100 năm El Cóndor Pasa : Hoài hương tâm hồn Inca
Trước năm 1913, bản nhạc El Cóndor Pasa đã là một khúc hát dân gian quen thuộc có từ thế kỷ XVIII, nhưng lại khuyết danh tác giả. Nhạc sĩ Daniel Alomía Robles cùng với nhà biên đạo kịch Julio de La Paz (tên thật là Julio Baudouin y Paz) đã hoàn chỉnh ca khúc này từ giai điệu đến lời ca, để đưa nó vào trong một vở kịch zarzuela.
Theo truyền thống Tây Ban Nha, zarzuela (có từ giữa thế kỷ XVII) thuộc vào dạng ca vũ kịch, kết hợp đối thoại, ca khúc với hoạt cảnh múa. Kịch hát zarzuela không nghiêm túc bằng opera, thể loại gần giống nhất là kịch opérette của Pháp.
Vở kịch mang tựa đề "Soy la Paloma que el Nido Perdió", dùng hình tượng của cánh chim mất tổ ấm, con người không còn quê hương, được diễn lần đầu tiên cách đây đúng 100 năm tại Teatro Mazzi, nhà hát lớn thủ đô Lima. Đến năm 1933, toàn bộ tác phẩm được xuất bản, rồi sau đó chìm dần vào quên lãng, nhưng ca khúc El Condor Pasa lại nổi tiếng trên khắp thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà hai tác giả dựa vào thổ ngữ địa phương để đặt lời ca tiếng Tây Ban Nha cho bài hát. Tựa đề bản nhạc nguyên gốc được viết bằng tiếng quechua là Kuntur, Kuntur, trong khi El Cóndor Pasa là tựa đề tiếng Tây Ban Nha. Gọi là thổ ngữ địa phương, nhưng tiếng quechua lại có hơn 10 triệu người sử dụng ở các nước Nam Mỹ, từ Peru đến Bolivia, từ Ecuador đến vùng cao nguyên miền bắc Argentina. Tiếng quechua chỉ được Peru công nhận làm ngôn ngữ chính thức vào năm 1975.
Do nguồn gốc bài hát là một bản dân ca của Peru, cho nên ngôn ngữ địa phương thích hợp hơn so với tiếng Tây Ban Nha. Theo ghi nhận của chuyên gia ngôn ngữ Nam Mỹ Rodolfo Cerrón-Palomino, vào thời kỳ huy hoàng của đế chế Inca, ngôn ngữ chính thức là tiếng aymara chứ không phải là tiếng quechua. Tuy nhiên, aymara chủ yếu được dùng trong các văn bản hành chính, trong khi thổ ngữ quechua thì lại rất phổ biến thông dụng trong dân gian.
Xếp cánh đại bàng, về bên dãy núi. Kẻ tha hương hứa hẹn một ngày về thăm quê hương xứ sở, tìm lại tâm hồn dân tộc Inca qua hình tượng của dãy núi Andes, của kinh thành Machu Picchu và của cố đô Cuzco. Trên xứ sở Peru, bản dân ca này đã được nhiều nghệ sĩ trình bày ghi âm lại.
Nhóm đầu tiên đưa ca khúc này ra nước ngoài kể từ đầu những năm 1960 là ban nhạc Urubamba, ghép lại hai từ uru và bamba thành một chữ. Chữ uru vì nhóm này chuyên chơi các nhạc cụ dân tộc xuất thân từ Uruguay, và bamba là một khúc dân ca truyền thống của người Mêhicô có từ năm 1683 (cuối thế kỷ XVII).
Đến Paris lưu diễn vào năm 1963, tức cách đây đúng nửa thế kỷ, thành viên sáng lập ban nhạc là Jorge Milchberg mới giúp chuyển dịch bài hát sang tiếng Pháp thành Sur le Chemin des Andes (Đường lên dãy núi), do Marie Laforêt ghi âm năm 1966.
Khúc dân ca này sau đó lọt vào tai của Paul Simon thuộc ban song ca Simon & Garfunkel. Tác giả người Mỹ mới viết lời tiếng Anh If I Could cho bản nhạc. Do không chuyên về các nhạc cụ truyền thống Nam Mỹ, nên ban song ca mới nhờ nhóm Los Incas ghi âm bài này cùng với họ vào năm 1970.
Ngoài tiếng sáo thần nhân dương (tức là sáo thần Pan - pan flute), giai điệu còn thuần chất Peru nhờ tiếng đàn đặc thù charango, một loại đàn giống như mandoline nhưng có đến mười dây. Nhạc cụ đặc trưng này của các cộng đồng thổ dân sinh sống tại các vùng cao nguyên, được sáng chế tại thành phố Ayacucho của Peru từ thế kỷ XVII, sau đó được phổ biến rộng rãi ở các nước Nam Mỹ.
Thành công của El Condor Pasa gợi hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ khác. Vào năm 1975, tác giả người Peru Walter León Aguilar, thành viên sáng lập nhóm Los Illusionistas viết ca khúc La Colegiala. Từ đầu những năm 1980 trở đi, bản nhạc trở nên rất quen thuộc vì giai điệu được chọn làm nhạc quảng cáo cho một thương hiệu cà phê. Nhưng đây là một ca khúc nhạc nhẹ, sáng tác theo thể điệu cumbia colombiana, chứ không phải là một bản dân ca truyền thống như điệu huyano của người Inca.
Dù được nhiều lần phóng tác chuyển ngữ, nhưng không có phiên bản nào của El Cóndor Pasa lột tả được trọn vẹn tâm hồn của dân tộc Inca, với nguyên tác viết bằng thổ ngữ quechua. Lời ca mộc mạc đơn giản nhưng man mác nỗi buồn, mênh mông lưu luyến. Tiếng sáo nhân dương dào dạt dập dìu, tiếng đàn charango rung động tha thiết nhưng không lâm ly ai oán, mà lại thổn thức dìu dịu. Do có thân hình rất nặng, cho nên đại bàng (kuntur) không bao giờ cất cánh tung bay mà chỉ dựa vào sức gió để xoải cánh lượn bay, tùy theo luồng gió mà bay lên, bay xuống.
Chính cũng vì thế mà trong nguyên tác, giai điệu bài hát mô phỏng theo nhịp điệu xoải cánh chầm chậm khoan thai của loài chim đại bàng, đối chiếu một bên là tâm hồn nặng trĩu của những kẻ tha hương, và một bên là sự gửi gấm những tình cảm hoài niệm chan chứa trong tim, nhẹ nhàng lướt gió theo đại bàng cánh chim. Nguyên tác của bản nhạc El Cóndor Pasa vì vậy không những rất tình, mà còn rất người. Bởi vì ở bất cứ nơi đâu, kỷ niệm nhè nhẹ ban đầu, nặng dần năm tháng qua mau, rồi không biết từ thuở nào, khiến linh hồn thêm nhức nhối đớn đau.
http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130628-100-nam-el-condor-pasa-hoai-huong-tam-hon-inca
Geen opmerkingen:
Een reactie posten