Nam. Vậy khi về Việt Nam tôi nên dùng passport nào.
Ðáp: Khi vào Việt Nam thì dĩ nhiên bạn phải xuất trình passport Việt Nam. Nhưng khi về lại Mỹ thì bạn phải xuất trình passport Mỹ. Nhưng nếu nhân viên CBP ở cửa khẩu thấy bạn có hai passport như vậy thì bạn có thể gặp rắc rối.
Hỏi: Nếu xin lại quốc tịch Việt Nam mà họ buộc phải trung thành với nhà nước Việt Nam mà trước đây tôi đà tuyên thệ trung thành với Hoa Kỳ rồi thì có gì sai quấy không?
Ðáp: Sai quấy về pháp luật thì có thể không nhưng về mặt đạo đức thì hành động như vậy là mình đã không tôn trọng lời tuyên hứa của mình.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=185704&zoneid=3#.Uz8mvqh_vD4

Geen opmerkingen:

Een reactie posten