vrijdag 4 april 2014

Nhóm GIEC (biến đổi khí hậu) chỉnh lại dự báo về mức tan băng Himalaya

Thứ năm 03 Tháng Tư 2014

Nhóm GIEC chỉnh lại dự báo về mức tan bang Himalaya

Dãy Hy Mã Lạp Sơn nhìn từ trạm không gian quốc tế, cùng với cao nguyên Tây Tạng.
Dãy Hy Mã Lạp Sơn nhìn từ trạm không gian quốc tế, cùng với cao nguyên Tây Tạng.
(Photo : NASA)

Trọng Thành
GIEC - Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu - là một tổ chức khoa học rất có uy tín. Tuy nhiên, năm 2007 GIEC từng đưa ra một dự báo sai nghiêm trọng về khả năng băng trên dãy Himalaya sẽ tan hoàn toàn vào năm 2035. Theo AFP ngày 31/03/2014, trong báo cáo mới đây, GIEC đã đưa ra dự báo mới thận trọng hơn rất nhiều, theo đó, Himalaya sẽ mất đến 45% lượng băng từ đây đến năm 2100, nếu nhiệt độ nóng lên ở mức trung bình.


Cuối tháng 3/2014, GIEC vừa đưa ra các cảnh báo về những tác động vô cùng nghiêm trọng của việc trái đất nóng lên đối với nhân loại. Trong báo cáo này, GIEC cho hay so với năm 2006, băng Himalaya sẽ mất 45%, nếu nhiệt độ tăng khoảng 2,5°C và mất đến 68%, nếu không có nỗ lực nào để giới hạn việc trái đất bị hâm nóng.
Lãnh đạo GIEC, ông Rajendra Pachauri, thừa nhận « sai lầm đáng tiếc » này trong bản báo cáo thứ tư của GIEC, báo cáo đã mang lại cho nhóm chuyên gia này giải Nobel hòa bình cùng với Phó tổng thống Mỹ Al Gore. Lãnh đạo GIEC đã nhiều lần bị chỉ trích và bị kêu gọi từ chức về một số sai lầm, trong đó có dự đoán sai về mức tan băng ở Himalaya nói trên.
Các chuyên gia GIEC công nhận « các dự báo nói trên đáng tin cậy hơn đánh giá sai lầm trước đó về việc băng sẽ biến mất hoàn toàn ở Himalaya trước năm 2035 ».
Trong báo cáo 2007, còn có một sai lầm khác, được phe chỉ trích (có quan điểm nghi ngờ việc hoạt động của con người tác động mạnh đến biến đổi khí hậu) triệt để khai thác. Đó là nhận định 55% diện tích Hà Lan nằm dưới mặt biển thay vì 26%. Sai lầm này được GIEC thừa nhận năm 2010. Cũng năm này, một cuộc điều tra của một nhóm các nhà khoa học, đến từ 15 quốc gia, được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thúc đẩy, khẳng định các sai lầm nói trên của GIEC không làm mất đi mức độ tin cậy nói chung của các nhận định của GIEC.
Tuy nhiên, GIEC cũng được khuyến cáo cần « tăng cường các phương pháp làm việc để đáp ứng đòi hỏi đánh giá được những biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp hơn ».
GIEC, định chế chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc, có vai trò khai thác hàng ngàn vạn ấn bản khoa học đã có, để thẩm định những hiểu biết mới nhất, nhằm cung cấp cho các nhà lãnh đạo chính trị một nhận thức tổng hợp về biến đổi khí hậu. Định chế GIEC không có trách nhiệm tiến hành các nghiên cứu mới, cũng như cung cấp các tư vấn.
Báo cáo thứ 4 năm 2007 của GIEC được sử dụng làm cơ sở cho các đàm phán tại thượng đỉnh khí hậu 2009 (Copenhagen). Báo cáo thứ 5 của GIEC, mang tên « Biến đổi khí hậu 2014 : các tác động, thích nghi và mức độ tổn thương », gồm ba phần, mà phần ba, tức phần cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 4 này. Báo cáo đầy đủ nhất trong lĩnh vực biến đổi khí hậu này là kết quả của một lao động khổng lồ dựa trên cơ sở phân tích 12.000 ấn phẩm khoa học.
Dựa trên báo cáo của GIEC, cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh 2015 tại Paris một thỏa thuận về các chế tài để giới hạn mức độ nhiệt độ tăng của Trái Đất ở mức 2°C, nếu không các thảm họa thiên nhiên vô cùng khủng khiếp sẽ xẩy ra.
tags: Himalaya - Khí hậu - Môi trường - Quốc tế - Theo dòng thời sự

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140403-nhom-giec-chinh-lai-du-bao-ve-muc-tan-bang-himalaya

Geen opmerkingen:

Een reactie posten