Viện trợ nhân đạo tại Philippines là một nghệ thuật ngoại giao
Cơn bão Haiyan đã đi qua và tàn phá nặng nề đất nước Philippines. Các tuần báo tập trung bàn luận về đề tài này dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Tờ Courrier international trích dẫn bài viết trên tờ The New Yord Times đề tựa: “Philippines: Viện trợ nhân đạo là cả một chính sách ngoại giao”.
Trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản lại nhanh chóng gửi phương tiện, tàu bè đến giúp Philippines khi cơn bão Haiyan công phá nước này thì Trung Quốc lại thể hiện bần tiện với đất nước láng giềng vốn đang có tranh chấp lãnh thổ với mình. Do đó, tạp chí nhận định rằng, đây là một sai lầm chiến lược mà Trung Quốc khó mà lấy lại được.
Cộng đồng quốc tế đã thể hiện một tinh thần tương thân tương ái khi nhanh chóng huy động người và của đến cứu trợ nạn nhân cơn bão Haiyan hiện đang trong cảnh đói khát, màn trời chiếu đất. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh Quốc hỗ trợ nhiều nhất. Trung Quốc luôn phô trương thế lực trong khu vực và tranh giành ảnh hưởng với các nước phương Tây, nhưng qua việc ky bo với Philippines, Trung Quốc đã đánh mất cơ hội áp đặt quyền lực mềm tại khu vực.
Tờ The New York Times nhận định : Trung Quốc tỏ ra hào phóng với các nước được xem là bàn bè thâm giao. Ví dụ như Trung Quốc là chủ cho vay hàng đầu của Châu Phi, đã cứu trợ Pakistan qua cuộc động đất xảy ra hồi tháng Chín vừa qua và còn tỏ ra rộng rãi hơn với các láng giềng Châu Á khác. Thế nhưng, đối với Philippines thì khác, đất nước được coi là kẻ thù số một của Trung Quốc vì đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và nước này còn đưa hồ sơ tranh chấp lên tòa án trọng tài quốc tế. Mối quan hệ hai nước còn xấu hơn khi Manila vừa thông báo cách đây vài tháng rằng Nhật Bản tặng cho Philippines 10 tàu tuần tra. Philippines cũng cho biết sẽ ủng hộ dự án của Tokyo nhằm củng cố quan hệ quân sự với các nước trong khu vực. Hơn nữa, Manila cũng đang thương thuyết với Washington nhằm cho phép một lượng lớn binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú trên đất mình.
Sau khi bị thế giới chỉ trích, Trung Quốc cũng quyết định tăng viện trợ, nhưng cũng chẳng là bao so với tầm cỡ của một nền kinh tế thứ hai thế giới muốn thu phục đồng minh. Tờ The New York Times nhận định, sau nhiều năm Trung Quốc phát triển khá mạnh mẽ và ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị trong khu vực thì giờ đây cũng đã đến lúc sức mạnh ấy quật ngược lại chính mình. Philippines đang trong cuộc chiến tranh giành biển đảo với Trung Quốc đã làm cho Philippines giảm sự đề phòng đối với Nhật Bản và những ký ức chua chát về sự xâm lược của Nhật Bản trong suốt Đệ nhị Thế chiến cũng tiêu tan.
Khi tuyên bố cứu trợ khẩn cấp ngay khi cơn bão đi qua, Nhật Bản cũng khẳng định đây là một hành động mang tính nhân đạo, mặc dù Tokyo cũng thừa nhận, hành động cứu trợ góp phần củng cố quan hệ an ninh giữa hai nước. Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhận định : « Philippines có vị trí địa lý gần với Nhật và là một đối tác chiến lược quan trọng ».
Nạn nhân Haiyan vẫn trong cơn tuyệt vọng
Bàn về công tác cứu trợ nạn nhân bão Haiyan, tuần san Le Nouvel Observateur đăng bài phóng sự của đặc phái viên Cyril Payen tại Philippines đề tựa : « Những người tuyệt vọng tại thành phố Tacloban ».
Thiếu lương thực, thực phẩm, nước, thuốc men, thành phố Tacloban sau cơn bão trở nên hoang tàn, dân chúng trong tình trạng vô chính phủ, cướp bóc vì miếng ăn để sinh tồn. Đói khát, người dân có cảm giác mình bị bỏ rơi. Một viên cảnh sát cho biết : « Tại đây, người ta sẵn sàng giết nhau vì một túi gạo. Để cứu sống gia đình, họ sẵn sàng làm tất cả ». Mặc dù các tổ chức phi chính phủ (ONG) đã nỗ lực rất nhiều, nhưng dân chúng vẫn vô cùng tức giận và oán trách nhà cầm quyền Philippines đã không kịp cứu trợ đúng lúc và quản lý tình trạng hỗn loạn này.
Bài viết cho biết, người Mỹ ưu tiên giải cứu kiều bào của mình trước, sau đó đến người Úc và người Anh. Một viên cảnh sát già người Philippines chua chát nói : « Chẳng có gì thay đổi từ thời bị làm thuộc địa Tây Ban Nha cho đến nay, cách đây đã 500 năm, lúc nào cũng ưu tiên người da trắng trước ».
Tại Ormoc, một thành phố khác cũng bị thiệt hại nặng nề nhưng ít người thiệt mạng hơn, nhân lúc dân chúng cơ cực thiếu thốn, giá cả tăng vọt và chợ đen hoành hành mặc dù các xe tải của thành phố chạy khắp nơi bắt loa với thông điệp như sau : « Tăng giá bất hợp pháp và mọi kẻ phạm tội đều bị bỏ tù ». Thế nhưng, chẳng ai thèm đoái hoài đến. Những kẻ vụ lợi vẫn cứ thừa cơ làm giàu.
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131124-hoa-ky-sinh-vien-ngoai-quoc-la-mot-%C2%AB-mo-vang-%C2%BB-de-khai-thac
Geen opmerkingen:
Een reactie posten