Hùng Tâm/Người
Việt
Trung Quốc là mối nguy hay nỗi sợ? Mọi sự có thể đã khởi đầu đúng năm năm về trước - mà chưa dứt. Tất cả mới chỉ là sự khởi đầu. “Hồ Sơ Người Việt” sẽ nói về sự khởi đầu ấy, với sức mạnh kỳ lạ của Trung Quốc và sự thờ ơ đáng sợ của thế giới. Năm 2008 là điểm lật Năm năm về trước, một biến cố “hoành tráng” đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới. Tám giờ tối ngày tám tháng tám năm linh tám, Thế Vận Hội Bắc Kinh khai mạc với màu sắc huy hoàng trong tiếng pháo hoa tại một vận động trường tân kỳ có cái dạng của một ổ chim. Rồi thế vận hội kết thúc 18 ngày sau với sự hào nhoáng còn vĩ đại hơn lễ khai mạc. Một đại cường Châu Á đã xuất hiện, được ghi nhận qua số huy chương của Trung Quốc đã vượt kỷ lục của Hoa Kỳ. Hai chục năm trước đấy, khi Thế Vận Hội Hán Thành được Nam Hàn tổ chức vào năm 1988, người ta thấy một cường quốc kinh tế Á Châu xuất hiện. Cường quốc này đang bắt kịp Nhật Bản là quốc gia đã vươn lên từ những đổ nát của chiến tranh và hoàn thành nhiệm vụ văn minh với Thế Vận Hội Bắc Kinh, tổ chức vào năm 1964. Cũng từ Thế Vận Hội 1988, Nam Hàn đã có thay đổi lớn về chính trị để trở thành quốc gia phú cường và dân chủ, do sự khao khát của dân chúng ở bên trong và sự chuyển hóa thành công của giới lãnh đạo ở bên trên. Chế độ độc tài từ thời Tổng Thống Phác Chính Hy đã cáo chung, nhưng sự kỳ diệu kinh tế do lãnh tụ này tạo ra vẫn được các thế hệ sau tiếp tục. Từ những gì đã thấy tại Nhật Bản rồi Nam Hàn, người ta đặt nhiều kỳ vọng vào Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008: Trung Quốc cũng sẽ chuyển hóa. Hai chục năm sau vụ khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 khiến mấy ngàn người bị tàn sát, Trung Quốc đã rửa mối nhục chậm tiến và dồn sức vào công cuộc phát triển cho sự thịnh vượng chung của toàn thế giới. Sự lạc quan ấy khiến hầu hết các quốc gia lẫn truyền thông báo chí đã đánh chữ “đại xá” cho những gì xảy ra tại Tây Tạng và mấy nơi sinh sống của người Tây Tạng trong lãnh thổ Trung Quốc. Từ hôm mùng 4 tháng 3 năm 2008, dân Tây Tạng ở khắp nơi đã biểu tình phản đối sự hà khắc của chính quyền Bắc Kinh. Ở những nơi Trung Quốc kiểm soát được thì họ bị đàn áp nặng nề. Mấy trăm hay mấy ngàn người chết, không ai biết mà cũng chẳng muốn đếm nữa. Người ta đếm số huy chương vàng của Trung Quốc. Cũng tinh thần lạc quan khiến dư luận khi ấy chẳng thấy bàng hoàng khi Thế Vận Hội Bắc Kinh khai mạc cũng là lúc Liên Bang Nga xua quân vào Cộng Hòa Georgia (Gruzia) trong vùng Caucasus với lý do bảo vệ hai vùng tự trị trong lãnh thổ của quốc gia này là Nam Ossetia và Abkhazia. Mải theo dõi thế vận, thời sự thế giới không tìm hiểu thêm nguyên nhân sâu xa của vụ xung đột. Với nhiều nhà bình luận thì dù sao, đấy chỉ là chuyện một cường quốc dụng binh để kéo một nước chư hầu vào quỹ đạo truyền thống của mình. Khi ấy, cũng ít ai để ý đến phản ứng thiếu quyết liệt của Hoa Kỳ, hoặc nỗ lực hòa dịu của hai nước Tây Âu là Ðức, Pháp. Cuộc cách mạng dân chủ hóa của một nước Georgia độc lập (“Cách Mạng Hoa Hồng”) cuối năm 2003 bị đẩy lui và sau đó bị lãng quên. Người ta có lý do chính đáng để lãng quên vì chỉ ba tuần sau khi Thế Vận Bắc Kinh hạ màn, ngày 15 tháng 9 năm 2008, tổ hợp đầu tư Lehman Brothers của Hoa Kỳ bị phá sản, kéo theo hàng loạt cơ sở lớn lao khác trong một vụ khủng hoảng tài chánh hy hữu. Năm đó, Hoa Kỳ lại có tổng tuyển cử và sẽ bầu lại tổng thống. Khủng hoảng tài chánh tại Mỹ đã châm ngòi cho một cơn địa chấn kinh tế của tất cả các nước dân chủ Tây phương, từ Âu Châu đến Hoa Kỳ và cả Nhật Bản, một quốc gia chưa thoát ra khỏi sự đình đọng từ năm 1991. Người ta gọi cơn địa chấn này là Tổng Suy Trầm (Global Recession) và đấy là bối cảnh dù chẳng là nguyên nhân của vụ khủng hoảng đồng Euro lẫn sự rạn nứt trong cơ chế Liên Hiệp Âu Châu. Cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ trong cơn hốt hoảng chung của cả nước còn dẫn đến một chu kỳ bao cấp với biện pháp chống đỡ cổ điển là tăng chi để kích cầu. Nước Mỹ bị bội chi nặng và mắc nợ còn nặng hơn xưa. Ngày nay, tuần này, Hoa Kỳ vẫn chưa ra khỏi tình trạng ấy. Chuyện nợ nần của Hoa Kỳ, “Hồ Sơ Người Việt” đã tổng hợp lại cách đây hai tuần nên xin khỏi nhắc đến. Bây giờ mới đến kết luận của phần đầu: năm 2008 là “điểm lật” của toàn cầu, khi một cường quốc mới là Trung Quốc hiên ngang xuất hiện trước sự suy sụp của các cường quốc tiên tiến Tây phương, kể cả Hoa Kỳ. Kỷ nguyên Trung Hoa Cuối năm 2009, công ty phân tách truyền thông tại Hoa Kỳ là Global Language Monitor thông báo một kết quả khảo sát trong năm. Họ kiểm điểm xem biến cố nào của thế giới được báo chí, truyền hình, đài phát thanh và Internet theo dõi nhiều nhất kể từ năm 2000. Kết quả khảo sát là người ta để ý nhất đến “sự quang phục của Trung Hoa”, còn nhiều hơn vụ khủng bố 9-11 vào năm 2001 tại Mỹ, hay việc một người da đen đã đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Mà cũng chính đáng thôi. Sau khi thi triển kỹ thuật, nghệ thuật và thủ thuật siêu hạng để biểu diễn sự xán lạn của Trung Hoa trong thế vận hội, dưới sự lãnh đạo của một đảng Cộng sản, Trung Quốc lập tức bơm tiền cứu nguy kinh tế từ tháng 11 năm 2008. Tổng số tiền bơm ra trong mấy năm sau đó đã lên tới hơn bốn ngàn tỷ đô la cho một nền kinh tế chỉ có sản lượng ở khoảng sáu ngàn tỷ. Với lực đẩy vĩ đại như vậy thì trong khi Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản còn bần thần bải hoải, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh và vượt qua Nhật Bản vào năm 2010. “Hồ Sơ Người Việt” xin tạm gác một bên những số liệu kinh tế trừu tượng này mà nói về nền văn hóa thần bí của Trung Hoa. Người Trung Hoa hay lưu truyền giai thoại hay thần thoại về sự thông tuệ của nhân vật Khổng Minh Gia Cát Lượng. Là người thượng thông thiên văn hạ thuộc địa lý, ông ta có thể xủ quẻ bấm độn mà đoán trước mọi việc như thần, vì vậy ta mới gọi là “thần thoại”! Trong các giai thoại, có chuyện “Mã Tiền Khóa,” bói quẻ trước đầu ngựa. Khổng Minh để lại 14 quẻ bói cho thấy trước những chuyện vị lai, chưa xảy ra. Chỉ sau khi xảy ra rồi thì đời sau mới kiểm chứng được, mà còn phân vân y như dân ta nói về Sấm Trạng Trình. Mỗi quẻ bói lại ứng vào một sự đổi thay lớn của Trung Quốc từ đời Tấn trở về sau, từ thế kỷ thứ hai cho đến sau này... Quẻ thứ 13 nói đến thời kỳ gọi là “Quang diệu Trung Hoa,” sự xuất hiện chói lòa của Trung Quốc. Nó có thể ứng vào năm 1949 khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ra đời. Hay vào năm 2008 vừa qua khi Trung Quốc lên tới đỉnh cao chói lòa của toàn cầu giữa những lầm than hậm hực của các nước phương Tây đã từng coi Trung Quốc là con bệnh của Ðông Á. Nó cũng có thể là năm 2016 hay 2030, khi kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để dẫn đầu thế giới. Sự sai chệch về thời điểm nằm trong cách đếm Tổng sản lượng theo tỷ giá mãi lực PPP (là sức mua của đồng bạc tại Trung Quốc là lớn hơn nếu so với đồng bạc đó tại Mỹ) hay trên mệnh giá face value... Dù sao mặc lòng, với nhiều người Trung Hoa, sự xuất hiện kỳ diệu của Trung Quốc là một thực tế tâm lý. Dù không hoàn toàn đồng ý với lãnh đạo Bắc Kinh về từng chuyện, nhiều người Hoa thời nay cũng thấy hả dạ. Mà hả dạ thật. Người ta quên hẳn là Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống George W. Bush đã tung tiền đẩy lui bệnh Liệt Kháng (AIDS) và đẩy mạnh việc diệt trừ vi khuẩn HIV tại Phi Châu, một thành tích hãn hữu của ông tổng thống bị chê trách nhiều nhất. Người ta ca tụng là Trung Quốc đã tung tiền đầu tư vào mọi lục địa trên thế giới và giúp các nước cứu đói giảm nghèo. Giữa cơn địa chấn kinh tế của các nước giàu có nhất, năm 2010, Trung Quốc đã cung cấp tín dụng nhiều hơn Ngân Hàng Thế Giới, là định chế được lập ra từ sau Thế Chiến II để tái thiết và phát triển các nước nghèo - và đã từng cho Bắc Kinh vay tiền lẫn những khuyến cáo về cải cách. Trung Quốc đã viện trợ cho nhiều nước Phi Châu, Á Châu, Trung và Nam Mỹ Châu mà chẳng đòi hỏi điều kiện gì về xã hội hay chính trị. Doanh nghiệp Trung Quốc đã mua đất và đem kỹ sư khai thác tài nguyên ở mọi nơi để tạo ra sự thịnh vượng cho nhiều nước và nhất là cho chính quyền sở tại. Quốc gia nào bị chê trách về ách độc tài, như Cuba, Venezuela, Iran, hay Bắc Hàn, đều có thể được Bắc Kinh trợ giúp... Trong 450 tỷ đô la mà Trung Quốc đã đầu tư ra ngoài, có 74% là vào các nước đang phát triển - nghĩa là đang thiếu tiền đầu tư! Với hơn ba ngàn tỷ đô la trong khối dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc là quốc gia chủ nợ số một của Hoa Kỳ vì nắm trong tay cả ngàn tỷ tài sản công khố phiếu của Mỹ. Và ngàn tỷ cũng là số bội chi hàng năm của nước Mỹ kể từ năm 2009. Hơn hẳn lực đẩy của Hoa Kỳ, lời khuyên dạy của Âu Châu, hoặc những nghị quyết vô hiệu của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc ngày nay mới là quốc gia đang làm thay đổi bộ mặt của thế giới... An ninh và thịnh vượng, nguyên nhân và lý do Ngày xưa, lấy lại câu phát biểu của một thuộc cấp về quân sự, Ðặng Tiểu Bình đã chỉ ra một phương châm thực dụng, rằng “mèo trắng mèo đen gì cũng tốt cả nếu biết bắt chuột.” Ý thức hệ không là yếu tố quyết định. Cũng chính Ðặng Tiểu Bình đã để lại lời khuyên cho thế hệ lãnh đạo về sau là nên “thao quang dưỡng hối,” là tỏa ra cái sáng mà che giấu những gì đen tối ở bên trong. Cái sáng là sức mạnh kinh tế và tiềm năng phát triển. Phần đen tối là giấc mơ của Ðế quốc Ðại Hán, với khả năng quân sự vượt bậc. Theo tinh thần thực dụng của họ Ðặng, các nước trên thế giới đều biết cái mặt xấu xa của Trung Quốc ở bên trong: độc tài chính trị, bất công xã hội, gây ô nhiễm môi sinh, chà đạp nhân quyền, đàn áp dân thiểu số, ủng hộ các chế độ hung đồ quái quỷ, v.v... Biết mà bỏ qua vì mối lợi rất lớn của hợp tác kinh tế. Các nước Á Châu còn đi xa hơn vậy: giao kết với Trung Quốc để tìm ra sự thịnh vượng cho mình, còn an ninh của mình thì đã có Hoa Kỳ đảm nhiệm. Ðấy là một mâu thuẫn hay nghịch lý rất hợp lý. Nhưng trên đỉnh “Quang diệu Trung Hoa,” giới lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay đã bỏ lời khuyên của họ Ðặng về sự khiêm cung nhũn nhặn. Họ phát huy sức mạnh quân sự mở rộng từ Pakistan qua Ấn Ðộ Dương, trùm lên Ðông Hải và miền Tây biển Thái Bình lên tới bán đảo Triều Tiên. Không chỉ phát huy, họ còn cổ xúy và bênh vực thái độ bành trướng ngang ngược, bất chấp sự phản đối của Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và nhiều nước Ðông Nam Á. Khi thế giới có chuyện thay bậc đổi ngôi (một cường quốc trẻ xuất hiện và đe dọa quyền lợi của một cường quốc về già), chiến tranh thường dễ xảy ra. Mà chiến tranh bùng nổ vì hai chuyện hoàn toàn khác biệt. Lý do có thể chỉ là một tai nạn bất ngờ chẳng ai lường được trước. Nguyên nhân mới là những động lực sâu xa khiến bất cứ lý do nào cũng có thể gây ra chiến tranh. Chuyện thay bậc đổi ngôi có thể là nguyên nhân, còn lý do có thể là một sự đụng độ rất nhỏ vì điều vu vơ không đáng kể. Chiến tranh là mối lo ngày nay của thế giới sau những chuyển động được ghi dấu từ năm 2008, loại chuyển động mà ta gọi là nguyên nhân. Nhưng mà nhìn trên bản đồ thế giới, những nơi nào có thể bật ra tia lửa mà ta gọi là lý do của chiến tranh? Thưa rằng không phải là Trung Ðông với quyết định tự sát của Iran hay Israel. Từ năm 1948, khu vực này đã có nhiều tia lửa có thể châm ngòi cho đại chiến thế giới mà sau cùng các nước đều biết tự chế. Thật ra, năm nơi có thể châm ngòi cho chiến tranh chính là Châu Á. Biển Ðông Nam Á là một; quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư Ðài là hai; bán đảo Triều Tiên với trò đùa của Bắc Hàn là ba; dưới chân Hy Mã Lạp Sơn và biên giới giữa Ấn Ðộ với Pakistan là bốn. Bốn nơi đó đều có quan hệ với Trung Quốc, thậm chí là có bàn tay tối ám của Bắc Kinh. Nơi thứ năm chính là Trung Quốc. Xứ này bị động loạn từ bên trong khiến lãnh đạo có phản ứng tự vệ là gây ra chiến tranh để nhờ lý cớ là giặc ngoài mà diệt kẻ thù ở bên trong. Mà nguyên nhân của động loạn thì có rất nhiều. Ðấy là mặt trái ít ai nói tới của chuyện “Quang diệu Trung Hoa.” Kết luận ở đây là gì? Như trong một màn “múa đôi,” muốn có chiến tranh thì ít nhất cũng phải hai người. Trung Quốc có thể là ngoại lệ! Vì vậy, chúng ta nên tạm quên chuyện thăng giáng theo mùa của Tổng sản lượng hay cổ phiếu Trung Quốc mà nhìn sâu vào nguy cơ loạn lạc ở bên trong xứ này! |
donderdag 21 februari 2013
‘Quang Diệu Trung Hoa’
‘Quang Diệu Trung
Hoa’ Wednesday, February 20, 2013
3:47:50 PM
Geen opmerkingen:
Een reactie posten