Trung Quốc rút bài học sau 1979
| ||||||||
Đúng 27 năm trước đây, ngày 17-2-1979, Trung Quốc
đưa quân tràn qua biên giới Việt Nam sau nhiều tuần căng thẳng.
Sau khi cuộc chiến ngắn ngày kết thúc, tất cả các
đơn vị Trung Quốc tham chiến phải viết tường trình về kinh nghiệm
chiến trường.
Trong vấn đề tổng kết cuộc chiến, Trung Quốc ở trong
tình thế khó xử.
Một mặt, họ tuyên bố mình đã chiến
thắng, nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận những tổn thất mà quân
Trung Quốc đã hứng chịu.
Ban lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy cần phải có sự
đánh giá khách quan tình hình. Tuy nhiên, tinh thần ái quốc và thành
kiến văn hóa cũng khiến họ không đưa ra được những kết luận hoàn toàn
khách quan.
Trong bài viết mới nhất về chủ đề này đăng trên tạp
chí China Quarterly tháng 12-2005, tác giả Xiaoming Zhang cho biết quân
đội Trung Quốc đã rút ra sáu bài học từ cuộc chiến 1979.
Thứ nhất, họ kết luận mọi chiến lược và quyết định
quân sự đúng đắn phụ thuộc việc nắm bắt mọi khía cạnh của tình
hình.
Cuộc chiến biên giới 1979 cho thấy Trung Quốc không mấy
chú ý đến chiến thuật và học thuyết quân sự của Việt Nam trước khi
tấn công. Vì thế, họ đánh giá thấp khả năng của đối phương.
Mặc dù chê Việt Nam thiếu khả năng tấn công và phòng
thủ, nhưng văn bản chính thức của Trung Quốc cũng thừa nhận chiến
thuật du kích và dân quân Việt Nam đã khiến Trung Quốc bị bất ngờ.
Bài học thứ hai là phải thu thập đầy đủ thông tin về
tình báo. Sự đánh giá địa hình địa vật của Trung Quốc thường dựa
theo các bản đồ đã quá cũ, trong khi khả năng dò thám trên chiến
trường lại cũng hạn chế.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tính nhầm số lượng các dân
quân Việt Nam. Ban đầu, Bắc Kinh nghĩ tỉ lệ quân đội tham chiến giữa
hai bên sẽ là 8-1.
Nhưng kết quả, riêng tại Cao Bằng có tới 40.000 -
50.000 dân quân Việt Nam, khiến tỉ lệ giảm chỉ còn 2-1.
Nâng cao khả năng
Bài học thứ ba Trung Quốc rút ra từ cuộc chiến liên
quan đến khả năng tác chiến.
Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc thực hiện tác
chiến với sự kết hợp của xe tăng, pháo binh, cộng với không quân và
thủy quân.
Nhưng sự lạc hậu trong học thuyết và chiến thuật
khiến quân đội không có sự phối hợp cần thiết.
Thành kiến đối với khả năng của không quân khiến binh
chủng này không có đóng góp gì vào cuộc chiến ngắn ngày. Trên mặt
đất, quân đội cũng chứng tỏ khả năng hợp tác kém giữa bộ binh, xe
tăng và pháo binh.
Kinh nghiệm năm 1979 dạy cho Trung Quốc những bài học
về kỹ năng điều phối và hợp tác giữa các binh chủng.
Bài học thứ tư là vấn đề về chỉ huy và kiểm
soát.
Quan hệ cá nhân giữa các sĩ quan và quân đoàn vẫn
đóng vai trò lớn hơn các quan hệ dựa trên những định chế.
Vì thế sau này lãnh đạo Quân khu Quảng Châu thừa nhận
họ không thoải mái khi chỉ huy số quân được chuyển từ Vũ Hán và
Thành Đô trong chiến dịch.
Bài học thứ năm là việc chứng tỏ Trung Quốc phải
cải thiện hệ thống cung cấp hậu cần để hỗ trợ cho một chiến dịch xa
nhà.
Vì thiếu kho bãi và thiết bị vận chuyển, hai Quân khu
Quảng Châu và Côn Minh phải tự lập ra một hệ thống hậu cần mà không
bao giờ hoạt động thật hiệu quả.
Khi quân đội tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, các sĩ
quan hậu cần cũng thấy rằng phải nhờ thêm viện quân để bảo vệ tuyến
đường liên lạc.
Bài học cuối cùng liên quan tầm quan trọng của việc
tuyên truyền và vận động nhân dân hỗ trợ cuộc chiến.
Kinh nghiệm năm 1979 cho thấy một số lượng khổng lồ
lính chính quy Trung Quốc gần như không thể tác chiến ở nước ngoài
nếu không có sự ủng hộ của thường dân trong nước.
Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã cổ vũ tinh thần
yêu nước và lòng tự hào trong nhân dân. Kết quả, chỉ riêng ở Quảng
Tây, hơn 215.000 thường dân được huy động để khuân vác, bảo vệ hàng hóa
chở ra trận địa.
Dĩ nhiên, ngày hôm nay không ai nghĩ rằng quân đội Trung
Quốc sẽ lặp lại những gì đã làm trong cuộc chiến năm 1979 với Việt
Nam.
Tuy vậy, một số điểm từ cuộc chiến này vẫn có thể
có ích để nhìn nhận và đánh giá những chiến lược của quân đội Trung
Quốc.
Một kinh nghiệm rút ra là các lãnh đạo Trung Quốc
tính toán rất kỹ về việc khi nào cần dùng sức mạnh quân sự, nhưng
họ không ngần ngại mở cuộc chiến nếu họ nghĩ rằng quyền lợi quốc
gia bị đụng chạm.
|
Geen opmerkingen:
Een reactie posten