Bà cũng là nữ Pharaoh đầu tiên trong lịch sử Ai Cập...
Hatshepsut (1508 - 1458 TCN) là nữ Pharaoh đầu tiên của Ai Cập, được thế giới công nhận như một trong những nữ hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại…
Vị nữ Pharaoh đầu tiên của Ai Cập
Hatshepsut (1508 - 1458 TCN) là con gái lớn của vua Thutmose I và Hoàng hậu Ahmose, vị vua và hoàng hậu đầu tiên của dòng họ Thutmoside của vương triều thứ XVIII.
Khi cha bà băng hà vào năm 1493 TCN, Hatshepsut đã kết hôn với người em cùng cha khác mẹ là Thutmose II và nhận danh vị Hoàng hậu. Phụ nữ trong hoàng gia đóng một vai trò chủ chốt trong tôn giáo Ai Cập cổ đại, có nhiệm vụ như nữ tu cao cấp trong các nghi lễ văn hóa, tôn giáo.
Khi Thutmose II mất, ông chỉ có một người con trai còn trẻ là Thutmose III để kế vị. Tại thời điểm đó, Thutmose III mới chỉ 10 tuổi, là một đứa bé ham ngủ, ham chơi, khó lòng đảm đương việc triều chính.
Vì thế, vương quốc hoàn toàn chịu sự điều hành của Hatshepsut. Không lâu sau, bà trở thành nữ Pharaoh đầu tiên của Ai Cập, nắm giữ hoàn toàn vương quyền cùng sự tôn trọng từ các lãnh đạo tôn giáo đương thời.
Những thành tựu lớn lao
Trong suốt 20 năm nắm quyền (1473 - 1458 TCN), Hatshepsut đã khôi phục mạng lưới thương mại từng bị ngắt quãng trong thời Hyksos chiếm đóng Ai Cập, từ đó tạo ra nguồn của cải bất tận cho quốc gia sông Nile.
Bà cũng giám sát việc chuẩn bị và cung cấp nguồn lực cho các đoàn thám hiểm tìm kiếm vùng đất mới, mở rộng mối quan hệ với nhiều quốc gia.
Đoàn thám hiểm lên đường, mang theo nhiều hàng hóa để trao đổi, đáng chú ý nhất là nhựa thơm. Sau chuyến đi này, người Ai Cập đã mang theo về 31 cây hương trầm sống - một vật được coi là báu vật thời bấy giờ. Rễ của cây hương trầm được giữ cẩn thận trong những chiếc giỏ trong suốt chuyến hành trình.
Đây là nỗ lực đầu tiên được ghi nhận trong việc lấy giống thực vật từ nước ngoài. Theo tài liệu ghi lại, Hatshepsut đã cho trồng những cây này trong sân vườn khu phức hợp đền tang lễ Deir el-Bahari của bà. Đối với người cổ đại, trầm hương tượng trưng cho sự trù phú và vĩnh cửu của các triều đại, vương quốc.
Toàn cảnh đền thờ Deir el-Bahari.
Dù nhiều nhà Ai Cập học cho rằng, chính sách đối ngoại của bà chủ yếu là hòa bình song cũng có bằng chứng cho thấy, đích thân Hatshepsut đã chỉ huy các chiến dịch quân sự thành công tại Nubia và Syria trong những năm đầu cầm quyền. Bên cạnh đó, bà còn mở rộng bờ cõi Ai Cập, làm tiền đề cho sự bành trướng sau này.
Nữ hoàng Hatshepsut cũng được coi là một trong những người tiến hành nhiều công trình xây dựng nhất thời Ai Cập cổ đại với hàng trăm dự án xây dựng ở cả Thượng và Hạ Ai Cập.
Hatshepsut cho dựng hai đài tưởng niệm hình tháp cao nhất thế giới thời bấy giờ, theo sử sách ghi lại. Một tháp vẫn còn tồn tại và là đài tưởng niệm hình tháp thời cổ đại cao nhất còn sót lại trên Trái đất; tháp kia đã bị vỡ thành hai mảnh và bị đổ.
Hình ảnh chụp một góc bức tường trong đền thờ Deir el-Bahari.
Ngoài ra, bà cũng tạo nên ngôi đền mang tên Deir el-Bahari. Bên trong đền chứa vô số những bảo vật mà bà cho người đi khắp thế giới để sưu tập. Trên các bức tường còn khắc những câu chuyện thần thoại, bộ kinh thư quan trọng, nhiều tư liệu lịch sử chân thực về nhân dân Ai Cập cổ đại.
Cái chết của Hatshepsut
Hatshepsut mất khi bà 50 tuổi. Dù đã có rất nhiều đóng góp cho nhân dân Ai Cập song sau khi bà qua đời, Thutmose III cùng con trai của ông đã đập phá lăng mộ của Hatshepsut nhằm tìm mọi cách để xóa bỏ hình ảnh bà trong tâm trí của nhân dân đất nước sông Nile.
Pharaoh Thutmose III coi sự kế tục của một vị nữ vương trong lịch sử Ai Cập sẽ tạo ra những nguy hiểm. Bởi thực tế cho thấy, một người phụ nữ có thể cai trị Ai Cập không thua kém gì vị vua nam giới truyền thống.
Sự kiện này rất có thể khiến thế hệ tương lai tin tưởng trao quyền cho những vị nữ vương. Điều này khiến họ không còn hài lòng với vị trí truyền thống: một người vợ, người chị, người mẹ của một vị vua mà là lên nắm quyền lực.
Một điều thú vị mà các nhà khoa học mới phát hiện gần đây, trong các lọ kem dưỡng da mà nữ Pharaoh vĩ đại sử dụng có chứa chất benzopyrene, một loại hydrocarbon cực độc gây ung thư. Và có thể chính đây là nguyên nhân khiến người phụ nữ huyền thoại này lìa đời.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, National Geographic, Ancient History, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm:
Geen opmerkingen:
Een reactie posten