dinsdag 30 juli 2013

Nhật bị ghét ở Đông Bắc Á, nhưng được Đông Nam Á ưa thích

Thứ hai 29 Tháng Bẩy 2013

Nhật bị ghét ở Đông Bắc Á, nhưng được Đông Nam Á ưa thích

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (giữa) duyệt đội binh danh dự trước Dinh Tổng thống Philippines ở Manila, ngày 27/07/2013.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (giữa) duyệt đội binh danh dự trước Dinh Tổng thống Philippines ở Manila, ngày 27/07/2013.
REUTERS/Romeo Ranoco

Mai Vân
Nước Nhật của Thủ tướng Shinzo Abe đang được các láng giềng châu Á cảm nhận như thế nào trong bối cảnh chính sách vực dậy kinh tế của ông bước đầu cho thấy một vài kết quả khả quan, giúp cho uy tín của ông ngày càng gia tăng trong nước ? Biểu hiện rõ nhất của uy tín này là sự kiện đảng Dân chủ Tự do và liên minh cầm quyền của ông lại chiến thắng nhân cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21/07/2013 vừa qua.


Trước cuộc bầu cử ít lâu, trung tâm nghiên cứu Pew Research Center của Mỹ ngày 11/07/2013, đã công bố kết quả một cuộc điều tra dư luận rất nghiêm túc, cho thấy là hình ảnh về Nhật Bản trái ngược nhau đối với dân chúng ở Châu Á, tùy theo khu vực miền Bắc hay miền Nam.
Cuộc thăm dò đã được Trung tâm Pew thực hiện trong vòng một tháng - từ mùng 4 đến mùng 06/04/2013, tại 39 quốc gia, trong đó có 8 nuớc Châu Á - Thái Bình Dương, kể cả Nhật Bản. Cụ thể có ba nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), ba nước Đông Nam Á (Malaysia, Philippines, Indonesia), cùng với Pakistan ở Nam Á, và Úc cũng được xếp vào Châu Á.
Kết quả thăm dò cho thấy ít ra một nửa hoặc hơn công chúng ở 5 quốc gia Châu Á trên số 7 nước, không kể Nhật, có cái nhìn thuận lợi đối với xứ Hoa anh đào.
Đứng đầu là Malaysia, quan điểm không thuận lợi chỉ có 6%, trong lúc thuận lợi lên đến 80%. Điểm thuận lợi ở Indonesia cũng không thua nhiều : 79%, tại Úc là 78%, Philippines, cũng 78%, thấp nhất là Pakistan, 55%.
Các láng giềng của Nhật Bản ở vùng Đông Bắc Á - Trung Quốc, Hàn Quốc - ngược lại, đã nhìn Nhật với con mắt không thân thiện chút nào, và cũng chẳng mấy ưa thích ông Shinzo Abe.
Đánh giá không thuận lợi đối với Nhật Bản tại Hàn Quốc chiếm đến 77%, nhưng cũng có 22% thuận lợi, riêng Trung Quốc, người đánh giá không tốt là 90%, chỉ 4% có suy nghĩ thuận lợi. Điều mà người dân tại đây trách cứ Nhật là đã không làm dịu nỗi đau, các vết thương mà quân đội Nhật hoàng gây ra trong thập kỷ 1930-1940, không xin lỗi đúng mức về tội ác gây ra.
So với kết quả thăm dò trước đây thì cái nhìn về Nhật Bản ngày càng xấu đi. Nếu so với năm 2008, cái nhìn thuận lợi của người Hàn Quốc đối với Nhật sụt mất 25% và tại Trung Quốc mất đi 17% từ năm 2006.
Quan điểm cũng khác nhau tùy theo tuổi tác : Tại Hàn Quốc, những người không thiện cảm với Nhật lên hơn 80% (82) trong thế hệ tuổi 50 trở lên. Trong thanh niên dưới 30 tuổi là 66%.
Như nói trên, ác cảm của người dân Hàn Quốc, Trung Quốc, theo Pew, là do đánh giá về thái độ của Nhật đã không xin lỗi đúng mức về tội ác thời chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên Pew cũng nhận thấy là di sản thời kỳ này đè nặng lên các nước Đông Bắc Á hơn là các nước phía Nam, cũng đã từng bị Nhật chiếm đóng.
Tại ba nước Đông Nam Á được Pew thăm dò - Philippines, Indonesia, Malaysia - ký ức về những sự kiện đau thương do Nhật Bản gây ra trước đây không còn mãnh liệt nữa : Một phần tư người Indonesia, và gần một nửa người Malaysia (4/10) cho là không có ý kiến về sự cần thiết Nhật phải xin lỗi về hành động trong quá khứ.
Trong số những người có quan tâm đến vấn đề này, ý kiến về việc Nhật có cần xin lỗi thêm hay là đã qua rồi thời kỳ cần phải xin lỗi như thế cũng không đồng nhất với nhau. Tại Philippines chẳng hạn, 47% đã đánh giá là Nhật xin lỗi chưa đủ, phải xin lỗi thêm, nhưng cũng có đến 48% cho là không cần đòi Tokyo xin lỗi thêm hay là Nhật Bản xin lỗi như vậy là đủ rồi.
Cái nhìn của cư dân các nước láng giềng về các hành vi quá khứ của Nhật như kể trên hoàn toàn trái ngược với quan điểm của nhiều người Nhật. Gần một nửa (48%) người Nhật nghĩ rằng Tokyo đã xin lỗi đủ về hành động quân sự của mình trong những năm 1930 và 1940. Thậm chí có đến 15% người khác nghĩ rằng không cần phải xin lỗi thêm.
Các số liệu vừa kể cho thấy rằng đại đa số người Nhật (63%) cho rằng quá khứ đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, cần bỏ hẳn lại phía sau. Nếu căn cứ vào tuổi tác người được thăm dò, thì quan điểm đó thậm chí còn rất phổ biến trong giới trẻ Nhật Bản : 73% những người trong độ tuổi từ 18 đến 29 cho rằng Nhật Bản đã hối lỗi đủ rồi, không cần phải xin tha thứ nữa.
Trong lớp tuổi này, sự tương phản về quan điểm của thanh niên Nhật với giới trẻ các nước láng giềng châu Á khác khá ấn tượng. Và ở đây, thanh niên Đông Bắc Á cũng khe khắt hơn đối với lỗi lầm quá khứ của Nhật - chỉ có 3% thanh niên Hàn Quốc và 4% thanh niên Trung Quốc là sẵn sàng bỏ qua các vấn đề tội ác chiến tranh của Nhật Bản - trong lúc tỉ lệ này lên đến 31% trong giới trẻ Indonesia hay 36% tại Malaysia.
Nhìn chung không có khoảng cách thế hệ trong vùng châu Á về sự cần thiết của một hành động chuộc tội từ phía Nhật Bản. Tuy vậy, tại Indonesia, thanh niên lại có dấu hiệu khe khắt hơn bậc chú bác về việc đòi Nhật Bản xin lỗi thêm : 43% những người dưới 30 tuổi muốn Nhật xin lỗi chân thành hơn, trong lúc chỉ có 31% những người từ 50 tuổi trở lên thấy có nhu cầu này.
Cái nhìn về ông Shinzo Abe
Một nhà lãnh đạo quốc gia thường là biểu tượng của nước mình ở ngoại quốc, tôn cao hình ảnh của đất nước khi họ được người nước ngoài hâm mộ, làm sứt mẻ hình ảnh đó khi không được ưa thích.
Trong trường hợp của Thủ tướng Abe, uy tín cao của ông trong dư luận Nhật đã không được thấy ở ngoài nước, có thể là vì ông vẫn chưa được biết đến nhiều bên ngoài Nhật Bản.
Chỉ có ở Philippines (62%) và Malaysia (53%) là có đa số người có thiện cảm với ông Abe. Bên cạnh đó, còn có thêm 38% người Malaysia và 23% người Philippines không có ý kiến về lãnh đạo Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi mà một tỉ lệ lớn hơn của công chúng có ý kiến dứt khoát, đánh giá không thuận lợi đối với ông Abe chiếm tỷ lệ áp đảo : tại cả hai láng giềng Đông Bắc Á này, 85% người được khảo sát không thích ông Abe.
Theo các chuyên gia phân tích của Trung tâm Pew, thái độ ghét bỏ ông Abe của công chúng Hàn Quốc và Trung Quốc có thể bắt nguồn phần nào từ sự kiện là vào năm 2012, ông Abe đã tới thăm đền tử sĩ Yasukuni ở Tokyo, nơi có bài vị của nhiều người Nhật từng bị coi là tội phạm chiến tranh đầu sỏ trong Thế chiến thứ hai.
Dư luận Nhật Bản như đã nhận thức rõ là hình ảnh của nước họ không được tốt lắm ở ngoại quốc. Theo thăm dò của Pew, cứ 10 người Nhật thì có 6 người nghĩ rằng đất nước của họ nên được tôn trọng hơn trên thế giới.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130729-nhat-bi-ghet-o-dong-bac-a-nhung-duoc-dong-nam-a-ua-thich

Geen opmerkingen:

Een reactie posten