Những nô lệ tình dục bị lãng quên
Ở tuổi gần đất xa trời, những phụ nữ từng bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II phải vật lộn với cuộc sống đơn côi, không gia đình, không quê hương và không một xu dính túi.
> Thị trưởng Nhật gây sóng gió vấn đề nô lệ tình dục
> Thủ tướng Nhật xin lỗi về nô lệ tình dục
Từ năm 2001, nhiếp ảnh gia người Hàn Quốc Ahn Sehong, 42 tuổi, bắt đầu chuyến thăm đến những ngôi làng hẻo lánh ở Trung Quốc để tìm hiểu về cuộc đời của những người phụ nữ bất hạnh trên. Họ là những người đã bị ép phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong Thế chiến II và bị kẹt lại Trung Quốc sau chiến tranh.
Trong hình là bà Kim Sun-ok, sinh năm 1922, bị bắt đi quân dịch năm 1942, tại Shimenzi, Trung Quốc. Bà đã nỗ lực bằng nhiều cách để cội nguồn trong mình không bị phai mờ. Bà mặc hanbok, nói tiếng Hàn Quốc và hát Arirang, một loại dân ca truyền thống của nước này.
|
Ông Ahn đã theo chân 13 trong số những phụ nữ trên. Họ hiện đều ở trong độ tuổi 80, 90, đã rời xa quê hương quá lâu và một số người không còn nói được tiếng Hàn Quốc nữa.
Trong hình là bà Lee Su-dan, cũng sinh năm 1922 và bị bắt đi quân dịch ở Shimenzi năm 1940.
|
Năm 1970, tức 30 năm sau khi rời khỏi quê hương, bà Lee nhận được một bức ảnh của gia đình gửi từ Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Bà đã mất liên lạc với gia đình từ lâu.
Những người phụ nữ như bà Lee đều bị dụ dỗ sang Trung Quốc bằng những lời mời làm việc bình thường hoặc bị quân đội Nhật Bản ép phục vụ "tình nguyện". Họ kể lại việc bị cưỡng hiếp thậm chí trước khi đặt chân đến Trung Quốc, nơi họ phải quan hệ tình dục với 10 đàn ông một ngày.
|
Bà Park Dae-im, sinh năm 1912, bị bắt đi quân dịch năm 1934, và đưa đến một nhà chứa ở Mukden, nay là thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Bà đã được cấp giấy phép cư trú dành cho người nước ngoài. Đây là giấy chứng nhận duy nhất của bà Park nên bà cất giữ nó rất cẩn thận.
|
Khi bị đưa sang Trung Quốc, bà đã có một con trai 8 tháng tuổi. Bà đưa cậu bé đi cùng trong suốt thời gian làm nô lệ tình dục.
|
Bà Park có một ước nguyện nhưng không thành hiện thực, đó là khi qua đời sẽ được chôn cất ở quê nhà. Bà đã nằm lại trên đất Trung Quốc, ở tuổi 101.
|
Bà Bae Sam-yeop sinh năm 1925 và bị bắt đi quân dịch năm 1937, tại Bao Đầu, Nội Mông, Trung Quốc. Bà bị cướp mất trinh tiết từ năm mới 13 tuổi bởi một sĩ quan cấp cao Nhật Bản.
|
Nô lệ tình dục là một trong những vấn đề nhạy cảm giữa người Triều Tiên/Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự phẫn nộ quanh số phận của những người này bùng lên mới đây khi một chính trị gia của Nhật phát biểu rằng việc có những nhà chứa cho quân đội phát xít Nhật khi đó là "cần thiết". Tuy nhiên hôm qua ông ta đã rút lại lời, nói rằng ý của ông đã bị hiểu sai đi.
Trong ảnh, bà Park Seo-un sinh năm 1915 và bị bắt đi năm 1934.
|
Hiện bà vẫn còn sống nhưng do các di chứng lịch sử, bà không thể có con.
"Không có gia đình hay ai hỗ trợ họ", nhiếp ảnh gia Ahn nói. "Vì họ từng là nô lệ tình dục nên rất khó để kiếm được một tấm chồng tử tế. Một số người bị cưỡng hiếp và đánh đập khi cưới. Hầu hết họ không có con, sống lay lắt với sự giúp đỡ ít ỏi từ những người hàng xóm".
|
Bị bỏ rơi ở những vùng nông thôn khi Thế chiến II kết thúc, những nô lệ tình dục ngày nào càng bị cô lập hơn sau chiến tranh Triều Tiên, khi Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.
Chính phủ Triều Tiên có đưa ra một số hỗ trợ và quyền công dân cho họ những hoạt động này đã chấm dứt vào những năm 1980. Rất ít người trong số họ muốn sang Triều Tiên vì điều kiện sống ở đó còn khó khăn hơn.
|
Bà Lee và bà Kim nắm tay nhau đi trên mảnh đất nơi từng là nhà chứa ở Shimenzi, chôn vùi tuổi thanh xuân của hai người.
Tháng 3 vừa qua, Ahn Sehong đã tổ chức một buổi triển lãm các bức ảnh trắng đen trên tại New Jersey, Mỹ. Triển lãm thu hút rất đông khán giả, phần lớn là người Hàn Quốc, đến xem và khám phá một phần lịch sử của dân tộc.
Ahn cho hay trong số 9 phụ nữ có mặt trên những bức ảnh tại triển lãm, chỉ có 3 người còn sống. Ông hy vọng dự án của mình sẽ giúp nâng cao nhận thức và giúp đỡ cho những phụ nữ bị bỏ quên.
"Chúng ta đã không thể quan tâm đến họ sau chiến tranh. Nhưng bây giờ chúng ta có tiền bạc và sức mạnh để giúp đỡ họ", ông nói. "Hàn Quốc phát triển quá nhanh nhưng vì thế mà mọi người cũng quên đi những ký ức chiến tranh quá dễ dàng".
|
Anh Ngọc (Ảnh: NY Times)
Thứ ba, 27/3/2007 07:15 GMT+7
Thủ tướng Nhật xin lỗi về nô lệ tình dục
Trong một phiên họp quốc hội hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có lời xin lỗi về việc quân đội từng sử dụng phụ nữ các nước bị chiếm đóng ở châu Á làm nô lệ tình dục cho binh sĩ, trong Thế chiến II.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: AP.
|
Ông Shinzo Abe tuyên bố trong một phiên tranh luận của Thượng viện rằng: "Tôi xin lỗi ở đây và bây giờ với tư cách là thủ tướng. Như tôi vẫn nói, tôi cảm thông đối với những người phải chịu đựng khổ đau và tôi xin lỗi vì việc họ đã lâm vào tình trạng khó khăn vào thời điểm đó".
Động thái trên được đưa ra sau khi người đứng đầu nội các Nhật hứng chịu sự chỉ trích gay gắt của các nước láng giềng Đông Á như Trung Quốc và Hàn Quốc vì những bình luận của ông mới đây, trong đó ông bày tỏ sự nghi ngờ về việc những phụ nữ từng bị ép làm nô lệ tình dục thời Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tranh cãi về vấn đề phụ nữ bị bắt mua vui cho lính Nhật trong quá khứ đã làm tăng thêm những thách thức mà chính phủ của ông Shinzo Abe đang phải đối mặt sau 6 tháng cầm quyền. Một cuộc thăm dò ý kiến hôm qua cho thấy, tỷ lệ ủng hộ vị thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nhật Bản này đã giảm xuống chỉ còn 35%.
Rất nhiều nhà sử học tin rằng, chế độ quân phiệt Nhật từng ép buộc tới 200.000 phụ nữ châu Á, đa phần từ Trung Quốc, Triều Tiên, Indonesia và Philippines làm nô lệ tình dục cho binh sĩ trước đây. Tuy nhiên, một số chính trị gia Nhật bảo thủ lại khẳng định, những phụ nữ trên là gái làm tiền chuyên nghiệp và phủ nhận việc quân đội đã lạm dụng họ.
Đình Chính (theo BBC, AP)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/thu-tuong-nhat-xin-loi-ve-no-le-tinh-duc-2081452.html
Thứ tư, 15/5/2013 07:31 GMT+7
Thị trưởng Nhật gây sóng gió vấn đề nô lệ tình dục
Một chính trị gia có tiếng của Nhật Bản hôm qua tuyên bố việc quân đội nước này sử dụng phụ nữ ở các quốc gia láng giềng làm nô lệ tình dục trong thời chiến là điều hoàn toàn đúng đắn.
> Nhật xin lỗi về nô lệ tình dục trong thế chiến II
> Thủ tướng Nhật xin lỗi về nô lệ tình dục
Toru Hashimoto, thị trưởng Osaka, một chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy. Ảnh: AP
|
Toru Hashimoto, một chính trị gia trẻ tuổi, đồng thời là thị trưởng Osaka, thành phố lớn thứ ba Nhật Bản, hôm qua tuyên bố việc sử dụng nô lệ tình dục trước và trong Thế chiến II của quân đội nước này là nhằm "duy trì kỷ luật" và thỏa mãn nhu cầu của binh sĩ.
Ông cũng nói thêm rằng, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy, những phụ nữ này đã bị ép buộc phải trở thành "công cụ giải khuây" cho binh sĩ Nhật Bản.
"Đó là hành động cần thiết, nhằm duy trì kỷ luật trong quân đội", Hashimoto, người cũng là đồng chủ tịch của Đảng Chấn hưng Nhật Bản, một đảng bảo thủ mới nổi, nói.
"Nếu bạn muốn các binh sĩ, những người phải mạo hiểm cả mạng sống trong bối cảnh bom rơi đạn lạc, cống hiến hết mình, bạn phải cho họ cơ hội được thỏa mãn nhu cầu tình dục. Ai cũng biết điều đó", AP dẫn lời Hashimoto.
Phát biểu trên của ông Hashimoto đã nhanh chóng làm dậy lên một làn sóng phản đối ở các quốc gia láng giềng từng bị Nhật Bản xâm lược trong thời chiến.
Các sử gia cho biết, khoảng 200.000 phụ nữ, phần lớn thuộc bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, đã bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến II.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap, một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết, ông rất thất vọng khi phải chứng kiến một quan chức cấp cao của Nhật Bản "đưa ra những tuyên bố ủng hộ tội ác chống lại loài người và cho thấy sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về lịch sử cũng như sự tôn trọng đối với phụ nữ".
Tuyên bố gây tranh cãi của chính trị gia Hashimoto được đưa ra đúng lúc Tokyo phải đối mặt với một làn sóng phản đối dữ dội từ những nước trong khu vực, cũng về vấn đề nô lệ tình dục trong chiến tranh. Trước khi nhậm chức vào tháng 12/2012, Thủ tướng Abe đã chủ trương sửa đổi một tuyên bố được đưa ra năm 1993, trong đó thừa nhận sai lầm và bày tỏ hối hận trước những đau khổ mà quân đội nước này đã gây ra cho hàng trăm nghìn nô lệ tình dục.
Mặc dù thừa nhận sự tồn tại của những "công cụ giải khuây", nhưng chính quyền Abe lại bác bỏ nhận định cho rằng những phụ nữ này đã bị ép buộc phải trở thành nô lệ tình dục.
Tuy nhiên gần đây, nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ Nhật Bản lại bày tỏ thái độ nhún nhường, như một cách để làm dịu đi căng thẳng với Seoul và Bắc Kinh, trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang gia tăng.
"Lập trường của chính phủ Nhật Bản trong vấn đề nô lệ tình dục rất rõ ràng, rằng họ đã phải chịu đựng những tổn thương sâu sắc. Quan điểm của chính quyền Thủ tướng Abe không hề thay đổi so với trước đây", chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói.
"Tuyên bố của ông Hashimoto được đưa ra không hề đúng lúc", bộ trưởng bộ Giáo dục Hakubun Shimomura nói với cánh phóng viên. "Tôi tự hỏi liệu một phát biểu kiểu như vậy có thể mang lại điều gì tốt đẹp?"
Sakihito Ozawa, cựu bộ trưởng môi trường Nhật Bản, cho rằng "phát ngôn của Hashimoto chỉ nhằm thể hiện quan điểm cá nhân của ông ấy", nhưng vẫn bày tỏ sự quan ngại trước những hậu quả mà tuyên bố này có thể gây ra.
Quỳnh Hoa
Geen opmerkingen:
Een reactie posten