vrijdag 2 augustus 2013

'đàn bà và ngôi báu’ của vua chúa Việt Nam : Quý phi Bích Châu hy sinh... làm vợ "hà bá"

Friday, August 2, 2013

Bí mật về 'đàn bà và ngôi báu’ của vua chúa Việt Nam

QLB  - Ít ai biết rằng, đằng sau ngai vàng vững chắc của một số ông vua Việt Nam, còn có những bí mật "giữ ngôi báu" khó tin... liên quan tới phụ nữ.

Quý phi Bích Châu hy sinh... làm vợ "hà bá"

Năm Đinh Tỵ (1377), vua Trần Duệ Tông cất 12 vạn binh đi đánh Chiêm Thành. Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu dâng biểu can ngăn, phân tích lợi hại rất rành mạch, nhưng vua không nghe, vẫn chuẩn bị đội ngũ để tự mình thân chinh. Thấy vậy, bà Bích Châu lại viết một bài biểu lời lẽ tha thiết, khuyên nhà vua nên nghĩ lại. Nhưng bài biểu cuối cùng cũng bị xếp xó. Quá buồn rầu, bà đành xin phép chồng cho đi theo. Duệ Tông ưng cho. Bà là một trong mấy chục phi tần cung nữ đi theo ngự giá.Khi thuyền chiến tới cửa biển Kỳ Hoa (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) thì gặp gió to sóng lớn, không thể qua được. Đêm ấy, vua Duệ Tông mộng thấy một vị thần xưng là Nam Minh đô đốc, thủ hạ của Quảng Lợi đại vương, muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua. Sáng hôm sau, mặt biển Kỳ Hoa nổi cuồng phong dữ dội. Các thuyền chiến chòng chành sắp bị nhấn chìm. Vua sợ hãi, vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ. Ai nấy nín lặng nhìn nhau, mặt cắt không được giọt máu.

Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào, thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói: "Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân".

Nhà vua không bằng lòng, nhưng Quý phi Bích Châu đã quay ra thuyền lệnh: “… Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi xin sóng lặng bể yên, phù trợ cho vua quan, quân lính nhà Trần được chiến thắng dịp này, đem bình an về cho đất nước”.

Thế rồi, mặc sóng đánh tối tấp, nước tràn lênh láng, quý phi Bích Châu vẫn tươi tắn đến sụp quì lạy, cầu chúc nhà vua bình tĩnh và đại thắng. Bà khuyên vua: "Sau khi thiếp chết, xin bệ hạ sửa văn, nghĩ võ, tìm dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, nghĩ tới lâu dài cho đất nước...". Sau đó, bà ngồi gọn vào lòng chiếc thuyền thoi nhỏ, được quan quân thòng dây thả từ từ xuống biển...

Lại nói Vua Trần Duệ Tông không nghe lời can gián, vẫn cho quân tiến sâu vào động Y Mang, đất Chiêm, nên bất ngờ bị trúng mưu của giặc Bà Ma, một tướng của Chế Bồng Nga, toàn quân tan rã. Vua tử trận ở Đồ Bàn (Qui Nhơn ngày nay) vào ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377).

Ảnh minh họa - Hoàng hậu Ngọc Trần "thí mạng"... tế thần

Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử đề cập rằng: “Nhà vua sai làm lễ tế thần. Dùng Hoàng hậu làm vật tế. Hoàng hậu bèn mất...". Các chính sử và Lam Sơn thực lục (bản Hồ Sĩ Dương) chép rằng: Tháng 3 năm Ất Tỵ (1425), Bình Định Vương Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) tiến quân vây thành Nghệ An, giặc Minh ra sức chống giữ, thế lực chưa phân thắng bại. Quân doanh của Lê Lợi tạm đóng cạnh đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ sông Lam thuộc làng Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên. Đêm hôm đó, Bình Định Vương chiêm bao thấy một vị thần báo mộng: “Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc Ngô, giữ vững nghiệp đế”...

Tỉnh dậy, Lê Lợi nghĩ rằng: Thuở xưa, vua Lý nhờ vợ chồng ông hàng dầu là Vũ Phục, nhảy xuống sông Thiên Phù, hiến xác cho thủy thần mà vua Lý khỏi bệnh đau mắt, lo được việc chống giặc. Rồi Lý Thường Kiệt dàn trận đánh Tống, nói rằng có thần ngâm thơ giúp đuổi giặc, mà quả nhiên hôm sau quân ta phá được giặc Tống bên sông Như Nguyệt. Vậy thì ngày nay, ta thí mạng một người mà cứu sống muôn người, thu lại được non sông, thì việc đáng làm lắm rồi.

Hôm sau, Bình Định Vương gọi các bà vợ đến, kể cho nghe giấc mộng đêm qua và hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ thủy thần không? Sau này khi ta lấy được nước, sẽ lập con của người đó làm thiên tử”. Các bà không ai nói gì, chỉ có bà Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu vì nghiệp lớn của Minh Công thì thiếp tự nguyện xả thân; ngày sau mong Minh Công giữ lời hứa, chớ phụ con thiếp”.

Nhà vua khen ngợi và thương cảm hứa trước các bà và bề tôi, ngày sau xin làm đúng hẹn. Lúc đó, bà Phạm Thị Ngọc Trần đang bế đứa con lên 3 tuổi (Lê Nguyên Long, tức Lê Thái Tông sau này), gạt nước mắt trao cho người hầu bế ẵm; rồi đứng lên làm vật tế thần. Đó là vào ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425), bà Phạm Thị Ngọc Trần quyên sinh - được xem là một tấm gương xả thân vì nước, đời đời sáng mãi như tấm gương Lê Lai nguyện liều mình cứu chúa.

Năm 1428, sau khi kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế. Năm 1433, Lê Lợi qua đời, Lê Nguyên Long lên ngôi vua, tức là vua Lê Thái Tông. Năm Đinh Tỵ (1437), vua Thái Tông truy tôn mẹ mình làm Cung Từ Quốc Thái Mẫu, dựng miếu thờ ở Nam Kinh.

Bảo Thánh Hoàng hậu thản nhiên đối phó... hổ dữ

Sử sách chép rằng, Trần Nhân Tông có một thú vui rất lạ là thích được xem đấu hổ. Nhà vua đã làm một chuồng đấu hổ ở Vọng Lâu. Có lần, một tù trưởng vùng Sơn Cước đã dâng triều đình một con hổ sa bẫy, vằn đen vàng, lưng thẳng, bụng thon, ứng nở. Thế là, vua bèn cho tổ chức buổi đấu hổ trước Vọng Lâu.

Vua cùng hoàng hậu, phi tần và các quan trong triều đã tới Vọng Lâu để xem đấu hổ. Lúc đó, Hoàng hậu Bảo Thánh thấy chuồng cũi không an toàn, vô cùng lo lắng, nên gọi viên tổng quản nhắc nhở: "Ông cho kiểm tra cái cũi này chưa? Con hổ to quá, có vẻ dữ dằn đấy. Hôm nay, bệ hạ đến xem, ông phải rất cẩn thận mới được".

Viên tổng quan đáp: "Bẩm lệnh bà, đây là con hổ mới được đưa vào cung, thần đã lo liệu đầy đủ cả. Xin lệnh bà yên tâm". Và một lúc sau, quân lính khiêng một cũi sắt nữa vào chuồng đấu. Đây là con hổ đã bị bỏ đói mấy bữa. Khi thấy đông người, hổ nhe nanh gầm gừ đe dọa...

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vì thềm lầu thấp, song chuồng và thềm cũng thấp, con hổ bỗng nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, mọi người đều sợ chạy hết, duy chỉ Hoàng hậu và bốn, năm người thị nữ vẫn ở đấy. Hoàng hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy chiếu che cho Hoàng đế và cả mình. Con hổ lên lầu kêu gầm lên, rồi vội vàng nhảy xuống, không vồ hại ai cả".

Một số tài liệu cũng cho biết: Trong khi tất cả mọi người đang hào hứng xem màn đấu hổ thì nghe "rắc" một cái, then chuồng bật mạnh, con hổ vùng nhảy ra, rồi "tót" lên chỗ vua cùng hoàng hậu, phi tần và bá quan văn võ. Mọi người đứng chết lặng; duy nhất Bảo Thánh hoàng hậu tiến lên phía trước, xả thân mình che cho nhà vua, đối diện hổ dữ. Không hiểu sao, con hổ chỉ lúc lắc cái đầu, nhìn hoàng hậu một lúc, rồi quay đi, nhảy xuống chuồng thú...

Cảm động trước hành động dũng cảm của Hoàng hậu Bảo Thánh, vua Trần Nhân Tông nói: "Ái khanh, nếu không có nàng hôm nay, không biết sự thể sẽ thế nào. Nàng là vị thần hộ mệnh của Trẫm. Từ nay, nàng hãy luôn ở bên ta nhé".

Lần khác, có một giai thoại rằng, vua Trần Nhân Tông khi đó đang ngự điện Thiên An, xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên sổng thoát, xông tới nơi vua ngồi, khiến tả hữu sợ hãi chạy toán loạn. Chỉ có Hoàng hậu Bảo Thánh không dao động, bình tĩnh đối phó với thú dữ, bảo vệ nhà vua... (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nhà Hậu Lê bàn: Hổ hay vồ, voi hay quật, há chẳng đáng khiếp sợ sao. Thế mà Hoàng hậu Bảo Thánh đương lúc chúng lồng lộn xông xáo, vẫn thản nhiên không sợ, vì bà suy nghĩ chín chắn, lý lẽ đã sáng tỏ.... Kể người đàn bà dáng điệu mềm yếu mà có thể như thế, so với nàng Tiệp Dư ngày xưa đứng chắn gấu cho vua, có lẽ cũng không thẹn gì. Hoàng hậu thực sự là một anh hùng trong đám nữ lưu. Kẻ sĩ đại phu, há chẳng nghĩ làm thế nào đạt đến mức suy nghĩ chín chắn, lý lẽ sáng tỏ, để đối phó với mọi chuyển biến của sự cơ hay sao?.

Theo Đất Việt
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten