HÀ NỘI (NV) .- Việt Nam phá giá đồng nội tệ 1% đối với đồng đô la Mỹ trong nhu cầu kích thức tăng tưởng, cố tìm cách vực dậy một nền kinh tế có nhiều nỗi khó khăn.
Nhân viên Ngân hàng Thương Mại Á Châu (ACB) xếp những đống tiền khổng lồ do Ngân Hàng Nhà Nước cung cấp, đối phó với thanh khoản thiếu hụt vì dân chúng hối hả rút tiền khi một số xếp cầm đầu bị bắt giam hồi Tháng 8 năm ngoái. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages) |
Trong bản thông cáo báo chí ngày Thứ Năm, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN giải thích hành động phá giá tiền đồng là nhằm “cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước”.
“Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 28/06/2013 từ mức 20,828 VND/USD lên 21,036 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21,246 VND/USD, tỷ giá sàn là 20,826 VND/USD.” Bản thông cáo báo chí của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ngày 27/6/2013 viết.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đô la trao đổi tự do vẫn luôn luôn cao hơn hối suất chính thức do nhà nước ấn định. Giá đô la mua bán tự do tại Hà Nội sáng ngày 27 tháng 6,2013 được các ngân hàng niêm yết ở mức 21,310 đồng/USD chiều mua vào và 21,350 đồng chiều bán ra – không đổi so với chiều ngày 26 tháng 6. Nhưng bước sang ngày hôm sau, tỷ giá tự do tại Hà Nội sáng ngày 28 tháng 6, 2013 niêm yết ở mức 21,350 đồng/USD chiều mua vào và 21,450 đồng chiều bán ra – tăng 140 đồng chiều mua vào và 100 đồng chiều bán ra so với chiều qua, ngày 27 tháng 6.
Việc Hà Nội phá giá tiền hôm Thứ Năm là lần đầu tiên kể từ tháng 11, 2011 đến nay. Trước đó, tháng 2,2011, Hà Nội đã phá giá đồng bạc tới 8.5%.
Tin tức phá giá tiền diễn ra vào lúc nhà cầm quyền trung ương loan báo tổng sản lượng quốc gia (GDP) gia tăng chút ít trong quý thứ hai. Tăng trưởng kinh tế ở quý thứ hai gia tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với tăng trưởng 4.76% của quý thứ nhất.
Con con số thống kê cũng cho thấy 6 tháng đầu năm nay, thâm thủng mậu dịch đã lên tới $1.4 tỉ đô la so với mức thặng dư $155 triệu đô la cùng thời kỳ của năm ngoái.
“Phá giá đồng bạc là chính sách thông thường khi cán cân ngoại thương lại rơi vào thâm thủng”. Tim Condon, trưởng phòng nghiên cứu Á châu của tập đoàn đầu tư ING Group ở Singapore phát biểu”.
Tuy nhiên, khi phá giá tiền như vậy, có những nguy cơ về đảo lộn thị trường trước sự sợ hãi của quần chúng.
“Một trong những nguy cơ chính yếu là lạm phát sẽ gia tăng và những âu lo khi nhà nước lại còn có thể phá giá tiền thêm những lần khác” khiến cho người ta tìm cách tích trữ đồng đô la. Hệ quả kết tiếp là đồng bạc Việt Nam có thể tiếp tục mất giá nhanh chóng trong cơn lốc khủng hoảng tiền tệ, theo sự nhận định của một chuyên viên ngân hàng Mizuho Corporate Bank Ltd., ở Singapore.
Hà Nội hy vọng với các hành động từ bơm tiền cứu thị trường địa ốc, lập công ty mua nợ xấu, hạ lãi suất kích thích tín dụng và phá giá đồng bạc, sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng được 6% vào năm 2014 từ mức độ dự phóng 5.5% cho năm nay. Hà Nội cũng hy vọng lạm phát năm tới trung bình sẽ khoảng 7% cho năm tới qua việc nhà cầm quyền trung ương chỉ thị cho các cơ quan điều hành kinh tế bắt đầu đưa ra các kế hoạch và chỉ tiêu tăng trưởng năm 2014.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% cho năm tới là quá lạc quan nhìn từ những khó khăn chồng chất của Việt Nam, theo sự nhận xét của kinh tế gia Vũ Thành Tự Anh, giáo sư giảng dạy kinh tế tại đại học Sài Gòn qua chương trình Fulbright.
“Điều đó hoàn toàn không thực tế. Nền kinh tế Việt Nam quá yếu.” Ông Vũ Thành Tự Anh nói với hãng thông tấn Reuters.
Chính Tổng Cục Thống Kê của Bộ Kinh Tế CSVN cũng phải nhìn nhận trong bản phúc trình ngày 27 tháng 6, 2013 là “Sản xuất và kinh doanh trong nước đang đối diện với các khó khăn. Nhu cầu của thị trường nội địa vẫn yếu ớt”. Bản phúc trình viết như vậy và còn nói cái núi nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng đang trì kéo nền kinh tế xuống. (TN) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=168528&zoneid=1#.Uc4hsfnCTL8
Geen opmerkingen:
Een reactie posten